Ngôn ngữ biểu cảm và triết lý sáng tạo trong kiến trúc

Sáng tạo luôn là một thước đo khắc nghiệt để đánh giá giá trị một tác phẩm nghệ thuật. Mỗi ngành nghệ thuật đều có những đặc điểm và ngôn ngữ biểu cảm riêng của nó để khẳng định vị trí và vai trò trong ngôi nhà nghệ thuật chung. Với những đặc điểm riêng của mình, ngành Kiến trúc có ngôn ngữ biểu cảm như thế nào? Việc sử dụng ngôn ngữ biểu cảm nghệ thuật Kiến trúc một cách nhuần nhuyễn kết hợp với những triết lý sáng tạo và cá tính của tác giả sẽ là những điều kiện căn bản để có thể đề xuất được những ý tưởng tổ chức không gian kiến trúc cho một tác phẩm.

Có thể nói, tính sáng tạo là một trong những yêu cầu, đòi hỏi khắc nghiệt của các ngành nghệ thuật, dù là ngành nghệ thuật gì thì tính sáng tạo thể hiện qua tác phẩm được xem như là một tiêu chí hàng đầu để cảm nhận và đánh giá; qua đó, tác giả gửi gắm những thông điệp, cảm xúc của mình đến đối tượng cảm thụ nghệ thuật. Sự sáng tạo của những người làm nghệ thuật được chuyển tải từ xúc cảm của chủ thể sang cảm nhận của khách thể thông qua cầu nối chính là tác phẩm. Đây chính là điểm mấu chốt làm cho sự sáng tạo dường như được cảm nhận khá mong manh và luôn là thách thức đối với những người làm nghệ thuật khi tác phẩm đã thoát thai ra khỏi đời sống chủ quan của tác giả và có một đời sống độc lập của riêng nó.

Vậy sáng tạo có khái niệm bản chất như thế nào? Nó có vai trò chi phối trong quá trình hình thành và phát triển ý tưởng trong nghệ thuật nói chung và Kiến trúc nói riêng như thế nào? Sáng tạo được các nhà nghiên cứu lý luận và phê bình nghệ thuật định nghĩa là tạo ra “giá trị mới”. Ở khái niệm sáng tạo này có hai vế: Tính mới được xem xét là những yếu tố khác biệt so với những sản phẩm cùng thể loại được ra đời trước đó về thời gian, và tính giá trị được phân tích và nhận định trên cơ sở lợi ích của sự mới mẻ này mang lại cho xã hội, cộng đồng. Được tích hợp cả hai yếu tố trên nên khái niệm sáng tạo có tính hấp dẫn rất cao, đồng thời chịu sự đánh giá rất khắt khe để được công nhận từ giới chuyên môn và cộng đồng và xã hội. Trong nhiều trường hợp, nhận định từ giới chuyên môn trong lĩnh vực hoạt động sáng tạo được đề xuất khác, hoặc có khoảng cách rất xa với những nhận định của cộng đồng, xã hội nên có những tác phẩm nghệ thuật phải trải qua chiều dài thời gian hàng chục thậm chí hàng trăm năm sau mới được vinh danh đúng với giá trị thực của nó.

