Nhà điêu khắc Cơ “điên”: “Giấc mơ 25 năm nay mới thành hiện thực!”

Nghệ sĩ điêu khắc Trần Hoàng Cơ.

Gắn bó cả cuộc đời với nghệ thuật điêu khắc, đi khắp thế giới với nhiều dự án lớn nhỏ để thỏa chí tang bồng, nhưng nghệ sĩ Trần Hoàng Cơ chỉ cảm thấy thực sự “sướng” khi được ngồi giữa khoảnh sân nhỏ nhà mình để sáng tác. Những ngày này, ông đang tất bật hoàn thành tác phẩm điêu khắc hoành tráng cho triển lãm “Art In The Forest”. Ông gọi tác phẩm này là “giấc mơ 25 năm” nay đã thành hiện thực.

Giữa ngổn ngang sắt thép, tiếng hàn xì khoan đục, mái tóc dài buộc túm thường trực, nghệ sĩ Trần Hoàng Cơ ngừng tay, châm điếu thuốc thảnh thơi. Ông dành một cuộc trò chuyện ngắn cho chúng tôi, để nói về dự án cho triển lãm mới nhất đầy hứng khởi.

Giấc mơ 25 năm

PV: Hãy bắt đầu bằng triển lãm nghệ thuật “Art In The Forest” với dự án mới nhất mà ông đang bắt tay hoàn thiện để tham gia?

Nghệ sĩ Trần Hoàng Cơ:  Người trong giới điêu khắc, hội họa trong khoảng 5 năm nay không ai còn lạ gì với trại sáng tác và triển lãm nghệ thuật “Art in the forest” tại Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc). Bản thân tôi đã dõi theo chương trình được 2 năm nay và thấy rằng chương trình rất quy mô về không gian, về con người, được nhà đầu tư thực hiện chỉnh chu và đạt hiệu quả khá tốt về yếu tố nghệ thuật. 5 năm đã hình thành được đội hình làm việc chuyên nghiệp. Tác phẩm tạo ra đã chứng minh rất rõ về khối lượng, chất lượng và các nghệ sĩ đã tham dự, có tầm ảnh hưởng đến công chúng yêu nghệ thuật.

PV: Ông có thể “bật mí” một chút về tác phẩm tham gia triển lãm lần này?

Nghệ sĩ Trần Hoàng Cơ: Khi tôi đến với triển lãm này, có thể nói giấc mơ của tôi từ 25 năm trước, đến giờ mới được toại nguyện, từ những tác phẩm bé xíu bày trong không gian nhỏ. Đến bây giờ có cơ hội được thể hiện một tác phẩm quy mô về hình khối, kích thước giữa không gian rộng lớn. Đó là sự cổ vũ rất lớn dành cho tôi.

PV: So với các trại điêu khắc khác từng tham dự, lần tham gia này của ông có sự khác biệt?

Nghệ sĩ Trần Hoàng Cơ: Tôi đã làm việc ở trại điêu khắc trong nước và quốc tế nhiều rồi. Hình thức sáng tác này cũng giản dị thôi, nhưng sự khác biệt của triển lãm lần này là người ta sử dụng tốt không gian, có định hướng nghệ thuật rõ ràng và mời được những nghệ sĩ chuyên nghiệp sáng tác những tác phẩm đạt chất lượng cao.

Cái quan trọng nhất của “Art In The Forest” chính là tạo nên một tầm cao hơn các trại điêu khắc cũ. Đầu tư triển lãm không khó nhưng cái khó là nuôi dưỡng, chăm sóc bảo tồn các tác phẩm đó. Và Flamingo Group đã làm được điều đó. Trước đây làm trại điêu khắc ở Huế, nhiều tác phẩm hoàn thành xong nhưng không được sử dụng hết gây phí phạm tiền bạc, thời gian. Người ta chưa tính hết được việc sau khi hoàn thiện sẽ trưng bày tác phẩm tại đâu, và bảo tồn gìn giữ nó như thế nào. Nó giống như việc làm xong một con đường nhưng không ai đi. Việc không duy tu bảo tồn tác phẩm điêu khắc là hạn chế đã diễn ra 20 năm nay rồi, khiến các tác phẩm điêu khắc xuống cấp. Nghệ sĩ khi quay lại nhìn thấy tác phẩm của mình như vậy, cũng buồn và chạnh lòng lắm!

Nghệ sĩ Trần Hoàng Cơ bên tác phẩm điêu khắc của mình

Flamingo, bản thân họ đã nhìn thấy được những điều này. Vì vậy nên họ làm khác hơn, đó là biết đầu tư, sắp đặt và chăm sóc các tác phẩm rất cẩn thận. Nhiều tác phẩm sau nhiều năm vẫn được chăm sóc tốt, đây là điều quan trọng nhất mà Flamingo đã làm được, làm rất chuẩn chỉ không chỉ so với ở trong nước mà còn trong khu vực châu Á.

Cú hích lớn cho nghệ sĩ trẻ!

PV: Với quy mô như “Art In The Forest”, theo ông đây có phải là cơ hội lớn cho nghệ sĩ trẻ thể hiện tài năng?

