Câu chuyện kiến trúc Hà Nội hôm qua và hôm nay

Hà Nội – mùa hè 1946..

Cách mạng tháng 8 – 1945, năm học đầu tiên Dân chủ Cộng hòa 1945 – 1946, học sinh cả nước học các môn bằng tiếng Việt, tiếng Pháp được coi là sinh ngữ (bây giờ gọi là ngoại ngữ). Trước đây bậc tiểu học đã làm quen với tiếng Pháp, lên trung học tất cả các bài học đều dùng tiếng Pháp, tiếng Việt bị rẻ rúng.

 Năm ấy tôi 14 tuổi học năm thứ 2 trung học, tương đương lớp 7 ngày nay. Nghỉ hè chúng tôi rất nhiều thời giờ vì học hè ít, lại là kỳ nghỉ hè đầu tiên nên các Đội thiếu niên sinh hoạt rầm rộ. Tôi ở Đội thiếu niên trường Chu Văn An (trường Bưởi), do chị Đặng Bích Hà (phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp) phụ trách. Đội thiếu niên đi trại hè Sầm Sơn, nấu ăn lấy, đâu có khách sạn, sữa hộp như bây giờ. Cha tôi, Tham tá Tòa sứ xuất thân nho học, chẳng ưa gì người Pháp, cứ khoảng 3 năm lại thấy ông bị thuyên chuyển tỉnh này qua tỉnh khác. Ông đang ở Sơn La, thời ấy gọi là mạn ngược, rừng thiêng nước độc nên gửi tôi cho ông Ngô Huy Quỳnh, chú ruột tôi mới tốt nghiệp KTS năm 1943, sau khi giành giải nhất cùng nhà điêu khắc Trần Văn Lắm cuộc thi thiết kế “Đài trận vong chiến sĩ” để tưởng niệm lính Pháp – Việt tử trận chống quân phát xít Nhật tiến vào Lạng Sơn. Thời gian này tình hình giữa ta và Pháp đã căng thẳng, chẳng ai xây nhà hay thuê vẽ kiểu. “Kiến trúc sư phòng” của ông Võ Đức Diên và ông Quỳnh ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (sau này là hiệu kem Long Vân) cố gắng mở cửa cho có vẻ hoạt động, tuy không có việc. Hằng ngày tôi từ nhà ở 22 Quang Trung (NXB Chính trị Quốc gia bây giờ) đi bộ lên văn phòng, ngồi thường trực và bán báo “Kiến Thiết”. Ông Quỳnh hoạt động trong mặt trận Việt Minh, là chủ nhiệm tuần báo “Kiến Thiết”, theo khẩu hiệu “Kháng chiến – Kiến quốc” do Bác Hồ đề xướng. Một hôm, ông dắt tôi thong thả dạo bước quanh hồ. Không gian vắng lặng, người thưa thớt, đôi ba chiếc xe đạp, tiếng guốc gỗ lộc cộc, tiếng leng keng xe điện rộn ràng. Ông nói một mình cũng như là nói với tôi. Bác Võ Đức Diên tài thật, vẽ cái nhà Thủy Tạ rất khéo. Uốn khúc cong cong nửa bám vào ven hồ, nửa cắm cọc xuống mặt nước; chỉ bán đồ uống tao nhã. Dừng chân trước Tháp Rùa, ông bảo: “Lấy Tháp Rùa làm trung tâm, tạo thành trục không gian, qua vườn hoa Chí Linh, kết thúc ở quảng trường và nhà băng Đông Dương bề thế. Hai bên đường Lê Thạch, Lê Lai. KTS Hébrard rất thành công xử lý không gian này.” Tôi hỏi: “Sao Nhà hát Lớn không xây ven hồ cho đẹp?”. Ông lắc đầu: “Nhà hát Lớn, công trình đồ sộ hơn lại thường tập trung đông người phải xây xa mặt nước để giữ tĩnh lặng cho không gian hồ. Nước mình độc lập rồi, nếu tránh được cuộc chiến với bọn xâm lược Pháp sẽ xây dựng trung tâm này thật đẹp, là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống, xứng đáp với thủ đô ngàn năm văn hiến. Ngôi nhà quan chức người Pháp (trong sân tòa soạn báo Nhân Dân bây giờ) và cây đa số 1 Đông Dương sẽ là nơi lui tới văn hóa nghệ thuật của công nhân lao động, chuyển hướng chính ra mặt hồ… Thế rồi roàn quốc kháng chiến, ông vào tự vệ, tôi làm liên lạc Ủy ban bảo vệ khu Bảy Mẫu (Liên khu 2). Rút ra khỏi nội thành, chúng tôi đi theo đoàn “Văn hóa Kháng chiến”, gồm một số nhà văn, nhà thơ, sân khấu, họa sĩ, kiến trúc sư do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm trưởng đoàn, lên huyện Hà Hòa, tỉnh Phú Thọ. Một thời gian sau, mỗi người theo yêu cầu kháng chiến tản mác đi khắp nơi. Năm 1951, ông được cử sang Liên Xô thực tập quy hoạch đô thị. Đoàn Việt Nam chỉ vài chục người, nhiều ngành nghề khác nhau. Năm 1955 ông được lệnh về nước, mãi mãi là “nghiên cứu sinh”, vì không được bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ (bây giờ gọi là Tiến sĩ) do yêu cầu xây dựng của đất nước đòi hỏi.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

