Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (AHLS) tỉnh Bắc Ninh ngoài giá trị về thẩm mỹ, còn mang ý nghĩa nhân văn và tâm linh sâu sắc.

Địa điểm xây dựng công trình được lựa chọn nằm ở trung tâm Thành phố Bắc Ninh, bên cạnh đường Lý Thái Tổ, có không gian giao tiếp mở, dễ dàng tiếp cận từ nhiều hướng cùng với Công viên Nguyễn Văn Cừ – Văn Miếu Bắc Ninh – Thành cổ Bắc Ninh – tượng đài Lý Thái Tổ sẽ tạo thành một trục văn hoá tâm linh của Đô thị Bắc Ninh. Đài tưởng niệm hoàn thành sẽ trở thành Công trình Văn hoá được nhiều người chiêm ngưỡng, khơi gợi những cảm xúc về cái đẹp và sự cao thượng của con người, là nơi giáo dục truyền thống, giao lưu các thế hệ, đồng thời cũng là và nơi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ vào những ngày kỷ niệm…
Hình tượng kiến trúc đài tưởng niệm đã gây nhiều trăn trở cho giới KTS. Với một đất nước chiến thắng chồng chiến thắng, nỗi đau bồi lắng nỗi đau như Việt Nam, để khắc ghi vào không gian cho hậu thế không quên lãng những công ơn của lớp lớp AHLS thật không đơn giản chút nào. Bài toán dùng hình tượng kiến trúc để nói lên sự sống – chết, âm – dương… đâu có dễ tìm được lời giải. Ngay cả một số đài tưởng niệm đã xây dựng ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, không phải tất cả đã ưng ý, phần lớn vẫn là những nghiên cứu vội vã, sơ lược nên dù đã có nhiều công trình mà thật ít xứng đáng trở thành tác phẩm!
Quá trình thiết kế xây dựng Đài tưởng niệm các AHLS tỉnh Bắc Ninh cũng đã trải qua nhiều thời gian với nhiều lần tuyển chọn và đã được nhiều người quan tâm.
KTS Lê Hiệp – Tác giả Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Độc lập – Tự do của Tổ quốc (ở quảng trường Ba Đình), người đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Giải thưởng Quốc gia về Kiến trúc… đã được chọn là tác giả thiết kế Đài Tưởng niệm các AHLS tỉnh Bắc Ninh.
KTS Lê Hiệp trong nhiều lần chuyện trò tâm sự với tôi (bạn học cũ) đã trăn trở nhiều về Bắc Ninh – mảnh đất ngàn năm văn hiến, đậm đặc nét văn hoá vô cùng đặc sắc. Ông nhận thức sâu sắc việc khai thác phông văn hóa tạo nền cho cảm xúc sáng tạo, thổi hồn vào tác phẩm. Ông từng giãi bày: “Mỗi vùng đất đều có những dấu hiệu văn hóa bản địa; để chắt lọc được tính bản sắc đặc trưng, người sáng tác phải có thái độ trân trọng tìm hiểu vùng đất đó. Hình tượng nghệ thuật của công trình kiến trúc phải mang bản sắc nơi đặt nó…”. Và thật sự, Ông đã tìm tòi để thoát khỏi những dáng dấp quen thuộc, dù điều đó không đơn giản chút nào. Đài Tổ quốc ghi công tỉnh Thuận Hải theo hình tượng một mái nhà rông quen thuộc của địa phương. Tỉnh Ninh Thuận là hai bàn tay ôm lấy ngôi sao 5 cánh. Tỉnh Tuyên Quang là hình cây đa huyền diệu làm liên tưởng đến địa danh một tỉnh vốn là căn cứ cách mạng… Vậy thì ở Bắc Ninh là hình tượng gì?
