Kiến trúc Mộc

Mộc là một khái niệm không xa lạ gì với người miền Bắc. Trà mộc là loại lá cây trà mà người ta hái từ vườn, từ đồi về, rồi sao lên qua lửa cho khô, rồi bỏ một mình nó vào ấm, chế nước nóng vào để thưởng ngoạn, không ngâm tẩm, không cho thêm bất cứ loại hương liệu nào, không hãm chung với bất cứ loại thảo mộc hay chất liệu, hóa chất, phụ gia nào khác, kiểu như trà Thái Nguyên là một ví dụ điển hình.

Sáng tạo theo cung cách “mộc” và thưởng thức “mộc” được coi là một trường phái có con đường đi riêng trên thế giới. Người Nhật tự hào là một dân tộc sáng tạo ra một kiểu “sống mộc”. Bạn hãy xem đôi đũa của người Nhật bằng gỗ hay tre đều không bao giờ sơn phủ một cái gì bên ngoài, nhìn rộng ra đồ ăn của họ như cá sống, thịt, đậu không ngâm tẩm mà thưởng thức nguyên vị của nó, điều này người Nhật nâng lên thành một triết lý và thấm vào trong kiến trúc, nội ngoại thất, trang phục, âm nhạc. Ngược lại, người Trung Quốc, họ không để cái gì “mộc” cả, dường như tất tần tật đều được sơn, dát, phủ, đắp một lớp áo bên ngoài từ đồ gỗ, đồ gốm, đồ kim loại, đến nhà cửa, cung điện, cao ốc.

Kiến trúc mộc được hiểu là chỉ có nó với bản thể mà không có thêm bất cứ một phụ kiện, phụ tùng hay lớp che phủ bên ngoài nào, có một số người còn cho rằng công trình kiến trúc mộc là công trình trong trạng thái nguyên thuỷ như vốn dĩ nó sinh ra. Mỗi lần từ Sài Gòn ra Hà Nội tôi hay lang thang đây đó, nhất là khu phố cổ để ngắm nghía những ngôi nhà cũ kỹ, rêu phong loang lổ, những hàng rào, lan can bằng sắt có tuổi đời gấp ba lần tuổi tôi. Có phải là người thuộc nhóm “xưa nay hiếm” chăng mà những người như tôi dễ mủi lòng, khi đối diện với nhà thờ lớn Hà Nội, chùa Keo, chùa Dâu, đình làng quê tôi ở Phú thọ thì cảm xúc dâng trào, những ký ức, hoài niệm kéo đến, những chiêm nghiệm, tự vấn và trăn trở lại ùa về. Đứng trước các tháp Chăm trong trạng thái mộc, thậm chí còn mộc hơn khi biết rằng nó không có bất cứ thứ gì công nghệ nhân tạo nào tham gia vào mà chỉ có đất với đất, ấy cũng là lúc mà chúng ta sẽ tự hỏi điều gì đã xảy ra với một Vương Quốc từng hàng trăm năm vang bóng?! Tôi đã đứng trước đền Angkor Thom, những khuôn mặt đá tròn nổi bật trong ánh nắng chiều chạng vạng, cũng là chợt hiểu tại sao có một bộ phận người Khmer muốn khôi phục lại một trong những nền văn minh vĩ đại nhất của loài người trước khi nó sụp đổ. Làm sao mà chúng ta không tự vấn về tình yêu, sự chung thủy khi đứng trước lăng Taj mahal? Làm sao chúng ta không suy ngẫm về sức mạnh nội lực của một dân tộc khi đứng trước những ngôi đền, chùa gỗ của Nhật Bản Như Meiji, Todaiji,…?

Chùa Bồ Đà – Bắc Giang

Bạn có nhiều suy tư như thế trước các công trình kiến trúc dù cũ hay mới được trang trí, sặc sỡ, diêm dúa không? Chắc là vui mắt, thậm chí là có phần thú vị, nhưng tôi tin là không nhiều điều đọng lại để ta phải suy nghĩ, trăn trở.

