Kiến trúc Việt Nam những người “Tiên Phong Thầm Lặng”

Có thể nói, trước ảnh hưởng của những dịch chuyển và cào bằng mà quá trình toàn cầu hoá đem lại, nhiều người khao khát muốn có lại đường biên giới vững chắc và bản sắc văn hoá rõ rệt. Có thể thấy dấu hiệu trong sự trỗi dậy của các “phong trào bản sắc”. Chúng ta đang sống trong thời đại bị nỗi sợ hãi chế ngự – sợ quá nhiều yếu tố lạ, sợ mất nền văn hoá “của mình”. Bối cảnh đó rất dễ gây hiểu lầm, bài viết của tôi từ góc nhìn của một người di cư là sự tìm tòi rập khuôn về cội rễ của mình; từ góc nhìn chính trị, như là nỗ lực đưa ra một cấu trúc bản sắc địa phương. Song, chính trước bối cảnh khủng hoảng chính trị đó, nên hiểu cuốn sách này duy nhất chỉ là sự tìm đến lối thoát khỏi các bẫy quy về văn hoá đang rình rập khắp nơi. Cho phép tôi trình bày trước thông điệp chính: Bản sắc không phải là trò chơi Zero-Sum (từ dùng để diễn tả tình huống trong đó nếu một người thu được lợi ích thì người kia sẽ bị thiệt hại tương đương và ngược lại. Gọi là Zero-sum vì sau khi cộng tất cả các lợi ích, trừ đi các khoản thiệt hại, ta được kết quả là 0 – chú thích của người dịch) mà trong đó “bên kia” và “bên mình” giành chỗ nhau.

Câu hỏi ở đây là: Nói đến bản sắc văn hóa Việt Nam khi ta xét đến cơ số các ảnh hưởng tạo nên văn hoá Việt Nam đương đại? Phải chăng đó là không gian văn hoá phức hợp Trung Ấn, như giao điểm hai nền văn hoá châu Á áp đảo là văn hoá Trung Hoa và Ấn Độ? Hay đó là ảnh hưởng từ châu Âu đã có mặt ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 16? Ta nói đến quá trình thực dân hoá của Pháp từ nửa sau thế kỷ 19, vốn đã để lại dấu ấn sâu sắc? Hay văn hoá pop của Mỹ chưa từng mất đi lực hấp dẫn, cho dù đi song song với ác mộng chiến tranh? Và cũng phải kể đến ý thức hệ XHCN. Chưa kể đến chủ nghĩa tư bản tồn tại bên cạnh chủ nghĩa xã hội từ khi có chính sách Đổi Mới với những cải cách hồi thập kỷ 1980… Điều kiện lịch sử ấy đã tạo ra một nền văn hoá lai ghép rõ rệt. Hướng theo ý đó, nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá Caroline Herbelin đã nhận định trong bản phân tích đa chiều về ảnh hưởng của Pháp vào kiến trúc Việt Nam là “ít chú trọng tính xác thực”. Thay vào đó, cái được chú trọng lại là các hình thái lai ghép. Bản phân tích của Herbelin cho thấy tính xã hội và tính vật chất giao thoa vào nhau: “Sức mạnh của các vật thể lai ghép là để mở sự lựa chọn các mặt liên quan của chúng và qua đó tạo ra các hình thức mới để nhận dạng và thay đổi”. Với mệnh đề ấy, chúng tôi mở đề cho cuốn sách này: “Với điều kiện như thế, liệu có thể hiểu lai ghép là sự mất mát so với bản sắc nguyên thuỷ”? Như mọi dạng tri thức, văn hoá chỉ giàu thêm chứ không nghèo đi khi càng thu nạp thêm cái mới, đổi mục đích của nó, biến đổi cho nó phù hợp với mình và biến thành cái của mình. Văn hoá không mất đi cội rễ của mình khi mở cửa đón các nền văn hoá khác, mà ngược lại, cội rễ của nó lan toả và sum suê thêm. Một nền văn hoá sống động không khơi nguồn sức mạnh của mình từ việc giữ khư khư cái gọi là tính xác thực, mà từ sự lan rộng của cội rễ. Từ thời Deleuze và Guattari chúng ta biết rằng khái niệm Rhizome (rễ) là mô hình miêu tả thế giới hậu hiện đại tốt hơn: cấu trúc không thứ hạng của nó có tính mở đối với các liên hệ ngang và khả năng biến đổi. Trong mô hình tư duy này, tổng thể nhiều gấp bội so với tổng số các cấu phần. Trong quá trình điều nghiên ở Việt Nam tôi bắt gặp nhiều khía cạnh kiến trúc thân quen mà Tạp chí ARCH+ đã bàn luận trong mấy năm qua, bất kể đó là xây dựng nhà ở xã hội hay liên hệ ngược về truyền thống địa phương như trong Think Global, Build Social! (ARCH+ số 211/212), xử lý các vấn đề phân loại hình như trong Hardcore Architektur (ARCH+ số 214/215) hay xử lý các hiện tượng thường nhật như một hướng thiết kế trong in Normcore (ARCH+ số 220). Mặc dù còn thiếu cơ hội trao đổi quốc tế vì rào cản ngôn ngữ và hạn chế đi lại, các kiến trúc sư trẻ Việt Nam hoạt động trong một khuôn khổ liên hệ toàn cầu thiên về thị giác hơn là tranh luận. Chúng tôi nhận ra ở đây một lớp tiên phong thầm lặng mà chúng tôi muốn tạo cho họ cơ hội lên tiếng với cuốn sách này.

