Khoa học nghiên cứu về hành vi – môi trường: Cơ sở lý luận cho thiết kế môi trường kiến trúc

Các KTS, các nhà thiết kế đều hướng tới việc tạo ra các công trình đáp ứng nhu cầu, chức năng khác nhau của con người. Tuy nhiên, sự thành công chỉ được xác định khi và chỉ khi công trình đó hoàn thành và đưa vào sử dụng. Để biết được nó có thực sự thoả mãn mục đích ban đầu và phù hợp với bối cảnh xã hội văn hoá không – Một không gian được đánh giá là thành công khi thoả mãn được nhiều người sử dụng (Donald et al, 1981; Laurence, 2006; Lynch and Rodwin, 1958; Whyte, 2009).

Trong khi đó, nhà thiết kế thực hiện các đồ án dựa trên kinh nghiệm nghề nghiệp của họ và tổng thể tiến trình thiết kế thường diễn ra độc lập với sự tham gia trực tiếp của người sử dụng (Kar and Sarkar, 2017). Sự tham gia của các ngành khoa học giúp tạo ra một môi trường sống tốt hơn và bền vững hơn, đáng chú ý là sinh thái học, vật lý kiến trúc, tâm lý học, tâm thần học, y tế cộng đồng… Mỗi tiếp cận khác nhau đóng góp một giá trị nhất định đến việc phát triển, xây dựng môi trường sống của con người. Ví dụ như tiếp cận kiến trúc xanh dựa vào các tiêu chí sinh thái môi trường để tạo dựng không gian sống cho con người và thoả mãn điều kiện vi khí hậu, tạo cảm giác dễ chịu cho người sử dụng. Tuy nhiên, việc xây dựng môi trường sống là một tổng quan hài hòa giữa các biến số khác nhau, các học giả cố gắng lượng hóa chỉ số hài hòa của môi trường sống này thông qua các tiếp cận khác nhau, đáng chú ý là chỉ số “toàn thể” của một cấu trúc được đề xuất bởi Christopher Alexander (Jiang, 2015) và các chỉ số “cú pháp không gian” của Bill Hillier (Bafna, 2003) dựa trên cấu trúc hình học cơ bản và hình học tô-pô1 . Một tiếp cận khác bao quát toàn thể các biến số và lý giải mối quan hệ giữa con người và môi trường xung quanh phải kể đến đó là nghiên cứu về “Hành vi – môi trường”. Đây là một lĩnh vực đa ngành nhấn mạnh sự tham gia của người sử dụng và lấy con người làm trọng tâm trong quá trình thiết kế.

Lý thuyết khoa học nghiên cứu hành vi – môi trường

Các KTS thường giả định nhu cầu của con người và quyết định việc làm thế nào để thoả mãn những nhu cầu đó tốt nhất. Những giả định này, phần lớn dựa trên những tiến trình không chặt chẽ và mang tính khoa học. Nhiều nghiên cứu cho rằng, cảm thức của KTS khác với cảm thức phổ biến của người bình thường (Moore, 2006). Ví dụ, người thiết kế nghĩ rằng các yếu tố thị giác là thứ ưu tiên hàng đầu trong thiết kế các không gian công cộng, nhưng kết quả thực tế đã cho thấy rằng người sử dụng ít quan tâm đến yếu tố này (Francis, 2003).

Để lấp vào khoảng trống giữa những gì con người muốn và những gì đang được thiết kế bởi các KTS, lĩnh vực nghiên cứu về Hành vi – Môi trường (Environmental Behavior Studies-EBS)đã được hình thành với sự liên hợp từ các ngành kiến trúc, quy hoạch và thiết kế đô thị cùng với những biến số đầu vào từ các ngành khoa học nhân văn và hành vi. Có thể thấy rằng, trong ngành kiến trúc, EBS là một khung kiểm duyệt có hệ thống về mối quan hệ giữa xây dựng môi trường và hành vi con người và sự áp dụng của nó trong tiến trình thiết kế.

