Tinh thần của xu hướng phát triển bền vững có thể gói gọn trong khái niệm “Sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai…”.
Bài viết giới thiệu các mô hình ngầm trung tâm dịch vụ kết hợp giao thông bộ hành – giải pháp khai thác không gian ngầm phù hợp 2 khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững Đô thị: Dịch vụ đáp ứng yêu cầu cuộc sống ngày càng cao song song với tiết kiệm tài nguyên đất đô thị.

Không gian ngầm và phát triển bền vững đô thị
Với lợi thế phát triển linh hoạt, ẩn giấu hình khối và cách ly với môi trường mặt đất, không gian ngầm đã bắt đầu được chú ý từ đầu thế kỷ 20. Quá trình “tịnh tiến vào lòng đất” bắt đầu thịnh hành tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ từ cuối thế kỷ 19. Tới năm 1983, không gian ngầm đã chính thức được công nhận là một loại tài nguyên. Năm 1991, tại một hội thảo do ITA (Hiệp hội quốc tế về sử dụng không gian ngầm và hầm) tổ chức, Tuyên ngôn Tokyo đã ra đời với nội dung “Thế kỷ 21 là thế kỷ sử dụng không gian ngầm”. Thực tế đã chứng minh được rằng khai thác chiều sâu lòng đất là xu hướng không thể đảo ngược của phát triển đô thị hiện đại với các lợi ích: Tiết kiệm năng lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng mặt đất, giải quyết được vấn đề mật độ tập trung quá cao tại các khu trung tâm; nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, thực hiện phân lớp giao thông dễ dàng; giữ gìn cảnh quan lịch sử văn hóa cho đô thị; tăng diện tích các khu vực xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện sinh thái đô thị…
Trong Đại hội lần thứ 30 năm 2004 họp tại Singapore, ITA đã khẳng định “Khai thác không gian ngầm là phương cách duy nhất để đô thị có thể phát triển bền vững trong sự đi lên của nhân loại”(1).
Hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời và đang được mở rộng. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tại Việt Nam vừa qua đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ nhưng chưa thoát khỏi quy luật của các nước đang phát triển: Sau khi đã “cơ bản thanh toán” hết diện tích trên mặt đất, đua nhau chiếm lĩnh chiều cao trên nền hạ tầng cũ – tức là chất thêm tải dẫn đến phá vỡ cơ cấu đô thị vốn có – bước tiếp theo là mở rộng cơ học theo chiều ngang, buộc phải trải dài hạ tầng và lấn chiếm đất đai của nông nghiệp, thu hẹp không gian xanh. Việc phát triển thiếu chiều sâu như vậy gây tốn phí của cải xã hội và phá vỡ cân bằng sinh thái.


Giải pháp khai thác không gian ngầm đô thị Việt Nam
Sự phát triển vượt bậc của đô thị Việt Nam không thể tách rời việc khai thác không gian ngầm như 1 phương cách tận dụng tài nguyên và hướng tới phát triển bền vững. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM đã bước đầu tiến vào lòng đất bằng các dự án Metro với hy vọng chúng sẽ thúc đẩy quá trình khai thác không gian ngầm cho sự phát triển của thành phố như kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Thế nhưng, nếu chỉ trông vào mạng lưới Metro thì không đủ bởi chúng không thể bao trùm toàn thành phố, thời gian để hoàn thành hệ thống giao thông ngầm và lan tỏa hiệu ứng sẽ không thể nhanh cùng những khó khăn về vốn, điều kiện thi công… Vì thế, cần tìm kiếm những mô hình khai thác không gian ngầm có tính toàn diện hơn, vừa phù hợp với cơ cấu đặc thù của đô thị Việt Nam, vừa tác động trực tiếp đến các vấn đề nóng khó giải quyết bởi sự mất cân đối giữa nhu cầu của dân số tăng cao và hạ tầng xã hội xuống cấp, môi trường và di sản bị xâm hại, đất dành cho phát triển đô thị đang thiếu nghiêm trọng, quỹ đất vùng nội đô đã cạn kiệt(2).
