Bài viết khảo sát những dữ liệu truyền thông di sản lịch sử và văn hóa trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) trong sự tìm kiếm những khả thể mang tính biểu tượng cho biểu trưng của một đơn vị hành chính cấp quận ở cửa ngõ Hà Nội.
Long Biên là một quận trẻ của Hà Nội, song lại là một vùng đất cổ. Địa danh Long Biên được dùng để đặt tên cũng thừa hưởng một nguồn gốc có trong tiến trình lịch sử hình thành các vùng định cư sớm của người Việt cổ. Bản thân vùng đất đối ngạn với nội thành Hà Nội cũ bên kia sông Hồng trước đây thuộc vùng Kinh Bắc, thuộc hàng trấn phát triển trù phú nhất trong tứ trấn quanh Thăng Long – Kẻ Chợ. Đây chính là cửa ngõ gần nhất đi từ biên ải hay cửa biển về kinh thành, ở cả hai hành trình đường bộ và đường thủy. Thời hiện đại, vùng đất khi đó thuộc huyện Gia Lâm xác lập dấu ấn hiện đại hóa sớm qua hệ thống đường sắt, cầu đường, sân bay và nhà máy. Chừng đó yếu tố đủ để khiến cho việc tìm kiếm một phương án nhận diện quận Long Biên mang tính chất biểu tượng hóa các di sản.
Trong phạm vi khảo sát, mối bận tâm về biểu tượng mang tính di sản khởi lên từ cuộc thi Sáng tác biểu trưng quận Long Biên đã nổi lên như một yếu tố then chốt khi các văn bản và thảo luận có xu hướng dẫn đến sự kế thừa các di sản. Bài viết sẽ lần lượt tiếp cận các không gian truyền thống mà các di sản này đem lại theo các phạm trù di sản mang tính huyền thoại, liên quan các nội dung và cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn Long Biên; các dấu tích vật chất có tính di sản; và các ngữ liệu văn hóa đã góp vào tạo dựng biểu tượng truyền thông cho ý niệm một địa bàn đang được khu biệt hóa.
Biểu tượng từ di sản huyền thoại
Trong lĩnh vực truyền thông văn hóa, khái niệm “truyền thống được chế tạo” (Hobsbawm & Ranger, 1983) được ghi nhận như một định đề quan trọng nhất trong việc thiết lập những đặc điểm nhận diện một cộng đồng. Cùng với định đề này, từ cuối thế kỷ 20, các nhà xã hội học thuận chiều trong việc hưởng ứng rộng rãi khuynh hướng của Chủ nghĩa Hiện đại trong định nghĩa căn tính cộng đồng, ví dụ quan điểm của Benedict Anderson (1983) về “Cộng đồng được tưởng tượng”, cho rằng: Các định chế hiện đại được cộng đồng chia sẻ chung tạo ra nhận diện cộng đồng đó. Mặc dù vậy, một số cộng đồng đã có những dấu vết của sự cố kết từ những sản phẩm có tính huyền thoại từ trước bối cảnh thuộc địa, vốn được cho là bối cảnh lan truyền ý niệm về Nhà nước – Dân tộc (nation-state) như tại Việt Nam. Anthony D. Smith (2009) đã biện luận rằng: Có một phức hợp biểu tượng thần bí (myth-symbol complex) ở các dân tộc như những thuộc tính có trước khi những ý niệm hiện đại định hình. Long Biên có thể là một dẫn chứng cho một địa bàn vừa hàm chứa những phức hợp cổ xưa này lẫn cơ chế tạo ra một nhận diện từ cộng đồng hiện đại.
Dải đất tạo ra giữa sông Hồng và sông Đuống (tên chữ là Thiên Đức Giang) án ngữ phía Bắc kinh thành Thăng Long, hiện diện trong các thư tịch địa chí với các dấu vết huyền thoại liên quan sự tích Phù Đổng Thiên Vương bên dòng Thiên Đức nối kinh đô với hệ thống Lục Đầu giang, cũng là dòng chảy qua vùng phát tích của triều Lý. Dư địa chí của Nguyễn Trãi vào thế kỷ 15 đã nêu bật hai biểu tượng thiên nhiên của vùng Kinh Bắc là sông Thiên Đức và núi Vệ Linh (núi Sóc). Trong đó, Gia Lâm thuộc phủ Thuận An có 68 xã, 2 sở, 3 trại. Trong số này, làng Lệ Mật nổi lên như một trung tâm của huyền thoại đầu thời Lý. Sự tích kể rằng: Công chúa con vua Lý Nhân Tông vào năm 1043 bị đắm thuyền khi đi chơi trên sông Thiên Đức. Một chàng trai họ Hoàng người làng Lệ Mật đã chém giao long trên sông, vớt được xác công chúa và được vua ban thưởng. Chàng trai đã xin vua cho dân làng được khai khẩn vùng đất phía Tây thành Thăng Long, lập ra thập tam trại, nay gồm một khu rộng lớn phía Tây quận Ba Đình. Yếu tố ma thuật và phồn thực đan quyện vào nhau mà nay còn dấu vết là một lễ hội lớn liên quan nhiều không gian trên đất nội thành Hà Nội cũng như đặc sản thịt rắn tượng trưng cho chiến tích diệt giao long.
