Mỹ học của sức nặng sập đá trong không gian tưởng niệm của người Việt (Phần I)

Có những câu thơ như : “Nước non nặng một lời thề” (Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu) hay “Lờ đờ bóng ngả trăng chênh. Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non” (ca dao) không biết phải dịch chữ “nặng”như thế nào để nói được chiều sâu văn hóa của dân tộc…

Nhìn một cách tổng thể, tục thờ cúng của người Việt Nam cũng như Trung Hoa không phổ biến cách lập ảnh tượng người quá cố đề thờ. Cách dùng bài vị, ngai, sập để thờ thực sự vẫn còn lưu truyền đến hôm nay. Sách Luận ngữ chương 3:12 viết Tế thần như thần tại (tế thần như có thần ở đó). Dựa theo một số di vật, tranh ảnh và tài liệu văn hiến ghi chép để lại, có thể nói sập đá có một vị thế quan trọng trong lịch sử văn hóa dân tộc. Người Trung Hoa đem cái đỉnh đồng, vật chuyên nấu các đồ cúng tế để thờ. Còn người Việt đã chọn sập đá là một biểu tượng thiêng cho thần quyền và vương quyền. Trong số những chiếc sập thiêng của người Việt, thì những chiếc sập đá ở đền vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình) và sập đá ở Thiên Thọ lăng (lăng vua Gia Long) là nổi tiếng nhất, đều có thể xếp vào đồ trọng khí hàng quốc bảo.

Trọng khí-mỹ học của sức nặng

Trong cuốn sách Monumentality in early Chinese art and architecture (Stanford University Press, 1995) GS Wuhung đã lý giải tại sao chiếc đỉnh lại là một biểu tượng (Monumentality) mặc dù nó không chiếm dụng một không gian vật lý đáng kể nào, tức là nó không hề hoành tráng. Khai triển những nhận định sắc sảo của ông, người viết trở lại với một hiện tượng đáng chú ý trong khu vực ngôn ngữ ảnh hưởng chữ Hán có liên quan đến mỹ thuật lễ nghi, đó là chữ trọng – nghĩa cơ bản đầu tiên là trọng lượng, sức nặng của một vật. Một tần suất khá lớn những từ như: “Tôn trọng, quan trọng, quí trọng, nghiêm trọng, đức trọng, thận trọng, long trọng, hậu trọng, chú trọng, bảo trọng, trọng trách, trọng vọng, trọng thể, trọng thị, trọng tâm, trọng điểm, trọng khí… và trọng đại”. Như vậy, với người ở khu vực Viễn Đông, TRỌNG thực là một phạm trù, tuy không phải là cái có thể cảm thấy trực tiếp bằng thị giác như ĐẠI (to lớn), nhưng chắc chắn trong nhiều trường hợp, trọng khiến ta phải để tâm nhiều hơn đại.

Nói tới Trọng khí , bảo vật quốc gia ở Trung Quốc và Việt Nam, người ta nhắc ngay đến đỉnh vạc (bài viết này, trong nhiều trường hợp nói gọn lại là đỉnh). Đỉnh là vật vốn để nấu đồ tế lễ, về sau chuyển thành đồ lễ khí. Sập đá cũng là một trọng khí quan trọng hàng đầu của người Việt.

Việc lập tượng thờ ở Việt Nam có thể liên quan đến Phật giáo. Nhà Trần có nhiều vị vua anh minh nhưng duy nhất vua Trần Nhân Tông có tượng thờ ở Yên Tử. Nói một cách chính xác, đây là tượng của Đầu đà Hoàng giác Điếu ngự – Pháp hiệu của đức vua khi người đi tu ở Yên Tử, không phải tượng vua Trần Nhân Tông. Chùa Quỳnh Lâm hiện cũng có một bức tượng đức vua Phật nằm trên sập ở tư thế nhập niết bàn.

