Hiểu sai về “phát triển” đô thị ở Đà Lạt

Chính quyền Đà Lạt hiện nay đang nóng ruột phát triển thành phố bằng mọi giá, nhưng cái giá phải trả cho phát triển nóng là biến một thành phố “Tiểu Paris” của Đông Dương, được định dạng là “thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố” mê hoặc lòng người, trở thành một thành phố phi danh tính – không thể nhận dạng.

PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục: “Xóa sổ Khu trung tâm lịch sử Rạp Hòa Bình với những bản phối cảnh chất lượng thấp, có phần ngô nghê là sự cẩu thả, thể hiện sự coi thường dân và nóng vội phát triển…”

Sự  ra đời của thành phố Đà Lạt được ví như đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng bởi vị “hoàng tử” tràn đầy yêu thương miền đất người Thượng là bác sĩ Alexandre Yersin, khi ông lần đầu đặt chân đến cao nguyên huyền thoại Lâm Viên năm 1893. Ông cùng Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer quyết định chọn nơi đây để xây dựng một địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng năm 1897. Toàn quyền Paul Beau tiếp nối, có công hình thành các tuyến đường giao thông chính tới Đà Lạt từ những vệt mòn của các con đường cổ xưa cuả cư dân bản địa.

 Cấu trúc xương sống của thành phố

Thời kỳ của Toàn quyền Maurice Long là bước quyết định khi bổ nhiệm Kiến trúc sư trưởng Đông Dương Ernest Hébrard quy hoạch Đà Lạt năm 1923 để hình thành nên cấu trúc và căn tính khác biệt vô cùng diễm lệ của  nó.

Quy hoạch Đà Lạt của ông như cách ta bóc đi lớp vỏ bọc đất đá để lộ một viên ngọc đại ngàn nơi rừng sâu núi thẳm, đã trở thành kinh điển thế giới. Chỉ với vài chấm phá tài hoa như bàn tay tạo hóa trên không gian thiêng từ xa xưa của người bản địa, giữa núi đồi và thung lũng, sau hai năm làm việc ông đã hình thành hai đường viền cốt tử cho Đà Lạt đến tận hôm nay và mãi mãi mai sau.

Đường viền thứ nhất bao quanh một khu vực chừng 30 ngàn ha có thể bao chứa chừng 50 ngàn dân. Đây cũng là đường viền phân định ranh giới thành phố và tự nhiên, để tuyệt đối tránh việc xây dựng có thể lấn vào thiên nhiên hoang sơ bao bọc xung quanh.

Nó cũng là ranh giới để tất cả các hoạt động sản xuất (kể cả nông nghiệp) và quân sự phải đưa ra ngoài để đảm bảo sự bình yên cho các cư dân, vốn tìm chốn thiên đường mộng mơ để dừng chân với chút thời gian ít ỏi so với đời người xô bồ mệt mỏi.

Sự hấp dẫn của du khách cho đến hôm nay cũng vẫn chỉ vậy, có một nơi đủ thơ mộng để trốn chạy cuộc đời. Một quy hoạch tinh tế có thể mang lại hồn cốt cho một nơi chốn như Đà Lạt chắc cơ hội cũng chỉ một lần.

Đường viền thứ hai thật tuyệt mỹ khi Hébrard tựa vào địa hình để chạy một nét mềm mại ở lưng chừng giữa núi đồi và thung lũng, khoanh ranh giới mơ hồ của  một bên là những đồi thông cổ cao vút, một bên là những thung sâu thấp xuống – cũng là đường viền chính để bám theo nó lựa chọn đất xây dựng một thành phố ẩn giữa cỏ cây.

Ở đáy của các thung lũng cắn nhau chạy dài từ Bắc đến Nam, Hébrard thiết lập  một cấu trúc trung tâm – cảnh quan nước suốt chiều dài thành phố (Gồm có 6  cái hồ mềm mại chạy giữa những vùng đất thấp theo địa hình, bắt nguồn từ suối Cam ly trên cao, thấp dần kết tại nhà ga xe lửa cửa ngõ thành phố.

Hai đường viền xác định ranh giới thành phố và cấu trúc trung tâm – cảnh quan nước của Đà Lạt trong bản phác thảo quy hoạch đầu tiên năm 1923

Cấu trúc “xương sống” của thành phố chính là hệ thống các trung tâm hoạt động – cảnh quan nằm trên đường viền thứ hai này. Chính hệ thống này nối khu dân cư với thiên nhiên rừng đồi và kết nối tiếp tục với rừng đại ngàn trên núi cao bao bọc cao nguyên Lâm Viên. Cấu trúc này lúc nào cũng đúng cho Đà Lạt, được coi là hồn cốt của thành phố ở tất cả các bản quy hoạch của các thời kỳ sau, mà bây giờ chúng ta có trách nhiệm gìn giữ nó để phát triển.

