Bảo tàng Louvre (Le Grand Louvre) hoàn thành năm 1989, công trình vừa được Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (AIA) lựa chọn để vinh danh Giải thưởng 25 năm (AIA Twenty-five Year Award). Theo AIA, công trình này đang cạnh tranh với tháp Eiffel để trở thành biểu tượng Kiến trúc của nước Pháp ngày nay. Giải thưởng của AIA được trao tặng hàng năm cho những công trình đã “chứng minh tính ưu việt về Kiến trúc” trong khoảng thời gian 25 cho tới 35 năm. Theo đại diện của AIA, “Kim tự tháp do KTS I.M.Pei thiết kế đã đưa một quần thể cung điện cổ hơn 800 năm tuổi (cung điện Louvre) tới kỷ nguyên của Kiến trúc Hiện đại và thực sự trở nên gần gũi hơn với công chúng.”

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của KTS Ieoh Ming Pei, tác giả của bản thiết kế đặc biệt, xin đăng bài phân tích về công trình đã không chỉ mang lại tên tuổi cho ông mà còn là một sáng tạo rất lớn của nền kiến trúc đương đại của thế giới.

KTS Ieoh Ming Pei

Nhìn lại điểm xuất phát

Những năm 1980, Louvre bị quá tải và xuống cấp, công trình đã thêm một số chức năng ngoài bảo tàng, các khu vực triển lãm được tách ra, phân tán và tổ chức kém, quá nhiều lối vào đã gây ra sự hỗn loạn và thiếu các dịch vụ công cộng… Tồi tệ nhất là nhiều tác phẩm nghệ thuật lưu trữ tại đây bị nấm mốc vì không có chỗ để trưng bày đúng cách. Trong hoàn cảnh đó, cùng với mong muốn tái khẳng định vị thế kinh đô Văn hóa của Châu Âu, tổng thống Pháp khi đó là François Mitterrand đã mong muốn mở rộng bảo tàng, đây là 1 trong 6 công trình hiện đại (bao gồm: Khu thành phố mới La Défense, Công viên Khoa học La Villette; National Library of France, Nhà hát Opéra Bastille, Bảo tàng Orsay) được ông chọn là điểm nhấn để thay đổi bộ mặt nước Pháp.

Để có một kiến trúc mới hài hòa và hợp lý với kiến trúc cổ hơn 800 tuổi của cung điện Louvre, năm 1983, Tổng thống đã thuê KTS Ieoh Ming Pei (Một KTS người Mỹ gốc Hoa, người vừa hoàn thành việc mở rộng National Gallery Washington mà Ngài đã rất có ấn tượng trước đó) thực hiện mà không phải trải qua cuộc thi nào.

Sau nhiều chuyến viếng thăm bí mật đến Louvre, Pei gặp Mitterrand và thuyết phục Tổng thống rằng cách duy nhất để đạt được hiệu quả liên kết chức năng giữa nhiều tòa nhà của bảo tàng: Phải tạo ra một kết nối ngầm dưới lòng đất, và để tránh tác động đến kiến trúc cổ, cần phải đặt một kim tự tháp thủy tinh ở lối vào của viện bảo tàng.

Louvre vốn là 1 pháo đài, rồi trở thành cung điện của nhiều đời Vua Pháp. Sau khi Cung điện chuyển về Versailles thì nơi đây trở thành bảo tàng, nơi cất giữ hầu hết các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu nhất Châu Âu, là những chiến lợi phẩm của những cuộc viễn chinh

Nhận thức được rằng đề xuất của KTS sẽ dễ gặp phải chỉ trích từ những người bảo thủ, Mitterrand và Pei thực hiện dự án gần như bí mật, và khi họ phải bắt đầu xây dựng thì các cuộc biểu tình cũng ngay lập tức xảy ra. Khoảng 90% dân số Paris chống lại đề xuất này như trước đây một thế kỷ họ từng chống lại Tháp Eiffel. Họ cho rằng Phương án Pei đưa ra là tiêu diệt Court Napoleon (còn gọi là sân Napoleon), một trong những không gian đô thị quan trọng nhất không phải chỉ của Pháp, mà là của thế giới. Cùng thời gian đó, khi xuất hiện khuynh hướng lẫn lộn hình thức kim tự tháp của Louvre với Kim tự tháp ở Ai Cập, Pei đã lập luận: “Kim tự tháp Ai Cập rất lớn, nó được làm bằng Đá và đó là nơi dành cho người chết. Kim tự tháp ở Louvre ngược lại, được làm bằng thuỷ tinh, trong suốt, và dành cho sự sống”.