EBS, có thể đã bắt đầu khoảng hơn 45 năm về trước vì phát hiện ra lỗ hổng trong kiến thức về việc làm thế nào mà con người và môi trường tương tác với nhau. Những kiến thức như vậy dường như rất quan trọng cho việc thiết kế. Thiếu nó, những cố gắng cải thiện môi trường xây dựng – những gì thường gọi là “thiết kế”- dường như là thất bại, bởi vì không có một “đầu ra” nào có thể được dự đoán một cách tin cậy. Cũng thật khó nếu không muốn nói là không thể, để biết được khi nào một sản phẩm được thiết kế thành công – Khi mà không có tiêu chuẩn nào cho sự thành công (Rapoport, 2008). Không ai có thể biết được một môi trường kiến trúc “tối ưu” mà không biết chúng tốt hơn ở điểm gì, tốt hơn cho ai, và tại sao nó tốt hơn… Điển hình mà nói, có một trào lưu thiết kế “phê bình”, thường là ý kiến “tôi thích hoặc không thích nó” hơn là một sự đánh giá liệu có phải thiết kế này có mục đích rõ ràng, đã đạt được hay chưa, và những đích đến này có hợp lệ không? Và thậm chí nếu có thể đạt được sự thành công và được đánh giá hợp lệ để đạt được một thành tựu, đó là một vấn đề may rủi. Những thành công như vậy không cung cấp được bài học gì cho tương lai, và cũng không có cơ hội để phát triển một khối kiến thức tích lũy cho thiết kế dựa trên bằng chứng. Thật không may, cho đến nay, các loại kiến thức này trang bị cho các KTS và việc đào tạo người làm thiết kế ở Việt Nam chưa đầy đủ.

EBS còn được biết đến với tên gọi tâm lý học môi trường, nghiên cứu về môi trường và con người, là một lĩnh vực liên ngành tập trung vào sự tương tác giữa các cá nhân và môi trường xung quanh (Moore, 2006). Đây là một ngành khoa học tìm hiểu cách mà môi trường tự nhiên và môi trường do chúng ta xây dựng định hình/ tác động chúng ta như thế nào. Ngành khoa học này định nghĩa thuật ngữ môi trường một cách bao quát, bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường được xây dựng, môi trường học tập và môi trường thông tin (Takahashi, 1997).
Nguồn gốc của lĩnh vực nghiên cứu này vẫn chưa được xác định, tuy nhiên, Willy Hellpach được cho là người đầu tiên đề cập đến thuật ngữ “tâm lý học môi trường”. Một trong những cuốn sách của ông, Geopsyche, thảo luận về chủ đề: Mặt trời và mặt trăng ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của con người, tác động của môi trường khắc nghiệt, ảnh hưởng của màu sắc và hình thức (Pol, 2006)

Hình 1: Nghiên cứu môi trường, hành vi và xã hội là nơi hợp lưu của nhiều phần thuộc của khoa học xã hội và chuyên ngành xây dựng môi trường.

Giữa những học giả lớn trong lĩnh vực này, phải kể đến Jakob von Uexküll, Kurt Lewin, Egon Brunswik, và sau đó là Gerhard Kaminski và Carl Friedrich Graumann. EBS được thực hiện thông qua công cụ đánh giá sau khi đưa vào sử dụng (POE – Post Occupancy Evaluation). Hình 1 mô tả phạm vi ứng dụng của EBS trong mối quan hệ giữa các lĩnh vực nhỏ liên quan.

Mô hình hoạt động và vị trí của EBS trong tiến trình thiết kế

– EBS trong tiến trình thiết kế

EBS là một phần nằm trong chuỗi tuần hoàn của lĩnh vực nghề nghiệp xây dựng môi trường, liên quan đến chính sách thiết kế, xây dựng kiến trúc, và quản trị quy hoạch môi trường xây dựng; liên quan đến người sử dụng; liên quan đến thu thập các thông tin về trải nghiệm của người dùng và đánh giá của người sử dụng thông qua hình thức đánh giá sau khi đưa vào sử dụng (Post Occupancy Evaluation – POE). Nghiên cứu EBS dựa trên thông tin thu thập được thông qua POE và sử dụng các phát hiện này để tạo ra và điều chỉnh các chính sách cho quy hoạch, thiết kế và xây dựng.