Trích đoạn tranh Trê Cóc (Đông Hồ) có hình quan Thái Thú ngồi trên sập

Tháp nói chung gắn bó với tầng lớp trên và gần như chỉ dành cho nam giới. Tranh Trê Cóc (Đông Hồ) có vẽ quan Thái Thú (cá chép) đang tọa trên chiếc tháp gỗ. Lương tháp rất thịnh hành đời Ngụy Tấn (Trung Quốc) là vật để các bậc văn nhân sỹ phu ngồi đàm đạo (MH. 03). Theo cuốn Điển cố văn học (Đinh Gia Khánh chủ biên – bản 2009), “Treo tháp” có nguồn gốc từ một câu truyện trong Hậu Hán Thư, vốn không hay tiếp khách, Trần Phồn thường treo chiếc tháp ở trên cao, chỉ khi Từ Trĩ là một danh sỹ ở ẩn tới mới hạ xuống. Theo cách gọi chuyên môn, đó là lương tháp. Sách Điển cố văn học chú giải Treo tháp là treo giường. Thực ra tháp và giường có công năng khác nhau, mặc dù hình dạng cũng không khác nhau nhiều. Tháp (sập) cơ bản là dùng để ngồi, tháp thời Ngụy Tấn (Trung Hoa) chủ yếu dùng cho hai người ngồi đàm đạo nên hình gần với chữ nhật. Vật dụng này vốn đến từ Tây vực, là vật thường dùng của các sa môn nên còn gọi là La Hán sàng. Trong một bức bích họa ở Đôn Hoàng còn lưu lại hình ảnh vị cao tăng đang ngồi trên chiếc La Hán sàng này. Một ví dụ khác, cũng khá phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo thời Tùy Đường là hình ảnh Phật Thích Ca ngồi trên sập thuyết pháp cùng Phật Đa Bảo Như Lai.

Phật Thích Ca và Đa Bảo Như Lai ngồi trên La Hán sàng

Khi sang tới Việt Nam, tháp dần dần phát triển hình vuông để nhiều người ngồi được hơn, sập thường để trước bàn thờ, ở gian chính cũng không phải là nơi để ngủ qua đêm. Theo nghiên cứu của TS Lê Tạo, sập đá sớm nhất ở Thanh Hóa có niên đại Thuận Tông thứ 11 (1389). Trung Quốc thờ ngai không thờ sập, Việt Nam lại thờ cả sập lẫn ngai. Như lăng Quận Chân (Lê Đình Châu) năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778) xã Ngọc Lĩnh huyện Tĩnh Gia có chiếc sập đá khá lớn, trên còn đặt một chiếc ngai đá. Đền thờ vua Đinh, vua Lê (Hoa Lư, Ninh Bình) hiện đạt kỷ lục về số lượng sập đá và sập gỗ.

Bản vẽ và bản chụp sập đá trước Nghi môn ngoại đền vua Đinh

Căn cứ vào văn bia ở đây, chúng ta được biết phần kiến trúc và điêu khắc quần thể đền vua Đinh – vua Lê mà chúng ta đang thấy hiện nay xuất hiện khá muộn, kéo dài suốt thế kỷ 17, 18, 19. Cho dù được chính sử ghi nhận như là một trong những triều đại vẻ vang trong lịch sử dân tộc, nhà Đinh – nhà Tiền Lê, nhưng sau ánh hào quang ấy còn có rất nhiều bóng đen u ám phủ lẩn khuất trốn hoàng cung. Chẳng hạn như cái chết bất đắc kỳ tử của cha con Đinh Tiên Hoàng. Vậy nên, họ, những người nông dân – nghệ nhân, có riêng cho mình một cách nhìn, cách nghĩ. Tôi đinh ninh rằng các cụ ta ngày xưa rất hóm hỉnh, thích bông lơn. Con rồng trên sập đá trước Nghi Môn đền vua Đinh sừng râu oai vệ, nam tính là thế mà lại mọc ra những cánh tay mềm mại, những ngón thon dài như ngón tay mỹ nữ. Những bàn tay tưởng như rất mềm yếu ấy lại nắm chặt lấy hai chiếc sừng làm mất đi vẻ oai phong vốn có của con rồng. Sập rồng chỉ nghe thôi cũng đã thấy nghiêm cẩn rồi. Theo lệ xưa, đàn bà con gái trong nhà không được tự ý leo lên sập ngồi.

