Kiến trúc Việt Nam: 70 năm đồng hành cùng đất nước

Với chiều dài lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, thì 70 năm chỉ là một khoảnh khắc. Nhưng với Hội KTS Việt Nam – Tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của giới KTS, thì khoảnh khắc ngắn ngủi ấy lại chứa đựng những dấu ấn đậm nét gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và kiến thiết đất nước của dân tộc.

Trong 70 năm hào hùng và đầy biến động đó, kiến trúc đã đồng hành, tham dự, trở thành chứng nhân lịch sử, phản ánh trung thực nhất mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển của dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước từ sau Cách mạng tháng Tám cho đến hôm nay.

Những công trình đầu tiên (1948 – 1975)

Với tầm nhìn chiến lược, ngay trong kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập tổ chức nghề nghiệp của giới KTS để phục vụ công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Tháng 4/1948, tại làng Thản Sơn, xã Liên Sơn, huyện Lập Thạch (Tỉnh Vĩnh Phúc) đã diễn ra Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam (nay là Hội KTS Việt Nam) với sự tham gia của 08 KTS sáng lập: Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Ngọc Chân, Trần Hữu Tiềm, Võ Đức Diên, Tạ Mỹ Duật, Phạm Quang Bình.

Sau Hội nghị, tuân theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các KTS thế hệ đầu tiên của Hội đã vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn của cuộc chiến, sáng tạo trong thiết kế và xây dựng nhiều công trình phục vụ cách mạng và nhân dân bằng vật liệu gỗ, tre, nứa, lá. Một trong những công trình tiêu biểu, ghi dấu những thành tựu đầu tiên của ngành kiến trúc cách mạng non trẻ, là Khu Hội trường. Nhà làm việc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (11/1952) của KTS Hoàng Như Tiếp.

Năm 1954, hòa bình lập lại trên miền Bắc. Các KTS thế hệ đầu tiên vẫn là lực lượng chủ chốt trong giai đoạn đầu của công cuộc tái thiết. Trong đó, KTS Nguyễn Văn Ninh là Cục trưởng Cục Thiết kế dân dụng, KTS Hoàng Như Tiếp là Cục trưởng Cục Đô thị – Nông thôn. Những năm 1954 – 1975, cả miền Bắc như một đại công trường sôi động. Nhiều công trình được xây dựng với hình thức đơn giản, trong sáng phù hợp với đặc điểm văn hóa – xã hội và khí hậu của đất nước đã định hình phong cách kiến trúc hiện đại XHCN Việt Nam. Đó là các công trình: Lễ đài Ba Đình (1955), Nhà sàn Bác Hồ (1958 – KTS Nguyễn Văn Ninh); Hội trường Ba Đình (1962 – KTS Trần HữuTiềm, KTS Nguyễn Cao Luyện), Trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh Nghĩa Lộ (1956 – KTS Nguyễn Cao Luyện); Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (1958 – KTS Nguyễn Ngọc Chân, KTS Trần Hữu Tiềm); Trụ sở Tổng cục Thống kê (1960 – KTS Đoàn Văn Minh); Học viện Thủy Lợi (1958 – KTS Đoàn Văn Minh); Bảo tàng Việt Bắc, Thái Nguyên (1963 – KTS Hoàng Như Tiếp); …
Bên cạnh đó là những công trình theo phong cách kiến trúc hiện đại XHCN quốc tế, như: Khu nhà ở Kim Liên; Khu công nghiệp Cao-Xà-Lá Hà Nội, Gang thép Thái Nguyên; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (KTS Medenxep và Ixanovich); Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội; Bệnh viện Nhi Olof Palme, Hà Nội; Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba ở Đồng Hới; Khách sạn Thắng Lợi (KTS Quintana, Cu Ba); Cung Văn hóa Thiếu nhi, Hà Nội (KTS Lê Văn Lân),…

Ở miền Nam, trong hoàn cảnh chiến tranh, KTS Huỳnh Tấn Phát đã thiết kế và xây dựng nhiều công trình bằng vật liệu địa phương, đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng và phục vụ kháng chiến. Tại các đô thị lớn, do có điều kiện tiếp cận các xu hướng kiến trúc, công nghệ và vật liệu tiên tiến trên thế giới, các KTS miền Nam đã tạo nên một phong cách kiến trúc nhiệt đới, hiện đại, có bản sắc. Tiêu biểu là Dinh Độc Lập (1966 – KTS Ngô Viết Thụ); Thư viện Quốc gia Sài Gòn (1972 – KTS Nguyễn Hữu Thiện); Nhà thờ Đức Mẹ ở Huế (1968 – KTS Nguyễn Mỹ Lộc); Trung tâm nguyên tử Đà Lạt (1965 – KTS Ngô Viết Thụ); Cư xá Thanh Đa – Sài Gòn(1960); Trường đại học Sư phạm Huế (1960 – KTS Ngô Viết Thụ); Bệnh viện Vì Dân (1974 – KTS Trần Đình Quyền); Hội sở Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (1974 – KTS Nguyễn Quang Nhạc)…

Giai đoạn từ 1976 đến 1986

Đất nước thống nhất sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Lực lượng KTS ở hai miền Nam – Bắc hợp lực để xây dựng đất nước dưới mái nhà chung là Hội KTS Việt Nam.

