Kiến trúc và xã hội qua góc nhìn điện ảnh của Jacques Tati

Vào năm 1964, đạo diễn người Pháp Jacques Tati (lúc này đã có danh tiếng nhất định với phong cách điện ảnh riêng xây dựng từ những phim trước đó), quyết định dốc hết gia tài cho dự án phim để đời mang tên Playtime (Giờ chơi). Bộ phim có một bối cảnh đặc biệt được thiết kế dành riêng cho nó, được gọi là Tativille. Tativille là hình ảnh hư cấu của Paris trong tương lai gần, với những ngôi nhà cao tầng ốp kính giống hệt nhau điển hình cho phong cách quốc tế và chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc đang thịnh hành. Bối cảnh phim tiêu tốn ngân sách đến nỗi thời gian thực hiện bộ phim kéo dài đến chín năm khó nhọc và nó khiến vị đạo diễn buộc phải vay những khoản nợ khổng lồ mà ông không ngại đánh cược cho cuộc chơi nghệ thuật lớn. Nói về sự đầu tư này, Tati tuyên bố các tòa nhà xuất hiện ở Tativille được xây dựng đẹp tới nỗi không KTS nào có thể phê bình chúng. Với bản tính hài hước, tuyên bố này thật ra là một cách châm biếm.

Sau thế chiến thứ hai, nước Pháp trải qua thời kì tái thiết thời hậu chiến. Như mọi xã hội hậu chiến khác, kiến trúc và quy hoạch đô thị là vấn đề quan trọng hàng đầu cần cân nhắc. Đáp ứng nhu cầu nhà ở tăng cao, các cuộc chỉnh trang đô thị trong giai đoạn những năm 1940 đến 1960 hướng đến chất lượng sống tốt hơn cho công chúng. Công cuộc tái thiết này đánh dấu sự ra đời của kiến trúc hiện đại, các sản phẩm sản xuất theo công nghệ hàng loạt, các tòa nhà tiền chế và phong cách sống kiểu Mỹ. Nhưng nó đồng thời cũng mang lại những tác động không mong muốn như sự phá hủy các mẫu hình đô thị truyền thống, thay vào đó bằng các tòa nhà lớn không có bản sắc quốc gia, thiếu vắng không gian cho các hoạt động sống thường nhật và tạo ra khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội. Nhấn mạnh vào sự tương tác qua lại giữa kiến trúc và hành vi con người, Tati đặt ra những câu hỏi mang tính xã hội một cách đầy hài hước.

Sau sự nghiệp ngắn ngủi làm cầu thủ rugby, Tati bước vào lĩnh vực sân khấu tạp kĩ của Pháp vào đầu thập niên 1930; lối diễn của ông là dùng kịch câm giễu nhại những ngôi sao thể thao thời đó. Một số buổi trình diễn của ông được quay lại thành những đoạn phim ngắn vào thập niên 1930 nhưng chiến tranh gián đoạn sự nghiệp của ông và Tati chỉ trở thành đạo diễn sau khi chiến tranh kết thúc. Bộ phim Les Vacances de Monsieur Hulot (Mr. Hulot’s Holiday, Kì nghỉ của ngài Hulot) do Tati đạo diễn lần đầu giới thiệu một nhân vật mà ông sẽ thủ vai trong suốt phần sự nghiệp còn lại của mình – ông Hulot, một người đàn ông Pháp lập dị, vụng về, lịch thiệp với dáng cao dong dỏng luôn ngả người về trước. Nếu trong Kì nghỉ của ngài Hulot, nhân vật ông Hulot với nét hài hước đặc trưng chiếm vị trí trung tâm và được yêu thích rộng rãi thì sang Mon Oncle (My Uncle, Cậu tôi), ông Hulot đã từ bỏ vị trí trung tâm để bước ra bên lề, dù vẫn dễ được nhận thấy giữa các nhân vật khác. Đến Playtime (Giờ chơi), ông Hulot đơn thuần là một nhân vật bình thường giữa rất nhiều nhân vật khác nhau trên màn ảnh. Dù ở vai trò nào thì ông Hulot không chỉ là một nhân vật hoạt kê mà còn là một thái độ, một quan điểm hài hước nhưng nghiêm khắc hướng đến thế giới xung quanh.