Cái dí dỏm, trào lộng chưa dừng ở đó, không biết vì sao trên chiếc sập trước Bái đường đền vua Đinh, còn có thêm một chiếc sập nữa khắc đến bảy con rồng lớn bé, hai con chim phượng, hai con hổ mà lại có mấy con cá, con tôm, con chồn, con chuột đang rình rập, tranh mồi. Đừng ngoài nhìn vào, mặt trước của sập nào vân mây, rồng vờn, nào phượng múa lại còn cả đôi hổ đứng chầu. Đứng trong nhìn ra chỉ thấy hoa chanh, tôm cá chim chuột. Đã thế con rồng lớn nhất lại là con rồng lộn ngược, sừng bờm cũng bị túm chặt như con rồng trên sập đá phía bên ngoài.

Tháp (sập) cơ bản là dùng để ngồi, tháp thời Ngụy Tấn (Trung Hoa) chủ yếu dùng cho hai người ngồi đàm đạo nên hình gần với chữ nhật.

Trong những hội thảo về điêu khắc Việt Nam hiện đại, cũng như trên các phương tiện truyền thông gần đây, có một nhận định được nhắc lại nhiều lần là: Việt Nam không có truyền thống điêu khắc tượng đài. Vậy thì người xưa đã làm gì để ghi công và tưởng niệm các tiền nhân? Nghệ thuật tưởng niệm trước hết phục vụ nhu cầu tưởng nguyện người đã khuất, trong quan niệm truyền thống, đó là các tự khí (chữ dùng của Toan Ánh) hay là lễ khí (chữ dùng của GS.Wu Hung) nó đã được thể hiện như thế nào ở Việt Nam. GS Wu Hung(1) có nói một ý này cũng rất đáng cho chúng ta suy ngẫm: Mỗi dân tộc có cách tưởng niệm riêng của mình, thế giới không chỉ có văn minh Hy Lạp, La Mã mới biết làm các đài tưởng niệm (monument). Ngay từ thủa phong trào tượng đài đang ở chặng đường đầu tiên, NPB Nguyễn Quân đã kêu gọi “ … chúng ta cần có sự nghiên cứu về truyền thống nghệ thuật hoành tráng của ta, mà theo chúng tôi không phải là không phong phú”. Nguyễn Quân tuy không phải là người đầu tiên chuyển ngữ khái niệm điêu khắc hoành tráng, nhưng ông là người đã sớm cảnh tỉnh cái lõi ý niệm của khái niệm hoành tráng bắt nguồn từ tiếng Latin Monumentum có nghĩa là kỷ niệm, để ghi nhớ, tưởng niệm. NĐK Nguyễn Xuân Tiên trong cuốn Điêu khắc hoành tráng Việt Nam thế kỷ 20 – Thành tựu và vấn đề đã nhắc lại luận điểm này của NNC Nguyễn Quân.

Xem tiếp: Mỹ học sức nặng (Phần II): Còn mãi nghìn thu – Sập đá trong Thiên thọ Lăng – Huế


Chú thích:

  1. Gs Wu Hung, tiến sỹ Đại học Harvard, hiện là giáo sư của ĐH Chicago. Ông đặc biệt quan tâm nghiên cứu các mối quan hệ giữa các hình thức thị giác ( kiến trúc, đồ đồng, tranh tượng, điêu khắc tưởng niệm, ..) với các lễ nghi, ký ức xã hội.
  2. Triệu Thúc Đan, Nguyễn Quân, Phạm Công Thành, Nguyễn Trân (1981). Nghệ thuật hoành tráng.NXB Văn hóa thông tin. Tr 74

Trần Hậu Yên Thế
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 1-2017)