Có lẽ nhiều người quan tâm đến kiến trúc Nhật Bản sẽ băn khoăn khi thấy các Kiến trúc sư tại đây thường vẽ nên những ngôi nhà lạ thường, không tuân theo bất kỳ quy chuẩn nào, thậm chí đến mức lập dị, nhưng vẫn được chủ đầu tư chấp thuận? Hãy cùng với tapchikientruc.com.vn đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này thông qua bản biên dịch lại từ bài viết đã được đăng tải từ cuối năm 2013 của tác giả Alastair Townsend – Đồng sáng lập Tokyo Architects BAKOKO, người thường xuyên có những bài viết về kiến trúc và nhà ở tại Nhật Bản.
Nhật Bản nổi tiếng với kiến trúc nhà ở có xu hướng “khác thường”. Theo Alastair Townsend giải thích, sự tiên phong trong kiến trúc nhà ở phần nào được định hướng bởi những đặc trưng của thị trường bất động sản tại Nhật Bản, cũng như bởi sự sáng tạo của các KTS tại đây.
Trên các kênh thông tin kiến trúc, dễ dàng nhận thấy các công trình nhà ở theo xu hướng khác thường của Nhật Bản hầu hết được thiết kế bởi những KTS trẻ với những yếu tố như: Cầu thang và ban công không có lan can, những căn phòng mở hoàn toàn hay những ngôi nhà không hề có cửa sổ.
Những bức ảnh không gian thể hiện thiên hướng sống khác thường, lập dị tại Nhật Bản đã lan truyền rộng rãi và thu hút sự chú ý của toàn thế giới đến những KTS tại đây – nơi có tỉ lệ kiến trúc sư trên đầu người đặc biệt cao. Có lẽ vì vậy mà việc “dám khác biệt” trở thành mấu chốt cho sự thành công của những nhà thiết kế trẻ. Nhưng điều gì đã thúc đẩy những khách hàng của họ tự do biểu lộ và lựa chọn những sự khác thường trong lối sống ấy?
Những ngôi nhà khác thường cần những khách hàng khác thường: Những người sẵn sàng “làm tới” hoặc chấp nhận mạo hiểm với các vấn đề về sự riêng tư, thoải mái, tiện nghi, thẩm mỹ,… Đối tượng cho những thử nghiệm ấy không nhất thiết phải là những căn biệt thự xa hoa đậm đà bản sắc, mà rất nhiều trong số chúng chỉ là những ngôi nhà nhỏ tầm trung – loại công trình chúng ta chưa bao giờ nghĩ sẽ mang sự tiên phong táo bạo trong thiết kế. Phải chăng có điều gì đó ở Nhật Bản đã khuyến khích người ta chấp nhận những mạo hiểm mang tính thường nhật này?
Ở phương Tây, sự khác biệt trong chuẩn mực sống có thể làm giảm đi giá trị một ngôi nhà, vì sẽ là không thực tế và khó phù hợp để có thể bán lại trong tương lai. Những thiết kế táo bạo có thể mang lại rủi ro về mặt đầu tư, nên khách hàng thường cố gắng tiết chế những sở thích cá nhân khác thường của mình.
Ít nhất thì logic của người phương Tây về “ăn chắc mắc bền” trong vấn đề nhà ở ấy cũng có cái lý của họ. Nhưng khi đến với Nhật Bản thì những quan điểm này hoàn toàn trái ngược, vì phần lớn người Nhật không có nhu cầu bán đi căn nhà của mình.
Ở Nhật Bản, những ngôi nhà sẽ nhanh chóng sụt giá tương tự như xe hơi, tủ lạnh, gậy đánh golf,… Trung bình sau 15 năm, một ngôi nhà thường mất đi toàn bộ giá trị và thường bị phá bỏ sau khoảng 30 năm. Theo một bài báo của Viện nghiên cứu Nomura, đây là một trong những trở ngại kinh tế chính của các gia đình Nhật Bản. Sự mất giá này tương đương với sự suy giảm 4% tổng GDP hằng năm của Nhật Bản, đó là chưa kể đến việc sản sinh ra những núi phế thải xây dựng.
Bởi vậy, mặc cho sự suy giảm dân số, thị trường xây dựng nhà ở vẫn ít bị ảnh hưởng. Theo thống kê, 87% thị trường buôn bán nhà ở là nhà xây mới (so với tỉ lệ 11 – 34 % ở các nước phương Tây). Điều này khiến số lượng nhà xây mới ở Nhật sánh ngang với Hoa Kỳ, mặc dù dân số chỉ bằng một phần ba. Một câu hỏi quan trọng khác được đặt ra: Tại sao người Nhật không trân trọng những ngôi nhà cũ của họ?
Đầu tiên, người Nhật bị ám ảnh bởi cái mới. Những trận động đất diễn ra thường xuyên đã dạy người Nhật một điều rằng không cần trông đợi quá nhiều vào tuổi thọ công trình. Bởi thế, sự tạm thời đã trở thành một tiềm thức văn hóa và có giá trị tín ngưỡng (tiêu biểu nhất là ngôi đền Ise Shinto, một ngôi đền được xây mới định kỳ sau mỗi 20 năm). Tuy nhiên truyền thống “đập đi xây lại” này cũng có tác động không thể phủ nhận trong việc làm suy giảm giá trị bất động sản của Nhật. Tâm lý chỉ dùng một lần đối với loại hình nhà ởnày như đi ngược lại hoàn toàn các quan điểm tài chính của phương Tây.