Đi sâu vào tìm hiểu cụ thể hành vi môi trường trong tiến trình thiết kế, thông tin và các ý tưởng của EBS phải được áp dụng và tích hợp vào tất cả các giai đoạn của tiến trình thiết kế bắt đầu với sự phát triển các ý tưởng và phác thảo cho đến sự thực hiện và hoàn chỉnh dự án, và xa hơn là khảo nghiệm sự phản ứng của con người đối với công trình đó. Các mô hình này được đề xuất bởi John Zeisel và phát triển lên bởi Gary T. Moore. Hình 2 bên dưới phác thảo quy trình tổng thể tiến trình thiết kế và các thành phần liên quan.

Hình 2: Mô hình hoạt động của xây dựng môi trường kiến trúc

– Mô hình truy vấn của EBS

Đánh giá sau khi đưa công trình vào sử dụng là một trong những mô hình truy vấn chính của EBS. POE đã được nhiều nhà nghiên cứu và thiết kế coi là một công cụ không thể thiếu trong việc tạo dựng môi trường xây dựng bền vững và đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Những kết quả của POE từ các công trình kiến trúc, khi kết hợp vào các dự án trong tương lai sẽ mang đến sự hài lòng hơn cho người dùng (hình 3).

Hình 3: Quá trình từ thiết kế đến khi đánh giá sau khi đưa vào sử dụng của một công trình kiến trúc và các bước thực hiện.

– APR, công cụ ứng dụng kết quả nghiên cứu EBS trong thực tiễn thiết kế

Ở góc nhìn của EBS, công trình kiến trúc không có một mục đích rõ ràng bởi vì môi trường kiến trúc là một trong những yếu tố giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, EBS không nhắm đến việc cung cấp dữ liệu hữu ích một cách trực tiếp cho thiết kế, nhưng chứng minh các phương hướng và quy tắc hình thành nên môi trường kiến trúc dựa trên việc tìm hiểu toàn bộ mối quan hệ giữa con người và môi trường bao gồm sự phát triển tổng thể toàn diện trong sự tương tác với con người.

Trong khi đó, dựa vào hiểu biết thông thường về lĩnh vực nghiên cứu quy hoạch kiến trúc (Architectural Planning Research – APR), cái gì được “thiết kế” thường ám chỉ đến việc thiết kế kiến trúc hoặc là môi trường kiến trúc. Thái độ này thường xem các tổ hợp vật lý của việc thiết lập môi trường kiến trúc như những yếu tố độc lập để đạt được những hiệu quả mong muốn trên phương diện hành vi và sự tốt lành cho người sử dụng.

APR đóng vai trò như một công cụ ứng dụng kết quả của EBS trong thực tiễn thiết kế. Thật vậy, những gì được thiết kế nghĩa là hoạch định một hệ thống tổng thể bao gồm cả cuộc sống hằng ngày của con người. Thiết kế môi trường về căn bản có nghĩa là thay đổi hay là không thay đổi mức độ có thể trang bị của một môi trường kiến trúc, hoặc là mở rộng khả năng tự hiện thực hóa của con người.

– Nghiên cứu về quy hoạch kiến trúc (APR).

Thuật ngữ quy hoạch kiến trúc được phát triển ở Nhật Bản mang đến sự tò mò cho các học giả Tây Phương. Về ý nghĩa của thuật ngữ này, không giống với quan niệm của Tây Phương điều mà kiến trúc được xem là một lĩnh vực nghệ thuật, Nhật Bản quan niệm kiến trúc là lĩnh vực thiên về kĩ thuật. Theo đó, “quy hoạch” ám chỉ đến công việc “thiết kế” điều mà ở Nhật Bản được xem như một thuật ngữ mang nghĩa giống như là “lập trình/ hoạch định”.

Sự khác biệt của EBS và APR được giáo sư Kunio Funahashi (1997) (Takahashi, 1997) mô tả thông qua 4 đặc trưng:

+ Đầu tiên là nghiên cứu “không gian kiến trúc được dùng cho việc gì”. Trong APR có một số điểm tương đồng với việc đánh giá công trình sau khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, APR có khuynh hướng định hướng chung, có khả năng áp dụng hơn cho tất cả các loại hình công trình, APR can thiệp vừa phải và trực tiếp hơn so với EBS, cái mà dường như là định hướng cơ sở để cải thiện các vấn đề được tìm thấy thông qua các quy trình đánh giá.