Trong Cậu tôi, người xem dễ dàng nhận ra sự tương phản giữa hai bối cảnh, hai lối sống, hai tầng lớp xã hội và hai xu hướng đối lập thể hiện qua nơi ở của ông Hulot và gia đình Arpel, người em rể. Ông Hulot sống ở ngoại ô, nơi có không khí thân thiện ấm áp với những quán cà-phê, cửa hàng tạp hóa, khu chợ ngoài trời nơi người ta giao thiệp, trao đổi, cãi cọ và những không gian mở nơi hàng xóm gặp gỡ thăm hỏi còn trẻ con tự do chạy nhảy chơi đùa. Đó là một khu dân cư ồn ào, dân dã nhưng đầy sức sống. Trong khi đó, gia đình Aprel sống ở khu vực trung tâm giàu có nơi những ngôi nhà hiện đại ngăn cách nhau bởi những cánh cổng khô cứng. Những người hàng xóm dường như chia sẻ một phong cách sống tương tự, vật chất, sự giàu có, văn hóa và hạnh phúc với họ chỉ là những khái niệm đồng nghĩa. Không chỉ khu dân cư, ngôi nhà của gia đình Arpel và ngôi nhà của ông Hulot cũng đối lập nhau. Ngôi nhà và khu vườn của gia đình Arpel được liên tưởng đến các thiết kế của KTS nổi tiếng Le Corbusier. Ông Arpel thể hiện xu hướng cấp tiến trong nghệ thuật khi thiết kế ngôi nhà từ các hình khối cơ bản và màu sắc hiện đại, nội thất tiết giản với nhiều sản phẩm cảm ứng. Mọi hoạt động trong nhà cũng bị chi phối hoàn toàn bởi công nghệ. Khu vườn của nhà Arpel đẹp và độc đáo, nhưng thiếu thân thiện. Thiết kế khu vườn quyết định từng bước đi và hoạt động của người sử dụng chứ không phải ngược lại. Trong khi đó, ông Hulot sống ở tầng áp mái của một ngôi nhà Paris kiểu truyền thống đã cũ. Tầng áp mái thường dành cho người nghèo và dân lao động. Để vào nhà, ông Hulot phải leo nhiều bậc cầu thang. Sự bất tiện này lại là hành trình thú vị khi ông tương tác với đời sống của hàng xóm. Từ trong nhà, Hulot có góc nhìn bình yên hướng về chiếc lồng chim treo bên ngoài, một hình ảnh nhiều lần lặp lại. Bằng các cảnh hoạt kê, Tati cho thấy sự chi phối mạnh mẽ của kiến trúc lên hành vi con người. Và do vậy, kiến trúc, chứ không phải các nhân vật, chiếm vị trí trung tâm của bộ phim. Cậu tôi cũng phản ánh một xu hướng hiện thực khác, quá trình tái thiết Paris tạo ra sự phân chia đô thị thành các khu vực bên trong và bên ngoài, thành phố và ngoại ô, sự hiện đại hóa xã hội và các nhóm thiểu số bị bỏ lại bên lề.

Ngôi nhà của gia đình Arpel, phim Mon Oncle, hình ảnh từ internet
Ngôi nhà của ông Hulot, phim Mon Oncle, hình ảnh từ internet

Khác với Cậu tôi, Giờ chơi không tập trung khắc họa sự tương phản của các bối cảnh đối lập mà để người xem lang thang trong những đại cảnh tiếp nối. Bộ phim mở đầu với cảnh du khách xuất hiện tại một sân bay quốc tế. Nội thất sân bay sử dụng đá lát sàn trắng, kính và kim loại cho tất cả bức tường. Màu sắc lạnh lẽo của bối cảnh làm người xem tưởng mình đang xem một phim trắng đen, dù thực chất phim có màu.

Không gian nội thất lạnh lẽo của sân bay quốc tế, cảnh trong phim Playtime

Trên bức tường một công ty du lịch, hình ảnh quảng cáo các thành phố Hawaii, Mexico và Stockholm đều là các tòa nhà hiện đại chọc trời giống hệt nhau. Các tòa nhà cao tầng bằng kính và bê tông xuất hiện nhiều lần xuyên suốt bộ phim nhấn mạnh lối kiến trúc quá chú trọng công năng, đồng dạng và hoàn toàn thiếu bản sắc. Dấu chỉ duy nhất của Paris là hình ảnh tháp Eiffel, cổng Khải Hoàn Môn, vương cung thánh đường Sacré-Cœur phản chiếu trên một chiếc cửa kính.

Một kiểu nhà chọc trời xuất hiện trên poster của các thành phố khác nhau, cảnh trong phim Playtime
Tháp Eiffel biểu tượng của Paris phản chiếu trong cửa kính, cảnh trong phim Playtime

Tiếp theo, ông Hulot xuất hiện rồi đi lạc trong một triển lãm giới thiệu các thiết kế mới và các sản phẩm công nghệ nhập khẩu từ Mỹ. Tương tự như nội thất sân bay, không gian triển lãm cũng có nội thất gồm gạch trắng, kính và kim loại; sạch sẽ nhưng vô hồn. Không chỉ văn hóa đại chúng Mỹ mà kiến trúc kiểu Mỹ cũng có sức ảnh hưởng lớn lên các giá trị truyền thống của văn hóa Pháp. Không chỉ thưởng thức các triển lãm, người Pháp còn tự biến mình thành sản phẩm triển lãm khi phô bày đời sống riêng tư bên trong các căn hộ sang trọng có tường hoàn toàn bằng kính, nơi mà mọi hoạt động của họ có thể được nhìn thấy từ bên ngoài. Đời sống thường nhật của họ trở thành những màn biểu diễn.

