Mối liên hệ giữa khu đô thị mới và làng xóm cũ tại Hà Nội

Theo tiến trình phát triển trong nền kinh tế thị trường với một số điều kiện “lịch sử để lại”, Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác của Việt Nam phải đối mặt và giải quyết những vấn đề lớn nảy sinh từ sự phát triển đô thị nhanh vượt khả năng kiểm soát. Nhiều vấn đề có thể thấy rõ hàng ngày như: Quá tải giao thông, ô nhiễm môi trường, kiến trúc đô thị lộn xộn, hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ,… Bên cạnh đó, một số vấn đề ít lộ diện hơn song không kém phần khó khăn phức tạp, thậm chí nếu xét cho cùng đó còn là những “nguy cơ tiềm ẩn” và là “trở lực” cho việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Một trong số đó là mối liên hệ xã hội giữa thực thể mới (đại diện là các khu đô thị mới) và thực thể cũ (tiêu biểu là những làng xóm đang chịu tác động của quá trình đô thị hóa và thực sự đã bị đô thị hóa ở nhiều mức độ khác nhau). Đây là một chủ đề không mới, nhưng theo cảm nhận của người viết thì vẫn chưa được bàn luận một cách đầy đủ, cả bề rộng lẫn chiều sâu, và do vậy, giới học thuật cần chú trọng nghiên cứu nhiều hơn và kỹ lưỡng hơn trong những năm tới.

Câu chuyện khu đô thị mới

Kể từ thời điểm năm 1999, khi Khu Dịch vụ Tổng hợp và Nhà ở Hồ Linh Đàm – tên gọi ban đầu của Khu Đô thị mới (KĐTM) Linh Đàm – bắt đầu đón nhận những cư dân đầu tiên, KĐTM tại Hà Nội đã có quá trình gần 20 năm phát triển. Quãng thời gian đó đủ để đánh giá những thành công đầu tiên và tổng kết các mặt trái của loại hình cư trú mới này. Thành công lớn nhất của sự phát triển các KĐTM sau khi Hà Nội mở rộng năm 2008 là đáp ứng nhu cầu nhà ở cấp bách của một số lượng rất lớn người dân, kể cả cư dân đã sinh sống lâu năm trong những khu ở chật chội và thiếu tiện nghi tại các quận trung tâm có nhu cầu tìm kiếm chỗ ở chất lượng tốt hơn ở các vùng ven đô; và người từ các địa phương khác mới chuyển đến sinh sống gắn với công việc cùng các nguyện vọng chính đáng khác. Được xây dựng và quản lý bởi các tập đoàn nhà nước, sau này có thêm thành phần tư nhân tham gia với sự tập trung nhiều nguồn lực tài chính, mỗi KĐTM đã cung cấp hàng vạn đến hàng chục vạn mét vuông nhà ở (tùy theo quy mô dự án) trong một thời gian ngắn cho hàng nghìn, hàng vạn hộ gia đình mà các hình thức xây dựng khác khó có thể đảm bảo. Thành công tiếp theo của các KĐTM là đem lại một diện mạo mới cho đô thị Hà Nội trong quá trình hiện đại hóa. Nếu so sánh với các khu tập thể cũ thời bao cấp đã xuống cấp với đủ hình thức cơi nới tự phát và những khu nhà dân tự xây dựng trong vòng 10 năm sau Đổi Mới không kém phần hỗn độn, rõ ràng các tòa nhà chung cư cùng các dãy nhà liền kề và biệt thự trong những KĐTM gần đó, dù đơn giản về hình thức trong thời kỳ đầu cũng đã đem lại cảm nhận tích cực về một thành phố “khang trang hơn”, “ngăn nắp hơn”, “hiện đại hơn” và “dễ chịu hơn” về thị giác. Sau này, khi hình khối và trang trí mặt đứng công trình được chú trọng nhiều hơn (sau ý kiến của chuyên gia cũng như dư luận xã hội về sự “đơn điệu” của hình thức nhà ở trong các KĐTM thời kỳ đầu), một số nhà ở cao tầng và thấp tầng tại các KĐTM được xây dựng gần đây đã có những tìm tòi và sáng tạo về ngôn ngữ kiến trúc, đóng góp đáng kể cho thẩm mỹ đô thị. Cảnh quan và tiện ích đô thị cũng là một điểm đáng ghi nhận nữa của một số KĐTM cao cấp khi được đầu tư thích đáng và quy hoạch bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế, có chiếu sáng trang trí bên cạnh chiếu sáng đô thị đơn thuần, các đường điện được hạ ngầm, cây xanh có chọn lọc chủng loại được trồng theo tuyến và theo mảng đẹp mắt, với các khu vui chơi giải trí, tập luyện thể thao, dịch vụ thương mại, … đi kèm khá đồng bộ.