+ Thứ hai là APR khảo sát mối quan hệ giữa cuộc sống con người và các điều kiện không gian kiến trúc trong giới hạn của những đề xuất quan trọng như “kiến trúc và con người” hoặc “cuộc sống và không gian kiến trúc”. Ở đây, điều kiện không gian kiến trúc nghĩa là hình dáng, kích thước, và/ hoặc sự sắp xếp, tổ hợp công trình. Khái niệm về cuộc sống con người đã được dựa trên truyền thống, như là các hoạt động thường ngày trong phạm trù của loại hình, cấu trúc không gian thời gian, và mức độ hiệu suất trơn của các hoạt động. Ngược lại EBS, nhắm đến cải thiện “chất lượng cuộc sống”, có khuynh hướng gồm không chỉ là phương diện chức năng (như trong APR), mà còn là tâm lý học, nhận thức, lĩnh hội và những nhu cầu tương tác xã hội của con người, những khác biệt văn hoá trong lối sống, ý nghĩa và biểu tượng của môi trường kiến trúc. Do đó, có những mục đích và cách tiếp cận khác nhau giữa APR và EBS trong việc giải quyết vấn đề. Có thể nói rằng, EBS khảo nghiệm mối quan hệ giữa sự giàu có trong tinh thần của con người và môi trường.

+ Thứ ba, khái niệm “môi trường” trong APR ám chỉ rằng môi trường kiến trúc chỉ đề cập đến các yếu tố “vật lý” hoặc là “không gian”. Thậm chí nếu nó thành công trong việc chỉ rõ các tác động của các nhân tố môi trường lên cuộc sống con người thì các kết quả dường như bị giới hạn trong sự trừu tượng tổng thể thực tế của cuộc sống chúng ta. Làm thế nào chúng ta hiểu khái niệm về cái gọi là các nhân tố vật lý hay là nhân tố kiến trúc? EBS gần như tiếp cận gần gũi tới hiện thực của toàn bộ môi trường bao gồm cả các khía cạnh văn hoá xã hội bao quanh chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

+ Sau cùng, với APR, mối quan hệ giữa các điều kiện kiến trúc và đời sống con người được quan niệm một cách điển hình như là sự xác định và/hoặc là tương tác. Đặc biệt, từ quan điểm về “sự sáng tạo kiến trúc” trong tư tưởng kiến trúc mang nặng chủ nghĩa chức năng, các thái độ quyết đoán sẽ đến một cách tự nhiên từ những mong muốn của chúng ta. Tuy nhiên, rõ ràng rằng, các quyết định kiến trúc có lẽ còn tồn tại những hạn chế khi đánh giá thấp sự phụ thuộc lẫn nhau của con người và môi trường xây dựng. Do vậy, APR được xem xét là một bước mở rộng của EBS giúp truyền tải sự hiểu biết về mối quan hệ của con người và môi trường vào các thiết kế cụ thể. Hình 4 khái quát ý nghĩa giữa EBS và APR trong việc tạo dựng không gian kiến trúc.

Hình 4: Sự khác biệt về mặt ý nghĩa của EBS & APR

Lời kết

Nghiên cứu về hành vi môi trường vừa tập trung vào lý thuyết vừa định hướng vấn đề. Một mặt, bối cảnh môi trường hành vi được xem là toàn diện, nó cho phép phân định một lĩnh vực mới tập trung vào lý thuyết. Mặt khác, sự hợp tác của các nhà tâm lý học (bao gồm lĩnh vực học thuật và chuyên môn nghề nghiệp) với những người làm chuyên môn khác vẫn còn giới hạn để tìm ra một đại diện cho vấn đề cụ thể trong nghiên cứu về môi trường và hành vi.