 Hà Nội – kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Năm 1959 kết thúc kế hoạch khôi phục kinh tế 3 năm, Hà Nội bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ông chủ trì thiết kế quy hoạch Thủ đô với sự giúp đỡ của một số chuyên gia Liên Xô. Bản quy hoạch cải tạo và xây dựng Hà Nội lần thứ nhất hoàn thành những nét cơ bản, để đáp ứng yêu cầu trước mắt. Vị trí cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì, đường vành đai 1, 2, 3.., khu công nghiệp Thượng Đình, Đông Anh… hình thành từ quy hoạch ấy. Những năm ấy, ta có rất ít cán bộ kỹ thuật bậc đại học. Một số sinh viên khoa Xây dựng (Đại học Bách Khoa) năm cuối được lệnh nhận công tác dù chưa làm luận án tốt nghiệp. Tổ Quy hoạch Hà Nội do ông Quỳnh làm tổ trưởng trong Cục Đô thị Nông thôn (Bộ Xây Dựng). Quan trọng bấc nhất của bản quy hoạch là xác định trung tâm thủ đô và làm quy hoạch chi tiết để thiết kế công trình. Cuộc triển lãm quy hoạch xây dựng Thủ đô lần thứ nhất tại khu triển lãm Vân Hồ thu hút đông đảo nhân dân đến xem, không phải để tìm mua đất như bây giờ, mà là phấn khởi xem Thủ đô nước nhà sẽ như thế nào. Khu Ba Đình, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, được xác đinh là trung tâm Thủ đô. Nhà Quốc hội ở vị trí NhàThi đấu Quần Ngựa (quận Ba Đình) soi bóng mặt nước hồ Tây. Trụ sở 6 Bộ được xây dựng ở 18 Hoàng Diệu, khu đất di tích Hoàng Thành hiện nay. Một đại lộ lớn nối không gian nhà Quốc hội với trung tâm chính trị Ba Đình. Do tình hình biến chuyển với nhiều khó khăn, mọi việc phải ngừng lại.

 Hà Nội cuối thế kỷ 20, bước vào thế kỷ 21.