Đối với những người làm nghệ thuật nói chung, quá trình sáng tạo thông thường được tổng hợp từ ba quá trình: Nhận thức – tưởng tượng và cảm xúc. Nhận thức trong sáng tạo nghệ thuật là một quá trình tổng hợp, vừa có sự tích lũy hiểu biết đối tượng sáng tạo, vừa có sự nhạy bén của trực giác quan sát và phân tích. Sự hiểu biết có thể được trang bị trong quá trình đào tạo, các chủ thể sáng tạo, kế thừa những kinh nghiệm sáng tạo; sự nhạy bén của trực giác lại cần có sự rèn luyện kỹ năng song phụ thuộc khá nhiều vào năng lực tự thân của tác giả. Tưởng tượng là một quá trình tổng hợp từ nhận thức, liên tưởng đến những hình tượng bằng ngôn ngữ biểu cảm của một loại hình nghệ thuật nhất định. Có thể nói tưởng tượng là một quá trình vừa khái quát hóa, vừa chi tiết hóa bằng phương thức mang nhiều bản sắc cá nhân để có thể hun đúc thành một hình tượng nghệ thuật với sự khác biệt ở những chủ thể sáng tạo khác nhau và thế giới hiện thực. Sáng tạo nghệ thuật không thể thiếu được cảm xúc. Cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật không giống như xúc cảm thông thường trước một đối tượng cảm nhận mà là một sự thăng hoa đặc biệt, thông qua quá trình tưởng tượng và đặt trên nền của một trình độ nhận thức nhất định để thúc đẩy tạo ra sản phẩm nghệ thuật có tính sáng tạo. Vì vậy, cảm xúc với mức độ thăng hoa khác nhau có sức lan tỏa và truyền dẫn từ người này sang người khác – Đây cũng chính là chìa khóa để tác giả chia sẻ xúc cảm thẩm mỹ thông qua hình tượng nghệ thuật ở các cung bậc khác nhau. Quá trình sáng tạo nghệ thuật là một quá trình tổng hợp đan xen của các lớp nhận thức, tưởng tượng và cảm xúc ở các cấp độ khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp và khái quát hóa để tạo ra hình tượng nghệ thuật. Quá trình này luôn có sự “vật vã” của tác giả, do sáng tạo nghệ thuật luôn là sự thống nhất của hai mặt đối lập giữa khách thể và chủ thể, giữa cảm xúc chủ quan và tư duy phản biện của chính tác giả để đưa đến phương án có sự hợp nhất ở mức cao nhất giữa hai yếu tố này, có thể nhờ quá trình thăng hoa rất bất ngờ của cảm xúc nghệ thuật nhưng cũng có thể do quá trình gọt giũa một cách hoàn chỉnh của lý trí và nhận thức thẩm mỹ. Tư duy phản biện lại là một khái niệm khoa học là một quá trình tư duy biện chứng, phân tích và đánh giá đối tượng ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau nhằm khẳng định chính xác một nhận định mà trong sáng tạo nghệ thuật chính là nhận định về “giá trị mới” của tác phẩm nghệ thuật. Tư duy phản biện luôn làm cho người sáng tạo nghệ thuật có độ “tỉnh táo” nhất định và phụ thuộc khá nhiều vào vốn sống của người là nghệ thuật cũng như người thưởng thức, phê bình nghệ thuật. Tư duy phản biện chính là lớp áo giáp mà người làm nghệ thuật trang bị cho đứa con tinh thần của mình trước khi công bố tác phẩm có một đời sống độc lập, vượt qua những áp lực nhận định của giới chuyên môn cũng như cộng đồng xã hội để khẳng định giá trị của nó.

Trong sáng tạo nghệ thuật, ngôn ngữ biểu hiện luôn có vai trò rất quan trọng, nó làm nên sự khác biệt giữa những loại hình nghệ thuật và cất lên tiếng nói để chia sẻ cảm xúc giữa người sáng tạo nghệ thuật với các đối tượng thưởng thức nghệ thuật. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ biểu hiện riêng, đó chính là những điểm biểu cảm mạnh nhất mà loại hình nghệ thuật đó sở hữu để đem đến cho đối tượng thưởng thức cảm xúc thẩm mỹ. Hiểu về ngôn ngữ biểu cảm của nghệ thuật một cách khúc triết chính là một đòi hỏi không thể thiếu của người nghệ sỹ khi sáng tạo nghệ thuật. Trong kiến trúc, ngôn ngữ biểu cảm nghệ thuật đó chính là: Không gian Kiến trúc. Vậy khái niệm không gian kiến trúc cần được hiểu và chia sẻ như thế nào? Khả năng biểu hiện sự sáng tạo của các KTS như thế nào? – Không gian Kiến trúc được hiểu là một khái niệm tổng hợp với sự nhất thể của các loại không gian:

– Không gian vật thể: Chính là sự chiếm chỗ trong không gian của các vật thể có kích thước 3 chiều thực thể. Mỗi vật thể có thể cảm nhận được bằng thị giác đều có không gian vật thể của nó. Hình ảnh của công trình kiến trúc hay một đô thị hoặc cảnh quan tự nhiên chính được cảm nhận và chia sẻ qua không gian vật thể của nó.