Thật bất ngờ, sau khi hoàn thành, tác phẩm được ca ngợi khá nồng nhiệt. Đầu tiên phải kể đến tính nghiêm trang mà nó đạt được, với hình thức bố cục đối xứng tuyệt đối, sự tối thiểu của đường nét, chất liệu và màu sắc… Công năng và sự kiệm giản trong thủ pháp tạo hình tài tình (yếu tố hình học đơn giản và rõ ràng) đã khiến cho kim tự tháp của Louvre trở nên nổi bật trên cái nền kiêu sa, cổ kính của lâu đài xưa. Ngày nay, công trình này đã trở thành một tiêu điểm quan trọng trong hoạt động văn hóa của kinh đô nghệ thuật.

Cách tính toán tỷ lệ vàng cho biểu tượng Kim tự tháp Grand Pyramid tại Louvre. Kim Tự Tháp kính đặt ở trung tâm của sân, bố cục đối xứng tuyệt đối

Ý tưởng

Ý tưởng đầu tiên và nổi bật nhất đến với Pei là quan điểm: Không gây bất cứ tác động nào lên tòa lâu đài hơn 800 tuổi. Khách tham quan sẽ được dẫn vào từ một điểm duy nhất ở giữa sân Napoleon, đi xuống khu vực sảnh đón tiếp và từ đó sẽ đi đến các tầng trưng bày ở trên các tòa lâu đài cổ. Ông đã có ý tưởng đào sân Napoleon sâu xuống chín mét dưới lòng đất và có đủ chỗ để lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật, một khán phòng 400 chỗ, khu vực thông tin, trung tâm hội nghị, một quán cà phê, các cửa hàng sách và lưu niệm.

Một câu hỏi được nêu lên nhiều nhất: Vì sao Pei lại chọn hình Kim tự tháp mà không phải là một hình thức hình học nào khác. Hãy nghe ông giải thích: “Kim tự tháp là một hình dạng ổn định nhất”. Thực vậy, với hình dạng của một kim tự tháp, công trình không có một đường nét, hình dạng nào là thừa. Với bốn bề mặt hình tam giác cân được tạo thành từ bốn giàn kết cấu không gian bằng thép có cường độ cao, đã tạo nên một khối hình kim tự tháp. Đó là một cấu trúc (structure – kết cấu) có lợi nhất cho việc thực hiện một dạng kết cấu tự cân bằng, tự ổn định, nó cho thấy một dạng kết cấu cổ xưa nhất đã được hóa thân trong kỹ thuật xây dựng và vật liệu hiện đại một cách đầy tinh tế. Pei cho rằng, với một hình thức hình học khôn ngoan như thế, không thể nghi ngờ về tầm cỡ của cấu trúc này đó chính là kinh nghiệm xây dựng mà nhân loại đã tích lũy được trong cả hành trình lịch sử của mình. Ông nói: “Pyramid không chỉ là kinh nghiệm riêng của người Ai Cập, nó chính là kinh nghiệm của nhân loại”. Lập luận này của ông chính là điểm then chốt để xoay chuyển những hoài nghi liên quan đến đặc tính của truyền thống và công nghệ hiện đại, đến vai trò vĩnh cửu của hình học kỳ hà trong kiến trúc.
Từ sảnh chính của bảo tàng, ánh sáng tràn ngập những không gian rộng rãi và thanh lịch, được ốp đá cẩm thạch với tông màu vàng nhạt. Sự trong suốt của khối “mái” hình kim tự tháp không chỉ mang ánh sáng xuống không gian sảnh mà còn cho phép nhìn thấy rõ toàn bộ 3 cánh nhà của cung điện Louvre.

Các giải pháp, thủ pháp táo bạo của Pei

Theo Pei thì: Để có thể bảo tồn được cho Louvre, thì sự hợp nhất giữa Cổ kính – Hiện đại, bảo lưu quá khứ nhưng phải mang tinh thần của thời đại. Với lập luận đó, thủ pháp phù hợp nhất chính là sự Tương phản.

– Tương phản về Hình khối: Khối Pyramid bằng pha lê trong suốt là một hình khối “phi hình” để tạo hiệu ứng tương phản mạnh với hình khối dày đặc, nặng chắc và gần như được bao phủ kín mít những đề tài trang trí bằng đá của 3 cánh nhà có hình thức cổ điển của cung điện. Chính sự tương phản mạnh của hình khối này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ người dân Paris. Sự kiện này tương tự như trường hợp của Jorn Utzon với Sydney Opera House.

Hình ảnh kim tự tháp tương phản trong nền của quá khứ. Ngoài chất liệu kính, thép, nước, Pei không sử dụng thêm một loại chất liệu nào khác

– Tương phản về Chất liệu: Để thực hiện được sự tương phản này, Pei đã mạnh tay sử dụng chỉ những chất liệu “trong suốt” như kính, thép và nước. Những bức tường bằng đá màu nâu, xù xì của 3 cánh nhà cổ điển sẽ làm nền để cho các chất liệu “trong suốt” trở nên nổi bật. Đã không hề có sự xuất hiện của bất cứ một chất liệu nào khác trong bảng chất liệu độc đáo này, kể cả một cái cây, hay một tấm gỗ. Ở đây, sự tương phản là chủ thể và đã được đẩy lên đến đỉnh điểm.

