Nhà ở của người Bahnar, Jrai trong tiến trình hội nhập và đô thị hóa

Bahnar và Jrai là hai dân tộc Tây Nguyên, địa bàn sinh sống tập trung nhất của họ là tỉnh Gia Lai. Kiến trúc truyền thống chính của các dân tộc này gồm có: Nhà ở, nhà cộng đồng, nhà kho, nhà mồ. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả chỉ bàn về nhóm nhà ở, bởi đó là sản phẩm kiến trúc chịu tác động mạnh mẽ của xu hướng hội nhập, đô thị hóa, đã và đang diễn ra ngày càng nhanh, quyết liệt ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

NR làng Tơ Ver, Ia Khươl, Chư Pah

Những nét cơ bản trong nhà ở truyền thống của người Bahnar, Jrai

Ở Gia Lai, các dân tộc Kinh, Jrai và Bahnar lần lượt chiếm số lượng dân cư đông nhất trong gần 1,4 triệu dân số toàn tỉnh. Trong đó, người Jrai và Bahnar được coi là các dân tộc tại chỗ ở vùng đất này.
Người Bahnar1 thuộc ngữ hệ Môn-Khmer, cư trú tập trung ở phía Đông cao nguyên Pleiku, thuộc địa bàn các huyện: Mang Yang, Đak Đoa; trên cao nguyên Kon Hà Nừng thuộc địa bàn huyện Kbang; ở vùng trũng An Khê thuộc thị xã An Khê và các huyện Đak Pơ, Kông Chro.

Người láng giềng Jrai2 của họ là một trong năm tộc người Mã Lai – Đa Đảo (Malayo – Polinesien) hiện đang sinh sống trên vùng đất Nam Trường Sơn – Tây Nguyên và đồng bằng ven biển Trung Bộ nước ta3. Ở tỉnh Gia Lai, người Jrai cư trú tập trung ở phía Tây và Nam tỉnh, thuộc thành phố Pleiku và địa bàn các huyện phía tây cao nguyên cùng tên như: Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê; vùng trũng Cheo Reo – Phú Túc thuộc thị xã Ayun Pa và các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa.

Trong văn hóa truyền thống, người Bahnar, Jrai sinh sống thành từng làng, cách biệt nhau. Theo Lưu Hùng, trung bình cứ 100 km2 có 7,2 làng Jrai, 4,8 làng Bahnar4. Quy mô của làng lớn hay nhỏ tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và môi trường sống cụ thể, gắn với cảnh quan địa hình và trình độ kinh tế của từng cộng đồng dân cư. Ở những vùng đất đai màu mỡ, bằng phẳng, cư dân có thêm ruộng nước để canh tác như: Ayun Pa, Krông Pa, quy mô làng có thể trên dưới vài trăm nóc nhà. Nhưng ở những triền núi, thung lũng hẹp, quy mô làng nhỏ hơn.
Từ lâu đời, trong nền kinh tế tự cung tự cấp, người Bahnar, Jrai đã chọn cho mình giải pháp cư trú trong những ngôi nhà sàn, được làm từ vật liệu có sẵn ở môi trường xung quanh như: Tranh, tre, gỗ, lá… kết nối bằng các loại dây rừng để che mưa, nắng; tránh thú dữ và tự vệ trong những cuộc chiến giữa các nhóm, các cộng đồng dân cư, dân tộc.

Bên cạnh những nét chung cơ bản ấy, đối với mỗi nhóm địa phương Bahnar, Jrai, ứng với mỗi loại địa hình, kiểu gia đình truyền thống, văn hóa tộc người… những ngôi nhà sàn cũng có những nét khác biệt: Trong một làng Jrai cổ truyền, nhà ở của dân làng thường quây quần gần nhau. Những ngôi nhà trong làng được dựng theo một trật tự nhất định với định hướng Bắc – Nam, cửa chính luôn mở về hướng Bắc. Điểm khác biệt đầu tiên mà ta dễ dàng nhận ra giữa nhà ở của các nhóm Jrai trên cao nguyên Pleiku như Aráp, Hdrung, Tbuăn với nhà ở của các nhóm Jrai vùng trũng Cheo Reo – Phú Túc như Chor, Mthur là nhà của các nhóm Jrai trên cao nguyên Pleiku là kiểu nhà sàn nhỏ, cửa chính được mở ở bên hông; còn nhà ở của người Jrai Chor và Jrai Mthur là những nếp nhà dài, gần giống với nhà dài của người Ê Đê, cửa chính được mở ở đầu hồi. Nhà dài là chỗ ở của gia đình lớn mẫu hệ gồm nhiều gia đình nhỏ, mỗi bếp là không gian riêng của các cặp vợ chồng những cô con gái chưa ra ở riêng.

