Một tầm nhìn vượt thời gian

Nhắc đến lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư, viết cách đây đã 70 năm (4-1948), ta mới thấy sự sáng suốt của vị “Tổng công trình sư” của Cách mạng Việt Nam thể hiện ở tầm nhìn lịch sử: Luôn gắn kết giữa Hiện tại và Tương lai – “Phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng”, “Những kế hoạch thiết thực với tinh thần hiện tại và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai”. Nói theo tư duy kiến trúc hiện đại thì đó là tư tưởng quy hoạch hiện tại luôn gắn với tương lai, tạo ra những giá trị bền vững, không chỉ đối với những giá trị vật thể của công trình mà với cả những giá trị phi vật thể, tạo ra những lối sống phù hợp với sự phát triến và tiến bộ của xã hội… Trong bức thư rất ngắn về câu chữ ấy, người ta thấy tầm nhìn dài rộng của những dự báo cho những xu thế của phát triển bền vững.

Điều đáng nói nhất là trong khi đề cập tới những nội dung mang tính “nguyên lý” của kiến trúc thì Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ duy nhất bày tỏ: “Mong hội nghị chú trọng tới vấn đề nhà ở thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.

Nhìn lại 70 năm qua, trong khi cảnh quan cũng như trình độ công nghệ trong kiến trúc nước ta có những thay đổi rất to lớn và ngày một hiện đại, hội nhập được với thế giới, đặc biệt là ở đô thị và siêu đô thị, chính kiến trúc nông thôn đang cho thấy một bộ mặt hỗn loạn và kém cỏi. Ngay công cuộc “xây dựng nông thôn mới” đã và đang diễn ra cũng bộc lộ không ít những khoảng trống về lý thuyết cũng như thực tiễn, cả trên phương diện quy hoạch không gian, hệ thống hạ tầng cũng như những mẫu nhà cụ thể… đều cho thấy sự ít đầu tư của ngành kiến trúc và xây dựng của chúng ta so với tầm quan trọng mà Bác Hồ đã nêu ra từ cách đây 70 năm. Mong dịp kỷ niệm này giới kiến trúc quan tâm nhiều hơn nữa đến “vấn đề nhà ở thôn quê”.

Cũng liên quan đến kiến trúc, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tại miền Bắc giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân trồng cây. Chúng ta vẫn coi bài viết “Tết Trồng cây” của Bác Hồ ký bút danh “Trần Lực” trên báo Nhân Dân số ra ngày 28-11-1959 là khởi đầu cho một “mỹ tục” được duy trì cho tới ngày nay và ngày càng phù hợp với mục tiêu “bảo vệ môi trường” của thế giới hiện đại. Nhưng cũng nên đọc một bài báo cũng ký tên “Trần Lực” ơ được đăng trước đó nửa năm. Đó là bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà” (Báo Nhân dân, 30-5-1959). Có thể coi đây là ý tưởng khởi đầu cho “Tết trồng cây” mà ở đó, mối quan tâm đầu tiên của Bác Hồ chính là “vấn đề nhà ở thôn quê”, nhà cho người nông dân sau khi chiến tranh đã kết thúc, bắt tay vào xây dựng cuộc sống hòa bình. Bằng một quan điểm rất cụ thể, bài báo đưa ra cách tính toán : “Mỗi người (trong mỗi gia đình, tính cả già, trẻ, gái, trai) phải trông ít nhất 5 cây (cây xoan hay các thứ cây làm kèo, làm cột) và mỗi gia đình trồng một bụi tre. Làm như vậy thì trong 4 hoặc 5 năm nữa sẽ có đủ tre, gỗ để làm nhà và nông thôn nước ta sẽ trở nên xinh xắn và vui tươi…Nên có thơ rằng :”Muốn làm nhà cửa tốt/ Phải ra sức trồng cây/Chúng ta chuẩn bị từ rày/ Dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nhà”.

Cho dù yêu cầu xây dựng nhà cửa ở nông thôn ngày nay đã khác xưa, những mối quan tâm và phương pháp tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm giải quyết một nhu cầu thiết yếu của người nông dân trong hoàn cảnh lịch sử đương thời đã cho chúng ta những bài học sâu sắc về tính nhất quán và quan điểm thực tế gắn với một tầm nhìn về một nền kiến trúc thân thiện với môi trường và phù hợp với mức sống của người dân.

Một ý tưởng và cũng là mong ước có thể coi là cuối cũng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc của mình, cũng có thể được coi là một lĩnh vực liên quan đến kiến trúc :“Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện thì “điện táng” càng tốt hơn”. Vấn đề đáp ứng nhu cầu “hậu sự” của người dân đang là một vấn đề nan giải và cấp bách của xã hội hiện đại trên cả 2 phương diện mà Bác Hồ đã nêu lên: Vệ sinh môi trường và tiết kiệm đất đai. Việc tạo ra những tập quán xã hội và quy hoạch xây dựng các loại hình nghĩa trang đang là những vấn đề mà giới kiến trúc không thể không quan tâm.

Xin được nhắc lại, nhiều vấn đề mà giới kiến trúc Việt Nam, 70 năm sau lá thư gửi Hội nghị Kiến trúc, quan tâm, đặc biệt đối với kiến trúc nông thôn đã được tác giả bức thư đề cập tới và để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc và cho tới giờ vẫn mang tính thời sự.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2018)