Có chỗ cho tất cả các thời kỳ lịch sử để phát triển

Không gian chính của thành phố ở tất cả các thời kỳ qui hoạch (Từ 2 đồ án mới chỉ dừng lại ở ý tưởng chưa được phê duyệt của KTS Louis Georges Pineau và KTS H. Mondet; Đến bản quy hoạch đặc biệt của KTS Jacques Lagisquet đã được phê duyệt) đều tìm cách tổ chức các trung tâm hoạt động và đều dựa trên trục cảnh quan mà KTS Hébrard đã dự liệu.

Quy hoạch chỉnh trang và phát triển Đà Lạt, với sự nhấn mạnh những trung tâm bản địa mới của KTS Lagisquet năm 1943

Đồ án quy hoạch của Ernest Hébrard ra đời năm 1923 và được áp dụng trong vòng gần 10 năm đến thập niên 1930. Nếu được thực hiện đầy đủ, mỗi hồ nước là một trung tâm cảnh quan cho một phân khu chức năng. Dựa theo đỉnh của địa hình, ngày nay là các tuyến đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú và Hoàng Văn Thụ có thể bao quát toàn thể thành phố, đặc biệt hướng bắc, với hồ Xuân Hương, đồi Cù, một cánh rừng trải dài và núi Lang Biang ở cuối đường chân trời.

Trong 30 năm phát triển thời thuộc địa, hệ thống các trung tâm hoạt động này được ví như mạch sống của Đà Lạt được tập trung xây dựng. Trung tâm công cộng chính của thành phố được bố trí trên một đoạn của trục đường chính (Gồm tòa thị chính, ngân hàng, sở cảnh sát, bưu điện… nằm xung quanh quảng trường chính).

Trung tâm tôn giáo, văn hóa, giáo dục và hoạt động du lịch không kém quan trọng được bố trí liền kề  (Gồm nhà thờ, trường học, thư viện, các khách sạn, văn phòng du lịch, khu thương mại…) chủ yếu cho người Pháp.

Trung tâm hành pháp án ngữ phía Tây Nam (Dinh Toàn quyền, Cao ủy phủ, khu vực Dinh III và Viện điều dưỡng) trên một ngọn đồi cao. Trung tâm dân cư dành cho người Pháp xây biệt thự phía Nam quanh các đường, ngày nay là Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ…

Đặc biệt, ít ai biết tới khu dân cư người Việt là trung tâm công cộng cho thị dân người bản địa được bố trí ngay từ bản quy hoạch đầu tiên của KTS  Hébrard một cách trang trọng ở phía đông khu trung tâm chính và quay ra quảng trường Marché – Chợ Cây Đà Lạt (nay là rạp Hòa Bình)Các dãy nhà liền kề kiểu nhà mặt phố và cửa hàng cũng được phép xây cất trong khu với số lượng hạn chế. Một trung tâm dân cư nông nghiệp được bố trí tập trung quanh khu vực các làng cổ phía hạ lưu hồ lớn.

Khu vực bản địa này ngày càng được chỉnh trang và phát triển khi dân cư kéo về tụ cư trong chiến tranh ngày một đông, dẫn đến quá tải thành phố. Thời Việt Nam Cộng hòa (Thập niên 50 đến 70), Đà Lạt được phát triển  thành trung tâm văn hóa trí thức với Viện đại học Đà Lạt, Giáo hoàng học viện, Thư viện Đà Lạt, Viện nghiên cứu nguyên tử… Tuy nhiên, khu dân cư bản địa đã chiếm ưu thế và được tái thiết mạnh mẽ với các công trình thiết yếu như rạp Hòa bình, chợ mới, khách sạn, trường học, bệnh viện, công viên, chùa chiền… Và cũng chỉ có thể là căn tính Việt khi phố phường mọc lên như nấm Những cửa hiệu, khách sạn khang trang mọc lên, những quán cà phê mang dấu ấn trí thức một thời và cả bộ mặt sinh hoạt văn hóa của thành phố như hiệu sách, rạp phim, phòng trà… ở khu vực này đã đi vào hoài niệm đẹp của thị dân lẫn du khách” (Nguyễn Vĩnh Nguyên).

Xóa sổ các Trung tâm lịch sử của Đà Lạt là hành động tự sát

Đồ án xóa sổ khu vực rạp Hòa Bình, một trong những Trung tâm bản địa đầu tiên của Đà Lạt, một cấu trúc quan trọng vào bậc nhất trong chuỗi xương sống của hệ thống trung tâm lịch sử, để thay vào đó một cái tên ngô nghê (khu cao tầng thương mại phức hợp) và những phối cảnh cũng ngô nghê không kém – là một kiểu bức tử thành phố một cách thô bạo, (Sở Xây dựng Lâm Đồng và UBND TP Đà Lạt công bố “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình” tại quyết định số 229/QĐ-UBND vào ngày 15.3.2019).

Tệ hơn nữa, cũng tại đồ án qui hoạch này, cụm khách sạn cao 10 tầng kiến trúc mái tròn (cũng ngô nghê không kém) sẽ “xóa sổ” nốt ngọn đồi và Dinh Tỉnh trưởng, mặc cho nó là di sản kiến trúc – cảnh quan điển hình nhất theo phong cách qui hoạch Hébrard, và mặc cho mọi người (cư dân và du khách) đã đem lòng yêu mến ngọn đồi có những con đường uốn khúc làm nên sự mê hoặc của Đà Lạt cỏ cây cả trăm năm.

