Một vài luận bàn về phát triển đô thị tại TP Đà Nẵng

Các đô thị ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù các TP có cơ hội và điều kiện phát triển không giống nhau nhưng hầu như vẫn học tập cách thức phát triển giống nhau. Bài viết phân tích những lợi thế phát triển của Đà Nẵng, những thành công trong tổ chức không gian kiến trúc quy hoạch, và những cảnh báo của phát triển nhanh, hướng tới phát triển bền vững TP Đà Nẵng trong tương lai.

TP Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà – Ảnh: Lê Phước Chin

Hiếm có TP nào ở Việt Nam được thiên nhiên và lịch sử ban tặng nhiều lợi thế như Đà Nẵng

Đó là một TP với diện tích tự nhiên 1285km2, với chiều dài bờ biển 100km, có núi, đảo, bán đảo bao quanh. Đà Nẵng có cấu trúc địa hình tuyệt vời bởi các ghềnh và triền của núi đá từ phía Tây thoải ra biển Đông, tạo ra hai bãi biển khác nhau, với hai chế độ sông nước khác nhau cùng bán đảo Sơn Trà án ngữ ở giữa. Đã thế, lại được con sông Hàn đưa muối biển vào để tỏa ra các nhánh sông nhỏ chảy sâu vào phía Nam TP chứ không phải đẩy nước ra biển.

Về mặt tài nguyên văn hóa-lịch sử, Đà Nẵng sở hữu nhiều di sản văn hóa đô thị, là điểm trung gian của hành lang di sản miền Trung kéo dài từ phía Bắc là Cố đô Huế, tới phía Nam là Phố cổ Hội An. Đà Nẵng nằm ở khu vực miền Trung với sự giao thoa của các nền văn hóa và sắc tộc vùng miền với Thánh địa Champa, Mỹ Sơn, các di sản thiên nhiên được thế giới công nhận.

Đà Nẵng có một cấu trúc quy hoạch hiện đại và rành mạch. Với diện tích 52.357ha, toàn TP chia thành 7 phân khu trong đó có 5/7 phân khu được tiếp cận với biển, 3/7 phân khu thuộc khu vực trung tâm không chỉ tiếp cận với biển mà còn được được tiếp cận cả sông. Cấu trúc giao thông thuộc phân khu trung tâm và phân khu Đông Nam đều bám theo hình thái bờ biển Đông. Cả hai hệ trục giao thông lại được tụ ở khu vực sân bay. Đây là một đặc điểm quan trọng của quy hoạch Đà Nẵng, khi sân bay không chỉ nằm ở trung tâm, mà còn là một phần quan trọng của trung tâm. Nó như là một hạt nhân chuyển hóa hình thái cấu trúc đô thị ven biển từ khu vực Đông Bắc sang khu vực Đông Nam. Vì vậy, cần phải có giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan khu vực sân bay Đà Nẵng, để nó không phải là bariere ngăn chặn sự phát triển không gian đô thị, mà ngược lại sẽ tạo ra một điểm nhấn phát triển kinh tế, và một không gian xanh chuyển hóa giữa khu cũ và mới. Nhà ga hàng không Đà Nẵng đang có cơ hội để trở thành một Nhà ga hàng không xanh và thân thiện, kết nối với hệ sinh thái đa dạng của Sông, Biển, Núi và cấu trúc quy hoạch hợp lý. Cần có một giải pháp cho khu vực đệm xanh, sinh thái giữa nhà ga và các khu dân cư bao quanh.

Các TP của Việt Nam đều có cấu trúc rõ ràng bởi hai thành phần: Đô và Thị. Phần “Đô” thuộc chính quyền với nhiều dinh thự, biệt thự sang trọng trong Thành (như Hà Nội), hoặc ở thế đất cao như Huế, Đà lạt. Phần “Thị” thường ở vùng đất trũng, dễ trồng trọt, chăn nuôi hoặc buôn bán với nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ. Không ít TP ở Việt Nam đã không giữ hoặc bảo tồn được không gian phố cổ, phố cũ, nơi ghi đấu ấn về hoạt động của của cộng đồng dân cư đầu tiên đến sinh sống tại địa phương mà ta thường gọi là cư dân gốc. Ở Đà Nẵng có Phố Thị thuộc tuyến Nguyễn Tất Thành bám theo bờ biển Đông Bắc và làng Chài ven biển gần bán đảo Sơn Trà là những điểm dân cư với các hoạt động nghề truyền thống và địa điểm sinh sống có giá trị như những không gian Nơi chốn. May mắn thay, những địa điểm này ở Đà Nẵng còn khá bình yên, và chưa bị các doanh nghiệp dòm ngó.