Tuy nhiên, KĐTM không phải là không có mặt trái, kể cả những KĐTM được coi là thành công nhất, có thể thấy trên góc độ quy hoạch và kinh tế khi dự án được phê duyệt và cấp phép khá vội, đặc biệt là thời điểm 2007 – 2008. Thực tế đã có hai trường hợp xảy ra: Một là KĐTM đó chỉ tồn tại trên giấy (được gọi bằng một tên khác là “quy hoạch treo”); hai là được xây dựng nhưng không có người ở (được biết đến với thuật ngữ “khu đô thị ma”) gây lãng phí vốn (cho chủ đầu tư và rộng hơn là cho toàn xã hội) hoặc thiệt hại kinh tế (cho người mua nhà nếu họ trót đặt cọc cho BQLDA). Ngoài tính hợp lý về thiết kế (chưa đảm bảo thông gió và chiếu sáng tự nhiên, an toàn sinh mạng, phòng cháy chữa cháy) thì chất lượng xây dựng nhà ở cũng là vấn đề được phản ánh nhiều trong các KĐTM khi chỉ sau một vài năm đã xuống cấp rõ rệt cả về nội thất lẫn ngoại thất. Tại những dự án này, đa phần hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không hoàn thiện, gây nhiều bất tiện cho người dân trong quá trình sử dụng, khiến họ phải “chịu đựng” nếu ở lại hoặc phải “bán tháo” để chuyển đến chỗ ở mới, gây “hao mòn niềm tin” khi người dân quyết định mua nhà trong các KĐTM một phần vì những lời quảng cáo “có cánh” của đội ngũ tư vấn. Có những dự án “hạng sang” về tiện ích vật chất và được coi là khá “lý tưởng” về môi trường cũng như cảnh quan, nhưng chắc chắn không thể được coi là “sống tốt” khi thiếu hẳn quan hệ cộng đồng do lối sống “đóng khung khép kín” và gần như không có kết nối với các cộng đồng xung quanh (do “kín cổng cao tường” và ra vào đều phải xuất trình giấy tờ, mà trường hợp điển hình nhất là KĐTM Ciputra). Chiều cao tầng và mật độ xây dựng cũng là những điều khiến cư dân trong một số dự án KĐTM như Linh Đàm hoặc Times City hiện nay cảm thấy không hài lòng khi nơi họ ở ban đầu tương đối thoáng đãng nhưng sau này bị xây chen quá nhiều khiến cảm nhận về không gian sống hoàn toàn khác trước.

Chuyện về làng xóm cũ

Làng xóm là thực thể có trước KĐTM, đã phát triển qua một vài thế kỷ, định hình rõ cấu trúc không gian cũng như lối sống đặc trưng, được bồi đắp văn hóa cũng như lưu giữ truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi mở rộng, đô thị tiến sát đến những làng xóm ở cự ly gần, vây bọc và dần biến làng xóm thành đô thị, qua những biến đổi kiến trúc (nhà kiểu đô thị thay thế dần nhà nông thôn truyền thống), không gian và hình thái (các thửa đất bị chia nhỏ ra, mật độ đậm đặc hơn trước và chiều cao công trình tăng dần theo thời gian), cấu trúc dân cư (người mới và người cũ sống xen kẽ), kinh tế (nghề nông không còn và các nghề thủ công truyền thống bị thu hẹp đáng kể, thậm chí thất truyền), văn hóa (lễ hội dần mai một, hương ước ít phát huy tác dụng) và lối sống (sống thực dụng, quan hệ xóm giềng không còn mật thiết và hệ thống giá trị mới lan tỏa dưới ảnh hưởng của đô thị). Về mặt hành chính, xã trước đây đã trở thành phường, và thôn xóm biến thành tổ dân phố. Quá trình đô thị hóa như vệt dầu loang, từ trung tâm trở ra, dần dần “thôn tính” những làng xóm ở xa hơn. Từ những năm 2000 trở lại đây, quá trình thôn tính này diễn ra càng nhanh hơn khi có thêm các KĐTM được quy hoạch ở vành ngoài, từ một vài điểm ban đầu phát triển thành các tuyến đan ngang dọc và cuối cùng là một mạng lưới trải rộng khắp vùng. Các làng xóm cũ hiện hữu nằm xen kẽ trong mạng lưới KĐTM đó và cùng một lúc chịu tác động từ nhiều phía. Điều này đặc biệt rõ ở khu vực phía Tây và Tây Nam Hà Nội, nơi tập trung khoảng 2/3 dự án KĐTM đã được phê duyệt trong số 231 dự án tính đến năm 2013 (Danielle Labbé và Julie Anne Boudreau, 2014) và số liệu thống kê mới nhất là 253 dự án (Danielle Labbé, 2018). Bỏ qua những dự án chưa được triển khai hoặc đang trong quá trình xây dựng và các dự án đã hoàn thiện nhưng nằm trong các quận nội đô, ước tính có ít nhất 70 KĐTM ở phía Tây và Tây Nam Hà Nội đã có người ở và đang tác động đến các làng xóm bên cạnh.

