HS Lương Xuân Đoàn: Nghệ thuật công cộng – Sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại

“Tinh hoa của người Việt phát triển ở làng, mối quan hệ giữa kiến trúc và thiên nhiên được giải quyết rất tinh tế ở kiến trúc truyền thống. Không gian công cộng (KGCC) khi xưa là cây đa, bến nước, mái đình – Chỉ thế thôi mà nên được hồn cốt Việt, để người ta luôn nhớ mà tìm về. Chẳng cần tìm kiếm đâu xa, đô thị Việt Nam hiện đại hãy từ bài học của làng xưa để tìm giải pháp xây dựng những nơi chốn đặc biệt cho riêng mình” – Đó là chia sẻ của Họa sỹ Lương Xuân Đoàn (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, Nguyên Vụ Phó Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương), người “đóng” nhiều “vai” trong câu chuyện nhiều chiều của Nghệ thuật đương đại. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc trò chuyện với HS Lương Xuân Đoàn về Không gian công cộng và nghệ thuật sáng tạo. 

HS Lương Xuân Đoàn

HS Lương Xuân Đoàn: Trong bối cảnh của Đô thị Việt Nam hiện nay, Chuyên đề Không gian công cộng (KGCC) của Tạp chí Kiến trúc đang chạm đến một chủ đề có thể nói là rất “nóng”. Đó thực sự là một bài toán khó mà chúng ta còn đang loay hoay tìm lời giải nhiều thập kỷ qua và thu hút sự quan tâm của nhiều giới, nhiều ngành trong đó có Kiến trúc và Mỹ thuật, khi Điêu khắc

– Tượng đài tác động rất lớn đến cảnh quan, không gian đô thị, đặc biệt là KGCC.

Trong nhiều năm qua, chúng ta luôn bị động, thậm chí là luôn “ép” các đô thị phải nhận những cái được gọi là KGCC, bởi nhiều khi trong bài toán Quy hoạch, KGCC chưa được đặt ra ngay từ đầu. Với sự phát triển chóng mặt của đô thị hiện nay, thực tế là KGCC ngày càng thu hẹp lại, trở thành “giấc mơ cổ tích” cho bất kỳ ai. Người dân đô thị thèm một khoảng xanh, một không gian tinh thần mang vẻ đẹp văn hóa, đem lại cho họ những phút thư giãn, thanh thản sau giờ làm việc.

Vườn Bách Thảo – Núi Nùng. Tranh Phạm Thanh Sơn

Phóng viên (P/v): Vậy theo ông, nhu cầu này của người dân đã được đáp ứng hay chưa?

Bảo tàng văn hóa Huế
Tranh Phạm Thanh Sơn

HS Lương Xuân Đoàn: Chúng ta có thể nhận thấy, thời gian vừa qua, ở các đô thị lớn trên cả nước, các nhà quản lý cũng đang tích cực tìm lời giải hữu hiệu, đem đến những không gian nhẹ nhõm cho người dân, ít nhất là một khoảng cây xanh, có khoảng trống, khoảng thở cho đô thị, bắt đầu từ những phố đi bộ ở TPHCM và Hà Nội vào những ngày cuối tuần, những phố sách, phố tranh…

Tuy nhiên, ước mong thì nhiều nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa với hiện thực. Mới đây nhất, ở Hà Nội tổ chức tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn, nhưng ki ốt, quán xá lại mọc lên theo dọc phố, thiếu hẳn những khoảng lặng để người dân có thể thả bộ thanh nhàn. Trong tương lai, cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn khi tổ chức những tuyến phố khác. Chẳng hạn như phố sách ở Hà Nội, TPHCM đã có những thành công nhất định nhưng duy trì nó như thế nào thì còn nhiều điều đáng nói.

Không thể phủ nhận rằng cũng đã có thành công nhất định.Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng đó mới là những giải pháp tình thế, đôi khi, làm vội, nghĩ không kỹ nên đã để lại hậu quả lâu dài, rất khó giải quyết. Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, ngay ở Hồ Gươm cũng phải “dọn dẹp” một số tác phẩm điêu khắc mang tư duy cũ từ thập niên 50, 60 của thế kỷ trước (quả địa cầu, trang sách mở kỷ niệm 1000 năm Thăng Long….). Chúng ta làm nhiều nhưng kết quả còn thua xa những di sản nghệ thuật do cha ông ta để lại như Tháp Bút, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc…Tôi cho rằng, việc này là lỗi từ quan niệm của người quản lý văn hóa trong việc ra đầu bài cho nghệ sĩ.Về phía mình, người nghệ sĩ cũng chưa ý thức được là mình đang phải đối diện với giá trị của di sản ở một Thành phố giàu ký ức.