Trong cơn sốt công nghiệp hóa và tái thiết lại đất nước sau Thế chiến II, ngành xây dựng nhà ở Nhật Bản phát triển vũ bão và nhanh chóng với những căn nhà gỗ chất lượng và giá thành thấp- không có cách nhiệt hoặc gia cố địa chấn. Những căn nhà cũ này thường không đạt chuẩn và ẩn chứa nhiều mối nguy hại, việc đầu tư trùng tu, cải tạo sẽ không thu lại hiệu quả. Vì vậy, hầu hết chúng đều bị phá bỏ để xây mới.
Giá cả đóng băng do sự sụp đổ những năm 80 của bong bong kính tế tại Nhật Bản, giá nhà đất theo đó cũng nhanh chóng sụt giảm, bởi vậy, những công trình nhà ở không còn được coi là khoản đầu tư dài hạn nữa. Tiềm thức này đến giờ vẫn tồn tại, một phần do các chính sách bình ổn giá đất của chính phủ mặc cho sự suy thoái kinh tế và suy giảm dân số.
Ngày nay, chất lượng của những căn nhà thông thường hầu hết được xây dựng theo các cấu kiện đúc sẵn – dù đã cải thiện nhiều nhưng những quan niệm trước đó về giá trị nhà ở vẫn bị xem như điều hiển nhiên trong đầu tư. Sự mất giá của căn nhà như tấm bùa hộ mệnh cho những kẻ định giá. Tuy nhiên, dù cho có cải tạo đi chăng nữa, nhưng ngôi nhà này vẫn không thể là chỗ trú ẩn vĩnh viễn, vì cũng giống như phương Tây, nơi việc mua đi bán lại nhà ở vài lần trong đời là chuyện bình thường.
Người lao động Nhật Bản thường trung thành với một công việc suốt đời bởi thu nhập ổn định vẫn là điều kiện tiên quyết cho việc trả góp trong suốt sự nghiệp. Việc được hưởng chênh lệch từ việc mua đi bán lại nhà đất đã trở nên không cần thiết bởi tâm lý không ai muốn mua một ngôi nhà cũ và thông thường giá trị của BĐS mà họ đang sở hữu lại ngày càng tụt giá đểcuối cùng chỉ còn lại giá đất (tức là bỏ đi hoàn toàn giá trị ngôi nhà). Vì vậy, áp lực kinh tế và BĐS luôn là một thực tế khó thay đổi trong cuộc sống của nhiều người.
So với nhiều thị trường khác trong khu vực, những nơi mà có quan niệmngười giàu mới thuê KTS, thì tại Nhật có rất nhiều người trẻ lần đầu có nhà đã sở hữu đất đã timf đến KTS để tạo dựng cho họ một ngôi nhà mới, có lẽ vì họ hiểu những khó khăn nêu trên và chấp nhận sẽ sống trong căn nhà đó suốt phần đời còn lại.
Vậy thị trường bất động sản ở Nhật Bản đã tác động như thế nào tới kiến trúc?
Khi không có sự bảo đảm về giá bất động sản, Nhật Bản nhìn chung sẽ gặp khó khăn trong những kế hoạch bảo vệ và giữ gìn diện mạo chung, chẳng hạn như chăm sóc cây xanh và hạ ngầm dây điện.
Sự tự do trong xây dựng nhà ở là một biểu hiện cao độ của phong cách sống, sở thích và nguyện vọng, biến Nhật Bản thành một môi trường phong phú cho KTS và những khách hàng của họ để kiểm nghiệm những giới hạn trong thiết kế nhà ở.
Với KTS Nhật, điều đó giảm thiểu những kiện tụng so với ở châu Âu và Mỹ, khiến họ dám mạo hiểm hơn.
Những gia chủ trẻ người Nhật có vẻ dễ chấp nhận những đề xuất của kiến trúc sư như một cơ hội để thử nghiệm các ý tưởng mới. Mặc dù đây là những quyết định mang tính hệ trọng, mà chủ nhà sẽ phải chấp nhận để sử dụng trong suốt phần đời còn lại.
Với tình hình chung vào những năm 2013, những gia đình “làm công ăn lương” người Nhật phải chấp nhận một sự thật là khoản đầu tư để xây nhà của họ có thể tiêu tan nhanh chóng sau khoảng 15 năm, mặc dù họ đã phải lao động vất vả, chắt bóp chi tiêu và tiết kiệm cho việc này. Nhìn vào bản chất vấn đề thì người Nhật vẫn cần một nơi để sống và nuôi gia đình nên họ chấp nhận số phận về những “rủi ro” khi sở hữu nhà ở. Điều này dẫn đến những “tự do nổi loạn” trong kiến trúc nhà ở tại đây cho dù chúng có nguy cơ bị phá bỏ sau nhiều năm.
An Du – Huy Hoàng – TCKT.VN
(Biên dịch từ Archdaily)
© Tạp chí kiến trúc