Nhưng yếu tố hấp dẫn nhất của Đà Nẵng là chính là bờ biển dài mênh mông. Ở Việt Nam có một số đô thị biển (Vũng Tàu, Nha Trang, Quy Nhơn) cùng có cấu trúc biển-núi và hình thái của 2 khu vực bãi biển, (Trong đó, một bên bờ biển có bãi cát dài dốc thoải, sóng lớn phù hợp cho khai thác du lịch. Một bên biển còn lại có bãi cát nhỏ, dốc phù hợp cho tàu thuyền neo, đậu và sinh hoạt cộng đồng – Đó là trường hợp của Vũng Tàu có Núi Lớn, Núi Nhỏ tạo nên Bãi trước Bãi sau, ở Quy Nhơn có bãi biển lớn và Đầm Thị Nại). Đà Nẵng có khác một chút khi được sở hữu hai bãi biển và cả hai đều được chiêm ngưỡng bán đảo Sơn Trà. Bán đảo Sơn Trà là món quà của thiên nhiên tặng cho Đà Nẵng nói chung và bãi biển Đà Nẵng nói riêng. Nhờ bán đảo Sơn Trà chắn gió và sóng nên đã thiết lập một chế độ khí hậu ôn hòa khu vực bãi ven bờ biển Đông sát bán đảo Sơn trà. Đây là khu vực làng chài ngày xưa, như đã nói ở trên, chúng không chỉ cần được tái dựng lại với các hoạt động nghề truyền thống đi biển, vốn là kế sinh nhai vĩnh cửu của cư dân ven biển, mà còn tái cấu trúc các không gian sinh hoạt cộng đồng như chợ cá, lễ hội thuyền chài và du lịch trải nghiệm biển. Đó là điều cần làm đối với khu vực ven biển Đà Nẵng.

Đà Nẵng còn nhiều thế mạnh khác nữa. Không phải tự nhiên nơi đây được chọn là nơi biểu diễn pháo hoa quốc tế hàng năm, cũng không phải tự nhiên các khách quốc tế đều chọn Đà Nẵng là địa điểm du lịch và hội nghị hội thảo đầy thú vị. Phải chăng, một không gian mở và một tấm lòng rộng mở là một phần tạo nên sức hấp dẫn của Đà Nẵng!

Trong khung cảnh hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với tốc độ phát triển nhanh chóng mà không bền vững, các phong trào tranh thủ, tận dụng cơ hội bằng mọi giá, chiến lược đi tắt đón đầu bất chấp, kể cả sự quảng bá rầm rộ của các xu hướng đương đại như đô thị thông minh, BRT, TOD, thời đại công nghệ 4.0… Hơn lúc nào hết, chính quyền đô thị Đà Nẵng phải hết sức tỉnh táo, để tìm được con đường phát triển của riêng mình, phù hợp với quỹ thiên nhiên mình đang có và đang mất, không bị trả giá bởi những giá trị văn hóa lịch sử đang bị thách thức.

Để Đà Nẵng thực sự trở thành một TP phát triển bền vững và hài hòa

Hãy bình tĩnh trước những lời ngợi khen Đà Nẵng, cho dù rất xứng đáng, đến từ báo chí và các doanh nghiệp, kể cả từ cộng đồng với tần suất tham quan du lịch của họ. Chính quyền và người dân đã có công tạo dựng một đô thị đáng sống với các khu vực được chú trọng mỗi ngày, hạ tầng cẩn thận và kiến trúc phát triển hiện đại – văn minh.

Khái niệm bền vững luôn được đặc biệt lưu ý với những TP phát triển nhanh, trong bối cảnh của ứng dụng công nghệ số, những ứng dụng thông minh trong quản trị, kinh tế, giao thông, môi trường, đời sống và công dân. Chúng ta cần có một cái nhìn bao quát vào những diễn biến của quá trình phát triển để hướng tới những hành động không chỉ thông minh mà còn phù hợp thích ứng với hoàn cảnh và điều kiện địa phương – Có thể gọi đó là “Thông minh của Thông minh”.