Rõ ràng, nếu không cân nhắc kỹ, những KGCC, những tác phẩm nghệ thuật dễ dãi sẽ làm hỏng vẻ đẹp của Hà Nội với không gian cây xanh hết sức đặc trưng. Mặt khác, nhiều công trình Tượng đài cũng như công trình Kiến trúc hiện đại đang được lắp ghép một cách sống sượng, thiếu sự kết nối với không gian cảnh quan cũng như dòng chảy văn hóa – lịch sử của thành phố.Về điều này, có lẽ cũng khó trách, bởi sự phát triển của đô thị còn chưa tương thích với nhu cầu sống của người dân cũng như di sản.

PV: Theo ông, có KGCC nào ở Việt Nam đạt được sự hòa hợp giữa công trình với nghệ thuật, kết nối được với cộng đồng?

HS Lương Xuân Đoàn: Nghệ thuật cho KGCC với tác phẩm điêu khắc ngoài trời vẫn đang là bài toán để ngỏ cho nhiều giới, nhiều ngành trăn trở tìm giải pháp. Tôi cho rằng ở Hà Nội, tượng đài Lê nin được ghi nhận là vẻ đẹp hài hòa giữa nghệ thuật Điêu khắc – Kiến trúc và thiên nhiên, còn lại, những tác phẩm khác đều cố ép cảnh quan để tồn tại. Tượng đài Cảm tử ở bên cạnh đền Bà Kiệu thậm chí còn làm hỏng cảnh quan của ngôi đền cũ, để lại những khoảng trống khó chịu cho không gian kết nối với Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn và Tháp Bút. Hà Nội đã đề xuất nhiều phương án nhưng đều chưa thỏa đáng. Cho đến nay, vẫn chưa tìm được cách giải quyết việc: Nếu cất tượng đi thì xử lý cảnh quan như thế nào?

Gần đây, Dự án Art in the Forest – Không gian Nghệ thuật Flamingo Đại Lải Resort thử nghiệm thành công, cho thấy một cách nhìn hoàn toàn khác về nghệ thuật đương đại. Các nghệ sĩ đã mang lại sự hòa điệu đẹp đẽ giữa Kiến trúc – Điêu khắc và Thiên nhiên qua các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đem đến một ngôn ngữ biểu đạt mới cho điêu khắc ngoài trời. Trong 3 năm qua, Dự án với sự tham gia của nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài đã thực sự tạo ra được cuộc cách mạng thị giác cho nghệ thuật đương đại.

Đình Đông Thành
Tranh Phạm Thanh Sơn

PV: Bên cạnh điêu khắc tượng đài trong KGCC, gần đây đã xuất hiện những thể loại khác như: Tranh gốm sứ, Tranh tường,… Ông nhận xét như thế nào về những loại hình NTCC này?

HS Lương Xuân Đoàn: Để giải quyết những ước muốn của người dân về không gian sống, đã xuất hiện những loại hình khác như tranh Bích họa ở làng (như ở làng biển Tam Thanh, Quảng Ngãi). Tuy nhiên, từ Làng Bích họa đến phố Bích họa lại là một câu chuyện khác. Phố bích họa Phùng Hưng hiện nay, tôi cho rằng đó mới là giải pháp tình thế, một thử nghiệm đáng ghi nhận. Vẫn cần những quy hoạch tổng thể để khớp nhịp, liền mạch từ ý tưởng đến ngôn ngữ nghệ thuật.

Tranh Bích họa ở phố hay Tranh gốm sứ dọc con đê Sông Hồng là những loại hình nghệ thuật không gian mới, đem lại những ấn tượng thị giác mới cho cư dân, tuy nhiên, nếu không có sự kiểm soát thì hậu quả sẽ lâu dài và khó khắc phục. Ở Việt Nam, ngôn ngữ tranh tường có cách biểu đạt riêng, cộng thêm vấn đề cần quản lý nó như thế nào, nếu nhiều quá, dàn trải quá và tự phát dễ dẫn đến sự “bội thực thị giác” khó cứu… Mặt khác, nghệ thuật đường phố còn phụ thuộc vào cư dân sở tại, như ở Phùng Hưng, sự tiếp cận và tham gia của người dân như thế nào mới là điều quan trọng. Nếu không hiểu sâu sắc về không gian, về cộng đồng thì sẽ đưa ra những yếu tố nghệ thuật đối lập với mong muốn của họ, khó mà đạt được sự hài hòa giữa văn hóa tinh thần và vật chất, giữa công trình, tác phẩm với bối cảnh xung quanh nó.

PV: Theo ông, có cách nào để kết nối giữa công trình kiến trúc và NTCC, để các KGCC được khai thác hiệu quả hơn, tác động lớn hơn đến cảm xúc thẩm mỹ của cộng đồng?

HS Lương Xuân Đoàn: Tôi cho rằng có thể ngẫm lại những bài học của kiến trúc truyền thống, bao giờ công trình cũng nương tựa vào thiên nhiên, chứ không chế ngự thiên nhiên. Cây xanh cũng vậy, bao giờ cũng mở rộng vòng tay ôm lấy công trình, tạo ra vẻ đẹp cho kiến trúc, đến lượt mình, công trình lại góp phần tôn vinh tự nhiên, tạo ra sự hài hòa cho bức tranh toàn cảnh của đô thị.