Sống ở vùng trũng thường xuyên ngập lụt, có xu hướng định canh, định cư sớm hơn, ngôi nhà sàn dài của người Jrai Chor và Jrai Mthur được làm khá bề thế, với chiều dài trên dưới 20m, chiều ngang trên dưới 4m, gầm sàn thường cao hơn đầu người (khoảng trên dưới 2m). Gầm sàn là chỗ để vật dụng sản xuất (xe bò, máy móc nông nghiệp…), nơi chứa củi. Trước kia, một phần của gầm sàn cũng là chỗ để nhốt trâu, bò.

Nhà sàn của người Jrai trên cao nguyên Pleiku và các nhóm Bahnar thường có quy mô nhỏ, với chiều dài dưới 10m, chiều ngang trên dưới 3m. Đặc điểm những ngôi nhà sàn của bộ phận dân cư này là sàn nhà thường chỉ cao từ 0,6 – 0,8m so với mặt đất, gầm sàn chủ yếu để chứa củi. Riêng nhà sàn của các nhóm Bahnar ở Kon Tum và phụ cận có phần cao ráo, kiên cố hơn. Những ngôi nhà sàn nhỏ này là nơi cư trú của các gia đình nhỏ mẫu hệ (người Jrai) hoặc song hệ (người Bahnar). Trong nhà của người Bahnar thường chia làm 3 phần: Gian phía Đông giành cho vợ chồng chủ nhà; gian giữa là nơi tiếp khách, ở đó có một bếp lửa to, là nơi ngủ của các thiếu nữ chưa có chồng; gian phía Tây là gian của những người con trai nhỏ, chưa đến tuổi ngủ nhà rông.
Một điều tưởng như không quan trọng, nhưng thật ra là rất cần lưu ý trong thiết kế những ngôi nhà sàn Bahnar, Jrai là sàn nhà thường được ghép từ ván gỗ hay lồ ô đập dập. Khi làm sàn, đồng bào không ghép những miếng ván lót sàn khít vào nhau mà giữa miếng nọ với miếng kia luôn có khoảng cách trên dưới 1 cm. Kiểu ghép này, một mặt giúp cho việc vệ sinh sàn nhà dễ dàng, nhưng mặt khác, quan trọng hơn là nó thích hợp với văn hóa uống rượu cần của người Tây Nguyên. Bởi mỗi khi uống rượu cần, người Tây Nguyên cần rất nhiều nước. Nước được đựng sẵn trong những chiếc nồi đồng, ống lồ ô… để gần ché rượu để tiện rót vào ghè sau mỗi lần uống cạn. Nhờ kiểu sàn nhà này, mà khi đổ nước vào ghè rượu, nước sẽ không bị chảy tràn lênh láng ra sàn.

Cũng cần nói thêm rằng, một đặc điểm nữa để nhận dạng buôn làng Bahnar, Jrai là: Những nhóm Jrai trên cao nguyên Pleiku và người Bahnar, ngay từ khi lập làng đã chọn một khu đất giành riêng cho việc xây dựng ngôi nhà chung của làng mà đồng bào gọi là nhà rông. Riêng ở vùng người Jrai Chor và Jrai Mthur thì từ lâu đời đã không có ngôi nhà chung này nên mọi sinh hoạt, hội họp của cộng đồng thường được tiến hành ngay tại gian amang (gian khách) trong ngôi nhà dài của chủ làng (khoa Plơi).

Biến đổi nhà ở Bahnar, Jrai trong tiến trình hội nhập và đô thị hóa

Từ khi người Pháp thiết lập những đô thị đầu tiên ở Tây Nguyên (khoảng những năm 30 của thế kỷ trước) đến nay, bức tranh toàn cảnh vùng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đã có nhiều thay đổi. Một thực tế cho thấy, những đô thị được hình thành từ thời Pháp thuộc ở Tây Nguyên thường được lập trên một vùng đất đai trù phú, đã có bộ phận cư dân tại chỗ sinh sống tương đối đông. Những địa danh như Pleiku (làng Ku – làng đuôi), Kon Tum (làng bên hồ), Buôn Ma Thuột (làng của cha Thuột)… minh chứng cho điều đó.

