Hiện tượng học Kiến trúc: Hướng đến một phương thức trải nghiệm kiến trúc

Hiện tượng học là một lý thuyết trong kiến trúc còn nhiều chiều kích chưa được sáng tỏ. Mục đích của bài viết này là đưa ra những nhận định khái quát về lý thuyết hiện tượng học cũng như các khía cạnh cần xem xét trong trải nghiệm kiến trúc. Nghiên cứu dựa trên những diễn ngôn triết học và mối liên hệ với kiến trúc từ các nhà lý thuyết kiến trúc trên thế giới. Thông qua đó, ta có thể thấy Hiện tượng học kiến trúc là một cách tiếp cận nhân văn, đa dạng trong trải nghiệm của con người với không gian và nơi chốn.

Hiện tượng học Kiến trúc là một lý thuyết tuy không mới trên thế giới nhưng ở Việt Nam chỉ mới được nghiên cứu những năm gần đây. Lý thuyết Hiện tượng học giúp chúng ta khảo sát kiến trúc dưới góc nhìn phát lộ từ những hiện tượng tinh thần và trải nghiệm của giác quan. Kiến trúc không chỉ dừng lại ở trình diễn thị giác hay đáp ứng nhu cầu công năng đơn thuần, mà còn đưa con người vượt qua những cấu trúc duy lý thuần túy, từ đó việc diễn giải kiến trúc trở nên đa nghĩa và trải nghiệm kiến trúc trở nên nhân văn hơn.

“Architecture is about in understanding of the world and turning it into a more meaningful and humane place” (Kiến trúc là về sự hiểu biết về thế giới và biến nó thành một nơi có ý nghĩa và nhân văn hơn) – Juhani Pallasmaa.

Hiện tượng học và Hiện tượng học Kiến trúc

Hiện tượng học (phenomenology) là nhánh triết học nghiên cứu cấu trúc của sự trải nghiệm (experience) và ý thức (consciousness). Trong triết học Kant, “Hiện tượng” là những sự vật xuất hiện trong kinh nghiệm ý thức của chúng ta, còn lại những sự vật không xuất hiện trong kinh nghiệm được Kant gọi là bản thể. Edmund Husserl (1859-1938) là người sáng lập chính của Hiện tượng học và là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20. Mệnh đề được Ông đưa ra tập trung về bản chất của ý thức, mọi kinh nghiệm hay hành động của ý thức đều có ý thức, đó là chủ thể và ý thức luôn là ý thức về một cái gì đó, mà ông gọi là tính ý hướng (hay ý hướng tính, chủ ý). Hiện tượng học tập trung vào các nhận thức, suy nghĩ, hành động hướng đến mọi sự vật sự việc trên thế giới và thậm chí là chính ý thức, cách mọi thứ được định hướng qua các hình thức kinh nghiệm những điều ý nghĩa bởi trải nghiệm khác nhau.

Kiến trúc với góc nhìn Hiện tượng học tập trung với những nội dung tư duy cốt lõi cụ thể là:

  1. Hiện tượng tập trung vào vai trò của tri giác, nhận thức, kinh nghiệm;
  2. Nhận thức về không gian, môi cảnh là phức hợp của kinh nghiệm đa giác quan;
  3. Khái niệm về môi cảnh trọng tâm của Hiện tượng học Kiến trúc, được xem là “mối nối” giữa kiến trúc và chủ thể cảm thụ kiến trúc.

Trong bối cảnh Kiến trúc Hiện đại (Modernism) bước vào giai đoạn khủng hoảng, Hiện tượng học là một phần nền tảng lý thuyết cơ sở cho những phê phán của Kiến trúc Hậu – Hiện đại (Post-Modernism) với Kiến trúc

Hiện đại, những vấn đề phản biện được đưa ra với Kiến trúc Hiện đại như:

  • Đơn điệu và nhàm chán;
  • Thờ ơ với môi cảnh;
  • Khiến lịch sử và truyền thống bị lãng quên;
  • Chạy đua thương mại hóa trong kiến trúc;
  • Làm mất cảm xúc của vật liệu kiến trúc.

