Thăng trầm không gian Công cộng

1. Không gian công cộng (KGCC) là không gian quan trọng trong cấu thành đô thị. Đó là nơi diễn ra những hoạt động công cộng mà bất kỳ ai cũng có quyền được đến. Ở đó, mọi người được thể hiện những gì mình yêu thích trong khuôn khổ cho phép của pháp luật. Ở đó, con người sống hòa đồng và thân thiện. KGCC trong một đô thị văn minh còn thể hiện tính dân chủ, là tấm gương phản chiếu bộ mặt của xã hội đương thời. KGCC có nhiều loại khác nhau. Có KGCC lớn kiểu như quảng trường thành phố, quảng trường nhà hát, công viên, lâm viên, mặt hồ nước, vỉa hè đường phố… KGCC nhỏ như thảm cỏ, dải cây xanh, khoảng sân chung trước một khu nhà ở… nhưng dù như thế nào thì các KGCC cũng đều mang mục đích chung là phục vụ cộng đồng.

10636178_10204618385797971_8001735753673924810_n

Hà Nội vốn là thành phố của cây xanh mặt nước và có nhiều KGCC. Đó là quảng trường Ba Đình lịch sử, quảng trường Cách mạng Tháng Tám (trước Nhà hát Lớn), quảng trường 1-5 (trước Cung Văn hóa Hữu nghị), quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (bên hồ Hoàn Kiếm)…; các Công viên như công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Tuổi Trẻ, Bách Thảo, công viên nước Hồ Tây… ngoài những hồ cảnh quan gắn với truyền thuyết nổi tiếng như Hồ Gươm, Hồ Tây, là các hồ Trúc Bạch, Ba Mẫu, Bẩy Mẫu, Linh Đàm, Yên Sở… Nhiều KGCC được hình thành bởi mồ hôi, sức lực và tuổi trẻ của hàng vạn người dân Thủ đô mà công viên Thống Nhất, đường Thanh Niên, công viên Thủ Lệ là những hình ảnh nổi tiếng một thời.