Một là, cần xác định rõ một chiến lược phát triển tổng thể trên cơ sở tận dụng lợi thế của thiên nhiên, địa hình cảnh quan để phát triển đô thị, theo hướng Xanh –Sinh thái. Cấu trúc và hình thái đô thị Đà Nẵng phát triển theo hướng Tây – Đông là hướng Mở – nhìn ra biển. Vì vậy cần chú trọng các tuyến đường bộ và đường thông qua cầu sông để hướng ra biển với các công trình kiến trúc điểm nhấn tại các ngã tư và quảng trường tại điểm kết thúc trên tuyến đường ven biển. Hiện nay đã có đề xuất tạo 21 điểm nhấn trong không gian đô thị TP Đà Nẵng, những đề xuất này không sai nhưng mới chỉ tiếp cận ở góc độ chi tiết, mà chưa xem xét tại giá trị tổng thể. Cần phát triển Đà Nẵng trên cơ sở khai thác quỹ đất một cách hợp lý, cân bằng, tận dụng các ưu thế để phát triển toàn diện, hài hòa. Cần lan tỏa sự tập trung và nén của kiến trúc khu vực trung tâm xuống phía Nam dọc theo sông Hàn, và hướng ra biển theo các tuyến, trục và các cây cầu hướng biển. Nếu khu vực phía Nam, Đông Nam là khu vực có nhiều di tích lịch sử, là cơ sở để phát triển du lịch văn hóa, thì ở khu vực phía Bắc cần tạo quỹ đất cho các dự án phát triển kiến trúc sinh thái, bản địa – là cơ sở để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe.

Với vị trí sân bay nằm ở giữa trung tâm, cần phát triển Nhà ga hàng không như một trung tâm kiến trúc sinh thái và sinh lợi; cần tạo khoảng vùng cây xanh bao quanh, kết hợp các không gian công cộng phục vụ cộng đồng.

Đêm Pháo hoa Sông Hàn – Ảnh: KTS Lê Hải Sơn

Hai là, Đà Nẵng là một trong những TP được thừa hưởng quỹ thiên nhiên và quỹ Văn hóa đô thị phong phú. Phát triển Đà Nẵng cần phải thận trọng và thông minh để có thể bảo toàn, duy trì quỹ thiên nhiên, hệ sinh thái biển, sông biển, đảo biển, núi biển… trong mối quan hệ với các bán đảo, các thảm thực vật và các chủng loại sinh vật quý hiếm. Các di sản kiến trúc đô thị của Đà Nẵng là những tài sản vô giá thể hiện sự giao thoa của các nền văn hóa: Champa, Khme, văn hóa Pháp và văn hóa Việt. Tuy nhiên, việc bảo tồn không có nghĩa là tạo hàng rào và giữ gìn, bảo quản không dám khai thác. Ngược lại, cần phải đưa các di sản kiến trúc hiện diện trong đời sống một cách sinh động. Sự cộng sinh giữa kiến trúc cũ và mới, giữa di sản cần bảo tồn và kiến trúc mới đương đại luôn là chủ đề mà giới kiến trúc cần nghiên cứu sáng tạo. Một công trình đương đại xây dựng bên một kiến trúc di sản – nếu đúng ngữ pháp, nó có thể tạo sự âm vang cho kiến trúc di sản lớn hơn rất nhiều khi đứng một mình. Trên thế giới đã có nhiều bài học về vấn đề này. Đà Nẵng là một TP trẻ. Các TP trẻ khi trưởng thành và phát triển không bao giờ quên quá khứ của mình. TP Saint – Etienne (Pháp) ngay cả khi trở thành một “TP Xanh” cũng không quên quá khứ từng là một TP khai thác than đá. Ngày nay, khi đã chấm dứt khai thác than đá để trở thành một TP xanh, chính quyền đô thị vẫn khuyến khích các công trình điểm nhấn trong TP đều dùng màu “đen pha lê” của than đá. TP Đà Nẵng cần quan tâm và tái cấu trúc lại khu vực phố cổ (Nguyễn Tất Thành) và khu vực làng chài ven biển (gần bán đảo Sơn Trà). Đó có thể là một trong những điểm kết tụ văn hóa bản địa, người ta có thể tham quan du lịch những khu vực này để hiểu về lịch sử của một TP phát triển.