Dinh Tỉnh trưởng, công trình sẽ bị thay thế bằng khu cao ốc thương mại phức hợp, theo bản đồ án quy hoạch của KTS. Hồ Thiệu Trị. Ảnh: Nguyễn Vinh

Chính quyền Đà Lạt hiện nay đang nóng ruột phát triển thành phố bằng mọi giá, nhưng cái giá phải trả cho phát triển nóng là biến một thành phố “Tiểu Paris” của Đông Dương, được định dạng là “thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố” mê hoặc lòng người, trở thành một thành phố phi danh tính – không thể nhận dạng.

Đến tầm nhìn chính sách của chính quyền đô thị

Chính sách bảo tồn và phát triển các không gian công cộng cho một thành phố có nhiều cách tiếp cận mới (có thể không ràng buộc theo phân khu chức năng của quy hoạch thập niên 60, thế kỷ 20). Có sự thay đổi về văn hóa thị dân được nghiên cứu bởi các nhà tư tưởng đô thị sau hiện đại – những người đề cao tầm quan trọng của xã hội nhân văn với hình ảnh của con người đô thị cởi mở, sáng tạo hơn thông qua thiết lập chuỗi trung tâm hoạt động công cộng, gồm không gian lịch sử, không gian mở, không gian giao tiếp, đối thoại, không gian xanh của nền kinh tế trí thức.

Cách tiếp cận này đang dẫn hướng để cho các thành phố trở nên thông minh hơn khi ứng xử một cách khôn ngoan với môi trường sống, ở đó con người của chủ nghĩa nhân văn và thiên nhiên trở thành yếu tố gốc của phát triển (Giáo sư Ola Söderström, Thụy sỹ).  Đà Lạt đang mang trong lòng một qũy di sản đô thị du lịch, xanh như vậy rất dễ chuyển mình theo xu hướng này.

Cần khẳng định rằng, chính quyền đô thị cần thiết lập các chính sách đảm bảo cho các khu vực công cộng vĩnh viễn thuộc về tài sản chung  của thành phố. Cách làm hiện nay của bản quy hoạch nêu trên của Đà Lạt là tư nhân hóa đất và tài sản công cộng một cách nông cạn.

Khi ứng xử với vấn đề này cần đưa ra các đối thoại chung của chính quyền, cộng đồng dân cư, giới chuyên môn, nhà đầu tư và dựa trên sự đồng thuận chứ không được áp đặt.  Việc bảo tồn không gian công cộng thường là sáng kiến của các thành phố chứ không thuộc khuôn khổ pháp lý quốc gia.

Chính vì vậy nó thường thông qua bằng một kế hoạch hành động, một tuyên bố chung của thành phố sau khi lấy ý kiến đại chúng. Các sáng kiến này đều coi trọng sự tham gia của cộng đồng và dựa trên lợi ích chung, kể cả việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, lựa chọn nhà đầu tư, dạng thức phát triển, phải coi nó là  dịch vụ công ích.

Chợ cũ, nay là rạp Hòa Bình, một địa chỉ gắn với lịch sử phát triển đô thị Đà Lạt. Ảnh chụp khoảng giữa thập niên 1950. Ảnh: Tư liệu

Ở Châu Âu, chính sách về không gian công cộng bắt đầu từ các nguyên tắc quy hoạch và kế hoạch hành động. Có những bài học thành công từ Barcelona khi chính sách phát triển đô thị đi từ ý tưởng của KTS Juan Basquet, tạo ra một vành đai xanh bao bọc thành phố mẹ, gồm các quảng trường, nút lập thể, không gian mở, công viên, rừng đô thị… để cản sức ép các dự án phát triển chạy vào trung tâm cũ.

Sách lược này tạo ra cơ hội cho hàng loạt các dự án phát triển đô thị mới hưởng lợi từ không gian của vành đai xanh. Đây là một kinh nghiệm hay cho Đà Lạt để bảo tồn lõi trung tâm lịch sử và tạo một vành đai phát triển mới.

Trong trường hợp này, cần bảo tồn chỉnh trang không gian lịch sử Hòa Bình của Đà lạt, coi nó như tài sản chung vô giá của thành phố để có một chiến lược phát triển tạo nên tính hấp dẫn cho du khách, chính là tạo nên nền kinh tế đô thị.

Đà Lạt có thể dung chứa nhiều không gian phát triển mới cho các nhà đầu tư, vấn đề là cách làm sáng tạo, nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn.

Liệu có kế sách nào cho tương lai chung đô thị Việt Nam khi nghe tiếng kêu cứu của các không gian công cộng bị bức tử?

Theo PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục/nguoidothi

(Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững; Nguyên Trưởng khoa Kiến trúc và khoa Sau đại học, Đại học Kiến trúc Hà Nội)