Ở trại sáng tác Mỹ thuật Tam Đảo gần đây, một họa sĩ thế hệ 6x đã vẽ bức tranh mô tả con chó đá ngồi giữa khoảng trống của cánh đồng, ngậm ngùi về sự biến mất của làng Việt nhường đất cho nhà xưởng, khu chế xuất mọc lên. Đương nhiên là làng quê Việt sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng vẫn cần một sự cân đối, hài hòa giữa kiến trúc cũ và những nét đẹp mới.
Tôi còn nhớ trong một cuộc triển lãm nhà ở nông thôn do Hội KTS Việt Nam tổ chức, trưng bày những mẫu nhà ở nông thôn cho mọi làng quê, người dân đã chia sẻ: Các anh đến muộn quá, nhà chúng tôi trót xây rồi. Và đó là những ngôi nhà theo kiểu phố. Đó thực sự là cái giá rất đắt mà chúng ta phải trả cho sự phát triển.

Một ví dụ khác, như tượng 12 con giáp ở Hòn Dấu (Hải Phòng), một doanh nghiệp đã ra đề bài cho thợ đục đá thực hiện với những hình, tượng phản cảm về thẩm mỹ gây bức xúc trong công luận. Người quản lý văn hóa thì ngoài cuộc, chủ đầu tư thì thiếu kiến thức. Dù là tư nhân hay doanh nghiệp cũng phải thực hiện đúng lộ trình có sự giám sát của nhà nước, không thể hiểu mọi thứ theo cách: Khu Du lịch đó của tôi, tôi muốn làm gì cũng được. Để bảo trợ cho nghệ thuật phát triển, văn hóa của Doanh nhân phải là yếu tố hàng đầu.

Tôi cho rằng vai trò chủ yếu vẫn thuộc về quản lý nhà nước, không thể khác được, bản thân các KTS, nghệ sỹ cũng phụ thuộc rất nhiều vào điều này.

PV: Có ý kiến cho rằng, cần có những chế tài nhất định về việc phê duyệt các công trình tượng đài và điêu khắc ngoài trời cũng như hoạt động của KGCC, ông nghĩ thế nào về điều này?

HS Lương Xuân Đoàn: Có một khoảng cách đáng kể giữa quan niệm của nghệ sỹ, nhà quản lý và người dân, có sự khác biệt giữa kiến trúc cũ và nghệ thuật mới. Cần phải giải quyết điều này như thế nào? Tôi cho rằng cần phải trở lại câu chuyện chung giữa nghệ thuật và kiến trúc, đó là sức hấp dẫn của ngôn ngữ thị giác, vẻ đẹp hài hòa giữa tác phẩm nghệ thuật – công trình kiến trúc và thiên nhiên trong KGCC. Theo tôi, điều quan trọng ở đây là sự kết nối giữa quá khứ và đương đại để tạo ra giá trị mới cho di sản, cho đô thị.

Cũng phải ghi nhận những cố gắng mới của quản lý nhà nước về văn hóa. Mới đây, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức cuộc thi điêu khắc trong KGCC. Qua cuộc thi này, chúng ta ghi nhận những đột phá về thẩm mỹ trong sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ, họ đã tạo ra những ngôn ngữ mới của điêu khắc, không còn những ham muốn về sự đồ sộ mà đi vào vẻ đẹp tự thân, vào mối quan hệ tĩnh lặng và hòa hợp giữa điêu khắc và kiến trúc. Ở đó, điêu khắc là trục giữa kết nối kiến trúc và tự nhiên.

Mặt khác, không thể chờ đợi nhịp đôi giữa công chúng và nghệ thuật. Vai trò quyết định vẫn thuộc về các nghệ sĩ trong việc xây chiếc “cầu nối” đặc biệt này. Tôi nhấn mạnh chữ “Người Việt mới” (theo lời một bài hát của nhạc sĩ Văn Cao), với ý nghĩa về vai trò của họ trong Nghệ thuật đương đại.

Để thúc đẩy, khuyến khích họ thì cần có luật, hiện nay các nhà quản lý chỉ đang làm cái việc đuổi theo vụ việc để quản lý. Luật chung cho hoạt động nghệ thuật phải có để bảo vệ quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ chứ không phải để bóp nghẹt họ.Về điều này, có thể đồng cảm và chia sẻ với Hội KTS Việt Nam đã nhiều năm nay xây dựng Luật KTS mà vẫn chưa thành.
Thế giới tiếp tục phẳng, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Tôi đặt niềm tin vào phẩm cách và trí tuệ của lớp người Việt Mới, những thế hệ 7x, 8x và 9x – Họ trẻ trung, năng động và tự tin, giàu năng lượng sáng tạo. Họ sẽ tìm cách kế thừa và bù đắp những khoảng trống, để có thể phát triển và hội nhập nhanh hơn, rộng hơn với thế giới bên ngoài.

Đêm Ngọ Môn
Tranh Phạm Thanh Sơn

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Bích Vượng (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2018)