Skip to content

Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam - Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Logo Tạp chí Kiến trúc
 
    • Tạp chí Kiến trúc
    • Hội KTS Việt Nam
    • Cơ cấu tổ chức
    • Liên hệ
  • Tin tức
    • Hội KTS Việt Nam
    • Tạp chí Kiến trúc
    • Thế giới
    • Trong nước
  • Chuyên mục
    • Chuyên đề
    • Lý luận phê bình
    • Kiến trúc phát triển bền vững
    • Kiến trúc – Xã hội
    • Kiến trúc – Quy hoạch
    • Bảo tồn di sản
    • Kiến trúc Nội thất & Mỹ thuật
    • Nhà ở
    • Vật liệu – Công nghệ
    • Kiến trúc Thế giới
    • House Vision
  • Tác giả & Tác phẩm
  • Cuộc thi
    • Trong nước
    • Quốc tế
  • Hành nghề Kiến trúc sư
    • Luật Kiến trúc
    • Diễn đàn
  • Đào tạo
  • Liên hệ
    • Tòa soạn Tạp chí Kiến trúc
    • Đặt mua báo in
    • Bảng giá Quảng cáo
  • English
  • Close

Một biểu trưng hiện đại, tại sao không?

Chuyên mục
15/09/2022

Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa, Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tượng vua Lê, phố cổ, Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn… Không có quận, huyện nào ở Hà Nội hay ngay cả Việt Nam lại phong phú chất liệu hình ảnh kiển trúc để đưa vào biểu trưng như quận Hoàn Kiếm. Bản thân cái tên quận đã nói lên tất cả.

Nhà hát lớn (Ảnh Hà Nội mới)

Dễ nhất là chọn lấy công trình được biết đến nhiều nhất, chẳng hạn Tháp Rùa. Biểu tượng này đã được sử dụng trên nhiều ấn phẩm, từ bao thuốc lá, biển hiệu hợp tác xã hay nhà sách như Kuy Sơn, một thương hiệu văn phòng phẩm và nhà in nổi tiếng thời kỳ 1954-1960. Logo của nhà sách Kuy Sơn được xác định do một họa sĩ tên tuổi vẽ là danh họa Lương Xuân Nhị. Biểu trưng Tháp Rùa được sử dụng trước hết vì sự quen thuộc ở vị trí trung tâm thủ đô, sau đó là sự dễ tạo hình ở dạng đồ họa khi có kiến trúc dạng khối vuông và thu nhỏ dần về đỉnh. Điều có thể gây “cấn cái” có lẽ là vấn đề hình thức kiến trúc và xuất xứ ngôi tháp. Đây không phải là công trình có niên đại lâu đời nhất trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thậm chí hình thức kiến trúc có phần lai tạp giữa kiểu tháp mộ Phật giáo và nhà thờ Gothic phương Tây với các hệ cột và dầm cùng cửa vòm cuốn nhọn rõ rệt. Xuất xứ gây tranh cãi khi Tháp Rùa được cho là của Bá hộ Kim xây mộ cho bố mẹ ông ta vào khoảng năm 1877, cũng khiến cho hình tượng không có đủ ý nghĩa văn hóa cần thiết. Cách đó vài chục mét ở trên bờ hồ là tháp Hòa Phong, dấu tích còn lại của ngôi chùa nổi tiếng Báo Ân có từ giữa thế kỷ 19, có lẽ đẹp hơn về hình thức kiến trúc và có nhiều ý nghĩa nguyên bản, song ngôi tháp nằm lẻ loi khuất giữa các tán cây từ lâu năm, rất cần một sự giải thích trên truyền thông nếu lựa chọn.

Quần thể đền Ngọc Sơn có lẽ ổn thỏa hơn cả về mặt vị trí quen thuộc, chức năng ý nghĩa lẫn hình thức thẩm mỹ. Điểm yếu của quần thể này là dàn trải với nhiều hạng mục. Các thành phần đứng riêng lẻ lại chưa đủ sức tạo ra điểm nhấn hay có khả năng tạo ra biểu tượng dễ nhận biết. Tháp Bút với tạo hình thách thức cho đồ họa, cũng như phải kết hợp với đài Nghiên trên nóc cổng vào mới hoàn chỉnh ý nghĩa cũng lại là một sự cồng kềnh. Cổng chính trên đảo Ngọc có lầu vọng nguyệt cùng cầu Thê Húc dường như khả dĩ hơn cả, khi thành một tổ hợp có mức độ cô đọng và đẹp.

