Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp phía Nam quận Hoàn Kiếm Hà Nội

Khu vực được gọi là Khu phố Pháp của Hà Nội nằm trong phạm vi những tuyến phố được mở kể từ năm 1883 về phía Nam hồ Hoàn Kiếm, liền kề Hoàng Thành Hà Nội và Khu phố cổ Hà Nội. Khu phố Pháp có hình thái rất dễ nhận diện do có cấu trúc đều đặn và các tuyến phố rộng, song đó mới chỉ là một khía cạnh của phương pháp quy hoạch thời Pháp thuộc.

Đặt vấn đề

Rõ ràng là khu vực này có một giá trị rất lớn, một giá trị gắn liền với di sản lịch sử cả về mặt đô thị và kiến trúc, có đặc điểm pha trộn về phong cách kiến trúc khiến người ta có xu hướng coi đó là giá trị một “Di sản theo phong cách kiến trúc Đông Dương” hơn là  một “Di sản theo phong cách kiến trúc Pháp”. Giá trị kiến trúc của Khu phố Pháp đương nhiên nằm ở chính nét đặc thù của di sản pha trộn đó với những loại hình được du nhập từ bên ngoài nhưng đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện tại địa phương.

Di sản này được tạo dựng từ những công trình có quy mô đồ sộ dành cho các công sở, dinh thự và nhiều chức năng đô thị khác có tính đại diện cao, đồng thời cũng từ những công trình có quy mô khiêm tốn hơn, chủ yếu là nhà ở cho các công chức người Pháp hoặc người Việt của chính quyền thời kỳ đó.
Sau khi người Pháp rút khỏi Hà Nội, các ngôi nhà trong Khu phố Pháp đã được phân bổ lại nhưng tuỳ từng trường hợp phân bổ mà số phận của các công trình đó không hoàn toàn giống nhau.

Những toà nhà có tính biểu tượng cao đã được dành cho các cơ quan chính quyền. Nhờ có tính chất sử dụng là công sở nên nhìn chung những công trình này đều được gìn giữ và ít bị thay đổi. Các khu vườn đi kèm cũng được giữ nguyên nhưng ít được chăm sóc. Trong khi đó, những toà nhà được phân làm nhà ở cho nhiều hộ gia đình bị biến dạng. Khi các hộ dân này tăng dần số nhân khẩu, các ngôi nhà cũng bị mở rộng theo. Một số ngôi nhà đã từng được tôn tạo nhưng do kế hoạch tôn tạo đó không được quản lý, cũng không có ý kiến tư vấn chuyên môn, nên cuối cùng cũng chỉ mang lại những kết quả hạn chế. Chỉ có một vài trường hợp tôn tạo thành công, đó là khi các ngôi nhà được cải tạo thành nhà hàng, nhưng đôi khi cũng gặp nhiều khó khăn cả về lựa chọn vật liệu và vị trí công trình đã bị sai lệch.
Sự biến dạng ngày càng tăng trong khu vực này dường như có liên quan tới việc TP đang thực sự gặp khó khăn khi áp dụng các quy định pháp luật chứ không phải do chưa có một quy chế quản lý phù hợp.

Khó khăn thực sự khi tiến hành nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị đối với Khu phố Pháp của Hà Nội không phải là lập ra được một dự án mà là việc phải xây dựng được một công cụ quản lý (mang tính pháp quy) mà các cơ quan chức năng có thể vận dụng tốt để quản lý khu vực chiến lược này của TP, kể cả về trước mắt cũng như về lâu dài.

Phương pháp nghiên cứu

Thách thức thật sự đặt ra đối với nghiên cứu bảo tồn Khu phố Pháp chính là chứng minh được hiệu quả của kế hoạch bảo tồn. Tuy nhiên, ý thức về sự cần thiết phải bảo tồn khu vực này mới chỉ bắt đầu hình thành và việc áp dụng quy chế quản lý đã đòi hỏi phải thể hiện được tính chính đáng của mình.