2. Vào những năm 80 trở về trước, khi nước ta chưa chuyển sang nền kinh tế thị trường, công cuộc đô thị hóa chưa phát triển, thì Hà Nội là một Thủ đô khá trầm lắng, ít sôi động. Cuộc sống cực kỳ khó khăn trong thời kỳ bao cấp, lại vừa trải qua chiến tranh khốc liệt đã không cho phép người dân Thủ đô nghĩ nhiều đến sự hưởng thụ. Giao thông đường phố chủ yếu bằng xe đạp, tầu điện và thưa thớt vài chiếc xe buýt. Các KGCC vắng người qua lại. Vài công viên lớn như Thống Nhất, Bách Thảo thì nghèo nàn về tổ chức không gian cảnh quan, thiếu vắng các trò chơi, phương tiện giải trí cho các lứa tuổi, có chăng chỉ là mấy toa xe lửa mini chạy điện, vài cái đu quay, xe đạp nước hình con vịt… vậy mà, những nơi này vẫn nhộn nhịp người, nhất là vào các ngày chủ nhật, ngày lễ. Trai gái buổi chiều tối vẫn lấy công viên thanh bình và lãng mạn để làm nơi tâm sự, tỏ tình mà không hề bị ai quấy rầy. Ngày ấy nghèo nhưng nghiêm. Ít có cảnh vặt hoa, bẻ cây, xả rác bừa bãi ra công viên. Khi đất nước Đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, Hà Nội đã thực sự lột xác cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đời sống đã khá hơn. Thành phố mở rộng gấp ba lần với số dân lên tới gần 7 triệu người. Đường phố ngày cũng như đêm nườm nượp xe ô tô, xe máy. Những tòa cao ốc bằng bê tông và kính có khối tích lớn mọc lên san sát. Bao bọc lấy trung tâm thành phố là các khu đô thị mới với muôn vàn chung cư cao tầng mang phong cách kiến trúc quốc tế, đứng phơi mình trong cái nắng nóng chói chang lên tới 35-37 độ của mùa hè nhiệt đới khắc nghiệt. Nhiều KGCC lớn được chính quyền quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Có thể nói rằng, nếu những ai xa Hà Nội cách đây chừng mươi năm, giờ trở lại sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi sự đổi thay của thành phố thân yêu này. Trong công viên giờ rực rỡ muôn loài hoa khoe sắc, cây cảnh quý khoe dáng, cùng rất nhiều trò chơi điện tử hiện đại, hấp dẫn… thu hút sự háo hức của trẻ em và cả người lớn. Người cao tuổi sáng sáng chiều chiều rủ nhau đến công viên để nghỉ ngơi, tập dưỡng sinh, thể dục, tập nhảy… hưởng thụ bầu không khí trong lành hiếm hoi giữa một thành phố đang ngày một ô nhiễm vì khí thải và bụi bẩn. Thế nhưng, bên cạnh đó, thì rất nhiều KGCC bị lấn chiếm và sử dụng sai mục đích vì lợi ích của một nhóm người và sự quan liêu, vô trách nhiệm trong quản lý đô thị. Những khoảng sân chung rộng rãi của các khu tập thể trước kia như Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Giảng Võ… dần biến mất nhường chỗ cho chợ cóc, hàng quán của tư nhân, hay các công trình thương mại. Công viên vừa xây dựng xong với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng mà đã xuống cấp như công viên Hòa Bình. Người dân giờ muốn vào công viên phải mua vé. Muốn chơi trò chơi cũng vậy. Bây giờ, về tối khuya người tử tế không dám vào công viên bởi ở đó đã trở thành bãi đáp lý tưởng cho tệ nạn xã hội nảy sinh. Hoa cỏ trong công viên bị bẻ trộm, dẫm đạp là chuyện thường. Vỉa hè dành cho người đi bộ bị chiếm dụng để bán hàng ăn, cà phê giải khát, thành nơi gửi xe với giá cao. Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường. Các quảng trường trở thành đảo giao thông chằng chịt xe cộ đan xen. Cách đây không lâu, một dự án bãi đậu xe được chuẩn bị để xây dựng tại góc công viên Thống Nhất nơi ngã ba Nguyễn Đình Chiểu – Trần Nhân Tông đã làm xôn xao dư luận, bị người yêu Hà Nội phản đối. Cũng là để phục vụ cộng đồng thôi, nhưng cái giá của công viên lại rất khác cái giá của một bãi đậu xe! Ngay các khu đô thị mới, hình ảnh lãng mạn của kiến trúc thời mở cửa, thì nhiều chủ đầu tư cũng chạy theo lợi nhuận, bất chấp quy hoạch được duyệt để tăng mật độ xây dựng tối đa, giảm đến mức thấp nhất đất dành cho KGCC, sân chơi cho người già trẻ em, cây xanh, thảm cỏ… Theo Luật Quy hoạch đô thị ban hành ngày 1/1/2010 thì KGCC là đối tượng phải nghiên cứu của thiết kế đô thị trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Thế nhưng, giữa quy định của luật với thực tế cuộc sống vẫn còn một khoảng cách xa lắm!

3. Những ngày nắng nóng và mưa bất thường đầu thu này, được đi dạo thanh thản quanh hồ Hoàn Kiếm xanh mướt bóng cây, ngắm hoa lộc vừng từng chùm nở đỏ đến nao lòng, hay nhìn những người cao tuổi vui vẻ hòa chung điệu nhảy trong tiếng nhạc đăng xinh phát ra từ cặp loa di động trong vườn hoa Lý Thái Tổ vào buổi sáng mai, ta mới thấy những KGCC trong thành phố ngàn năm tuổi này đáng quý biết chừng nào.

KTS Phạm Thanh Tùng