Hà Nội chính thức trở thành một thành viên của Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO (UCCN) vào năm 2019, với tư cách là Thành phố (TP) sáng tạo về thiết kế. Vị thế này càng được nhấn mạnh và củng cố thông qua Tuần lễ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, đặt trọng tâm vào chủ đề Thiết kế & Công nghệ, diễn ra từ 11/11 đến 18/11/2022. Bài viết nhìn nhận Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 từ góc độ giới thuyết TP sáng tạo và tầng lớp sáng tạo để có thể góp thêm một tiêu chí đánh giá thành công của TP sáng tạo Hà Nội.
Tại sao là TP sáng tạo?
Một khái niệm chìa khóa tiếp theo trong sự chuyển đổi sang xã hội đổi mới sáng tạo là “Thành phố sáng tạo” (creative city). TP sáng tạo còn được hiểu như là một khái niệm cho rằng: Sự sáng tạo nên được coi là một yếu tố chiến lược trong phát triển đô thị. Ngoài việc các TP hoạt động hiệu quả và công bằng, một TP sáng tạo còn cung cấp các địa điểm, trải nghiệm và cơ hội để thúc đẩy sự sáng tạo của công dân (Yencken, 1988).
Ý tưởng về TP Sáng tạo là sản phẩm của những năm 1990. Tất nhiên, ý tưởng này có nguồn gốc từ lâu trong câu chuyện của người Âu – Mỹ về TP như một địa điểm chính để phát triển thương mại và công nghiệp hoặc “hiện đại hóa,” và là cơ sở cho chất lượng trải nghiệm nhất định mà chúng ta gọi là “hiện đại”. TP Sáng tạo liên quan đến việc sắp xếp lại câu chuyện này vào thời điểm khi khu định cư theo trường phái Fordist – Keynesian đã bị phá vỡ. Đó là các khu sản xuất công nghiệp theo kiểu “Fordist” bị dịch chuyển ra nước ngoài và các TP dự kiến sẽ hoạt động độc lập hơn – và mang tính kinh doanh – bên trong và bên ngoài khung kế hoạch Keynes của Quốc gia – Nhà nước. TP Sáng tạo đã chủ yếu tập trung về các chiều kích thước văn hóa, thậm chí thẩm mỹ của TP, được cho là bị gạt ra một bên bởi chức năng của TP Fordist, vốn được minh chứng bởi các chế độ quy hoạch và kiến trúc từ trên xuống của Le Corbusier và Robert Moses. Những năng lực văn hóa “mềm” này – phóng túng, lộn xộn, trực quan, lặp đi lặp lại, duy cảm – giờ đây trở thành động lực của một kiểu đô thị hậu công nghiệp mới. Một mặt, đề xuất này đáp ứng các yêu cầu gia tăng nhằm giành lại quyền kiểm soát TP, được Jane Jacobs (1985) và Henri Lefebvre (1992) nêu rõ về mặt khái niệm. Các TP dành cho con người, thay vì ngược lại. Mặt khác, chiều hướng văn hóa này không chỉ khiến các TP trở nên đáng sống, mà giờ đây còn được thiết lập trở thành một động lực kinh tế lành mạnh cho một tương lai hậu công nghiệp. Theo nghĩa này, TP Sáng tạo và những gì được biết đến vào năm 1998 với tên gọi “Các ngành công nghiệp sáng tạo” đã xuất hiện đồng thời.
Đối với một số quốc gia, TP sáng tạo có nghĩa là đầu tư vào cơ sở hạ tầng nghệ thuật và văn hóa, với hy vọng thu hút các công ty toàn cầu và đội ngũ nhân viên cấp cao có vị thế tương đương của họ. Hoặc một tòa nhà mang tính biểu tượng có thể là chất xúc tác cho người dân địa phương, tuyên bố một tương lai mới cho TP và có thể thu hút khách du lịch văn hóa. Đây có thể là một phần trong “gói thầu” đầy tham vọng của TP đối với các sự kiện văn hóa (hoặc thể thao) quốc tế và hội nghị thương mại ngày càng phát triển – tức nỗ lực “Tái xây dựng thương hiệu,” mở rộng cho các chương trình “TP văn hóa” đang nổi lên. Và, sau năm 2004, Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO (UCCN) ra đời.