Kiến trúc về bản chất là sự mô tả giản lược có chọn lọc những hiện tượng mà con người ghi nhận, khai thác, phân tích từ thế giới sống. Từ đó, tạo ra môi cảnh che chở bao bọc cho các hoạt động sinh hoạt có mục đích của con người. Kiến trúc không thể tự sinh ra, mà đó là kết quả của hoạt động văn hóa của con người, xuất phát từ sự hiểu của con người về tự nhiên. Các bộ môn khoa học công nghệ chỉ có thể diễn giải được một phần hình thái kiến trúc của công trình. Hiện tượng học Kiến trúc (Architectural Phenomenology) đã đưa kiến trúc tiệm cận hơn với đời sống hàng ngày thay vì những khái niệm của khoa học thực chứng, những tiêu chuẩn kinh tế xã hội, những số liệu thống kê và sự áp chế của khoa học công nghệ. Hiện tượng học Kiến trúc nhấn mạnh những vấn đề về bản sắc cá nhân và giá trị của các đặc tính khu vực bị chi phối và đồng hóa trong phong cách quốc tế. Từ đó, khôi phục ý nghĩa hiện sinh của con người, tìm lại ý nghĩa nhạy cảm của các giác quan trong sự chiếm ưu thế của hành trình thị giác, sự thống trị của thương mại và nền công nghiệp vật liệu nhân tạo, tìm lại sự trải nghiệm văn hóa. Điều đó được chỉ ra dựa trên những chủ trương thiết kế của Kiến trúc Hậu-hiện đại:

  1. Tạo bối cảnh: Các công trình phải gắn với môi trường xung quanh;
  2. Tạo sự ẩn dụ: Hình thức của công trình phải nói lên nhiều ý nghĩa, có nhiều chi tiết kiến trúc mang tính tượng trưng;
  3. Nhấn mạnh trang trí: Để lột tả cảm xúc gợi những ẩn dụ trong văn hóa, lịch sử.
Sơ đồ 1. Hiện tượng học trong diễn giải môi cảnh nơi chốn (Nguồn: tác giả)
Sơ đồ 2. Giải cấu trúc trong thông diễn Hiện tượng. (Nguồn: Tác giả)

Một phương thức trải nghiệm kiến trúc

Kiến trúc dưới góc độ cảm thụ tinh thần về môi cảnh, nơi chốn.

Được khởi xuất từ triết gia Heidegger và là nguồn cảm hứng cho Christian Norberg Schulz trong cuốn Genius Loci – Hướng tới hiện tượng học kiến trúc (Genius Loci – Towards a Phenomenology of Architecture 1979), với những khái niệm về địa điểm và không gian. Mối quan hệ giữa kiến trúc và địa điểm, môi trường, cảnh quan và sự đồng nhất với một địa điểm cụ thể. Ông nói rằng: Hiện tượng học xuất hiện như là một phương pháp rất phù hợp để thâm nhập vào thế giới của sự tồn tại hàng ngày. Những không gian trừu tượng, không gian phổ quát trong kiến trúc Hiện đại cần được thay thế bởi không gian có tính chất tượng trưng thiết lập được mối quan hệ giữa con người và môi trường. Ông cho rằng nhiệm vụ của kiến trúc là “làm cho một địa điểm trở thành một “nơi chốn”” – Nghĩa là những ý nghĩa của kiến trúc hiện diện trong một môi cảnh nhất định, thay thế cho tính phổ quát hóa, đồng bộ hóa trong kiến trúc quốc tế. Cách mà con người tạo nên môi cảnh nhân tạo bằng việc tương tác với môi cảnh tự nhiên được C. Norberg Schulz chỉ ra là:

  • Xây dựng lại những hình ảnh hay sự hiểu biết của mình về tự nhiên, xây dựng lại cấu trúc tự nhiên để thể hiện sự hiện hữu của con người;
  • Bổ sung vào môi cảnh có sẵn bằng cách thêm vào những đặc tính chức năng còn thiếu;
  • Biểu tượng hóa ngụ ý rằng ý nghĩa được trải nghiệm được “dịch” sang một phương tiện khác. [5, tr.17]