Nghệ sĩ Trần Hoàng Cơ: Khách mời nghệ sĩ ngay từ đầu rất rõ ràng là hướng đến các nghệ sĩ trẻ. Điều này đáp ứng được đúng sự khao khát của nghệ sĩ trẻ. Khi tôi đi ra các nước Đông Nam Á, rất nhiều người trong ngành đã thốt lên với tôi rằng, tại sao ở Flamingo lại lựa chọn được những tác phẩm đặc sắc như vậy, từ những nghệ sĩ trẻ. Nhìn các bạn trẻ, tôi lại nghĩ đến tuổi 20 của mình, đầy khao khát thèm muốn sáng tác và được ghi nhận. Tôi thấy các bạn ấy may mắn khi được tham gia triển lãm này.

Các nghệ sĩ trẻ hôm nay, khi được tham gia sân chơi nghệ thuật lớn như thế này, tôi ví như là từ một hạt mầm, bỗng vụt cao lên 8 – 10m. Vì thứ nhất họ được nhà đầu tư để ý và nhìn nhận. Đây là sự động viên cực lớn đối với nghệ sĩ trẻ!

Điều này tôi thấy mừng vui, nhưng cũng lo. Lo vì sao? Rằng nghệ sĩ trẻ có giữ được giá trị của mình hay không thì đây là sự thử thách lớn. Nếu không cẩn thận, sẽ là sự hụt hẫng lớn! Các nghệ sĩ điêu khắc trên thế giới mà tôi biết, để tạo ra được những tác phẩm để đời, họ mất 20 – 25 năm. Như một cái cây lớn dần lên. Bản thân tôi cũng vậy, cho đến hôm nay mới thực hiện được giấc mơ của mình. Đây là một cú hích trong sự nghiệp, vì có được một tác phẩm lớn, lập tức nghệ sĩ trẻ được mọi người biết đến. Sự thành công sẽ đến rất nhanh. Mà nghệ thuật thường đi lên như một cái cây, có sự lớn lên dần, thẩm thấu dần. Cây nào khỏe thì tiếp tục đi lên, còn cây nào yếu thì sẽ chết dần.

Không gian triển lãm ấn tượng tại Flamingo Đại Lải Resort: các studio trưng bày tác phẩm tọa lạc giữa rừng thông xa, với view nhìn ra mặt hồ

PV: Ông có lời khuyên gì cho các nghệ sĩ trẻ để họ có định hướng tốt hơn?

Nghệ sĩ Trần Hoàng Cơ: Theo tôi, sau cú hích ban đầu ấy, các nghệ sĩ trẻ cần phải quay trở lại, để tiếp tục làm một cái cây, lớn dần theo năm tháng. Nghệ thuật là một dòng chảy, rất chậm rãi. Đó cũng chính là lý do theo tôi vì sao Flamingo tạo cho họ một sân chơi nghệ thuật lớn, tạo những cú hích lớn cho họ như vậy. Rằng sau thành công, các nghệ sĩ trẻ hãy biến nó thành động lực để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật.

Tuổi trẻ là giai đoạn tinh hoa nhất trong con đường nghệ thuật của mỗi một nghệ sĩ, họ có thể may mắn tạo ra được những tác phẩm để đời. Nhưng đằng sau đó, các bạn hãy biết đi con đường dài, có như vậy mới có thể gắn bó với con đường mình chọn. Tôi nói vậy bởi vì tôi đã từng chứng kiến nhiều bạn trẻ, sau khi có được tác phẩm để đời rồi, họ không biết họ sẽ tiếp tục làm gì đây, có lẽ là về nhà đóng cửa ngủ thôi. Và đúng là như thế thật. Họ đã làm một tác phẩm quá đẹp rồi, không thể vượt lên được nữa. Các nghệ sĩ trẻ, hãy đừng để việc “chết trên đường đua” xảy ra.

PV: Nghệ thuật điêu khắc, phải chăng có rất nhiều thách thức cho những ai muốn gắn bó lâu dài với nó?

Nghệ sĩ Trần Hoàng Cơ: Điêu khắc là một nghề vô cùng khắc nghiệt, về môi trường, kỹ năng làm việc. Một khắc nghiệt nữa là gần như các tác phẩm điêu khắc của mình không bán được. Không như hội họa, tác phẩm điêu khắc rất khó bán. Rất khó để tìm được đối tượng phù hợp: trưng bày điêu khắc phải có không gian đẹp, rộng rãi, trong khi 50m bức tường có thể bày được 3 – 4 bức tranh rồi.

Flamingo vì thế đã phải đầu tư rất nhiều không gian mở để đặt các tác phẩm điêu khắc, bày những tác phẩm ấy thì xung quanh phải có điểm giãn. Việc các tác phẩm điêu khắc được bày ở Flamingo trở nên vô cùng đắt giá. Một mảnh đất rộng như vậy, kể cả không xây nhà thì có thể đào ao thả cá, nuôi gà nuôi vịt cũng đã là có tiền rồi. Nhưng Flamingo dám dành ra một quỹ đất lớn trưng bày tác phẩm điêu khắc, để cống hiến không gian văn hóa nghệ thuật cho công chúng. Họ đã làm được một sân chơi quá lớn, quá đẹp và quá hiếm! Đây là điều mà những nghệ sĩ như chúng tôi cảm thấy rất trân trọng và ghi nhận.

PV: Xin cảm ơn và hẹn gặp ông tại triển lãm Art In The Forest!