Thông qua Mạng lưới các TP sáng tạo, UNESCO đã thúc đẩy kết nối các TP muốn chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và những thực hành tốt nhất cho việc phát triển văn hóa, xã hội và kinh tế. Các TP thực hiện điều này thông qua việc tập trung vào bảy ngành công nghiệp sáng tạo như: Văn học, Phim ảnh, Âm nhạc, Thủ công và Nghệ thuật dân gian, Thiết kế, Nghệ thuật truyền thông và Âm thực. Mạng lưới này thúc đẩy các TP trên khắp thế giới tích hợp “ý tưởng” sáng t
Những vấn đề của TP sáng tạo và tầng lớp sáng tạo
Xoay quanh khái niệm TP sáng tạo, có năm vấn đề chính (Pratt, 2010). Đầu tiên, và quan trọng nhất, là khái niệm về sự sáng tạo, rất đa dạng. Ý niệm này có nguồn gốc nhân văn, trong việc đánh giá sự sáng tạo/nhân văn của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, điều này đã được tái khẳng định một cách mạnh mẽ trong những năm gần đây liên quan đến đổi mới kinh tế và khả năng cạnh tranh. Vì vậy, sáng tạo hiện nay thường được coi là một đặc điểm kinh tế chủ đạo. Hai yếu tố này được kết hợp chặt chẽ với nhau tạo nên nền tảng vững chắc cho sự sáng tạo như một khát vọng tích cực phổ quát.
Thứ hai, là một luận điểm từ mục đích luận, thuyết phát triển hay hiện đại hóa, cho rằng nền kinh tế tri thức, trong đó nền kinh tế sáng tạo được coi là một yếu tố trọng điểm, là đỉnh cao nhất của sự phát triển kinh tế. Do đó, tất cả các TP, khu vực và quốc gia được khuyến khích sáng tạo hơn.
Thứ ba, một đặc điểm khác của chuỗi kinh tế này là hoạt động văn hóa không có tầm quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra giá trị kinh tế có định hướng; thay vào đó, nó đóng một vai trò hỗ trợ hoặc tạo điều kiện: chẳng hạn như thu hút hoặc nhận diện đặc trưng phân biệt giữa các TP, và liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thứ tư, là ý tưởng cho rằng nền kinh tế sáng tạo, hoặc văn hóa, bằng cách nào đó bao hàm hơn: Thường theo nghĩa là đại diện cho các giá trị phi tư bản; hoặc như một đối trọng nhân văn đối với tích lũy kinh tế. Đây là lĩnh vực mà chúng ta có thể thấy trong cuộc thảo luận về sức mạnh nuôi dưỡng của sự gắn kết giữa các vùng lân cận và xã hội, thông qua nỗ lực chung của các dự án văn hóa.
Thứ năm, tập trung vào các kỹ năng cũng như nguồn nhân lực cần thiết để tạo ra sản phẩm sáng tạo và văn hóa tốt nhất hoặc nổi bật nhất. Thông thường, họ được coi là những người theo chủ nghĩa tinh hoa, hay tầng lớp sáng tạo, và chắc chắn không mang tính công cụ.
Trong những năm đầu của thập niên 2000, TP sáng tạo ngày càng được định hướng lại xung quanh khái niệm “Tầng lớp sáng tạo” (creative class) của Richard Florida (2002; 2005). Đây là sự tiếp nối của chiến lược “Thu hút nhân tài” nhưng được củng cố ủng hộ bởi các số liệu và phân tích kinh tế, tiêu chuẩn và chỉ số. Florida tập trung vào cơ sở hạ tầng văn hóa nhưng nhiều hơn về thị trường thượng lưu, tiện nghi giải trí thời thượng và các loại “Khu sống thời thượng” đã phát triển mạnh mẽ ở những TP trên toàn cầu, vốn rất nổi tiếng trong các chuyên mục du lịch trên báo và tạp chí trên máy bay. Florida chấp nhận sự sôi động của cuộc sống đô thị – phóng túng, đa sắc tộc – nhưng cộng đồng đô thị mà nó nhắm mục tiêu rõ ràng là một tầng lớp quản lý chuyên nghiệp, được mở rộng bao gồm các nghệ sĩ, trong đó lao động “cổ cồn” (các mối đe dọa đối với sự cởi mở và sáng tạo) không được chào đón. Cuối cùng, mặc dù Florida đã đề cao “cơ sở hạ tầng mềm” của cảnh quan đô thị sáng tạo, tầng lớp sáng tạo sẽ yêu cầu nhà ở, tiện nghi giải trí và nghỉ ngơi, dịch vụ bán lẻ và khách sạn cao cấp, có thể là một hoặc hai phòng trưng bày – và điều này bắt buộc phải đầu tư vốn và được chính quyền bật đèn xanh phát triển.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022: Hà Nội với tư cách là TP sáng tạo
Hà Nội là một trong số 40 TP sáng tạo có chủ đề là Thiết kế trong mạng lưới UCCN trên thế giới. Các TP sáng tạo thiết kế láng giềng gần gũi với chúng ta là Singapore (là thành viên từ 2015), Bandung (Indonesia, từ 2015), Bangkok (Thái Lan, từ 2019), Cebu (Philippin, từ 2019). Điểm chung của các TP sáng tạo này đều là xác lập một mạng lưới kết nối sự sáng tạo, không chỉ trong nội địa hạt TP, mà còn mở rộng với các TP cùng chủ đề; khuyến khích thúc đẩy sự sáng tạo liên ngành và liên văn hóa, với sự tham gia của nhiều thành phần khu vực công lẫn tư nhân. Song song với việc thiết lập và phát triển các trung tâm sáng tạo (Creative hub), thì Tuần lễ Thiết kế (Design week) là một trong những hoạt động mũi nhọn.