Sinh hoạt cá nhân phơi bày trong những căn hộ vách kính sang trọng, cảnh trong phim Playtime

Giờ chơi đem lại một câu chuyện không có cốt truyện chỉ có không gian chuyển tiếp không gian. Câu chuyện không cốt truyện được đẩy lên cao trào trong bối cảnh một nhà hàng mở vội vàng khi nội thất chưa hoàn thiện. Không gian nội thất này thoạt trông sang trọng nhưng quá trang nghiêm, tạo thành bầu không khí buồn tẻ, thiếu vắng sự kết nối. Vì chưa hoàn thiện, các thiết bị bắt đầu hư hỏng đòi hỏi kiến trúc sư, quản lý, nhân viên phục vụ phải cùng nhau khắc phục. Ông Hulot khiến sự tình thêm tồi tệ khi vô tình làm sập tấm trần và các vách ngăn. Bất ngờ, sự cố này khiến mọi người phấn khích, không khí tiệc tùng sôi động bắt đầu và sự kết nối ấm cúng được tạo ra. Sự kết nối là điều nên được tạo ra trong mọi không gian sống, đó là điều Tati luôn nhấn mạnh, qua các cảnh phim của mình.

Nhà hàng sang trọng nhưng trang nghiêm buồn tẻ, cảnh trong phim Playtime
Sự cố sập trần vô tình tạo không khí tiệc tùng phấn khích, cảnh trong phim Playtime

Mặc dù mang thông điệp châm biếm trực diện hướng đến sự đồng dạng, cằn cỗi, thiếu nhân bản của kiến trúc hiện đại và sự trưởng giả phô trương của con người, Giờ chơi đúng như tên gọi của mình, đồng thời cũng mang đến không khí sinh động tươi vui khiến người ta vẫn định nghĩa và thưởng thức nó như một bộ phim hài. Đó là một bộ phim hài theo phong cách riêng của Tati. Yếu tố gây cười đôi khi không đến từ cảnh huống hay hành động của nhân vật mà đến từ toàn bộ thế giới chi phối bởi sự phi lý nơi Tati buộc người xem phải nhìn, lắng nghe, rà soát hàng loạt thông tin đồng thời diễn ra. Cũng trong Giờ chơi, Tati tôn vinh cách con người, đặc biệt là người Pháp chống lại trật tự áp đặt. Ông từng chia sẻ, nếu bộ phim có một thông điệp giáo dục nào đó thì đó là sự thích nghi, cách mà người ta tự điều chỉnh thói quen của mình để thích ứng với môi trường, từ đó tìm thấy ít nhiều niềm vui.

Khi ra mắt, Giờ chơi thất bại nặng nề về thương mại khiến đạo diễn Jacques Tati phá sản lâm vào cảnh nợ nần. Bộ phim cũng gặp khó khăn khi tìm nhà phân phối ở bắc Mỹ. Sau bộ phim này, các tác phẩm tiếp theo của Tati dù vẫn đảm bảo chất lượng nghệ thuật nhưng không còn mang nhiều tham vọng nữa. Tuy nhiên đây được xem là một trong những bộ phim hay nhất thế kỉ hai mươi đánh dấu đỉnh cao điện ảnh thập niên sáu mươi và xác lập một phong cách cá nhân độc đáo không thể bắt chước. Playtime được cấu thành hầu hết từ những hoạt cảnh với lối quay toàn cảnh (long-shot) cho phép người xem tự do lang thang khắp khung hình, để chọn lấy những cảnh hoạt kê hoặc xảy ra ở tiền cảnh, hoặc ở hậu cảnh, hoặc chỉ xảy ra ở một bên khung hình. Bộ phim trả lại cho người xem sự tự do phản ứng với một môi trường không bị đóng khung bởi các định kiến. Mặc dù những vấn đề Tati châm biếm hiện này không còn nhiều tính thời sự, thông điệp về sự thích nghi và tác động qua lại giữa môi trường với hành vi là không bao giờ cũ, đặc biệt khi nó được thể hiện qua một cách làm phim công phu đầy sáng tạo. Không một bộ phim nào sử dụng không gian, kiến trúc và đám đông tuyệt vời như cách Jacques Tati đã làm trong bộ phim đỉnh cao của ông.

Đinh Ngọc Tâm
© Tạp chí kiến trúc