– Không gian cho sự sống: Là thành phần không gian cần thiết để tồn tại sự sống trong các công trình kiến trúc. Thành phần không gian này được nghiên cứu và tổng hợp từ các ngành khoa học, được lượng hóa để xây dựng những hệ tiêu chuẩn phù hợp với sự tồn tại sự sống trong công trình.Thành phần không gian này liên quan đến các chỉ số khoa học về vật lý môi trường như: Điều kiện ánh sáng, không khí, thông gió, môi trường…..phù hợp với các đặc điểm sinh học của các giống, loài sinh vật, động vật và con người để tồn tại một cách an toàn và bền vững trong công trình kiến trúc cũng như cấu trúc không gian đô thị và nông thôn.

– Không gian cho sự chuyển động: Đáp ứng cho nhu cầu sử dụng, công trình kiến trúc cần có những thành tố không gian thỏa mãn cho nhu cầu hoạt động cho con người cũng như các động vật. Thành phần không gian này cũng được nghiên cứu và tổng hợp lượng hóa một cách khoa học trên cơ sở các ngành nhân trắc học cũng như những ngành khoa học khác liên quan. Đây là một sơ sở quan trọng trong việc hình thành hệ tiêu chuẩn quy phạm cho các thể loại công trình kiến trúc theo đặc điểm và tính chất sử dụng, cũng như quy hoạch các đô thị hoặc nông thôn.

– Không gian cho cảm thụ thẩm mỹ: Đây là thành phần không gian làm nên sự khác biệt cho sự cảm nhận của con người trong Kiến trúc, mang tính nhân văn và chịu sự ảnh hưởng của nhiều quan niệm thẩm mỹ. Thành tố không gian này được tính toán lượng hóa để đảm bảo được những quy luật cảm thụ của các giác quan cho con người như khả năng nhìn rõ, nghe rõ… thông qua việc kiến tạo môi trường vật lý của trường thị giác và trường âm thanh … Vì vậy, thành tố không gian này cũng được thiết lập trên cơ sở khoa học của những ngành khoa học có liên quan đến nhân trắc học, tâm lý học con người. Mặt khác, đây cũng chính là một vũ khí quan trọng để tạo nên cảm nhận thẩm mỹ cho đối tượng sử dụng, thông qua các giải pháp tổ chức không gian của những công trình kiến trúc, quy hoạch, cảnh quan đô thị và nông thôn.

Sự hợp nhất của các thành tố không gian nêu trên tạo nên khái niệm: Không gian kiến trúc – chính là ngôn ngữ biểu cảm của nghệ thuật Kiến trúc – một loại hình nghệ thuật có tính tổng hợp cao. Bằng tư duy phân tích, người ta có thể cắt lớp một cách khúc triết ngôn ngữ biểu cảm của nghệ thuật Kiến trúc. Song khi sáng tạo thì người làm Kiến trúc lại phải sử dụng tư duy tổng hợp ở cấp độ cao sao cho những thành tố của Không gian Kiến trúc được đan xen thống nhất không có sự tách biệt, những khái niệm không gian cấu thành nên ngôn ngữ biểu cảm của nghệ thuật kiến trúc cần phải được vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo.

Chính sự tổng hợp của ngôn ngữ biểu cảm này tạo nên những thách thức rất lớn cho các KTS. Nó đòi hỏi những người làm Kiến trúc cần phải sáng tạo trên nền của những khối lượng kiến thức khoa học lớn, kết hợp với sự hiểu biết về kiến thức xã hội, đồng thời phát huy khả năng tưởng tượng, liên tưởng và cảm xúc cá nhân để tạo dựng được cá tính cho tác phẩm. Đặc điểm này của quá trình sáng tác khiến cho ngành kiến trúc có đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực dường như rất khó dung nạp lẫn nhau là khoa học và nghệ thuật. Người làm kiến trúc luôn phải tìm ra một phương pháp riêng của mình để cân bằng ở mức độ rất khác nhau giữa hai lĩnh vực này, luôn phải tạo lập được cảm xúc thẩm mỹ trên nền của sự tỉnh táo khoa học và tính chính xác của kỹ thuật.