Rất dễ nhận thấy: Các thành phố Việt Nam dù mở rộng ra các phía nhưng hệ thống dịch vụ công cộng phân bố không đồng đều, chủ yếu vẫn tập trung trong khu vực trung tâm cũ trong khi dịch vụ các khu ở mới lại thiếu đồng bộ, đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng quá tải về giao thông và dịch vụ trong khắp thành phố. Thiết lập các không gian dưới lòng đất cho hoạt động cộng đồng sẽ giúp cải thiện đáng kể hệ thống dịch vụ công cộng cho khu dân cư, đồng thời khuyến khích và tăng sự hấp dẫn của giao thông bộ hành đô thị. Trung tâm ngầm dịch vụ công cộng chính là mô hình khai thác không gian ngầm tốt nhất phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và phù hợp với hoàn cảnh các đô thị Việt Nam ngay lúc này.
Tuy nhiên, cần nhận thức rằng không gian dưới lòng đất là nguồn tài nguyên quý giá hết sức đặc biệt. Một mặt giúp cho đô thị phát triển bền vững nhưng chính nó cũng cần được khai thác “bền vững” bởi tính chất không thể đảo ngược sau khi xây dựng và sự hữu hạn của quỹ đất ngầm. Vì vậy, cần thay đổi cách làm “ngành nào biết ngành đó” như cách xây dựng công trình ngầm hiện nay. Phải lên kế hoạch khai thác hết khả năng quỹ đất ngầm tại mỗi vị trí, đồng thời tận dụng mọi ưu thế của công trình ngầm để khai thác đa ngành, kết hợp nhiều chức năng nhằm phục vụ cho nhiều mục đích.
Tuy có thể đặt các trung tâm ngầm ở bất cứ đâu, nhưng không vì thế mà xây dựng các trung tâm ngầm độc lập tràn lan trong thành phố vì sẽ tạo ra các nút thắt mới. Mặt khác, hiện trạng đô thị nước ta không cho phép hình thành mạng lưới ngầm liên tục như các nước Âu Mỹ. Cần vận dụng cơ cấu quy hoạch linh hoạt phi tầng bậc để tổ chức không gian ngầm chỉ tại những vị trí thích hợp. Các không gian ngầm này cần gắn bó mật thiết với kết cấu không gian mặt đất để cung cấp và bổ sung cơ sở vật chất cho hệ thống dịch vụ thiếu thốn, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề giao thông và bảo vệ môi trường cảnh quan vốn có của đô thị.

Các mô hình khai thác không gian ngầm góp phần phát triển bền vũng đô thị tại Việt Nam
Hiện trạng hình thái không gian chung của đô thị Việt Nam có thể chia làm 3 khu vực: Không gian trung tâm đô thị cũ; Không gian gắn với giao thông đô thị; Không gian tái thiết và phát triển mới. Khi tổ chức các Trung tâm ngầm, các thành phần chức năng trên và dưới mặt đất được kết hợp với nhau tạo thành hệ thống dịch vụ đồng bộ. Tùy từng vùng, địa điểm sẽ đưa các chức năng sử dụng cần thiết xuống dưới lòng đất để bổ sung, kết nối và hỗ trợ hoạt động trên mặt đất. Đồng thời phải dành diện tích bề mặt tạo không gian mở đô thị cho cây xanh, cảnh quan và quảng trường.
Trên cơ sở hiện trạng hình thái không gian có thể xác định các nhóm giải pháp tổ chức Trung tâm ngầm dịch vụ công cộng với các mô hình khác nhau:
1. Nhóm giải pháp xen cấy Trung tâm ngầm dịch vụ công cộng nhằm chia tải cho mặt đất trong khu vực thiếu quỹ đất
Vùng hết quỹ đất thường là trung tâm cũ. Những địa điểm sầm uất nhất cũng lại là các khu vực có hạ tầng cũ kỹ, không gian nhỏ hẹp. Tình trạng quá tải trở nên nặng nề, rõ nhất là giao thông và dịch vụ. Đã vậy, lượng khách đổ về tham dự những hoạt động định kỳ trong các dịp lễ tết càng làm tình hình trầm trọng hơn. Trong khi đó, hầu hết khu vực này đều nằm trong quy hoạch bảo tồn bởi giá trị lịch sử của nó.