Với Schulz, môi trường kiến trúc do con người tạo ra không phải là cấu trúc duy lý mà nó là cấu trúc của ý nghĩa hiện thân [5, tr.50]. Nơi chốn không tồn tại như một thực thể độc lập, nó là kinh nghiệm của mọi người; hợp nhất với dòng chảy của thời gian (xem Sơ đồ 3). Kinh nghiệm nơi chốn là những hiện tượng của một địa điểm được trải nghiệm thông qua ý thức của người quan sát. Do đó, có thể có nhiều kinh nghiệm về một hiện tượng. Nó sẽ phụ thuộc vào cách thức mà các hiện tượng được trình bày cho người sử dụng.

Sơ đồ 3. Kinh nghiệm về nơi chốn (Nguồn: [7] )
Kiến trúc dưới góc độ cảm thụ tri giác thể xác

Từ lý thuyết Merleau Ponty và Bachelard, xem xét sự tương tác giữa các giác quan với môi cảnh nơi chốn thông qua quá trình trải nghiệm cuộc sống – môi cảnh kiến trúc. KTS Kenneth Frampton đã có đưa ra những lý luận về phê bình khu vực (Critical Regionalism) nổi lên trong trào lưu Hậu Hiện đại. Cùng với đó là những lý thuyết hướng tới kiến trúc của các giác quan, cảm nhận về âm thanh, hương vị, ánh sáng, cảm quan xúc giác đến từ Tadao Ando, Juhani Pallasmaa, Pérez Gómez hay Peter Zumthor,…

Trong phần đầu của cuốn Suy tưởng kiến trúc (Thinking Architecture 1999), P. Zumthor cho cho rằng vật chất là hình thức xúc giác của hiện tượng tạo điều kiện cho ý thức, hiện tượng vật chất tạo nên ký ức và cảm xúc [7, tr.9-10]. Còn với Juhani Pallasmaa, trong Kiến trúc của bảy giác quan (An Architecture of the Seven Senses) ông chỉ trích cách tách rời công trình khỏi thực tế của vật chất và thủ công, biến kiến trúc thành một sân khấu cho thị giác, không có tính xác thực của vật liệu và logic kiến tạo. Trong các tác phẩm “Đôi mắt của làn da” (The Eyes of the Skin) và “Đôi tay suy tư” (the Thinking hand), sự ẩn dụ, nhân hóa được đưa vào để đẩy mạnh các giá trị của sự va chạm xúc giác trong bối cảnh thị giác của công nghệ đang áp chế đối với hoạt động của đời sống con người. Vấn đề của sự phát triển công nghệ chủ yếu dựa vào thị giác mà giảm các khía cạnh tương tác trực tiếp trong cuộc sống hàng ngày và sự tham gia của cơ thể vào kinh nghiệm sống. Điển hình như sự phát triển của công nghệ thực tế ảo (VR) hay những cảm biến thông minh trong, làm cho con người trở nên lười biếng, lệ thuộc vào công nghệ mà mất đi những trải nghiệm không gian cần thiết trong hoạt động sinh tồn.

Từ đó Hiện tượng học Kiến trúc đặt ra những câu hỏi cho kiến trúc trong thời đại mới:

  1. Kiến trúc tác động đến cuộc sống con người như thế nào? Và trải nghiệm của con người trong thế giới đó?
  2. Công năng và ý nghĩa của các công trình có thay đổi theo thời gian lịch sử không? Ở những nơi khác nhau, những nền văn hóa, lối sống và thời đại lịch sử khác nhau thì những cách sử dụng, kinh nghiệm và ý nghĩa đó có sự giống nhau và khác nhau như thế nào?
  3. Những tiến bộ nào trong công nghệ số và thực tế ảo ảnh hưởng đến bản chất của kiến trúc và các địa điểm trong thế giới thực như thế nào?