Giai đoạn 1976 – 1986, đất nước đương đầu với nhiều khó khăn do phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, cấm vận trong điều kiện vẫn còn chiến tranh biên giới. Trong bối cảnh ấy, các KTS đã cố gắng tìm tòi, thể nghiệm để tạo nên một xu hướng kiến trúc hiện đại giản dị và thích dụng. Đó là các khu nhà ở lắp ghép bê tông tấm lớn ở Hà Nội; Nhà hát Hòa Bình – Q.10, TP. HCM (1978 – KTS Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thanh Thế); Bảo tàng Hùng Vương Phú Thọ (1980 – KTS Vương Văn Lai, KTS Tạ Mỹ Duật); Bưu điện Quảng Ninh (1986 – KTS Nguyễn Văn Triệu); Viện Xã hội học Campuchia (1989 – KTS Trần Đức Nhuận); Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô ở Hà Nội (1975 – KTS Ixacovich-Liên Xô);…

Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn này, kiến trúc Việt Nam vẫn tự tin vươn ra thế giới qua các cuộc thi Kiến trúc quốc tế và đạt được nhiều giải thưởng cao quý: Năm 1979, tại cuộc thi quốc tế “Archis 79-Habitation Rural” tổ chức ở Paris-Pháp, giải Nhất thuộc về các KTS: Nguyễn Văn Tất với đồ án “Nhà ở vùng đất bồi ngập mặn Năm Căn – Cà Mau”; KTS Bùi Quang Ngân, Đặng Bá Cầu, Nguyễn Ngọc Bình với đồ án “Làng nổi Đồng Tháp Mười” và KTS Nguyễn Luận, Trần Quang Trung với đồ án “Nhà ở nông thôn: Đơn vị cân bằng sinh thái”. Năm 1985, đồ án “Nhà ở Làng hoa Ngọc Hà” của các KTS Nguyễn Hoàng Hà, Lê Thị Kim Dung, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Đình Tuấn đoạt giải Nhất tại cuộc thi Kiến trúc quốc tế “Nhà ở cho ngày mai”,… Đặc biệt, tại cuộc thi Kiến trúc quốc tế Interarach-87 tổ chức tại Bulgaria , đồ án “Tồn tại hay không tồn tại” của nhóm KTS Vũ Văn Tân, Nguyễn Bắc Vũ, Lê Thị Kim Dung, Vũ Anh Tuấn đã đạt Giải thưởng Lớn, Giải thưởng đặc biệt.

Giai đoạn Đổi mới từ 1987 đến nay

Đường lối Đổi mới kinh tế đất nước đã tác động sâu sắc đến đời sống hành nghề của giới KTS và hoạt động Hội KTS Việt Nam. Hội chú trọng các hoạt động chuyên môn và hợp tác quốc tế để KTS của chúng ta nhanh chóng tiếp cận các xu hướng kiến trúc tiên tiến của khu vực và thế giới.

Năm 1993, lần đầu tiên Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) do Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTT và DL) phối hợp tổ chức. Giải thưởng nhanh chóng góp phần thúc đẩy niềm đam mê sáng tạo của các KTS. Bên cạnh GTKTQG còn có các hoạt động mang tính xã hội khác như Liên hoan KTS trẻ toàn quốc; Liên hoan SV Kiến trúc toàn quốc; Giải thưởng Loa Thành dành cho SV ngành kiến trúc, xây dựng; Giải thưởng Kiến trúc Xanh Việt Nam;… Đến hôm nay, thông qua Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam và các kỳ giải thưởng, Hội KTS Việt Nam khẳng định: Kiến trúc xanh là xu hướng phát triển tất yếu của nền kiến trúc nước nhà trong thế kỷ 21.

Trong hơn 30 năm đổi mới, thế hệ KTS sinh trong thập niên 70-80 đã đi tiên phong và trở thành lực lượng quan trọng của sự nghiệp phát triển kiến trúc theo hướng tiến bộ như kiến trúc xanh, kiến trúc vì cộng đồng. Nhiều người trong số đó đã đoạt được các giải thưởng danh giá trong các cuộc thi kiến trúc quốc gia và quốc tế như: Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Hoàng Mạnh, Nguyễn Hoàng Hiệp, Đoàn Thanh Hà, Nguyễn Xuân Minh, Hồ Khuê… Năm 2017, tại Đại hội KTS Thế giới UIA tổ chức tại Seoul – Hàn Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, KTS Hoàng Thúc Hào đã vinh dự được trao giải thưởng Lớn của UIA với những cống hiến vì cộng đồng.