Không thể xây dựng xen cấy hay cơi nới cải tạo trên mặt đất, khai thác không gian ngầm cho dịch vụ là giải pháp thích hợp nhất nhằm giữ nguyên mật độ, tăng hệ số sử dụng đất, tôn trọng các yếu tố cảnh quan hiện có, chỉnh trang lại bộ mặt tuyến phố. Nhóm này gồm 3 giải pháp tương ứng với các dạng sau:
- Thiết lập Trung tâm ngầm dưới không gian xanh đô thị: Tận dụng khoảng không dưới lòng đất các công viên, vườn hoa, quảng trường tại trung tâm các khu vực dân cư cũ để thiết lập các Trung tâm ngầm đa chức năng. Không xâm lấn diện tích xanh và khoảng mở đô thị mà vẫn đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách và phục vụ dân cư quanh vùng, góp phần làm xanh, sạch đẹp cảnh quan. Trong 1 số trường hợp, ngầm hóa những công trình dịch vụ thích hợp đang hiện hữu trong công viên vừa cho phép hoàn thiện chức năng sử dụng của công trình, vừa mang lại khả năng phục hồi diện tích cây xanh cảnh quan.
- Thiết lập Trung tâm ngầm dưới lòng đường phố: Các trung tâm thương mại mật độ cao trong khu vực lõi đô thị đã hình thành từ lâu đời. Hoạt động dịch vụ thương mại sầm uất cộng với giá trị về văn hóa, bảo tồn, là điểm đến của du khách và nơi giao dịch truyền thống của người dân thành phố. Không gian nhỏ hẹp, mật độ xây dựng cao nên giao thông và hạ tầng đều quá tải. Rất khó nâng cấp, cải tạo do không còn quỹ đất và không có khoảng mở. Tổ chức những Tổ hợp dịch vụ đa chức năng nằm dưới lòng đường, quảng trường giao thông kiểu “phố ngầm” là giải pháp thích hợp nhất để cung cấp thêm dịch vụ, giải quyết vấn đề giao thông mà không làm mất đi tính đặc thù của không gian mặt đất.
- Khai thác lợi thế của không gian ngầm cho bảo tồn di sản đô thị nội đô: Rất nhiều di sản đô thị nằm trong trung tâm các khu vực dân cư cũ mật độ cao đang xuống cấp do bị xâm lấn, quá tải, dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu sử dụng về diện tích (cho nghiệp vụ và tiện ích phục vụ du khách). Một số công trình buộc phải xây dựng cơi nới làm mất đi tính toàn vẹn của di tích và phá vỡ cảnh quan cần bảo tồn. Tệ hơn, một số công trình lưu giữ, trưng bày di sản buộc phải di chuyển ra vùng ngoại vi làm mất đi ý nghĩa của chúng về địa điểm, về giá trị di tích của bản thân công trình. Trung tâm ngầm được thiết lập dưới mặt đất nhằm cung cấp các dịch vụ phục vụ du khách (cả mới phát sinh lẫn giải phóng các hạng mục công trình cơi nới) hoàn trả cảnh quan về nguyên trạng, đồng thời tạo ra chỗ để xe và giúp kết nối bộ hành qua đường tiếp cận không gian di sản thuận tiện.

2. Nhóm giải pháp lồng ghép chức năng dịch vụ trong công trình giao thông
Hệ thống giao thông các đô thị đang được nâng cấp với hàng loạt dự án đã và sắp hoàn thành, trong đó có khá nhiều công trình ngầm: đường ngầm bộ hành, Metro…. Đáng tiếc, chúng đều được thực hiện chỉ nhằm phục vụ giao thông đơn thuần. Tận dụng cơ sở vật chất công trình giao thông đô thị là giải pháp quan trọng để hình thành không gian ngầm đa chức năng. Tổ chức dịch vụ kết hợp với giao thông dưới ngầm vừa tạo thêm không gian phục vụ công cộng cho hành khách, đồng thời song song hỗ trợ cho mặt đất. Nhóm này bao gồm 3 giải pháp tương ứng với các dạng công trình giao thông như sau:
- Lồng ghép chức năng dịch vụ trong đường bộ hành ngầm: Dịch vụ mang tính chất “ngang đường”, phát triển dọc theo ngầm bộ hành đơn hướng như hầm qua đường hoặc lối dẫn từ ga Metro lên mặt đất nhằm bổ xung tiện ích, tăng tính hấp dẫn và cảm giác an toàn cho khách bộ hành. Thường là tiện ích miễn phí đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người đi đường như vệ sinh, nghỉ chân hoặc dịch vụ nhỏ như quán nước, giặt là, sửa chữa điện thoại…; thương mại đời sống như cửa hàng tiện ích, bán lẻ sách báo, sim thẻ điện thoại hoặc bán vé, máy giao dịch tự động… Không loại trừ việc tổ chức triển lãm, tuyên truyền quy mô nhỏ.