Hiện tượng học – hướng đến kiến tạo nơi chốn (making place) và bầu khí kiến trúc (architectural atmosphere)

Con người sống không tách rời địa điểm cũng như kiến trúc không tách rời hoạt động sống của con người. Những vấn đề về con người (văn hóa, lối sống, sinh hoạt, giao tiếp,…), tự nhiên (cây cỏ, bầu trời, sông ngòi, mặt nước, các loài sinh vật), các chi tiết kiến trúc (Sàn, trần, tường, cửa đi, cửa sổ, mái, ô văng, ban công, lô gia,…), không gian chức năng được xem xét tổng hòa với sự giao thoa, thông qua các tác động đến chất lượng môi trường sống (ánh sáng, màu sắc, vật liệu, nhiệt độ, thông gió, âm thanh, tiếng ồn,…).

Việc khai thác những yếu tố thuộc về nơi chốn bao gồm: Khai thác các yếu tố tự nhiên và nhân tạo: Địa hình, mặt nước, bầu trời,.. và Khai thác các yếu tố con người: Văn hóa, lối sống là cách để tạo sự ràng buộc giữa công trình và bối cảnh. Từ đó, thể hiện được rõ hơn bản sắc và sự tiếp biến bản sắc của từng khu vực.

Đối với không gian trải nghiệm giác quan, cần quan tâm đến những yếu tố có thể kể đến như:

  • Ánh sáng: Kiến trúc hơn hết cũng cần sự quang hợp để sống và phát triển. Ánh sáng là biểu cảm thấy rõ của một không gian. Ánh sáng gợi lên sự ấm áp, thân thiện, lạnh nhạt hay thậm chí là rùng rợn. Có thể thấy như ánh sáng mặt trời là câu chuyện của bầu khí quyển, sự tương tác với mây trời, cây cối, sự dịch chuyển của bóng đổ trong ngày, tính chất của ánh sáng ban mai với ánh sáng hoàng hôn bản chất đã là một sự đa dạng, chưa nói đến tâm trạng của con người trong cảnh đó. Ánh sáng chuyển động, phản chiếu, hấp thụ bởi bề mặt, tạo bóng đổ, hình ảnh của vật thể này lên vật thể khác. Bóng tối là một loại ánh sáng, sự tương phản tối sáng là kết quả của tất cả các quá trình chuyển động và hòa trộn trên. Sự bí ẩn và mơ hồ của bóng đổ với ánh sáng là điều kiện để hình thành bầu khí. Tùy thuộc vào các biến đổi thuộc tính của ánh sáng vận dụng vào trong không gian.
  • Vật thể: Bầu khí trong bối cảnh không gian kiến trúc là tập hợp các vật thể/ vật dụng trong không gian đó, với P.Zumthor là từ cái tay nắm cửa, đến chiếc ghế sofa,… Những yếu tố này bổ sung chức năng cho không gian đó. Những đồ vật trong không gian đó là một phương tiện thể cho thấy tính cách của chủ thể sử dụng.
  • Không khí: Chính là môi trường sống của con người, mùi thơm lúa mới, mùi cỏ cháy,… là những mùi vị có tính gợi hình hơn cả nếu trong kinh nghiệm sống trải của người cảm thụ đã được ghi nhận.
  • Vật liệu: Có thể được biến đổi khác nhau để tạo nên sự đa dạng, sự kết hợp của những vật liệu, của vật liệu với kết cấu, màu sắc, tính chất, hình dạng của vật liệu là yếu tố quyết định đến sự quang hợp – ánh sáng, sự thở – không khí, sự tri giác – giác quan,…tất cả tạo ra cảm giác (feelings), tâm trạng (moods) và thái độ (attunements). Lựa chọn vật liệu là một trò chơi ngôn ngữ trong kiến trúc với bối cảnh địa điểm và kỹ thuật xây dựng dựa trên vật liệu đó.
  • Âm thanh: Không khí và vật thể tạo nên một môi trường cho âm thanh. Âm thanh được hấp thu, khuếch tán và truyền đi bởi vật liệu. Những không gian trống là âm thanh của sự tĩnh lặng, giới hạn của những bền mặt. Âm thanh gây ra phản ứng cảm xúc và cảm giác. Âm thanh là một trạng thái vô hình nhưng cho phép ta hình dung cũng như cảm nhận các đặc điểm hiện diện trong kiến trúc.
Tác phẩm Đôi tay suy tư của Juhani Pallasmaa

