Phép vua thua lệ làng: Nhìn từ quan điểm quy hoạch

Hiện nay tư duy quy hoạch ở các nước đang phát triển mà cụ thể là Việt Nam đều theo hướng tập trung (centralize) tức là tập trung nguồn lực cho một số trọng điểm để làm đầu tầu thúc đẩy. Tất nhiên cách làm này là hợp lý trong hoàn cảnh điều kiện đất nước khó khăn và muốn vươn lên nhanh chóng (ngay cả các nước đã phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Mỹ đều có thể là ví dụ điển hình với các siêu đô thị khổng lồ). Tuy nhiên trong bối cảnh mới, cách làm này nên được xem xét lại.

Làng Ngọc Hà (Hà Nội) với hệ thống giao thông nội bộ vô cùng phức tạp như là một cơ chế phòng vệ, cho phép nó có được quyền tự trị tương đối đối với người ngoài làng.
Làng Ngọc Hà (Hà Nội) với hệ thống giao thông nội bộ vô cùng phức tạp như là một cơ chế phòng vệ, cho phép nó có được quyền tự trị tương đối đối với người ngoài làng.

Tất cả các công nghệ kỹ thuật số là nền tảng cho cuộc cách mạng lần này đều chỉ ra một xu hướng vận hành tất yếu của thế giới mới đó là xu hướng phân tán (decentralize) và kiến trúc cũng như quy hoạch cũng không thể nằm ngoài quy luật ấy. Ở cuộc sống mới, bạn không nhất thiết phải trả một chi phí đắt đỏ để sống trong một căn nhà chật hẹp chỉ vì nó ở gần chỗ làm. Bởi vì chỗ giao dịch của bạn là ở trên không gian mạng, cửa hàng, văn phòng hay các không gian vật lý tương tự. Tất cả bạn cần là một không gian mà bạn cảm thấy thoải mái, phù hợp với điều kiện của bạn, bên bờ ao nhà bạn hoặc là ở Luông Phrabang. Mô hình xã hội mới sẽ gồm những cộng đồng nhỏ nhưng đủ lớn để duy trì một trật tự riêng và có quyền tự trị tương đối – Một cái Làng. Nhưng nếu như mối quan hệ giữa các thành viên và trật tự trong một làng truyền thống phần lớn dựa trên mối quan hệ huyết thống và quan hệ giữa các dòng họ trong làng thì trong thời đại mới sẽ hình thành các làng mới với những cư dân mới và những hình thái mới. Những người có chung lĩnh vực nghề nghiệp hoặc chung sở thích sẽ có xu hướng và nhu cầu được sống trong một cộng đồng của họ với những lệ làng của họ. Điểm mấu chốt ở đây chính là ở quyền tự trị tương đối của mỗi làng – Chính là “lệ” làng mà phép vua nhiều khi cũng phải nhún nhường, điều mà các tòa chung cư hay các cụm chung cư ở thành phố chưa có được. Có phần chủ quan khi đưa ra nhận định như vậy vì thực tế trong đợt dịch này ở Châu Á đã chỉ ra xu hướng kiểm soát tới từng cá nhân (điển hình là cách thức phòng dịch ở Singapore khi họ theo dõi định vị của từng cá nhân bị nghi nhiễm). Tuy nhiên, cơ chế làng bản thân nó đã mang trong mình các phương thức cách ly và phòng vệ riêng, nó có mối quan hệ hữu cơ với quyền tự trị tương đối của nó. Với xu hướng phân tán, điều đó sẽ dần trở nên thực tế hơn khi TP có xu hướng giãn ra và các cụm “Khu đô thị mới” cũng ở xa nhau hơn (thực tế là Đồ án Quy hoạch Vùng Thủ đô 2030 cũng chỉ ra xu hướng như vậy). Khi mọi thứ nở rộng ra thì mỗi TP cũng có thể trở thành một liên bang. Mô hình làng về cơ bản là quen thuộc với người Việt và cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu sẽ trở thành mô hình phù hợp hơn cả cho xã hội Việt Nam.

Rem Koolhass trong những năm gần đây có nói nhiều về việc nông thôn sẽ là chủ đề chính trong tương lai. Mô hình trang trại tập trung lớn ở các nước phát triển đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng trầm trọng giữa thành thị và nông thôn. Nông thôn, nơi mà người ta luôn cho rằng là nơi bảo tồn các giá trị truyền thống thì hiện nay lại là các nông trại bát ngát được giao lại cho người nước ngoài quản lý (check lại địa điểm). Ở Trung Quốc, làn sóng di cư lên đô thị đã khiến nhiều TP rơi vào tình trạng quá tải, bỏ lại nông thôn thưa thớt với chủ yếu là người già. Đi kèm với xu hướng đô thị hóa là gánh nặng lên hệ thống hạ tầng và giao thông dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và quá tải điển hình là trong mỗi dịp nghỉ lễ. Trong khi đó, hạ tầng ở nông thôn thì bị bỏ phí và không được quan tâm đúng mực.

Như vậy, trong hoàn cảnh khan hiếm về tài nguyên và đại dịch hoành hành, cách làm tiết kiệm nhất là ai ở đâu ở nguyên đó. Điều đó có nghĩa là nếu tôi sinh ra ở Hà Tây thì nhiều khả năng tôi cũng sẽ sống ở xung quanh làng tôi cho tới khi tôi không chịu được nữa vì chi phí xây dựng ở địa phương bao giờ cũng rẻ hơn nên xu hướng tất yếu là xây dựng sẽ phát triển mạnh hơn ở khu vực nông thôn. Có thể các hình thái “làng” ở TP sẽ là những bài học quý giá cho sự hồi sinh của làng ở nông thôn.

Phạm Việt Anh
(bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2020)


Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung Ương