Như vậy, vì tất cả những lý do nêu trên, chúng ta cần phải bắt đầu nghiên cứu một cách bài bản theo các bước:

  • Tiến hành đánh giá hiện trạng một cách khách quan. Như vậy mới có thể thể hiện cách nhìn nhận của mình về di sản đô thị mà mình mong muốn gìn giữ, cũng như giá trị của chính khái niệm di sản – vốn dễ mang tính chủ quan;
  • Lập dự án bảo tồn: Nhằm đưa ra một định hướng bảo tồn/phát triển có tính thực tiễn, tức là có thể duy trì lâu dài trong bối cảnh kinh tế – xã hội hiện nay và trong tương lai;
  • Soạn thảo quy chế: Đây là công cụ cho quản lý nhà nước, người dân cần phải tuân thủ và không làm mất đi tính nghiêm túc của công cụ pháp quy này, cũng như không gây ảnh hưởng tới uy tín của chính quyền TP.
Các nguyên tắc chung bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp khu vực phía Nam quận Hoàn Kiếm

Nghiên cứu này còn có thể góp phần tạo dựng một bước khởi đầu thuận lợi để mở rộng ra thành một quy chế quản lý đô thị rộng hơn, mang tính tổng thể hơn. Cụ thể trong các khía cạnh sau:

Về phạm vi bảo tồn

Phạm vi bảo tồn cần phải tính đến những địa điểm quan trọng đảm bảo sự kết nối với các khu vực khác của thành phố, đặc biệt là những điểm tiếp giáp với hồ Hoàn Kiếm và hồ Thiền Quang, các khu vực gần quảng trường Nhà hát Lớn và khu phía đông hồ Hoàn Kiếm;

Về không gian công cộng

Không gian công cộng trong Khu phố Pháp chủ yếu hiện diện dưới dạng một mạng lưới các tuyến phố lớn giao cắt vuông góc như những ô bàn cờ. Tuy nhiên, không gian công cộng cũng được thể hiện qua những ngõ phố, những quảng trường nhỏ, trong đó có một số địa điểm tương tự như những vườn hoa công cộng.

  • Mục đích sử dụng không gian công cộng: Các bãi đỗ xe (thường là xe máy nhưng đôi khi có cả ôtô) được bố trí trên vỉa hè. Đối với những vỉa hè rộng, khu vực đỗ xe thường được bố trí hợp lý và có dành một phần hè cho người đi bộ ở giữa hai dãy xe;
  • Các hoạt động kinh doanh và sản xuất thủ công thường diễn ra ngay tại các không gian công cộng. Đây là những mục đích sử dụng cần được tính đến trong quá trình quy hoạch lại các không gian dành cho cộng đồng;
  • Mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là lưới điện: Các mớ dây điện giăng khắp nơi phía trên các vỉa hè và án ngữ tầm nhìn trước các mặt tiền nhà cần được xử lý để tránh phá hỏng cảnh quan;
  • Xử lý các vỉa hè: Việc sửa chữa lại các hè phố cho thật đồng nhất là điều rất cần thiết không chỉ nhằm đảm bảo mỹ quan mà còn đảm bảo tiện lợi khi sử dụng. Ít nhất cũng phải tạo cho các dãy hè phố có sự thống nhất về gam màu, đặc biệt dọc theo các trục phố chính. Việc lựa chọn lớp mặt nền hè có thể căn cứ theo đặc điểm của từng tuyến phố (phố chính, phố nhỏ và ngõ, đường viền quanh hồ…);
  • Chiếu sáng công cộng: Trong quá trình nghiên cứu một sơ đồ chiếu sáng công cộng cũng cần chú ý tới chiếu sáng trang trí các mặt tiền của những công trình có giá trị, những bề mặt công trình tạo nền cảnh quan hay một số cây cổ thụ có hình dáng đặc biệt,…;
Phố Ngô Quyền

Bên cạnh đó, cần chú ý quy định chặt chẽ đối với những nguồn chiếu sáng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả chiếu sáng trang trí các công trình, nhất là ánh sáng không phù hợp của các biển quảng cáo hay các biển hiệu lớn của các cửa hàng;