- Kiến tạo Trung tâm dịch vụ kết hợp ngầm bộ hành dưới vòng xoay nút giao thông: Vòng xoay nút giao thông thường nằm ở vị trí dễ dàng tiếp cận từ nhiều hướng, có diện tích bề mặt rộng. Vì vậy sẽ rất hiệu quả nếu khai thác lợi thế của nó để hình thành cả một tổ hợp dịch vụ ngầm dưới vòng xoay vừa có tính “ngang đường” vừa là “điểm đến”để bổ xung dịch vụ cho khách bộ hành, cho hoạt động mặt đất.

Không gian quy mô vừa đến lớn với nhiều tầng ngầm bao gồm các tiện ích công cộng như nhà vệ sinh, dịch vụ dân cư như sửa chữa đồ gia dụng, hiệu thuốc, phòng khám…; thương mại dân cư như hiệu sách, cửa hàng tổng hợp, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng ăn uống… lẫn các dịch vụ hành chính – tài chính khác như bưu điện, phòng giao dịch ngân hàng, dịch vụ công chứng… Thậm chí chứa đựng cả không gian thương mại, văn hóa-vui chơi giải trí công cộng lớn cấp vùng như siêu thị, rạp chiếu phim, bowling… Cuối cùng là không gian đa năng cho sinh hoạt cộng đồng, trưng bày và các hoạt động dân sự khác. Có thể và nên được kết nối với tầng hầm dịch vụ công trình kiến trúc, ga ngầm Metro. Dạng này khó tách rời chức năng phục vụ công cộng với giao thông và rất cần kèm theo dịch vụ để xe kiểu “gara ngầm”
- Lồng ghép dịch vụ dưới ngầm trong công trình đầu mối giao thông: Các công trình đầu mối giao thông như Nhà ga xe lửa, Bến xe liên tỉnh, Nhà ga trung tâm hệ thống Metro là nơi tập trung phương tiện và người. Hầu hết chúng đều nằm trong vùng đô thị mật độ cao, ngoài lối ra vào của tàu xe, đây còn là điểm dừng đón trả khách của phương tiện trung chuyển công cộng và nơi tập kết phương tiện cá nhân nên công trình thường bị ùn tắc cục bộ. Mật độ xe trên đường quanh công trình rất cao nên việc kết nối bộ hành từ các đường xung quanh đến công trình rất khó khăn. Bên trong công trình, hành khách phải đi bộ để chuyển đổi phương tiện cộng với lượng người đón và đưa đông đảo nên nhu cầu dịch vụ rất lớn. Lợi dụng đặc thù các công trình đều có diện tích chiếm đất lớn, thấp tầng, móng nông, nhiều sân bãi… để xây dựng không gian ngầm trong ranh giới hiện hữu của nhà ga. Nhằm nâng cao năng lực kết nối giao thông và phục vụ tối đa nhu cầu hành khách, giải pháp này mang lại lợi ích song song: Tổ chức dịch vụ đa dạng phục vụ tối đa nhu cầu hành khách; nâng cao năng lực kết nối giao thông nội bộ và kết nối với bên ngoài cũng như đáp ứng nhu cầu về điểm dừng đỗ cho xe buýt, taxi cùng với các bãi xe dưới ngầm.
Thiết kế nghiên cứu áp dụng giải pháp 2-3: Lồng ghép không gian ngầm dịch vụ công cộng trong thiết kế cải tạo bến xe Giáp Bát-Hà Nội. Vừa đáp ứng nhu cầu dịch vụ đa dạng của hành khách, vừa giải quyết tốt vấn đề giao thông.
