Làng Cự Đà – Lưu giữ nét ẩm thực Hà Thành

Làng Cự Đà nổi tiếng trên khắp cả nước với truyền thống nghề làm miến và làm tương. Nghề làm miến bằng tay của làng Cự Đà bắt đầu từ những năm 1950-1960, được khai sinh bởi ông Trịnh Văn Cẩn. Nghề làm tương đã  có từ rất lâu đời, bắt nguồn cùng với sự hình thành và phát triển của làng đến nay. 

Là một làng cổ ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có thể nói làng Cự Đà tọa lạc trên vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi, nằm quanh co uốn lượn theo dòng Nhuệ Giang cổ kính. Cự Khê là xã cực Bắc của huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, nằm giáp ranh giữa quận Hà Đông và huyện Thanh Trì, có dự án trục đường phía Nam Hà Nội đi qua. Xã gồm có 3 làng: Khê Tang, Khúc Thủy, Cự Đà. Trong quá trình tìm hiểu làng Việt cổ Cự Đà, cho đến hiện nay vẫn chưa có văn tự nào khẳng định chính xác thời điểm làng hình thành. Về vấn đề này, người dân trong làng vẫn thường truyền tụng nhau 2 câu thơ:

“Cư tụ thiên niên thành Cự ấp
Thanh liên nhất đại dẫn Đà giang.”

Nghề làm miến

Cự Đà được đánh giá là một trong những làng nghề làm miến lớn nhất miền Bắc với nguyên liệu được làm từ củ dong riềng,  xay bằng cối hoặc máy nhuyễn thành bột lỏng. Sau đó bột được ngâm với nước để lọc trắng lấy phần tinh bột. Một phần bột được ngâm với nước sôi gọi là bột chín.

Sản lượng: người dân trong làng làm miến quanh năm, mỗi ngày, làng Cự Đà có khoảng 15 tấn miến được xuất xưởng. Lượng khách đặt hàng miến ngày càng tăng, nhiều khách hàng phải đặt hàng từ rất lâu mới có hàng để lấy. Sản lượng miến có thể tăng lên đến 20-25 tấn trong mùa cưới, lễ hội hoặc ngày Tết cổ truyền
Mô hình sản xuất: miến chủ yếu được sản xuất theo mô hình hộ gia đình. Trước đây, miến làm thủ công, tráng bằng tay ở nồi rộng miệng hay cái chảo, ngày chỉ hơn 1 tạ miến. Sau này người dân đã đổi sang làm bằng máy. Hầu hết các cơ sở sản xuất hiện nay đều làm bằng máy, kể cả máy tráng và máy cắt. Từ đó, mỗi gia đình có thể sản xuất 1,5-2 tấn/ ngày.

Công đoạn tráng miến

Đầu tiên, bánh tráng chín sẽ được trải lên tấm phên dọc. những chiếc phên thường có diện tích 1,0 x 2,2 m, đặc biệt phải được làm từ vỏ tre có tính chống ẩm mốc và không dính.

Tiếp theo, người dân sử dụng xe kéo tay để đưa những tấm phên miến đó ra các khu vực đất trống nhiều nắng phơi khô. Mỗi tấm phên nặng khoảng 10kg.

Sau khi phên miến mảng phơi khô, miến được tẩm ướt và tách thành các sợ nhỏ dài và tiếp tục phơi khô lần 2. Cuối cùng, miến được đóng thành bó lớn và xuất xưởng.

Nghề làm tương

Chủ yếu sản xuất theo mô hình hộ gia đình, tương Cự Đà đã được cục Sở hữu Trí tuệ cấp thương hiệu sản phẩm, có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Sản phẩm được bán ở những siêu thị lớn, tiêu thụ ở những tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang một số nước châu Á.

Chum tương Cự Đà (nguồn: Internet)
Chum tương Cự Đà (nguồn: Internet)

Các công trình di sản truyền thống làng Cự Đà 

  • Đình làng 
  • Miếu làng
  • Chùa Cự Đà cấp quốc gia
  • Giếng làng giữa làng
  • Cổng làng và các cổng ngõ phụ dẫn ra cánh đồng, vào các ngõ nhỏ
  • Nhà Việt cổ kiến trúc gỗ – 25 nhà trên 100 tuổi
  • Nhà cổ với kiến trúc Việt Pháp – 25 nhà
  • Nhà thọ từ
  • Nhà hội đồng

Cấu trúc của ngôi làng được quy hoạch theo hình xương cá, được tính toán kĩ lưỡng về phong thuỷ. Từ đường làng lớn tỏa ra hàng chục con ngõ đâm ngang, hẹp được lát gạch đỏ. Cổng ngõ nào cũng chạy đến bờ sông với những thềm gạch vươn tận mép ước. Làng được quy hoạch tự nhiên theo đúng theo mô hình “nhất cận thị, nhì cận giang” điển hình cho làng Việt cổ kết hợp giữa nông nghiệp và thương mại.