  • Cây xanh: Nguyên tắc trồng cây thành hàng hai bên đường vẫn được duy trì như từ thời Pháp thuộc giúp cho các hè phố luôn có bóng mát và tạo được nét đặc trưng về cảnh quan không gian xanh cho một khu vực vốn không có công viên hay các vườn hoa công cộng trong khi các khu vườn thuộc sở hữu tư nhân cũng gần như đã biến mất. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có nhiều cây cổ thụ có bộ rễ quá to gây cản trở cho việc đi lại trên vỉa hè;
  • Trang thiết bị đô thị: Tình trạng biển quảng cáo, nhất là biển của các hãng tài trợ, đang xuất hiện quá tràn lan trong cảnh quan đô thị. Các trang thiết bị phục vụ giao thông hiện nay có đặc điểm giống với trang thiết bị trên các trục đường quốc lộ hơn là đường nội thị : Lan can, cột chắn sơn hai màu trắng – đỏ.
    Về các công trình xây dựng
  • Thực trạng các công trình xây dựng: Nhìn chung, thực trạng của các công trình xây dựng hiện không đồng đều. Ngoài những phần xây cơi nới làm biến dạng các công trình cũ, một số ngôi nhà đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Trái lại, hầu hết những toà nhà do các cơ quan hành chính và các đại sứ quán sử dụng đều còn được gìn giữ khá tốt. Nhiều toà nhà khác thuộc sở hữu tư nhân đã được tôn tạo chủ yếu để sử dụng vào mục đích kinh doanh (cửa hàng, nhà hàng, khách sạn…) nhưng cách thức tôn tạo không được quản lý tốt nên không giữ được phong cách kiến trúc tiêu biểu;
  • Mục đích sử dụng và các hình thức sở hữu: Các công trình trong khu vực này có đủ mọi chức năng: Nhà ở, trụ sở cơ quan hành chính, cửa hàng cửa hiệu, công trình hạ tầng xã hội…, thậm chí một số tuyến phố còn thiên về các hoạt động kinh doanh hơn các phố khác. Sự đan xen về mục đích sử dụng như vậy là một đặc điểm đa dạng mà quá trình bảo tồn cần phải cố gắng củng cố bằng cách chú trọng tới sự phát triển kinh tế năng động hiện tại cũng như vị trí địa lý thuận lợi của Khu phố Pháp;
  • Các loại hình thửa đất: Giữa những ô phố có vẻ bề ngoài vuông vắn và đều đặn do các tuyến phố dạng ô bàn cờ tạo ra luôn chứa đựng nhiều loại hình thửa đất với quy mô rất đa dạng, từ những dãy nhà nhỏ nối tiếp nhau trước đây được dành cho các nhân viên trong bộ máy hành chính của chính quyền thuộc địa cho tới những thửa đất rộng có xen lẫn vườn cây bao quanh những công trình xây dựng bề thế hơn.
  • Phạm vi chiếm đất của các công trình (mật độ xây dựng): Kể từ năm 1954, khi các ngôi biệt thự được phân cho nhiều gia đình cùng sử dụng, diện tích ở đã nhanh chóng trở nên quá chật chội, từ đó xuất hiện các phần xây cơi nới, thường ở ngay tầng trệt, đôi khi cũng có cả những phần cơi nới ở các tầng bên trên.
Quá trình tăng mật độ theo chiều ngang như vậy (vốn khá phổ biến trong quá trình phát triển kiểu truyền thống của đô thị Việt Nam) đã diễn ra trong Khu phố Pháp này bởi đây là một khu vực ban đầu còn rất nhiều không gian thoáng dễ tạo thuận lợi cho việc cơi nới thêm.

Việc xây dựng cơi nới đang xảy ra

  • Với phần mặt tiền chủ yếu để dành cho các hoạt động kinh doanh;
  • Hoặc ở phần sau của thửa đất, như vậy sẽ ít ảnh hưởng hơn tới cảnh quan đô thị bởi những phần xây cơi nới đó không quá lộ liễu và phía trước vẫn còn có những mảnh vườn nhỏ che chắn;
  • Hoặc ở cả mặt trước và mặt sau, thậm chí có thể xây chồng thêm tầng, khiến cho những phần xây thêm đó bao quanh toàn bộ công trình ban đầu nên rất khó nhận ra diện mạo ban đầu của công trình nguyên bản.
Hiện tượng cơi nới như vậy chắc chắn là hiện tượng gây biến dạng nhiều nhất đối với khu vực này.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải có quy chế để kiểm soát quá trình này. Tuy nhiên có một số câu hỏi được đặt ra: Xét về góc độ kinh tế và xã hội, liệu có cần thiết phải khôi phục lại những công trình đã bị biến dạng đó hay không? Xét về góc độ kỹ thuật, liệu có thể khôi phục lại những công trình đó khi mà các mặt tiền có thể đã bị huỷ hoại hoàn toàn vì những phần xây cơi nới?

Vị trí của các công trình: Hậu quả trực tiếp của quá trình tăng mật độ theo chiều ngang không được kiểm soát chính là tình trạng làm sai lệch vị trí của các công trình ban đầu, dù là so với các công trình khác được bố trí cùng một dãy thẳng ban đầu, so với các ranh giới phân chia hay với chính thửa đất có công trình đó;