Nhà ở của người Jrai
Sinh hoạt lễ hội tại sân nhà rông Bahnar

Có một đặc điểm cần lưu ý là: Đối với các dân tộc Tây Nguyên nói chung, người Bahnar, Jrai nói riêng, tính cố kết cộng đồng trong các buôn làng rất cao, vì vậy, khi các đô thị mọc lên, người Bahnar, Jrai không chịu để buôn làng của mình “hòa tan” vào với bộ phận dân cư mới, mà họ sẽ lùi ra xa hơn để giữ vững các cộng đồng làng. Ví dụ, Pleiku Roh là một trong những làng có gốc từ làng Ku (Pleiku). Trước năm 1941, làng này ở khu vực phía sau Tỉnh ủy Gia Lai hiện nay (giữa khu vực đường Hai Bà Trưng và đường Phan Đình Phùng). Khi người Pháp phát triển đô thị Pleiku, họ không cho đồng bào đưa trâu bò vào trong thành phố, dân làng đã dời bỏ vị trí cũ, đến lập làng tại vị trí hiện nay. Lúc đó, nơi này còn là rừng rậm (Roh tên làng cũng có nghĩa là rừng rậm)5. Làng Ốp ở phường Hoa Lư, thành phố Pleiku: Trước năm 1946, vị trí của làng này ở trên đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn gần nhà thờ Hoa Lư hiện nay) và chỉ rời ra vị trí hiện nay từ năm 19466.

Cùng với thời gian và quy mô phát triển của các đô thị, ngày nay, nhiều buôn làng Bahnar, Jrai đã nằm lọt trong các thành phố, thị xã của vùng Bắc Tây Nguyên như: Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) có 39 buôn làng với hơn 20.000 người Bahnar, Jrai; Thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) có 61 làng Bahnar với tổng dân số 43.439 người; thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) có 5 làng Jrai; thị xã An Khê (Gia Lai) có 4 làng Bahnar. Quy mô của các làng trong đô thị cũng thường lớn hơn các làng ở vùng sâu, vùng xa7.

Sự thay đổi môi trường sống cũng làm cho kiến trúc nhà ở của người Bahnar, Jrai chịu nhiều biến động. Những ngôi nhà của người Bahnar ở thành phố Kon Tum và phụ cận – nơi có người Kinh đến lập nghiệp sớm nhất ở phía tây Trường Sơn – đã chuyển từ nhà sàn mái tranh, mái lá sang những ngôi nhà sàn mái ngói; vách trát đất… khá sớm. Đến nay, loại hình kiến trúc này đã tạo nên được nét văn hóa riêng biệt, độc đáo trong kiến trúc nhà ở của người Bahnar vùng Kon Tum.

Nhà ở của người Bahnar huyện Kbang

Sau ngày miền Nam giải phóng, thực hiện các cuộc vận động định canh, định cư, các làng Bahnar, Jrai ở trong và gần đô thị đã có sự đổi thay sâu sắc. Việc tách hộ, lập vườn làm cho những ngôi làng mật tập truyền thống, với những nhà sàn quây quần gần nhau đã được mở rộng về không gian cư trú. Ở đây, từng hộ gia đình được bố trí làm nhà trong các khuôn viên nhà vườn có hệ thống đường đi lối lại theo ô bàn cờ. Sự chuyển biến mạnh mẽ ban đầu của những ngôi nhà ở trong các làng này mà ta có thể nhận thấy là việc sử dụng vật liệu xây dựng. Khi những vật liệu tự nhiên sẵn có trong môi trường ngày càng khan hiếm, mà vật liệu công nghiệp lại tiện lợi và ngày càng có giá cả phù hợp hơn, nhiều người dân bắt đầu chuyển sang dùng tôn để lợp nhà, thậm chí là dùng luôn tôn để che chắn xung quanh thay cho vách gỗ hay vách lồ ô của những ngôi nhà sàn truyền thống. Dần dần, khi cây gỗ để làm cột trở nên khan hiếm thì nhà sàn dần được thay thế bằng nhà đất, những người khá giả hơn bắt đầu làm cho mình những ngôi nhà xây, sàn lát gạch hoa như nhà của người Kinh. Những đổi thay này một mặt đã đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng kiên cố của người dân, nhưng mặt khác, nó cũng làm cho nét văn hóa truyền thống trong các làng buôn Bahnar, Jrai nhạt nhòa dần. Sinh sống trong những ngôi nhà mái tôn, vách thưng bằng tôn, tuy giảm được áp lực sợ cháy vào mùa khô nhưng lại làm cho không gian sống của đồng bào trở nên ngột ngạt, nóng bức.