Những năm gần đây, việc làm cho các công trình kiến trúc trở nên vui mắt, long lanh, sặc sỡ rộ lên như phong trào xuất hiện nhiều nơi, nhiều công trình từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau, từ Sài Gòn cho đến Đà Lạt, từ đất liền cho đến Phú Quốc… Rất nhiều công trình kiến trúc khá đẹp nhưng người ta thêm vào nhiều thứ phụ tùng khác làm cho nó thêm rối mắt và dị dạng. Ở TP HCM, người ta lạm dụng nhiều nhất là sử dụng tấm alu, kính phản quang, nhựa để bọc, phủ bên ngoài; các thanh lam bằng nhôm, nhựa giả gỗ gắn mặt tiền, đưa lên trên nóc để trang trí theo phương vị ngang và cả phương thẳng đứng, theo từng mảng lớn và cả các thanh đơn để treo móc, ngoài ra phải kể đến rất nhiều thứ khác như đèn dây, đèn chùm, đèn lồng, cờ phướn, cờ đuôi nheo, pano, áp phích, đặc biệt là lạm dụng sơn công nghiệp bôi trát với những mảng mầu nóng lạnh, xanh đỏ vô tội vạ, miễn sao gây được ấn tượng mạnh. Rất tiếc điều này đã bắt đầu lấn sang cả chùa, nhà thờ, thánh thất, đình miếu. Chưa kể phong trào tượng tròn, phù điêu xuất hiện khắp cả từ công sở nhà nước đến chốn tôn nghiêm. Hà Nội cũng như TP HCM có những công trình hàng trăm năm tuổi nhưng lúc nào cũng khóac mầu áo mới không phải là hiếm. Có một lần, tôi và KTS Nguyễn Văn Tất, Ông Phan Chánh Dưỡng (đồng tác giả của khu Nam Sài Gòn) ngồi trên sân thượng của khách sạn Palace nhìn xuống trục đường Nguyễn Huệ, ông Tất chép miệng nói giá như không có nhiều đèn mầu xanh đỏ chớp sáng sặc sỡ, không có những khối trang trí xanh đỏ làm bằng tấm xốp khổ lớn thì con đường này sẽ mang một vẻ đẹp rất khác, một vẻ đẹp mạnh mẽ, mạch lạc và rất Sài Gòn.

Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng
Cái hang gạch

Chỉ mới đây thôi nhạc sĩ Phú Quang rời bỏ chúng ta, nhưng tôi tin tất cả mọi người đều nhớ mãi về con người nhất mực tài hoa ấy, chúng ta nhớ về ông đồng nghĩa với nhớ về Hà Nội (ngay cả khi ta đang sống giữa Hà Nội) không phải từ những gì to tát mà từ những thứ rất đỗi giản dị như cây bàng, hoa sữa, góc phố, hàng phố cũ rêu phong, Hồ Tây con sóng lao xao, cơn mưa nhỏ rì rào, những thứ ấy rất mộc, bắt gặp quanh ta đây đó.

Mộc là bản chất thật và vĩnh cửu với con người. Bạn tin tôi đi, những giá trị văn hóa được coi là bất biến của dân tộc này chính là những cái mộc nhất, nó không cần phấn son, mặt nạ. Tôi tin, các bạn giống như tôi nhiều lần ngắm khuôn mặt của bà mình, mẹ mình ở hiện tại hay mường tượng nơi quá khứ xa xăm bạn thấy đấy là khuôn mặt đẹp nhất, mộc nhất, không son phấn, không tô kẻ, nhiều lắm cũng chỉ là môi đỏ nhờ ăn trầu. Do vậy Mộc cần được tôn vinh không chỉ trong kiến trúc, văn hóa, tình bạn, tình yêu và chính trị nữa, bởi chính trị mà không mộc thì chỉ là “mỵ/ mị” và diễn. Nghe có vẻ hơi kỳ, nhưng rất nhiều đàn ông trong đó có tôi thích ngắm nhìn người phụ nữ mặt mộc khi ngủ. Nó có cái gì đó gần gũi, thân thiết, dễ chịu và… dễ sở hữu hơn.

Cuckoo House

Vĩ thanh: Chuyện bên ngoài kiến trúc, so với TP HCM, cảnh quan, công trình kiến trúc của Hà Nội còn giữ được ở trạng thái “mộc” rất nhiều, còn TP HCM thì lại bị diêm dúa hóa nhiều quá, nhưng điều trái ngược là hình như người ở đó có phần “mộc” hơn người Hà Nội. Tôi thử tìm câu trả lời, nhưng không đi đến tận cùng được, có lẽ tôi xa Hà Nội gần 50 năm rồi. Ngày Tết, bạn đọc được những lời này, xin đừng trách – Vì nó cũng mộc đấy.

Nguyễn Minh Hòa – Nhà Đô thị học
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2021)