Đài tưởng niệm các AHLS tỉnh Bắc Ninh được toạ lạc trên một miếng đất bằng phẳng ở trung tâm Thành phố Bắc Ninh, ấm cúng và thân mật. Thân đài dựa lưng vào sườn đồi thông xanh (gợi lại dáng dấp các ngọn đồ, núi là một cảnh quan thiên nhiên cực kỳ quý giá của Bắc Ninh) làm nên bức tường thành vững chắc cho chỗ tựa của đài, nơi vi vu tiếng lá thông reo như lời ru êm đềm của đất Mẹ cho giấc ngủ yên lành của các AHLS. Trước mặt đài là tam quan với hồ bán nguyệt nước trong veo như quang cảnh thân quen của làng quê vùng quan họ, với rặng cau xanh bốn mùa đậm tình hương quê. Xa xa là vùng đất rộng với cây xanh hoa trái trải dài tới ngọn Lãm Sơn (núi Dạm) – nơi có bàn cờ Tiên và đền Bà Tấm còn sừng sững cột đá ngót nghìn năm tuổi, xa nữa là dòng sông Thiên Đức huyền thoại và đồng ruộng phì nhiêu, xóm làng trù phú, tạo nên một không gian thơ mộng và hoành tráng. Sơn thủy xanh tươi và trong sáng dường như đã minh định “kiến thức phong thủy” trong quá trình lựa chọn vị trí và hình dáng công trình. Đang đi giữa phố xá ồn ã, du khách đến đây bỗng dưng lòng thấy thư thái và cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn. Nhờ thiên nhiên đẹp đẽ và khu vực Đài tưởng niệm mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh, dường như cảm giác đau buồn về sự mất mát đang dần được xoa dịu lại.
Đài tưởng niệm các AHLS tỉnh Bắc Ninh thực sự là một công trình mang tính cách mạng trong ngôn ngữ biểu hiện, vượt ra khỏi hình dáng thường thấy của thể loại đài tưởng niệm để tìm đến sự cô đọng, khái quát có tính tư tưởng nghệ thuật, vừa hoành tráng, vừa giàu chất thơ.
Ý tưởng kiến trúc của công trình Đài Tưởng niệm các AHLS tỉnh Bắc Ninh được chắt lọc từ những tinh hoa của vùng đất và con người Bắc Ninh. Đó là truyền thống văn hoá khoa bảng, truyền thống văn hoá quan họ, các di tích kiến trúc cổ và danh nhân văn hoá lịch sử, cái nôi của tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam… Tất cả những điều đó đã được khắc hoạ vào công trình Đài Tưởng niệm với ý tưởng chủ đạo về hình khối của Đài là hình tượng Bút – Nghiên, là bông sen đang hé nở, một hình ảnh đẹp của tín ngưỡng Phương Đông. Khối đài đậm chất điêu khắc được tạo hình mềm mại như những cánh hoa sen đang bung tỏa. Ba cây chụm lại, như nhắc lại tâm tưởng của triết lý cha ông về sự đoàn kết, về sức mạnh. Cũng có thể cho ta thấy hình ảnh một bó đuốc bùng lên thắp sáng vĩnh hằng, ngợi ca sự hy sinh vinh quang của các liệt sỹ… Phần trổ thủng gợi lại dáng dấp công trình kiến trúc văn hoá cổ tiêu biểu của Bắc Ninh. Tất cả đều có thể hình dung ra từ khả năng biểu hiện đa nghĩa của công trình này.
Công trình đã thành công khi tạo dựng được trong lòng người xem một cảm xúc mạnh, một bầu không khí cách mạng hào hùng… Tất cả tạo thành một công trình văn hoá đậm bản sắc Bắc Ninh. Tuy có phần lãng mạn, giàu chất nhân văn nhưng nó sẽ là hình ảnh minh chứng về một mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu về văn hóa và truyền thống lịch sử… Hình tượng nghệ thuật kiến trúc Đài tưởng niệm các AHLS Bắc Ninh được hoàn thành, sẽ góp phần phản ảnh diện mạo tinh thần của đô thị Bắc Ninh ngày một phát triển bền vững ở thế kỷ XXI và mãi sau này.
KTS. Nguyễn Huy Phách