Hướng thiết kế của các văn phòng kiến trúc được giới thiệu hình thành trong khi tìm cách xử lý các vấn đề xã hội hiện tại và thực tế văn hoá địa phương. Xét về kết quả, chúng mang tính đặc thù nhưng không vì thế mà rời bỏ các nguyên tắc phổ quát của mình. Trong khi tìm một đường đi hữu hiệu trong tương lai, lớp tiên phòng này lại quay về với vật liệu địa phương, phương thức xây dựng và các loại hình truyền thống, nhằm tạo ra lựa chọn khác với kỹ thuật đắt đỏ và dễ hỏng. Nhờ vậy, các dự án chọn lọc ấy đạt được phần lớn sức thể hiện của mình qua các giải pháp khắc phục điều kiện khí hậu, quang cảnh xung quanh hoặc bối cảnh đô thị. Minh chứng là các dự án “1 + 1 > 2” của Hoàng Thúc Hào hoặc của Võ Trọng Nghĩa: Tác giả thứ nhất nổi tiếng bởi các công trình xã hội, còn tác giả kia phát triển ra một cách nhìn cấp tiến đối với các vấn đề môi trường ở đô thị. Từng học tập và trau dồi các kinh nghiệm thực tế đầu tiên ở Nhật Bản, Võ Trọng Nghĩa là nhân vật có định hướng quốc tế mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực này. Các dự án được trình bày thể hiện sự kết nối với hiện tại của mình – Thứ nhất, qua cách xử lý tự do các truyền thống ở địa phương – và thứ hai, từ thực tế thường nhật cụ thể. Bằng cách đó, các kiến trúc sư định vị thiết kế của họ mà không cần đưa ra luận cứ về cơ sở văn hoá. Nhưng các ảnh hưởng từ quốc tế như từ Anna Heringer, Diébédo Francis Kéré hay kiến trúc Nhật Bản vẫn hiện diện trong sáng tác của họ. Thông qua đó, họ đặt mình vào mối liên quan tư duy toàn cầu mà không đánh mất phương thức thể hiện đặc thù. Đây cũng chính là điểm nối tiếp với số báo thứ hai và tranh luận về kiến trúc Việt Nam như một phần của văn hoá toàn cầu. Tự gọi mình là một phần của văn hoá chung có nghĩa là gây hứng khởi cho nhau, học hỏi lẫn nhau. Chúng ta học được gì từ kiến trúc Việt Nam? Xin tiết lộ một chút thôi – Đã là sự đơn giản trong chi tiết, để đặt kiến trúc vào tâm điểm. Có một giai thoại để minh hoạ, rằng kỹ thuật không phải là giải pháp tốt nhất khi đối đầu với khí hậu: Cái gì xảy ra, khi mưa hắt vào các ô mở có chi tiết đơn giản ở ngôi nhà Bình Thạnh của Võ Trọng Nghĩa? Shunri Nishizawa – ngày trước là đối tác của Võ Trọng Nghĩa và phụ trách quá trình thiết kế, nay cũng sống trong ngôi nhà đó – trả lời tỉnh queo: “Cái gì cơ chứ? Tôi lau đi, thế là ổn cả“.

Bài viết được trích từ cuốn sách “Arch+: Kiến trúc Việt Nam – Những người tiên phong thầm lặng” do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam phối hợp với Viện Goethe Hà Nội và Tạp chí Arch+ thực hiện và phát hành nhân kỷ niệm 70 năm Hội KTS Việt Nam.
Xem thêm bài viết giới thiệu về cuốn sách: Giới thiệu sách ARCH +: “Kiến trúc Việt Nam – Những người tiên phong thầm lặng”

Anh – Linh Ngo