Những công trình tiêu biểu trong giai đoạn này là: Đài Tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ ở Ba Đình, Hà Nội (1993 – KTS Lê Hiệp); Đài tưởng niệm Liệt sỹ ở Bến Dược, Củ Chi (1998 – KTS Khương Văn Mười); Khu đô thị mới Ecopark, Hưng Yên (2000); Trung tâm Hội chợ Triển lãm Thương mại – Văn hóa Hải Phòng (1998 – KTS Nguyễn TiếnThuận), Tòa tháp Bitexco, TP.HCM (2010); Trường PTTH chuyên Amsterdam, Hà Nội (2010 – KTS Nguyễn Tuấn Anh, Phạm Duy Đông), Trường Mầm non Xanh, Biên Hòa, Đồng Nai (2013 – KTS Võ Trọng Nghĩa), Trường học vùng cao “Hoa Rừng” (2013 – KTS Hoàng Thúc Hào), Khu nhà ở xã hội NO1, NO2 KĐT Đặng Xá (2013 – Viện Quy hoạch đô thị – Nông thôn, KTS Đỗ Kim Dung và cộng sự); Nhà Quốc hội (2014 – KTS Meinhard Von Gerkan và Nicolaus Goetze);…

Nhìn lại chặng đường 70 hoạt động và trưởng thành của Hội KTS Việt Nam và của giới KTS, có thể rút ra những bài học sâu sắc như sau:

  1. Hội KTS Việt Nam được Đảng và Bác Hồ chủ trương thành lập từ những năm đầu của cuộc kháng chiến 9 năm (27/4/1948), thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm của Bác chuẩn bị lực lượng phục vụ kháng chiến và cho ngày thắng lợi, để xây dựng lại đất nước.
  2. Trong 70 năm qua kiến trúc luôn đồng hành cùng đất nước. Đội ngũ KTS Việt Nam giàu lòng yêu nước, trung thành với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước, làm tròn trách nhiệm được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó là xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hai cuộc kháng chiến và tái thiết đất nước sau hòa bình, thống nhất, góp phần vào thành công của công cuộc “Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước”.
  3. Trong suốt 70 năm, KTS Việt Nam luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ trong thư Người gửi Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam, luôn đoàn kết, sáng tạo, kiên trì phấn đấu với mục tiêu “Vì một nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại giàu bản sắc văn hóa dân tộc”. Phương châm hoạt động này đã được các KTS thể hiện qua các công trình, như: Thế hệ KTS đầu tiên với phong cách kiến trúc kết hợp hiện đại với truyền thống – “nhà ánh sáng”…(những năm 30-40); Thế hệ KTS tiếp nối với xu hướng kiến trúc nhiệt đới bản địa (những năm 50-70) hay từ thập niên 90 là xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc cộng đồng.
  4. Kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, KTS trẻ hôm nay luôn thể hiện tài năng sáng tạo, hướng về cái mới, hiện đại nhưng không bị quốc tế hóa. Nhiều KTS trẻ, sinh viên Kiến trúc đã đạt giải thưởng danh giá tại các kỳ thi Kiến trúc quốc tế và được tôn vinh trên diễn đàn kiến trúc thế giới.

70 năm qua, giới KTS Việt Nam đã tập hợp dưới mái nhà chung là Hội KTS Việt Nam – tổ chức Chính trị – xã hội – nghề nghiệp, luôn trung thành với sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước, của Nhân dân, luôn đoàn kết và không ngừng đổi mới, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ kiến tạo không gian sống an toàn, bền vững góp phần vào thành công của sự nghiệp CNH – HĐH đất nước và phát triển nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Chúng ta tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc Lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng… ghi nhận những cống hiến của các thế hệ KTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kỷ niệm 70 năm thành lập, chúng ta không quên công lao của thế hệ KTS đầu tiên, những người đã đặt nền móng xây dựng ngôi nhà chung của giới KTS và nền Kiến trúc cách mạng. Chúng ta cũng không quên sự cống hiến của các gia đình có nhiều thế hệ là KTS. Chúng ta cũng không quên những KTS đã khuất, những người khi còn sống đã cống hiến tài năng của mình cho nền kiến trúc và sự nghiệp xây dựng và phát triển Hội KTS Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường 70 năm phát triển của Hội và nền Kiến trúc cách mạng, giới KTS càng nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề và vinh quang của mình để “Đoàn kết hơn nữa – Đổi mới hơn nữa – Sáng tạo hơn nữa” góp phần xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” trong thời kỳ phát triển mới.

KTS Nguyễn Tấn Vạn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2018)