Các hoạt động sinh hoạt cộng đồng cần được quan tâm mở rộng với các điểm vui chơi giải trí. Tuy nhiên, cần cân bằng các thể loại nhà hàng với các công trình văn hóa biểu diễn, văn hóa tham quan, các không gian trưng bày, bảo tàng triển lãm. Cần quan tâm hơn các không gian sinh hoạt cộng đồng với những khu vui chơi và các dịch vụ sinh hoạt cộng đồng, tạo sự hấp dẫn và thuận tiện cho người dân Đà Nẵng và khách thập phương có mức sinh hoạt bình dân, bên cạnh các khách sạn, resort cho đối tượng thu nhập cao. Không che lấp mặt biển bởi các dự án khách sạn kéo dài và liên tục trên tuyến ven biển. Các dự án này cần có sự tương tác với giao thông của TP và tạo các hành lang thông ra biển cho cộng đồng cư dân.

Ba là, Đà Nẵng cần tạo thương hiệu, tiếng nói cho mình. Một TP phát triển cần có bản sắc. Không cần phải bắt chước các TP khác tạo các điểm nhấn là các kiến trúc cao tầng. Cũng không cần phải tạo sự sinh động ban đêm bằng hệ thống đèn rực rỡ đủ các màu sắc. Đà Nẵng cần tạo bản sắc của mình bằng sự nhấn mạnh toàn diện vẻ đẹp của con sông Hàn. Hãy cảnh giác với việc sông Hàn đang có xu hướng bị thu nhỏ, chật hẹp lại cả về mặt vật lý và cảm nhận thị giác. Cần quy định chiều cao các kiến trúc ven sông Hàn, cần có quy chế đặc thù quản lý kiến trúc ven sông, nhằm tạo nhịp điệu và kiến trúc cảnh quan. Sông Hàn có thể tạo nên một bức tranh, một câu chuyện về TP này. Giống như cảm giác của những ai mới đặt chân đến Geneve (Thụy Sỹ), việc đầu tiên là phải đi caneau dọc hồ Geneve để cảm nhận vẻ đẹp như tranh hai bên bờ hồ-sông. Đà Nẵng đang quá chú trọng tô vẽ kết nối hai bên sông mà chưa chú ý tới hai bên bờ.

Bán đảo Sơn Trà là vẻ đẹp đặc biệt thứ hai của Đà Nẵng, Đó là thiên nhiên còn hoang sơ, đã từng bị khai thác và cần trả lại sự hoang sơ đó. Một TP phát triển hiện đại sẽ càng tuyệt với khi còn giữ lại được vẻ đẹp hoang sơ đó. Vì vậy cần thiết thiết lập một quy chế đặc thù thứ hai cho bán đảo Sơn trà để trả lại vẻ đẹp hoang sơ khi còn có thể. Hiếm có TP nào trên thế giới có hòn đảo ngay trong TP như Đà Nẵng.

Kết luận

Để phát triển bền vững TP Đà Nẵng, trước hết cần một cuộc tổng kiểm kê quỹ di sản thiên nhiên, quỹ di sản văn hóa đô thị, là những yếu tố bất biến mà TP đang sở hữu. Việc thứ hai là cần phải có một báo cáo tổng thể về quá trình diễn biến, chuyển hóa, biến đổi của các thực thể kiến trúc quy hoạch qua các giai đoạn phát triển. Từ đó, mới có thể rút ra được những yếu tố tiêu cực và tích cực đã và đang xuất hiện trên cơ thể đô thị. Đó là cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược phát triển TP Đà Nẵng một cách bền vững.

*GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi

Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị UAI, Đại học Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2019)

–––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo:
– Sở XD Đà Nẵng: Báo cáo QHC Đà Nẵng
– Bùi Huy Trí, Sở XD TP Đà Nẵng: Nhìn nhận lại công tác Quản lý QHKT tại TP Đà Nẵng , 2011
– Sở XD Đà Nẵng: Báo cáo Cải tạo xây dựng khu vực trung tâm TP Đà Nẵng, 10/2011