Kết luận

Sự đa dạng trong điều kiện tự nhiên và văn hóa các dân tộc tại Việt Nam là nền tảng cơ sở cho nhiều khía cạnh nghiên cứu của Hiện tượng học Kiến trúc tiếp cận. Hình thái kiến trúc từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, ở từng vùng miền, dân tộc là minh chứng cho việc tiếp thu những hiện tượng vào trong ngôn ngữ kiến trúc. Lối diễn giải theo cấu trúc luận dần bộc lộ rõ sự cứng nhắc của lối suy luận duy lý vì nó cho rằng kiến trúc phải diễn tả cái này hay phản ánh cái kia một cách chân thực. Giờ đây, các yếu tố vật chất và tinh thần của công trình kiến trúc cần được “nói chuyện” với nhau nhiều hơn để đi đến sự dung hòa. Lối tư duy Hiện tượng học là một gợi ý mang tính mở và nhân bản hơn trong tiếp cận với thiết kế, làm giảm đi tính hình thức và mở ra những thú vị hơn trong nội dung và ý nghĩa của công trình thay vì tính chân thực (tả thực) hay tính duy lý (đúng/sai) của kiến trúc cấu trúc luận hay hình thức luận. Chính sự phức tạp, đa nghĩa của lối tư duy Hiện tượng học đã đưa kiến trúc đến với cái tự sự của riêng mình giúp cho người cảm thụ người sử dụng kiến trúc có lối tư duy tùy biến và cởi mở hơn.

Có thể coi Hiện tượng học kiến trúc như một phương thức tiếp cận mang tính nhân văn. Do vậy, ta thấy rằng Hiện tượng học trong kiến trúc là một hướng đi, một công cụ hay một phương pháp để tìm về bản chất của kiến trúc nói chung và kiến trúc đương đại Việt Nam nói riêng. Hướng đến lối diễn giải Hiện tượng học là một phổ niệm cần thiết trong lý luận và thực hành kiến trúc ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

ThS.KTS. Trần Trọng Tin
Khoa Kiến trúc – MTCN, Đại học Yersin Đà Lạt, Đà Lạt, Lâm Đồng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022)


Tài liệu tham khảo
[1]. Trần Thái Đỉnh (1969) Hiện tượng học là gì?, NXB Hướng Mới;
[2]. Đặng Thái Hoàng (2016), Hiện tượng học kiến trúc, NXB Mỹ Thuật, Hà Nội;
[3]. Ngân Xuyên dịch (2008) Hoàn cảnh Hậu hiện đại, Jean Francois Lyotard, NXB Tri thức, Hà Nội;
[4]. Trần Trọng Tin (2021), Kiến trúc – Văn hoá Hiện sinh dưới góc nhìn Hiện tượng học, Tạp chí Kiến trúc số 01;
[5]. Christian Norberg-Schulz (1980) Genius Loci, towards a phenomenology of architecture, New York, Rizzoli;
[6]. Juhani Pallasmaa (1996), The Eye of The Skin: Architecture and the Senses, Academy Editions, London;
[7]. Juhani Pallasmaa (2018), Architecture as Experience, The fusion of the world and the self, Architectural Research in Finland, vol.2, no.1;
[8]. Peter Zumthor (1999), Thinking Architecture, Birkhäuser Architecture, Boston, Berlin.D;
[9]. Steven Holl; Juhani Pallasmaa & Alberto Pérez Gómez(1994) Questions of perception : Phenomenology of architecture. Tokyo, JP: A+U Publishing Co., Ltd.;
[10]. Martin Heidegger (1993), Building Dwelling Thinking. In: Krell, David Farrell, ed (1993) Basic Writings: from Being and Time (1927) to The Task of Thinking (1964), London, Routledge, pp. 344 ;