Sự trong suốt của kim tự tháp không chỉ mang ánh sáng xuống không gian đón tiếp mà còn cho phép nhìn thấy toàn bộ 3 cánh của cung điện

– Tương phản về Bố cục: Đó chính là thủ pháp “chơi” với hình. Sự lật hình (tương phản gương) khi ông đưa mặt nước áp sát vào khối kim tự tháp để tạo ra một cái bóng khổng lồ của nó lên mặt nước. Tương tự, bên trong khối sảnh còn có một kim tự tháp bằng kính như đang bị treo ngược và lơ lửng, nhưng công năng để lấy sáng thì rất rõ. Ngay bên dưới đỉnh của kim tự tháp bằng kính bị lật ngược lại là một hình kim tự tháp khác bằng đá (đặc, nặng, vững chắc…) nhỏ xíu nhô lên và chỉ cách khối kính vài centimet. Pei rất hứng thú với giải pháp này: “Tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi tạo ra một tác phẩm giả mạo, giống như cái mà người Pháp gọi là “folie”(điên rồ) và tôi đã đảo ngược kim tự tháp, tạo ra một biểu tượng phù phiếm nhưng không chiếm không gian”.

“Tương phản lật” khi đưa tháp kính treo ngược lơ lửng để lấy sáng, rồi lại đặt 1 kim tự tháp khác bằng đá chỉ cách nhau vài cm để tạo sự tương phản: sáng – tối, trong suốt – kín đặc, trên – dưới, ngược – xuôi, mới – cũ

Tính cực đoan của Pei

Tính cực đoan rõ nét nhất của Pei là khi ông kiên quyết đến cùng cái triết lý của mình, đó chính là sự trong suốt (transparence). Ông lập luận: “Để đạt tính trong suốt, nó phải được làm bằng thép và kim loại, hơn nữa vật liệu này tượng trưng cho sự thay đổi quá khứ, đó là công việc của thời đại chúng ta”.

“Làm trong suốt” giàn không gian: Pei đã đấu tranh bằng được để có 1 kết cấu giàn thép mảnh nhất trong điều kiện kỹ thuật lúc bấy giờ cho Louvre

“sự trong suốt”, Pei đã quyết liệt yêu cầu đưa vào đây một khối thang máy đặc biệt, nó sẽ hoàn toàn “biến mất” khi đưa khách di chuyển xuống tầng hầm và ngay tại vị trí đó, không gian trống hoàn toàn như là đã không có gì được đặt ở đấy. Lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng, người ta thấy chiếc thang máy kiểu pit-tông (Piston Lift), nghĩa là không buồng thang, không đối trọng, không dây cáp, không tầng kỹ thuật, nằm chính giữa thang tròn nối từ sảnh xuống tầng hầm. Sau Louvre, không còn thấy ở đâu dám “xài” kiểu thang quá tốn kém này nữa.

Chi tiết “làm trong suốt” công trình còn thể hiện ở việc thiết kế cầu thang thép mỏng hết cỡ, nó có mặt cắt ngang mỏng dần về phía lan can bên ngoài. Mặt cắt qua cốn thang là một bản vẽ cấu tạo đặc biệt. “Làm trong suốt” giàn không gian: Để đỡ được 673 tấm kính, phía kết cấu đề xuất một bộ giàn không gian tiết diện lớn và chiếm chỗ trên mặt đứng. Quả thực với công nghệ xây dựng lúc đó chưa thể cho phép hiện thực hóa những khát khao của con người. Pei đã đấu tranh bằng được để có một kết cấu giàn thép mảnh nhất cho Louvre.

Thang Piston tại sảnh chính đã gần như “biến mất” khi không làm việc

Với lối suy nghĩ cực đoan như thế, Pei liên tục tự gây cho mình, cho cộng sự và cho đối tác những áp lực. Nhưng nhờ có một Pei cực đoan mà thế giới có một kiệt tác vừa đầy tính triết lý, vừa lãng mạn. Đây sẽ mãi là một bài học xuất chúng về Bố cục và Ngôn ngữ Kiến trúc.


Tài liệu tham khảo

1. http://architecturalmoleskine.blogspot.com/2012/10/i-m-pei-and-louvre-museum.html
2. Kim tự tháp ở Bảo tàng Louvre do KTS I.M.Pei thiết kế nhận giải thưởng của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ. Đức Thành– TCKT.VN, Biên dịch từ Entrearchitect.

PGS. TS Lê Thanh Sơn – TS Nguyễn Thị Hạnh Nguyên
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7/2017)

Xem thêm: Kim tự tháp ở Bảo tàng Louvre do KTS I.M.Pei thiết kế nhận giải thưởng của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