Các nhà tư bản trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nội, Việt Nam, giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước. Năm 1986, KTS Tạ Mỹ Duật viết bài: “2010 – hồ Gươm trong lòng thủ đô 1000 năm tuổi”. KTS Tạ Mỹ Duật đã chào trước Thăng Long nghìn tuổi cách đây hơn 20 năm. Một buổi sáng đi qua hồ Gươm, thấy người ta xây lên một ki – ốt du lịch, che khuất tầm nhìn đẹp, ngay buổi chiều ông viết thư kiến nghị với các nhà lãnh đạo Thủ đô đề nghị ngăn chặn khẩn cấp tiểu tiết này. “Hà Nội đang trên đà xây dựng, Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng bờ Hồ là một khu đặc biệt, phải tuyệt đối bảo vệ tính độc đáo của khu này. Chỉ cần 5, 7 nhà cao tầng, bằng hoặc cao hơn nhà Bưu điện.. thì hồ Hoàn Kiếm chỉ còn là một cái ao”.

Thế hệ KTS cha ông chúng ta nâng niu trân trọng hồ Gươm như thế, còn thế hệ hiện nay, các KTS được học nhiều hơn, đi nước ngoài nhiều hơn, đã ứng xử với hồ Gươm như thế nào? Không kể những khách sạn Vàng, Hàm Cá Mập đã đi vào dĩ vãng, chỉ mới vài năm gần đây thôi, các KTS thỏa thuận cho xây nhà cao 54m rồi 32m, 24m trên khu đất nhà máy đèn cũ. Gần đây nhất là ngôi nhà 3 tầng, 1 tum và 1 tầng hầm của Ban quản lý hồ Gươm trên khu đất đối diện nhà Thủy Tạ, kề liền quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhiều dự kiến là để làm vườn cây xanh. Các KTS “quyền nghiêng” thành phố đã ứng xử với hồ Gươm khác hẳn thế hệ cha anh. Hồ Gươm là mảnh đất kim cương, luôn luôn có nhiều sức cuốn hút, hầu hết các công trình xây dựng gần đây không được dư luận đồng tình. Nhà Bưu Điện sát đường đỏ, 5 tầng cao như muốn đè xuống người đi đường. Nhà Ủy ban TP khô cứng và xa lạ, nhà Hàm Cá Mập, khách sạn Vàng đồ sộ (nay là toà nhà Bảo Việt), ngăn cách phố cổ với không gian hồ Gươm. Hàng loạt dự án đều bị nhân dân phản đối, chắc chắn còn nhiều dự án chưa dám ra công khai. Được biết còn hàng chục dự án lớn nhỏ khác đang lăm le gặm nhấm hồ Gươm. Dựa vào kinh tế thị trường phải mở rộng kinh doanh, người ta chồng chất thêm vào nhà Thủy Tạ những khối xây thô kệch, biến ki – ốt giải khát trước Công an quận Hoàn Kiếm thành quán bán đồ ăn. Cái vòi phun nước cổ điển Hy Lạp ở góc đường Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng chẳng có tội tình gì cũng bị phá bỏ. Quy hoạch do PPJ đề xuất đặc biệt quan trọng, coi trọng giá trị di sản của hồ Gươm như phố cũ, phố cổ. Cần nâng giá trị không gian hồ Gươm thành trung tâm văn hiến đặc biệt. Cuộc thi “Tìm ý tưởng quy hoạch chi tiết & thiết đô thị hồ Gươm & vùng phục cận (64ha)” năm 2008 đã kết thúc, trao giải, cần được tiếp tục thiết kế đô thị chính thức, để có cơ sở pháp lý, quản lý không gian hồ Gươm.