3. Nhóm giải pháp kiến tạo Trung tâm ngầm đồng bộ tại các khu tái thiết và phát triển mới.
Các lô đất tái thiết và phát triển mới là cơ hội thuận lợi để thiết lập các Trung tâm ngầm lớn dạng Tổ hợp không gian ngầm – nổi có khả năng gắn bó hữu cơ, thực hiện đồng bộ cùng lúc với công trình trên mặt đất nhằm vừa có thêm công trình công cộng phúc lợi xã hội lại vừa tạo thêm không gian mở cho nội đô vốn quá chật hẹp. Chúng phải là những tổ hợp ngầm đa chức năng nhằm đáp ứng song song cả nhu cầu giao thông lẫn dịch vụ phục vụ cộng đồng dân cư cho vùng đô thị với 2 giải pháp:
- Thiết lập Trung tâm ngầm tại đất di dời công sở: Hầu hết các quỹ “đất vàng” sau khi di dời nằm trong vùng dân cư cũ mật độ cao hoặc vùng dịch vụ chưa hoàn chỉnh nhưng rất khác nhau về diện tích, hiện trạng…. Với những lô đất nhỏ, nên ngầm hóa toàn bộ để dành bề mặt cho cây xanh, tạo không gian mở đô thị. Kể cả trường hợp xây dựng công trình trên lô đất cũng nên thiết lập Trung tâm ngầm dưới toàn bộ diện tích đất, để trống tầng mặt đất cho lợi ích chung, chỉ khai thác cho mục đích chính từ tầng 2 trở lên (dù không liên quan tới công năng phần ngầm). Với những lô đất lớn, chỉ nên xây dựng không gian ngầm một phần diện tích, có thể 1 phần ngầm 1 phần nổi để tạo hình ảnh và lối xuống cho công trình. Cũng cần khảo sát công trình có sẵn trên mặt đất, nếu là công trình có giá trị về kiến trúc hoặc có thể tận dụng cho chức năng mới, cần giữ lại và phối hợp với không gian dịch vụ ngầm sẽ thiết lập.
- Thiết lập Trung tâm ngầm đồng bộ trong khu ở tái thiết và phát triển mới: Các khu đất nguyên là nhà máy, xưởng sản xuất được chuyển đổi thành nhà ở, các khu tập thể cũ được cải tạo cũng như các khu phát triển mới thường có quỹ đất ngầm rất lớn. Thiết lập Trung tâm ngầm với dịch vụ đa dạng và kết nối linh hoạt, là mô hình dùng giao thông và dịch vụ ngầm để liên kết các khu đô thị liền kề một cách hữu hiệu giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hình thành hệ thống dịch vụ đồng bộ và gia tăng diện tích sân vườn cho sinh hoạt cộng đồng. Để thực hiện, đòi hỏi sự phối hợp thống nhất trong đấu nối quy hoạch nên rất thích hợp với những khu mới phát triển và được thi công từ trước khi làm phần nổi.
Thiết kế nghiên cứu áp dụng giải pháp 3-1: Trung tâm thể thao mạo hiểm nằm dưới 1 phần vườn hoa lô đất Trường ĐH Y sẽ di dời.
Công trình có 1 phần nhô lên, mái ngang mặt đất trồng cây tạo cảnh bên trên để hòa với không gian xanh vườn hoa.
Kết luận
Khai thác không gian ngầm khá tốn kém, quá trình xây dựng lại gây nhiều phiền toái tới sinh hoạt đô thị nhưng hiệu quả mang lại rất lớn cho các thành phố dạng “mở rộng” ở nước ta nếu tìm ra và áp dụng các mô hình hiệu quả. Sử dụng không gian ngầm kết hợp giữa dịch vụ và giao thông chính là giải pháp phù hợp tiêu chí của Phát triển bền vững đô thị: nâng cao hệ số sử dụng đất, cải thiện đáng kể hệ thống dịch vụ công cộng, kết nối địa bàn giúp giảm tải cho vùng đô thị hiện hữu và hoàn thiện cấu trúc quy hoạch – kiến trúc tổng thể mà vẫn bảo tồn hình thức của không gian đô thị vốn có.
Chú thích:
(1) Tham luận của Harvey W. Parker và Jean Paul Godard
(2) Cảnh báo về việc cần phải chủ động dành đất để phát triển đô thị và tái định cư nông thôn, PGS-TS Huỳnh Đăng Hy cho biết: “Dự báo đến năm 2010, dân số Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 5.261.000 người. Trong đó, dân số đô thị sẽ tăng thêm khoảng 6,13 triệu người. Như vậy, việc tăng đất đô thị từ năm 2006 – 2010 chỉ thêm 7.861ha là không đủ. Nếu tính đất ở cho một người dân đô thị trung bình khoảng 40m2/người thì đất ở cho đô thị cần phải tăng thêm 21.043ha, gấp ba lần dự kiến kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt năm 2006”
ThS.KTS Nguyễn Tuấn Hải
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
( Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07 -2015 )