Đối với các định hướng tương lai của nghiên cứu này, sự phát triển tiếp tục trong mối quan hệ hợp tác làm việc giữa các nhà tâm lý học, KTS, các nhà quy hoạch và tăng cường nhấn mạnh các nghiên cứu mô tả cho mục đích khám phá cách thức mà trong đó, con người tận dụng một cách tích cực môi trường xung quanh bằng nhiều các thiết lập khác nhau.

Một chiến lược chung cho việc nghiên cứu về sự giao dịch giữa con người và môi trường được lập ra nhấn mạnh “đơn vị xã hội” hơn là các “hành vi đơn lẻ”. Vài đặc tính khác biệt về đơn vị xã hội đã được nhận diện, bao gồm sự hợp tác của chúng ở nhiều cấp độ hành vi và tổ chức một cách có hệ thống, kiểu mẫu.

Mặc dù sự phân tích các đơn vị xã hội không cấu thành nên một lý thuyết về mối quan hệ giữa con người và môi trường, nhưng nó cung cấp một cách căn bản khả dĩ cho việc phân biệt nghiên cứu hành vi và môi trường từ các lĩnh vực truyền thống về nghiên cứu tâm lý học (ví như tâm lý học xã hội). Cụ thể hơn, định hướng đơn vị xã hội gợi ý một số phương hướng và câu hỏi cho nghiên cứu trong tương lai điều mà có lẽ hình thành ý niệm cố kết, chặt chẽ hơn cho lĩnh vực hành vi và môi trường.

Rapoport (1990) nói rằng: Mọi người thiết kế môi trường sống của họ, như một hệ quả – Chúng ta sống trong môi trường cảnh quan văn hoá và chúng ta có trách nhiệm chia sẻ những quy tắc tạo dựng khung hệ thống môi trường đó, thậm chí là con người trong thời đại văn hóa và địa phương nào đó. Công việc thiết kế trong thế giới hiện đại có thể được hiểu không phải là hoạt động trong vòng tròn khép kín của người thiết kế và những con người liên quan, cũng không phải là một hoạt động tách biệt ra khỏi thế giới xung quanh – Công việc thiết kế trong thời kỳ hiện nay cần phải đặt giữa toàn thể thế giới và chúng trở nên có ý nghĩa hơn khi mà tất cả hành vi của con người và kiến thức được tôn tạo theo môi trường xung quanh một cách hài hòa.

Đỗ Duy Thịnh
Khoa Kiến Trúc – Trường Đại học Xây dựng Miền Tây
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2020)

 

Tài liệu tham khảo
– Bafna, S., 2003. Space syntax: A brief introduction to its logic and analytical techniques. Environ. Behav.
– Donald, A., Gerson, M.S., Lintell, M., 1981. Livable streets. Berkely/Los Angeles/London.
Francis, M., 2003. Urban open space : designing for user needs, Land and community design case study series.
– Jiang, B., 2015. Wholeness as a hierarchical graph to capture the nature of space. Int. J. Geogr. Inf. Sci.
Kar, A.Z., Sarkar, A., 2017. Exploring the role of Environment-Behavior Studies (EBS) in Residential Architecture-From Literature Review to Field Study. (Irjet).
– Laurence, P.L., 2006. The death and life of urban design: Jane Jacobs, the Rockefeller Foundation and the new research in urbanism, 1955-1965. J. Urban Des.
– Lynch, K., Rodwin, L., 1958. A Theory of Urban Form. J. Am. Plan. Assoc.
– Moore, G.T., 2006. Environment , Behaviour and Society : A Brief Look at the Field and Some Current EBS Research at the University of Sydney, in: 6th Internatonal Conference of the Environment-Behavior Research Association.
– Pol, E., 2006. Blueprints for a History of Environmental Psychology (I): From First Birth to American Transition. Medio Ambient. y Comport. Hum.
– Rapoport, A., 2008. Environment-behavior studies: Past, present, and future. J. Archit. Plann. Res. 276–281. Takahashi, T., 1997. Handbook of Japan–United States environment–behavior research: toward a transactional approach, in: Handbook of Japan–United States Environment–Behavior Research: Toward a Transactional Approach.
– Whyte, W.H., 2009. The social life of small urban spaces, in: Common Ground?: Readings and Reflections on Public Space.