Nhà ở chương trình 134 tại làng Stơr, xã Tơ Tung, Kbang

Thay lời kết

Trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg (Chương trình 134) và Quyết định 167/2008/QĐ-TTg (Chương trình 167) của Thủ tướng Chính phủ đã thổi vào Tây Nguyên nói chung, các tỉnh miền núi có nhiều hộ nghèo nói riêng một luồng sinh khí mới, đáp ứng niềm mong đợi của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và tháo gỡ cho nhiều địa phương những khó khăn bức bách về nhà ở cho người nghèo. Nhưng đáng tiếc là, trong quá trình thực hiện, nhiều ngôi nhà thuộc chương trình 134 ở vùng đồng bào Bahnar, Jrai đã thật sự để lại những “nỗi niềm”. Với mức hỗ trợ mỗi căn nhà diện 134 chỉ 6 triệu đồng, nhiều ngôi nhà thuộc chương trình này đã không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Ở xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, có gần 350 căn nhà được xây dựng theo Chương trình 134 và 167 của Chính phủ, thì có tới gần 100 căn nhà trong số này bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng8. Ở làng Stơr, xã Tơ Tung (huyện Kbang) và nhiều làng Bahnar, Jrai khác mà chúng tôi đã đi qua, những ngôi nhà 134 thấp bé, cùng một kiểu dáng hầu như đều được xây án ngữ phía trước khu vực nhà sàn của đồng bào. Điều này, chẳng những không đáp ứng được yêu cầu nhà ở của người dân mà còn phá vỡ nghiêm trọng cảnh quan của một làng Bahnar, Jrai truyền thống.

Như vậy là trong hơn một thế kỷ qua, diện mạo kiến trúc nói chung, nhà ở của cư dân Bahnar, Jrai nói riêng đã có nhiều thay đổi. Nhưng những đổi thay nhanh, quyết liệt, trên quy mô rộng lớn nhất của quá trình hội nhập và đô thị hóa trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của vùng đất này chỉ mới diễn ra trong khoảng 40 năm qua (từ sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1975). Bên cạnh những biến đổi có yếu tố tích cực như làm cho nhà ở của người Bahnar, Jrai trở nên bền vững hơn, hiện đại hơn, thì việc nhiều công trình nhà ở (nhất là những công trình được hình thành từ các dự án) vẫn còn nhiều điểm bất cập, trong đó, điều đáng lưu ý nhất là yếu tố bảo lưu văn hóa truyền thống trong nhà ở của từng dân tộc, từng nhóm địa phương vẫn chưa được quan tâm; sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong giải quyết vấn đề nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo để tìm ra giải pháp thích hợp nhất dường như còn bị bỏ ngỏ…

Chú thích

1. Còn có những cách viết khác là: Bơhnar, Ba Na
2. Còn có những cách viết khác là: Jơrai, Jarai, Gia Rai
3. 5 dân tộc đó là: Jrai, Ê Đê, Chăm, Raglai và Chu Ru
4. Lưu Hùng, Buôn làng cổ truyền xứ Thượng, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1994, tr. 29
5. Nguyễn Thị Kim Vân, Địa danh và di tích Gia Lai dưới góc nhìn lịch sử -văn hóa, Nxb KHXH, 2010, tr. 215
6. Nguyễn Thị Kim Vân, Địa danh và di tích Gia Lai dưới góc nhìn lịch sử -văn hóa, Nxb KHXH, 2010, tr. 217
7. Nguyễn Hồng Hà, Buôn làng trong đô thị Tây Nguyên, Nxb Xây dựng, 2016, tr. 29-31
8. Minh Triều, Bỏ hoang nhà tái định cư, Gia Lai online, ngày 01/01/2016. Đường dẫn: (http://baogialai.com.vn/channel/1625/201601/bo-hoang-nha-tai-dinh-cu-2419943/)

Danh mục tài liệu tham khảo

– Nguyễn Hồng Hà, Buôn làng trong đô thị Tây Nguyên, Nxb Xây dựng, 2016.
Lưu Hùng, Buôn làng cổ truyền xứ Thượng, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1994.
– Minh Triều, Bỏ hoang nhà tái định cư, Gia Lai online, ngày 01/01/2016. Đường dẫn: (http://baogialai.com.vn/channel/1625/201601/bo-hoang-nha-tai-dinh-cu-2419943/)
– Nguyễn Thị Kim Vân, Địa danh và di tích Gia Lai dưới góc nhìn lịch sử -văn hóa, Nxb KHXH, 2010

TS. Nguyễn Thị Kim Vân
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2016)