Khi nhắc đến sự tích Hoàn Kiếm, chúng ta nghĩ đến câu chuyện gắn với vua Lê Thái Tổ. Hiện thời đã có một bức tượng vị vua này, tuy không đạt hiệu quả điêu khắc hoành tráng, song cũng là dấu ấn của cuối thế kỷ 19, khi bức tượng được Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải cho đúc bằng đồng và dựng năm 1894. Ngoài ra còn có sự tích thần Kim Quy ngậm thanh kiếm được khắc họa trên phù điêu ở cổng đền Ngọc Sơn, cũng là một biểu tượng để tính tới.

Quận Hoàn Kiếm còn có khu phố cổ, với những hình ảnh đặc trưng đã có mặt trong vô số bức ảnh hay bức tranh của Bùi Xuân Phái, cũng rất dễ nhận diện. Bản thân “36 phố phường” cũng là linh hồn của Kẻ Chợ, của những gì làm nên sự phồn thịnh của Hà Nội một thuở vàng son. Điểm trừ của phương án dùng nhà phố cổ làm biểu trưng là số công trình trên thực địa không còn nhiều.

Một công trình cũng đặc trưng cho kiến trúc thành quách Thăng Long – Hà Nội hiếm hoi còn lại là Ô Quan Chưởng, nằm ngay trên đất quận Hoàn Kiếm. Đây cũng là di sản độc nhất còn lại của cửa ô, loại hình cổng thành phố giúp hình dung ra quy mô kinh kỳ thuở trước với cái tên đặc thù đã đi vào thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh. Hình ảnh cân đối của công trình với phần đế dạng tam quan và lầu gác có mái cong đặc trưng kiến trúc cổ Việt Nam cũng rất phù hợp để tạo hình đồ họa.

Nhưng nếu nói tới kiến trúc di sản, thì những công trình thời thuộc địa và sau này cũng có những dấu ấn rất đặc biệt. Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử, Nhà thờ Lớn… đều có những đặc điểm làm nên biểu tượng. Trong đó, Nhà hát Lớn dễ đạt được sự đồng thuận cả về ý nghĩa văn hóa lẫn hình thức biểu đạt. Tất nhiên việc khai thác hình ảnh một công trình thuộc địa kiểu Tây phương cũng dễ gây thắc mắc khi có những công trình kiến trúc bản địa có trước đã kể tới ở trên cũng có giá trị để xét đến.

Dường như sự ưu đãi về không gian kiến trúc đô thị của quận Hoàn Kiếm lại đẩy những người kỳ vọng một biểu trưng đại diện hoàn hảo vào thế khó. Được coi là trung tâm lịch sử của đô thị, những nơi chốn như quận Hoàn Kiếm có thể chọn một giải pháp trung dung khi dùng một biểu tượng ẩn dụ hoặc cách điệu trừu tượng. Bản thân Nhà hát Lớn Hà Nội cũng dùng biểu tượng con sư tử có cánh trang trí trên nóc làm logo thay vì dựng hình ảnh đồ họa nguyên mặt đứng hoặc những biểu tượng âm nhạc cổ điển, mà vẫn giúp người nhìn cảm nhận được sự liên kết.

Có lẽ, những nhà thiết kế cũng có thể tham khảo một ví dụ nay đã vô cùng nổi tiếng là logo I LOVE NY (Tôi yêu New York) với hình trái tim đỏ thay cho từ LOVE. Logo này do họa sĩ Milton Glaser thiết kế năm 1977 để quảng bá du lịch cho bang New York, và đã trở thành phổ biến đến độ làm người ta quên rằng bang và thành phố New York đã có sẵn huy hiệu từ rất lâu trước đó, ví dụ thành phố New York dùng huy hiệu có từ năm 1625! Logo du lịch của Glaser đã trở thành một tác phẩm được mô phỏng rộng rãi toàn cầu.
Như vậy, nếu nhìn nhận ở góc độ biểu tượng đa dạng không chỉ ở mô tả lại công trình kiến trúc mà còn có thể là hình ảnh con người, thiên nhiên hay một tuyên ngôn bằng ký hiệu và ký tự, thì việc có giải pháp biểu trưng cho Hoàn Kiếm lại dường như rất rộng đường. Sự hiện đại trong biểu trưng có lẽ cũng sẽ là một giải pháp cho sự làm mới hình ảnh địa phương, thu hút sự quan tâm đến bản sắc và nội hàm văn hóa của nơi chốn.