Sau một thời gian hai thực thể cư trú mới và cũ tiếp xúc, phần “thua thiệt” nghiêng về phía làng xóm. Trước hết là vấn đề đất đai. Các dự án KĐTM thường được xây dựng trên đất nông nghiệp vốn thuộc về những làng xóm cũ. Sau khi dự án KĐTM được phê duyệt, đất nông nghiệp được thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng từ canh tác sang chức năng ở cho người nơi khác chuyển đến sinh sống, đa số là người dân từ nội đô nơi có mật độ cư trú quá cao chuyển ra ngoài. Các hộ nông dân mất đất, ít thì vài sào ruộng lúa hoặc hoa màu, nhiều thì lên tới 4.000 – 5.000 m2 đất canh tác, như được ghi nhận tại hai làng Yên Phúc và Văn Quán ngay bên cạnh KĐTM Văn Quán (Danielle Labbé và cộng sự, 2018). Tiếp theo việc mất đất canh tác, khi không có hoặc có rất ít sự hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ chủ đầu tư hoặc một đơn vị nào đó có liên quan, người dân sẽ phải tự thân vận động và tìm kiếm nguồn sinh kế mới. Khoản đền bù đất đai bị thu hồi mà họ nhận được nhìn chung không tương xứng với giá trị thực tế và những gì họ mất đi theo đất đai. Trong quá trình thích ứng với điều kiện sinh sống mới, chỉ một bộ phận dân làng thành công trong việc chuyển đổi nghề nghiệp với thu nhập cao hơn hoặc tương đương so với trước kia. Số còn lại thu nhập giảm sút và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hậu nông nghiệp. Với những hộ dân mất một phần đất, thì việc canh tác cũng không còn thuận lợi như trước vì hệ thống mương máng tưới tiêu đã bị san lấp và diện tích còn lại tương đối ít, chỉ có thể tận dụng trồng tạm thời rau hoặc hoa, nhưng việc cung ứng giống cây phân bón gặp nhiều trở ngại, kỹ thuật chăm sóc khác với trồng lúa, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, chuột và các loài vật gây hại nhiều nên cho năng suất thấp, người dân thấy không bõ công sức bỏ ra nên chủ động dừng canh tác và tìm kế sách khác. Đất bị bỏ hoang sau vài năm không gieo trồng nên được tận dụng lần thứ hai làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, điểm trông giữ xe hoặc một số loại hình kinh doanh tạm thời. Khi chuyển đổi nghề nghiệp không thành công, lao động trẻ lần lượt rời làng đi làm ăn xa hoặc chuyển đến nơi khác trong thành phố sinh sống, nên việc bảo tồn gìn giữ vốn quý văn hóa từ thế trước sang thế hệ sau không được tiếp tục trong khi những tác động kinh tế – xã hội từ bên ngoài vào ngày một mạnh. Kết quả là làng xóm khó “trụ vững” trước làn sóng đô thị hóa. Một số nơi, di tích lịch sử – văn hóa của làng còn bị lấn chiếm hoặc bị các công trình cao tầng gần đó vây kín. Tình làng nghĩa xóm cũng không còn được duy trì khăng khít như trước vì trong guồng quay hối hả của xã hội công nghiệp và dịch vụ, việc mưu sinh vất vả khiến những người dân làng ở lại dù từng sống cạnh nhau và thân thiết dần ít quan tâm đến nhau hơn. Việc giao kết với hàng xóm mới chuyển đến nếu có cũng cần thời gian nhiều năm. Ngoài ra, khi một hoặc một vài KĐTM hình thành bên cạnh làng, nền đất khu đô thị sẽ được tôn cao theo cốt san nền quy hoạch, làng xóm trở thành vùng trũng. Mỗi khi có mưa, dù không lớn, nhiều nơi trong làng bị ngập và ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày của người dân, nhất là những người cao tuổi không đủ điều kiện tài chính để tôn nền nhà cũ cao hẳn lên hoặc xây nhà mới và cả một bộ phận người trẻ tuổi còn ở lại không quen chịu khổ. Họ dễ hình thành tâm lý “bất mãn” và cho rằng những bất tiện mà họ đang phải chịu là do KĐTM gây ra. Từ tâm lý đó một số dân làng nhìn nhận KĐTM – và cả người dân KĐTM – bằng ánh mắt không mấy thiện cảm.