Một điều dễ nhận thấy qua Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 là quận Hoàn Kiếm đang trở thành một trung tâm sáng tạo, với hạt nhân là không gian Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, liên kết với nhiều không gian khác xung quanh phố đi bộ Hồ Gươm. Sau thời gian tiến hành tôn tạo và hoàn tất vào cuối năm 2021, địa chỉ 22 Hàng Buồm, một mặt vẫn đóng vai trò là một không gian lịch sử – di sản, mặt khác đã “thay mới giao diện” trở thành một không gian nghệ thuật đương đại. Tiếp nối dòng chảy từ Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo 2021, năm nay Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm là địa điểm tổ chức một chuỗi các hoạt động trọng tâm của Tuần lễ 2022 như các tọa đàm Tinh hoa văn hóa Việt – hình tượng tiên nữ, Hoạt động thúc đẩy cộng đồng sáng tạo và chế tác trẻ Hà Nội qua ứng dụng công nghệ số,… các hội thảo như Chia sẻ kinh nghiệm thiết kế phát triển sản phẩm, Từ Di sản đến Thiết kế Nghệ thuật… và hàng loạt các đối thoại tác giả – tác phẩm với các nghệ sĩ như Quang Lâm, Tuấn Ngọc, Francois Bibonne, Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, các KTS như Nguyễn Hồng Quang, Nhâm Chí Kiên, Lê Quang Thạch… Đặc biệt, không gian 22 Hàng Buồm đồng thời cũng là một không gian trưng bày triển lãm nghệ thuật, qua các tác phẩm trong dự án Tiên – Rồng và Mơ tiên với sự góp mặt của rất nhiều nghệ sĩ – họa sĩ trẻ song song với tác phẩm của các nghệ sĩ kỳ cựu, thể hiện sự gặp gỡ giữa truyền thống và đương đại, giữa nghệ thuật và nơi chốn, giữa các thế hệ sáng tạo. Có lẽ, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 đã chứng minh sự hiện diện của một “tầng lớp sáng tạo” đang dần hình thành và xác lập.
Bên cạnh sự liên kết chuỗi về địa điểm, thông qua gần 50 sự kiện, hoạt động tổ chức trải rộng trong khu phố cổ Hà Nội (không gian 22 Hàng Buồm), khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và một số không gian sáng tạo khác trên địa bàn, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 còn cho thấy sự liên kết giữa rất nhiều chủ thể công/tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau (xin xem hình các yếu tố cấu thành TP sáng tạo ở trên). Ngoài đơn vị quản lý nhà nước, còn có sự tham gia và phối kết hợp hiệu quả nhuần nhuyễn giữa các đơn vị giảng dạy nghiên cứu (ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Khoa Các khoa học liên ngành – Đại học Quốc gia Hà Nội), báo chí – truyền thông, các hội, câu lạc bộ, nhóm nghệ sĩ sáng tạo, các đơn vị doanh nghiệp tư nhân. Các hoạt động thu hút một sự quan tâm lớn của công chúng tham gia tương tác đồng sáng tạo.
TP Sáng tạo không chỉ là một danh hiệu đơn thuần, mà như thực tiễn trên thế giới đã cho thấy, nó đòi hỏi văn hóa và sáng tạo được đặt ra như là chìa khóa của sự phát triển đô thị bền vững hướng tới đô thị sáng tạo. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 đã tạo ra sức sống sinh động và thể hiện một chuyển biến mang tính bước ngoặt trong định hướng phát triển Hà Nội với tư cách TP sáng tạo về thiết kế.
ThS.NCS Phạm Minh Quân
Viện Nhân học Văn hóa
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)
Tài liệu tham khảo
1. Yencken, David. (1988). “The creative city.” Meanjin. 47.
2. Pratt, A.C. (2010). Creative cities: Tensions within and between social, cultural and economic development A critical reading of the UK experience. City, Culture and Society 1 (2010) 13–20.
3. Florida, R. (2002). The rise of the creative class. New York: Basic Books.
4. Florida, R. (2005). Cities and the creative class. New York: Routledge.
5. Ảnh tư liệu do tác giả chụp và họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cung cấp.