Nguyễn Trương Quý
© Tạp chí Kiến trúc

Nhằm cung cấp thêm thông tin cho người dân về lĩnh vực thiết kế logo – biểu trưng, Tạp chí Kiến trúc tổ chức Diễn đàn: “Logo quận Hoàn Kiếm: Ý nghĩa văn hoá và biểu tượng của sự phát triển” với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế đồ hoạ, hướng tới làm rõ các nội dung, ý nghĩa văn hoá và tiêu chí để lựa chọn biểu trưng quận Hoàn Kiếm. Diễn đàn cũng là dịp để ghi nhận thêm những ý kiến đóng góp của người dân về biểu trưng cho quận Hoàn Kiếm. Trân trọng kính mời bạn đọc quan tâm gửi ý kiến về email info@tckt.vn (Tiêu đề ghi rõ Tham gia Diễn đàn “Logo quận Hoàn Kiếm: Ý nghĩa văn hoá và biểu tượng của sự phát triển”) và tham gia bình chọn trực tuyến tại website Tapchikientruc.com.vn.


 
Từ khóa biểu trưnglogologo quận Hoàn Kiếmthiết kế logo
Ấn phẩm
Tạp chí Kiến trúc số 12 – 2022
 
 
 
 
Doanh nghiệp tiêu biểu
 
 
 
 
 
 
Fanpage
Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Bài mới
TS. KTS Phan Đăng Sơn: “Các tác giả trẻ tham gia dự thi Giải thưởng KTQG là một tín hiệu rất tích cực”
04/02/2023
Tết đến – Nhớ “Phố Gà Tần” Tống Duy Tân
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của tập đoàn SCG (bên phải) và ông Thammasak Sethaudom, Phó chủ tịch Điều hành của tập đoàn SCG (bên trái)
SCG công bố kết quả hoạt động kinh doanh của năm tài chính 2022: lợi nhuận giảm do suy thoái kinh tế
Không gian xanh đô thị tại Hà Nội
Giải pháp thiết kế nhà ở chiến sĩ Vùng Ðồng bằng sông Cửu Long thích ứng với nước biển dâng do biến đổi khí hậu
Xem thêm
.

Xem thêm

Tết đến – Nhớ “Phố Gà Tần” Tống Duy Tân
04/02/2023
Không gian xanh đô thị tại Hà Nội
03/02/2023
Giải pháp thiết kế nhà ở chiến sĩ Vùng Ðồng bằng sông Cửu Long thích ứng với nước biển dâng do biến đổi khí hậu
03/02/2023
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự thay đổi của khí hậu do tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp…
Tính khả thi của văn phòng theo mô hình zero năng lượng ở Việt Nam
03/02/2023
Công trình zero năng lượng (Zero Energy Building – ZEB) và sứ mạng giảm phát thải ròng về zero Trong…
Những Đột phá Mới từ Quy hoạch Tích hợp Đô thị biển
01/02/2023
Theo định hướng dài hạn tương lai, Khánh Hòa sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả…
Thiết kế cabin lấy cảm hứng từ rùa là một nét đặc trưng tại Thái Lan
01/02/2023
Thiết kế cabin lấy cảm hứng từ rùa này là vịnh rùa Hua-Hin, một nhà nghỉ sinh thái nằm ở…

VIDEO

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 với chủ đề Thiết kế & Công nghệ
09/11/2022
Đăng ký nhận bản tin Email Tạp chí Kiến trúc

Chuyên đề

[11-2022] Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022
[10-2022] Phát triển bền vững không gian biển gắn với kinh tế biển vùng Tây Nam Bộ
[09-2022] Bảo tồn di sản – Nhân tố quan trọng để phát triển bền vững
[08-2022] Cá tính của không gian ở
[07-2022] Bản sắc kiến trúc
[06-2022] Mô hình tạo lập không gian sáng tạo trong thành phố sáng tạo
[05-2022] Phát triển nghề nghiệp liên tục – CPD
Bản quyền © Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành viên Liên Hiệp Hội KTS thế giới (UIA).
Giấy phép số: 17/GP-TTĐT Bộ Thông tin & Truyền thông.
Tổng biên tập: TS. KTS. Phan Đăng Sơn
Toà soạn: 40 Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội - Điện thoại: (024) 3934 0262 - Email: info@tckt.vn
Điều khoản sử dụng

Tin mới