Tương tác giữa KĐTM và làng xóm cũ

Cư dân KĐTM hầu hết đều là những người có công ăn việc làm ổn định và thu nhập khá cao so với mặt bằng chung, trong khi đó dân làng, ngoại trừ những người chuyển đổi nghề nghiệp thành công và những người thuộc diện “gia đình có điều kiện” từ nơi khác mua đất trong làng chuyển đến ở do không còn cơ hội sở hữu nhà trong KĐTM, thuộc nhóm thu nhập trung bình trở xuống. Những cư dân bên KĐTM có nhu cầu hàng ngày cần được đáp ứng. Bảo dưỡng và rửa xe ô tô là một ví dụ. Nếu trong làng kế bên không có dịch vụ này, họ sẽ phải di chuyển một quãng đường vài cây số về phía trung tâm mới tìm được một địa điểm và bản thân họ thực sự thấy bất tiện khi mất nhiều thời gian đi lại và chờ đợi đến lượt được phục vụ. Một số người dân trong làng năng động và nhạy bén, sớm nắm bắt được cơ hội kinh doanh và có không gian trước nhà tương đối rộng, đã tranh thủ mở dịch vụ sửa chữa và rửa xe với chất lượng đảm bảo, phục vụ nhanh chóng và giá cả phải chăng. Tương tự như vậy, nhu cầu tiêu dùng các đặc sản thôn quê của cư dân KĐTM, những mặt hàng đó hiếm khi được bày bán trong các siêu thị hoặc cửa hàng tiện ích bên KĐTM, mà trong làng lại có người có đầu mối cung cấp thường xuyên là họ hàng hoặc người quen dưới quê chuyển lên, thì mối liên hệ cung – cầu nhanh chóng được hình thành trong thời đại thông tin. Nếu người dân KĐTM cảm thấy hài lòng, họ sẽ giới thiệu cho hàng xóm của mình và hộ gia đình bên làng xóm cũ có thêm khách hàng thường xuyên từ KĐTM sang. Ngoài ra, cư dân KĐTM cũng cần thuê người giúp việc nhà theo giờ. Một số phụ nữ trung niên trong làng tháo vát và có thời gian rảnh rỗi thích hợp trong ngày qua giới thiệu tìm được việc làm có thêm thu nhập bên KĐTM. Nếu đó là công việc bán hàng hoặc thu ngân trong các cửa hàng, phục vụ trong các quán ăn vốn có rất nhiều bên KĐTM, những phụ nữ trẻ hơn trong làng lại tỏ ra thích hợp vì nhanh nhẹn và khéo léo, thật sự không quá khó để được tiếp nhận. Như vậy, có thể thấy KĐTM đem lại một số cơ hội về công ăn việc làm cũng như cải thiện thu nhập cho dân làng. Đây có thể xem như là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, cho dù chưa thực sự cân bằng, và dẫu sao cũng đặt một viên gạch cho sự tương tác chặt chẽ và lâu dài giữa hai cộng đồng. Sau này, khi mức thu nhập trung bình hoặc thấp của dân làng được nâng lên một bậc, họ sẽ có nhu cầu sử dụng một số dịch vụ do KĐTM cung cấp, chẳng hạn như mua thực phẩm chế biến sẵn và rau quả sạch trong siêu thị hoặc cửa hàng tiện ích, gửi con cháu tại các điểm trông trẻ tư nhân, đi học trường phổ thông bên KĐTM có cơ sở vật chất tốt hơn và chất lượng giảng dạy cao hơn trường làng, học ngoại ngữ tại trung tâm, đến phòng khám nha khoa gia đình cách nhà vài trăm mét thay vì đi vài cây số đến bệnh viện răng hàm mặt trung ương, … Khi tích lũy đủ khả năng tài chính, họ có thể cải tạo nhà, nâng nền cao hơn mặt đường, ít bị ảnh hưởng bởi ngập lụt hơn trước vì nước không tràn vào nhà. Nếu đường làng được đầu tư nâng cấp cùng hệ thống thoát nước được đấu nối với hệ thống tương ứng bên KĐTM thì những lời phàn nàn trước kia cũng sẽ không còn. Một lựa chọn khác là họ bán nhà đang ở đi và dồn thêm một khoản tài chính để mua nhà bên KĐTM và trở thành cư dân tại đó.