Dấu ấn thịnh vượng được đắp nổi trên bệ cột cờ giữa làng, có niên đại từ năm 1929. Một nét đặc biệt khác là ngay từ đầu thế kỷ 20, làng đã có điện thắp sáng. Nhiều ngôi nhà trong làng được xây dựng phong cách phương Tây, hoặc có sự kết hợp giữa cả hai phong cách truyền thống và hiện đại.  Những công trình đình, chùa, miếu mạo trong làng đều là di sản được xếp hạng di tích quốc gia.

Cấu trúc Làng, tuyến đường chính và các di tích.
Cấu trúc Làng, tuyến đường chính và các di tích.

Các công trình kiến trúc có giá trị

Đình làng

Đình làng Cự Đà (Đình Vật) thờ vị Thành Hoàng xuất thân là quan võ thời nhà Đinh. Đình có 2 phần cơ bản, bao gồm nhà Tiền Tế và Hậu cung. Nhà Tiền Tế với gian giữa thờ chính; tả ban và hữu ban thờ cận thần. Đình làng gắn liền với câu chuyện là nơi tuyển chọn binh lính trong thời kỳ dẹp loạn 12 sứ quân. Hàng năm vào ngày 14 tháng giêng Âm lịch sẽ diễn ra lễ hội Đại kỳ phúc, tiến hành lễ rước Thành Hoàng Thông Phả Độ đại vương. Tục đấu vật được biểu diễn ngay tại sân đình 5 năm 1 lần trong ngày hội lớn.

Miếu làng Cự Đà

Điểm đặc biệt của miếu làng Cự Đà là bệ thờ trời đất hay còn gọi là Đàn Xã Tắc, thờ vị Thánh Trung Thông. Công trình này là minh chứng cho lịch sử phát triển của làng gắn liền với nông và thương nghiệp, có nền học vấn khoa cử tồn tại song song với nghề buôn bán.  Nguyên nhân của nhận định này bắt nguồn từ việc mỗi lần tế cáo trời đất cần chuẩn bị lễ vật rất chu toàn, đồng thời đòi hỏi người chủ tế phải văn hay chữ tốt.

Chùa

Chùa Cự Đà hay còn gọi là Linh Minh tự. Theo văn bia ghi lại, Linh Minh tự nằm ở phía Đông khu dân cư đô hội, phía Tây long phượng chầu về, bên phải là miếu thờ Thành Hoàng, bên trái là từ đường nhà họ Đinh, trước mặt là dòng sông Nhuệ uốn quanh, xứng đáng chốn danh lam trong vùng. Ngôi chùa có niên đại hơn 300 năm, đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa, xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2000.

Nhà ở truyền thống

Làng Cự Đà là nơi có khá nhiều ngôi nhà mang phong cách kiến trúc khác nhau, với những ngôi nhà gỗ mang đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, phong cách kiến trúc Việt – Trung hay phong cách kiến trúc Pháp thể hiện qua các ngôi nhà gạch. Trong tổng số 25 ngôi nhà cổ còn lại, có một ngôi nhà khá đặc biệt của ông Đinh Như Lai, ngụ tại xóm Chùa 3 với ảnh hưởng đậm nét từ kiến trúc Trung Hoa.

Cổng ngõ
Mỗi xóm trong làng lại có cổng riêng với đường đi lát gạch nghiêng, trước kia ban đêm thường được đóng lại bằng cánh cửa gỗ.

Nhà Hội đồng, Nhà thọ từ
Nhà Hội đồng được xây theo kiểu kiến trúc Pháp, là nơi người dân hội họp, quyết định những vấn đề chung của làng. Nhà Thọ từ là nơi thể hiện sự tôn kính đối với các bậc cao tuổi.