Mặt khác, các KTS còn được xem là một người làm văn hóa xã hội có trách nhiệm với cộng đồng. Với vai trò là một nhà hoạt động văn hóa, người làm kiến trúc thể hiện quan điểm văn hóa của mình trong bối cảnh xã hội nhất định thông qua biểu cảm của tác phẩm kiến trúc. Một tác phẩm kiến trúc không thể tách rời khỏi môi trường văn hóa mà nó hiện hữu, đồng thời mang nặng dấu ấn nguồn gốc văn hóa cũng như cá tính của tác giả. Tìm hiểu để có nền móng vững chắc về môi trường văn hóa cho tác phẩm kiến trúc được xem như một bước chuẩn bị không thể thiếu trước khi bắt tay vào sáng tác. Quá trình sáng tạo tác phẩm Kiến trúc cũng là một quá trình pha trộn một cách khá nhuần nhuyễn và tự nhiên giữa sự cảm nhận về môi trường văn hóa bản địa (nơi mà tác phẩm kiến trúc sẽ hiện hữu) với nguồn gốc văn hóa của tác giả, thông qua sự hồi tưởng, kế thừa những hệ giá trị văn hóa đã có, vận dụng những kinh nghiệm của bản thân, kết hợp với cảm xúc được khởi phát tại thời điểm sáng tác. Dấu ấn văn hóa của tác giả thông qua quá trình sáng tạo sẽ là một tác nhân làm giàu thêm văn hóa bản địa sau khi công trình hiện hữu – Đây là một quá trình chuyển hóa hay tiếp biến văn hóa một cách tự nhiên.

Thay lời kết

Tác phẩm kiến trúc là một hệ giá trị tổng hợp với các hệ quy chiếu đa chiều: Giá trị sử dụng, giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ… Quá trình sáng tạo kiến trúc là một quá trình vừa dung nạp và cân bằng giữa các hệ giá trị, có những giá trị được định lượng, như giá trị kinh tế đầu tư; có những giá trị chỉ được định tính như giá trị thẩm mỹ và có những giá trị có thể vừa được định lượng và định tính như giá trị sử dụng. Sự cân bằng giữa những hệ giá trị này phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm tính chất của tác phẩm kiến trúc, vị trí và vai trò của tác phẩm với bối cảnh xã hội và nhận định của tác giả trong quá trình sáng tạo. Quá trình sáng tác Kiến trúc cũng thể hiện góc nhìn trách nhiệm xã hội của tác giả thông qua những quan điểm về sự cân bằng giữa các hệ giá trị được thể hiện thông qua tác phẩm được gửi tới đối tượng sử dụng. Đây cũng là một đặc điểm tạo nhiều áp lực cho những người làm kiến trúc khi sản phẩm của Kiến trúc luôn thể hiện triết lý: Nghệ thuật vị Nhân sinh.

Sáng tạo luôn luôn là khẩu hiệu, thách thức và động lực thúc đẩy những người làm nghệ thuật, trong đó có các KTS tiến về phía trước để nghiên cứu, thể nghiệm, suy tưởng và thăng hoa những xúc cảm đầy cá tính, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật gửi đến công chúng và lan tỏa đến cộng đồng xã hội. Sáng tạo nghệ thuật là một quá trình lao động đầy thử thách, đòi hỏi những người làm nghệ thuật phải sống hết mình để được hòa tan trong tác phẩm. Kiến trúc – một ngành nghệ thuật luôn thách thức các KTS sử dụng ngôn ngữ biểu cảm đặc thù của nó, kết hợp với nền tảng văn hóa, cảm xúc mang dấu ấn của cá tính và sự cân bằng giữa các hệ thống giá trị với hệ quy chiếu đa chiều để sáng tạo với những triết lý: Nghệ thuật để phục vụ cộng đồng và xã hội.


Tài liệu tham khảo:

1- A. Achix – Kiến trúc tiêu chuẩn và cái đẹp – Nhà xuất bản xây dựng năm 2003;
2- Jan Gehl – Cuộc sống giữa những công trình Kiến trúc – Nhà xuất bản xây dựng 2009;
3- Lê Phục Quốc – Bách khoa toàn thư Kiến trúc, hội họa, Điêu khắc, Đồ họa, nghệ thuật trang trí – Nhà xuất bản xây dựng 2010;
4- Uông Chính Chương- Mỹ học Kiến trúc – Nhà xuất bản Xây dựng 2002.

PGS.TS.KTS Lê Quân
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 8/2017)