Các trường hợp liên kết và tương tác xã hội giữa KĐTM và làng xóm cũ tại Hà Nội (Nguồn: Tác giả, 2018)

Ở một chiều cạnh khác là mối liên hệ hoặc tương tác về văn hóa. Khi đó, làng cũ lại chiếm ưu thế so với KĐTM chính nhờ di sản văn hóa vật thể (đình, đền, chùa, miếu) và phi vật thể (lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, …) sẵn có. Người Việt Nam, nhất là nhóm trung – cao tuổi và một bộ phận giới trẻ, coi trọng văn hóa truyền thống và cuộc sống tâm linh cũng như các hoạt động tín ngưỡng. Cư dân bên KĐTM không là ngoại lệ. Họ cũng đến đình chùa, đền miếu bày lễ và cầu khấn ngày rằm, mùng một hàng tháng. Nếu làng xóm bên cạnh có những địa điểm như vậy, nhiều người trong số họ sẽ tìm đến khi không có điều kiện đi lễ quá xa. Các lễ hội truyền thống, nhất là sau Tết Âm lịch, cũng thu hút nhiều người dân trong làng và du khách thập phương tìm đến nếu đủ độ hấp dẫn. Đó cũng là cơ hội gắn kết dân làng với cư dân KĐTM bên cạnh.

Khi hai cộng đồng sinh sống cạnh nhau và ranh giới hai bên không bị đóng kín, thì các tương tác và kết nối khác không sớm thì muộn cũng sẽ diễn ra ở nhiều mức độ và dưới nhiều hình thức khác nhau. Thực tế, trẻ em bên KĐTM và trẻ em bên làng có thể học cùng một lớp, sinh hoạt trong cùng một tổ và thân nhau không chỉ trong học tập mà còn cả các hoạt động vui chơi giải trí hàng ngày.

Chính con cái là tác nhân khiến bố mẹ và ông bà hai bên từ chỗ xa lạ thành ra quen biết. Nếu cư dân hai bên có cùng sở thích về văn hóa và/hoặc thể thao, họ có thể sinh hoạt chung trong một câu lạc bộ hoặc chơi thể thao cùng nhau vài ba lần một tuần. Ranh giới về tuổi tác, địa vị xã hội, mức thu nhập, xuất thân, … trong trường hợp này sẽ không mang nhiều ý nghĩa và bị xóa mờ. Người KĐTM và người bên làng xóm cũ đối diện có thể là đồng nghiệp trong cùng một cơ quan hay một đơn vị và do đó sẽ bổ sung thêm mối liên hệ hai bên khi họ qua lại thăm nhau. Khả năng người bên KĐTM và làng xóm trở thành thông gia trong thực tế là có, dù không phải phổ biến. Mối quan hệ đặc biệt này, nếu có, cũng sẽ góp phần thắt chặt mối liên hệ cộng đồng.

Tương lai nào cho mối liên hệ KĐTM và làng xóm cũ?