Chiều cao của công trình và hình thức kiến trúc mặt tiền: Bên cạnh hiện tượng tăng mật độ theo chiều ngang cũng phải kể đến hiện tượng tăng theo chiều dọc, tức là hiện tượng xây chồng thêm tầng hoặc công trình xây mới cao tầng. Ngoại trừ trường hợp được bố trí nằm ở giữa ô phố, các toà tháp đều phá bỏ hoàn toàn mối quan hệ về tỷ lệ hay nói đúng hơn là các nguyên tắc tạo sự cân đối. Những toà tháp đó là sự thể hiện một giai đoạn mới về chuyển hoá đô thị, xoá bỏ hoàn toàn mọi bằng chứng và dấu mốc của di sản đô thị trước đây. Đó là một lựa chọn mang tính chính trị mà sau này sẽ bị đưa ra xét lại khi có chủ trương bảo tồn Khu phố Pháp này. Tuy nhiên, cũng có thể dự kiến xây dựng những công trình có chiều cao hợp lý với một số điều kiện như tại những vị trí đã tương đối thoáng rộng, không nằm ngay sát hè đường, tuân thủ khoảng lùi cần thiết hay tránh gây biến dạng hình dáng của thửa đất;

Không gian công cộng, không gian bán công cộng, không gian riêng: Do chịu tác động của quá trình tăng mật độ theo chiều ngang, các mảnh vườn (không gian bán công cộng)  đang dần biến mất. Với những khoảnh vườn còn sót lại thì cũng hiếm có trường hợp nào được chăm sóc cẩn thận.
Tường rào có một nét đặc trưng cơ bản của các đường phố trong Khu phố Pháp của Hà Nội cũng như tại phần lớn các khu dân cư ở các nước phương Tây, được xây dựng trong giai đoạn thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20 – Đó chính là các dãy tường rào chạy thẳng hàng. Loại hình phổ biến của chúng là những vạt tường xây thấp có cắm rào thưa bên trên. Nhờ được gìn giữ còn khá tốt nên những dãy tường rào này thực sự là một phần của di sản đô thị góp phần tạo ra một không gian tương đối đồng nhất và đặc thù của Khu phố Pháp.

Trái lại, tại một số địa điểm cần khôi phục lại kiểu tường rào đặc trưng này và tháo dỡ những bộ phận chắp vá dễ gây mất mỹ quan như những mảng tôn, các mớ dây điện hay các lán để xe không hợp thẩm mỹ…

Cần đặc biệt quan tâm tới việc nhanh chóng sửa chữa, khôi phục lại những dãy tường rào này bởi đó là những biện pháp rất đơn giản và không quá tốn kém song lại góp phần cải thiện ngay lập tức giá trị cảnh quan của không gian công cộng. Điều này đòi hỏi phải có những quy định cụ thể bởi đây là những phần có liên quan tới không gian riêng của các công trình. Việc nhanh chóng khôi phục trước tiên những dãy tường rào của chính các cơ quan công quyền sẽ giúp chứng minh được giá trị và lợi ích của quy định đó.

Các gam màu: Các gam màu đặc trưng của Hà Nội (tường màu vàng và các ô cửa màu xanh lá cây) không còn được tôn trọng. Đôi khi người ta dễ dàng bắt gặp những công trình sử dụng các gam màu rất đối lập, nhất là với gam màu xanh lơ. Trong phần đề xuất quy định của nghiên cứu sẽ phải đưa ra một bảng gam màu nên sử dụng cho khu vực này.

Thay lời kết

Kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa, Hà Nội có nhiều chuyển biến quan trọng do tác động của tăng trưởng kinh tế. Sự thay đổi sâu sắc diện mạo đô thị thể hiện rõ trong cảnh quan, đặc biệt đối với khu phố Pháp phía Nam quận Hoàn Kiếm. Khu vực này có một vị trí chiến lược, tiếp giáp với nhiều khu vực khác của TP, cũng là nơi có nhiều di sản quan trọng từ thời Pháp thuộc.

Chính quyền TP Hà Nội luôn quan tâm tới việc kiểm soát phát triển đối với khu vực này và áp dụng các biện pháp bảo tồn di sản. TP mong muốn có được sự hướng dẫn về phương pháp triển khai nên đã tổ chức nhiều nhóm nghiên cứu với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.

Chính vì vậy, ngoài những đề xuất cụ thể được nêu ra, nghiên cứu này cũng phát triển một phương pháp tiếp cận rất chi tiết và rõ ràng để có thể áp dụng cho nhiều khu vực khác của TP. Nghiên cứu này được xem như nền tảng khoa học, góp phần xác định cách ứng xử đúng đắn với di sản kiến trúc biệt thự Pháp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Ths.KTS Phạm Tuấn Long
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2020)

hubofxxx.net be the fellow and bone sexy wench so she cannot move after. snapchat xxx blonde hair whitney grace interracial dp.