Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của giới trẻ để đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo

Trong khuôn khổ Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác giữa Liên hợp quốc (LHQ) và Tập đoàn SOVICO, 3 tổ chức của LHQ tại Việt Nam là UNESCO, UNIDO và UN – Habitat đã tổ chức họp báo công bố Dự án “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của giới trẻ để đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo”. Dự án được thực hiện với sự hợp tác và tài trợ từ Tập đoàn SOVICO. TCKT đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện quốc gia của Tổ chức phát triển công nghiệp LHQ – UNIDO tại Việt Nam xung quanh dự án này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Bà Lê Thị Thanh Thảo – Đại diện quốc gia của Tổ chức phát triển công nghiệp LHQ – UNIDO tại Việt Nam (Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN)

Phóng viên (PV): Xin bà cho biết tại sao BTC lại lựa chọn Hà Nội để phát triển dự án này?

Bà Lê Thị Thanh Thảo: Hà Nội là Trung tâm văn hóa và hành chính của Việt Nam, luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và phát triển của đất nước. Được UNESCO công nhận danh hiệu Thành phố Vì Hòa Bình vào năm 1999, Hà Nội đang đặt mục tiêu đi đầu trong quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội nhanh chóng của đất nước, đồng thời vận dụng nền tảng di sản văn hóa phong phú để hình thành một mô hình kinh tế sáng tạo mới.

Cả ba cơ quan của LHQ: UNESCO, UN-Habitat và UNIDO luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa trong phát triển bền vững ở mọi góc độ, từ xã hội đến môi trường và kinh tế. Hà Nội là mảnh đất đầy tiềm năng cho mô hình thành phố sáng tạo với nhiều tầng lớp không gian lịch sử – văn hóa cần được khai thác theo định hướng phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm. Trong đó, thanh niên được xác định là nguồn lực chính cho sự phát triển của đất nước và là nhân tố cơ bản cho đổi mới – sáng tạo.

Và, vì thế, với sự hỗ trợ của Tập đoàn SOVICO, chúng tôi sẽ thực hiện Dự án Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của giới trẻ để đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo.

PV: Theo đó, thanh niên chính là đối tượng chính để phát triển dự án phải không, thưa bà?

Bà Lê Thị Thanh Thảo:  Nói đúng hơn: Các tài năng sáng tạo và các doanh nhân trẻ của Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở TP Hà Nội sẽ là những người được hưởng thụ trực tiếp từ dự án. Họ sẽ được trao quyền, được hỗ trợ trong một môi trường thuận lợi, được trao cơ hội và tham gia các chương trình nâng cao năng lực để tạo ra và thúc đẩy các sáng kiến xuất phát từ văn hóa.

Dự án cũng sẽ ưu tiên các tài năng trẻ tuổi của Việt Nam với những giải pháp sáng tạo trong việc bảo vệ, khôi phục và phát huy các di sản văn hóa độc đáo của TP, bao gồm các di sản vật thể và phi vật thể.

PV: Bà có thể  chia sẻ những tác động của dự án đến sự phát triển chung của Hà Nội?

Bà Lê Thị Thanh Thảo: Dự án sẽ giúp hiện thực hóa và đẩy mạnh một tầm nhìn phát triển chiến lược mới cho Hà Nội, qua đó mở rộng và đẩy nhanh những nỗ lực vì sự phát triển toàn diện, đổi mới và bền vững của TP trên cơ sở lấy nguồn di sản văn hóa phong phú và năng lao động trẻ, giàu sức sáng tạo làm trung tâm của quá trình phát triển của Hà Nội trong 10 năm tới và hơn thế nữa. Trong quá trình đó, những ý kiến đóng góp và ý tưởng sáng tạo sẽ giúp lãnh đạo TP Hà Nội định hình và hoàn thiện tầm nhìn chiến lược, đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là giới trẻ TP.

Bên cạnh đó, Dự án cũng cố gắng mang đến một cách tiếp cận mới cho các bạn trẻ trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, tạo điều kiện cho họ tham gia tích cực vào nền kinh tế sáng tạo. Với việc thiết lập mạng lưới hợp tác đa phương, dự án góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy lĩnh vực sáng tạo của tầng lớp thanh niên.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp sáng tạo trở thành ngành chiến lược mới nổi trên toàn cầu, dự án sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh, năng suất, cơ hội việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững, không chỉ của Hà Nội mà của cả Việt Nam trong dài hạn. Chúng tôi tin tưởng rằng với mục tiêu thúc đẩy hòa nhập xã hội, quảng bá văn hóa và sự tham gia của người dân, đặc biệt là giới trẻ, Dự án sẽ là chất xúc tác để các doanh nghiệp tham gia và cùng hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Hà Nội.

PV: Bà có thể chia sẻ những hoạt động cụ thể của dự án với độc giả TCKT?

Bà Lê Thị Thanh Thảo: Chúng tôi có nhiều hoạt động trong thời gian thực hiện dự án, từ nay đến hết năm 2020, có thể kể đến một số hoạt động cụ thể như:

  • Dự án sẽ tổ chức Cuộc thi ảnh về Hà Nội – TP Thiết kế sáng tạo. Đây là cơ hội để phản ánh, ghi nhận và khuyến khích những cách tiếp cận hay về văn hóa và thiết kế sáng tạo, nghệ thuật, về thời trang sáng tạo và nỗ lực phục hồi di sản văn hóa.
  • Dự án cũng sẽ thiết kế nền tảng số để đưa các tác phẩm xuất sắc đến với công chúng rộng rãi và kết nối với các trung tâm sáng tạo trẻ;
  • Dự án sẽ phối hợp với Hanoia tổ chức một cuộc thi thiết kế sản phẩm đương đại mang tính ứng dụng cao, có hàm lượng công nghệ, lấy cảm hứng từ di sản văn hóa và sử dụng chất lượng truyền thống. Các mẫu dự thi được chọn sẽ được chuyên gia, nhà thiết kế quốc tế hướng dẫn để hoàn thiện sản phẩm mẫu và kết nối thương mại hóa sản phẩm;
  • Hỗ trợ giới trẻ tham gia xây dựng tầm nhìn chiến lược và kế hoạch hành động cho Hà Nội – Kinh đô sáng tạo, tổ chức đối thoại chính sách, gặp gỡ đối tác công tư (PPP) với lãnh đạo Hà Nội và các bên liên quan;
  • Xây dựng mô hình thí điểm trung tâm sáng tạo trẻ để thúc đẩy hợp tác công – tư…

PV: Xin cảm ơn Bà về cuộc trò chuyện!

PV – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc

Xem thêm: Lễ ký kết hợp tác giữa Liên hợp quốc và Tập đoàn Sovico: Lấy văn hóa làm trung tâm phát triển bền vững tại Việt Nam