Bên cạnh những mối quan hệ đã có tồn tại trong thực tế cuộc sống như đã nêu và phân tích ở trên, để mối quan hệ và tương tác giữa hai bên trở nên bền chặt hơn trong tương lai, rất cần tổ chức thêm những hoạt động chung giữa hai bên: KĐTM và làng xóm cũ.

Những hoạt động này nên gắn với các vấn đề thiết thực cho cuộc sống của cư dân hai bên như rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường, chia sẻ thông tin (các diễn đàn mạng, tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin), trao đổi đồ dùng (chợ đồ cũ, một hình thức mang tính văn hóa nhiều hơn là kinh doanh khá phổ biến ở Châu Âu và mới du nhập vào Việt Nam những năm gần đây được nhiều bạn trẻ ưa thích, khôi phục chợ phiên, chợ quê truyền thống, …), sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thường kỳ và vào những dịp đặc biệt trong năm như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Ngày Gia đình Việt Nam, … Ngoài ra, những chương trình mang ý nghĩa nhân văn và xã hội sâu sắc như quyên góp giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, người khuyết tật, các hoạt động thiện nguyện với các đoàn thể quần chúng, nếu biết cách tổ chức, cũng sẽ là những “chất xúc tác” cho sự phát triển bền vững trong từng cộng đồng và giữa hai cộng đồng. Đó chính là sự bền vững về xã hội – cấp độ bền vững cao nhất mà để thiết lập cũng như duy trì, chứ chưa nói đến phát huy, cũng phải dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết.

Những hoạt động này đòi hỏi không gian tổ chức thuận tiện và an toàn. Các không gian này có thể là nhà văn hóa cộng đồng, công viên, vườn hoa, sân thể thao, sân chơi, hoặc bất kỳ một hình thức không gian mở nào khác (vỉa hè, bãi đất trống, …). Cho dù dưới hình thức nào hoặc vị trí ở đâu, không gian cũng cần được thiết kế đẹp mắt. Đó là nhiệm vụ thiết kế đô thị mà theo kinh nghiệm của nhiều nước thì cộng đồng rất nên tham gia cùng các nhà chuyên môn và chính quyền địa phương, có thể cùng nhau kiến tạo không gian theo các ý tưởng và sở thích phong phú, khiến cộng đồng cảm thấy ý nghĩa hơn và gắn bó hơn với không gian khi có công sức và dấu ấn cá nhân của mình trong đó. Trong quá trình thiết kế, cũng như quản lý về sau này, cộng đồng có nhiều cơ hội làm việc cùng nhau, qua công việc sẽ tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau cũng như củng cố mối quan hệ xã hội.
Tùy thuộc vào mức độ sẵn có của không gian mở giữa hai thực thể KĐTM và làng xóm cũ mà có những kịch bản tổ chức không gian khác nhau. Trong điều kiện không gian hạn hẹp thì việc tổ chức sẽ khó hơn, nhưng không phải vì thế mà không thực hiện được. Nếu biết cách quy hoạch và thiết kế, không gian dù nhỏ vẫn đóng góp tích cực cho sự phát triển của từng cộng đồng và mối liên hệ chéo giữa hai cộng đồng để hướng đến tính bền vững.

Lời kết

Được khởi công năm 1997, Linh Đàm là dự án tiên phong, đánh dấu sự hình thành của KĐTM thế hệ thứ nhất tại Thủ đô. Mười năm sau, năm 2007, KĐTM Văn Quán được đưa vào sử dụng và được coi là ví dụ tiêu biểu cho KĐTM thế hệ thứ hai. Lại tiếp một chu kỳ 10 năm nữa, tại thời điểm cuối năm 2018, liệu đã phải là thời cơ chín muồi cho thế hệ KĐTM thứ ba ở Hà Nội, tiếp nối thành công đã đạt được và rút ra những bài học cần thiết từ hai mô hình đi trước? Bài học lớn nhất và có ý nghĩa nhất cho KĐTM thế hệ thứ ba, theo quan điểm của tác giả bài viết, chính là tìm ra cách thức chung sống hữu hảo với các thực thể khác biệt đã có sẵn thay vì đồng hóa, cần tôn trọng nhau và cùng hợp tác vì những mục tiêu và lợi ích chung, đảm bảo tính đa dạng về hình thái không gian cũng như văn hóa, từ đó tạo nên tính sinh động và hấp dẫn của một đô thị lớn.

TS. KTS Nguyễn Quang Minh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2018)