Các di sản truyền thống khác

Bên cạnh vẻ đẹp từ các công trình kiến trúc cổ, làng Cự Đà còn có những di sản vật thể khác đóng góp rất lớn vào nét đặc trưng cảnh quan của làng:

  • Đôi cóc đá: Dọc đường làng Cự Đà có 2 trụ đá với 2 con cóc đá tọa ở trên. Trụ cao khoảng 1m, có dạng hình trụ, 4 mặt được khắc những văn tự cổ. Trên lưng đôi cóc có chỗ lõm xuống to bằng cái đĩa đựng trầu.
    Câu chuyện về trụ đá con cóc bắt nguồn từ người thương gia giàu có tên là Trịnh Văn Cối hay cụ Hai Tiêu. Là người sở hữu rất nhiều ruộng đất với khoảng 600 mẫu đất ruộng, cụ thuê nhiều nhân lực để cày cấy, mỗi năm tổ chức thu tô 1 lần. Chỗ hõm trên lưng con cóc đá là nơi thắp đèn dầu. Mỗi lần đèn được thắp lên chính là vào mùa thu tô, được coi như dấu hiệu nhận biết đối với thuyền bè di chuyển trên sông Nhuệ vào đêm tối.

  • Cột đèn: Theo như lời của người dân Cự Đà, hai ngọn đèn này được dựng vào khoảng năm 1930 – thời kỳ phát triển thịnh vượng của làng. Vào năm 1930, trong làng có cụ Tư Đường mừng thọ 50 tuổi, đề nghị làng nên trồng cột điện đem điện khí về thắp sáng Cự Đà. Cụ đã ra Hà Nội mua được 12 cái đèn đúc bằng gang do Pháp thải bỏ từ phủ toàn quyền và đem bán đấu giá, trồng rải rác từ nhà cụ đến chợ Đình Vật, cứ 50m lại trồng 1 cột. Cột đèn được đúc theo cách đúc gang mỹ thuật, chao đèn tráng men trắng bóng, chụp đèn bằng thủy tinh mờ. Sau đó, cụ thuê máy phát điện của Tây nhà đèn Hà Nội đưa về làng với nguyên liệu đốt sáng bằng xăng. Vì vậy, nhà nào muốn có điện phải tự kéo dây và đóng tiền đổ xăng vào máy.
  • Cột cờ: một trong những biểu tượng khác cho sự giàu có của làng là cột cờ được xây dựng từ năm 1929, rất hiếm cột cờ được xây dựng tại thời điểm đó.
  • Bến nước

Di sản phi vật thể làng Cự Đà

Lễ hội

Lễ hội làng Cự Đà diễn ra 5 năm 1 lần với quy mô lớn, còn được gọi là đại đám, thường diễn ra trong 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng giêng âm lịch. Hằng năm vào những ngày này, người dân tiến hành dâng hương, dâng lễ vật cúng các vị Thành Hoàng làng.

Lễ hội bắt đầu từ ngày 13 tháng giêng với lễ tế Túc Yết, mời về các vị Thành Hoàng . Sau đó tại nhà văn hóa thôn sẽ diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, giao lưu giữa các ban ngành trong thôn. Ngày 14 diễn ra các hoạt động chính của lễ hội, bao gồm lễ tế Phụng Nghênh Loan, lễ rước Thánh, lễ tế An Vị. Các quan khách cùng toàn thể nhân dân làm lễ tế thánh, hạ điền, cùng nhau thụ lộc. Kết thúc lễ tế trong ngày 14 là vật thờ tại Đình Vật. Ngày 15 là ngày cuối cùng diễn ra lễ tế Phụng Hồi Loan, rước Thánh Hồi Loan, Hồi Loan An Vị… để rước thánh về an vị ở đình cũ để tiếp tục thờ tự.

Ẩm thực, sản vật đặc thù

Ngoài hai mặt hàng chính là tương và miến, hiện nay dân làng còn kinh doanh thịt mèo, là địa điểm ẩm thực nổi tiếng thu hút người dân từ khắp các nẻo Hà Nội đổ về.

Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống luôn là vấn đề được quan tâm trong phát triển đô thị, trong đó bao gồm: Phát huy giá trị không gian văn hóa, lịch sử làng nghề truyền thống trong đời sống đương đại và các khu di tích lịch sử cần được bảo tồn và phát huy giá trị trong thời kỳ mới. Đây cũng là một trong những hạng mục của Cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội do Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam đang phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (Đại diện bởi ECUE), UNESCO tổ chức. Chi tiết về cuộc thi, xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/the-le-cuoc-thi-thiet-ke-khong-gian-sang-tao-ha-noi.html

© Tạp chí Kiến trúc