Hồ Hoàn Kiếm  

          PPJ đề ra trung tâm chính trị là Ba Đình, trung tâm hành chính là Ba Vì, nhiều ý kiến không tán thành, cho rằng cần thiết phải kết hợp cả hai trung tâm làm một. Họ dẫn chứng tại nhiều nước tên thế giới làm như vậy. Tôi cho rằng, Việt Nam là một nước theo thể chế chính chị, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, từ vĩ mô đến vi mô. Cơ sở Đảng có từ Trung ương đến tỉnh, thôn xóm, tổ dân phố. Bộ máy phải lớn, có đủ các ngành để có thể đề ra các chiến lược hợp lí. Tại Ba Đình đã xây nhà Quốc hội trên vị trí hội trường Ba Đình cũ, vì di sản Hoàng Thành, chỉ có thể xây dựng phòng họp lớn với các bộ phận trực tiếp phục vụ hội nghị, còn văn phòng Quốc hội, các ban chuyên môn của Quốc hội, các đại biểu chuyên trách phải làm việc tại góc đường Trần Phú – Hùng Vương, lấy thêm trụ sở Bộ Ngoại giao cũ. Không thể phá đi hàng loạt biệt thự kiến trúc cổ điển châu Âu để xây dựng trụ sở hành chính. Tuy rằng ở đây đã có Phủ Thủ tướng và Phủ Chủ tịch. Quy hoạch xây dựng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 chỉ là định hướng. Như vậy có thể coi hiện nay không có trung tâm hành chính của Chính phủ. Đưa một số Bộ lên Mỹ Đình không có thiết kế quy hoạch chi tiết trung tâm mà chỉ là giải quyết địa điểm cho từng Bộ. Vì thế, rất cần có một quy hoạch trước mắt phù hợp với tình hình kinh tế chính trị hiện nay. Cần phải thiết kế trung tâm hành chính ở một vị trí nào đó gần với đô thị cũ, nếu phía Tây hồ Tây đất đã trao quyền sử dụng cho đối tượng khác, thì có thể tìm vị trí mới xa hơn.

Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, tôi có đề nghị nên tìm một con đường lớn, mang tên đường Nghìn Năm Thăng Long, nay PPJ đề ra trục Thăng Long nối đô thị cũ với Ba Vì là rất có ý nghĩa. Paris có đại lộ Élysées, Moscow có đại lộ Gorki, Bắc Kinh có đại lộ Bắc Kinh, thủ đô Hà Nội có đại lộ Thăng Long là tương xứng. Đại lộ Thăng Long không nhất thiết phải kết thúc ở trung tâm hành chính quốc gia mà có thể là một công viên hoặc quần thể công trình văn hóa lớn nào đó. Ba Vì là vùng đất đồi núi cao, không hợp lý để xây dựng trung tâm hành chính. Trên suốt chiều dài đường trục Thăng Long 30km, có thể tìm một khu đất nào đó ven đường Thăng Long, thiết kế trung tâm hành chính. Đây là quy hoạch chung, chỉ có thể xác định những vấn đề lớn, nhiều ý kiến đã đi sâu vào quy hoạch chi tiết, cho là PPJ nghiên cứu chưa đầy đủ là không đúng. Không thể đốt cháy giai đoạn.

Lời nói thêm:

Câu chuyện quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nổi lên ít ngày nay. Bài viết đến đây định kết thúc, chợt nghĩ ra chưa thể kết thúc.

Ta thường nói kiến trúc là nghệ thuật trên cơ sở khoa học kỹ thuật, gắn liền với đời sống xã hội. Đương nhiên định nghĩa đó là đúng. Tô Hoài còn nói kiến trúc là bếp lửa gia đình, là mâm cơm xum họp, là thủ thỉ tình yêu. Không chỉ đúng mà còn thích thú. Nhưng gần đây, kinh tế thị trường người ta còn nói: kiến trúc là bất động sản, là “xới vật” của các thế lực. Chỉ một nét quy hoạch “đôi bờ sông Hồng”, “trung tâm hành chính Ba Vì” là giá đất hai nơi này nhảy vọt lên rồi lại đột ngột hạ xuống làm rối loạn thị trường. Dân ta mới tập sự làm kinh tế nên thường bị tâm lí số đông, lướt sóng lôi cuốn cho nên nhiều người bị kẻ xấu lợi dụng sơ hở, đục nước béo cò. Vì vậy các nhà kiến trúc cần phải thực tế hơn. Nếu ta nói rõ Ba Vì chỉ là một dự kiến định hướng thì sự rối loạn thị trường chắc không quá sôi sục. Quy hoạch là trù tính, mà xã hội – kinh tế, kỹ thuật, khoa học thì phát triển như vũ bão, ai có thể lường trước chính xác những đổi thay cho nửa thế kỷ sau.

KTS Ngô Huy Giao