Thực tế, huyền thoại dũng sĩ diệt mãng xà, rồng hay rắn khá phổ biến ở nhiều nền văn hóa. Nếu như ở phương Tây có sự tích Thánh George chém rồng hay Hercules diệt rắn đã thành những biểu tượng, thì Việt Nam cũng có sự tích Thạch Sanh chém chằn tinh quen thuộc trong ngữ liệu văn hóa. Thậm chí hình ảnh Thánh George diệt rồng đã được dùng trong biểu trưng của nhiều vương triều, cho đến nay có trong biểu trưng của nhiều đô thị châu Âu, trong đó có vùng Matxcơva (Nga), Kiyv (Ukraina) hay của quốc gia Gruzia (tức Georgia). Vì thế, câu chuyện Lệ Mật cũng là một di sản có một phẩm chất gắn kết sâu sắc với đặc điểm của cộng đồng được vun đắp từ phức hợp huyền thoại – lịch sử. Trong khảo sát của Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tác biểu trưng quận Long Biên, đáng lưu ý là ngoài hình ảnh cây cầu Long Biên thì sản vật nổi bật nhất được lựa chọn là đặc sản rắn Lệ Mật (19%), bỏ xa các hình thái khác.
Biểu tượng từ dấu tích vật chất
Vùng đất này liên tục được chế tạo các sự tích trên thực địa và văn bản lịch sử, mà hào quang lớn nhất là dinh Bồ Đề nơi đặt đại bản doanh của Lê Lợi trong cuộc vây hãm thành Đông Quan, chứng kiến cuộc đấu trí thư từ giữa Nguyễn Trãi và Vương Thông, để đi tới thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh vào năm 1428. Liên quan trực tiếp địa danh Long Biên, cái tên này được thừa kế từ tên một xã và tên cây cầu do người Pháp khánh thành năm 1902, vốn dĩ quen thuộc từ sau khi đốc lý Trần Văn Lai cho đổi từ đầu tháng 8/1945, thay thế cho tên cầu Doumer của người Pháp. Nó mau chóng trở nên quen thuộc đến độ người ta quên địa danh Long Biên có từ thời Hán ở khu vực được cho là khu vực bên sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh (cũng là một vùng đậm đặc những dữ kiện lịch sử và huyền thoại). Điều này minh họa chính xác cho luận điểm: Truyền thống được chế tạo không ngừng.
Cho đến giờ, cây cầu sắt lâu đời nhất qua sông Hồng chính là vật sở hữu nổi bật nhất cho địa danh Long Biên. Với tuổi đời 121 năm, mang trong mình dấu vết kỹ thuật xây dựng và kiến trúc đầu thế kỷ 20, cầu Long Biên xứng đáng là biểu tượng quan trọng của Hà Nội nói chung và quận Long Biên hiện đại nói riêng. Nhưng, cầu Long Biên có thể đại diện cho toàn thể đặc điểm nhận diện chung của địa bàn hành chính này không? Một vài lý do e ngại có lẽ nằm ở vấn đề đây là một sản phẩm thời thuộc địa, cũng như tình trạng xuống cấp của cây cầu khi trải qua nhiều thập niên chiến tranh đã làm hư hại khá nhiều. Những cuộc oanh tạc của không quân Mỹ giai đoạn 1968-1972 đã làm sập vài nhịp cầu, biến dạng khá nhiều sự hoàn chỉnh của hình ảnh tổng thể. Dẫu vậy, cầu Long Biên là một di sản nhiều góc độ: Cảnh quan, công nghiệp, giao thông… ghi dấu ấn hiện đại hóa mạnh mẽ cho Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Gắn với tuyến đường sắt qua cầu Long Biên là Nhà ga và Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nơi chứng kiến những sự đổi thay lớn mang tính bản lề trong xã hội Việt Nam. Tuyến hành lang công nghiệp dọc trục đường sắt này lên tới khu công nghiệp Đức Giang – Yên Viên cùng cầu Đuống cũng là một loại di sản đặc thù, hiện có tiềm năng phát triển thành những phức hợp văn hóa lịch sử phục vụ du lịch và giải trí.
Đầu mối giao thông với các cặp tuyến đường sắt và đường bộ đi Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, bên cạnh sân bay Gia Lâm cũng là những di sản tô đậm tính chất cửa ngõ của nội thành Hà Nội. Ít nhất ba trong số những quốc lộ được đánh số đầu tiên xuất phát hoặc đi qua địa bàn quận Long Biên hiện tại. Sự đặc thù về giao thông của vùng đất này hiển nhiên hiếm gặp ở một địa bàn nào khác. Di sản giao thông cũng có thể thấy kinh nghiệm từ các vùng văn hóa quan trọng, như các dấu tích đường giao thông thời La Mã cổ đại ngày nay vẫn được coi như minh chứng của một giai đoạn văn minh nhân loại hơn là những lộ trình thực dụng thuần túy.
Những dấu tích vật chất ngoài các di tích như đình Lệ Mật với cổng đình giữ lại vẻ đẹp cơ bản của đình làng Bắc Bộ thời Nguyễn, là giai đoạn các cổng đình xây lối nghi môn hoành tráng với lầu gác và trụ biểu bề thế, các cơ sở tín ngưỡng dọc sông Hồng và sông Đuống gắn với những hoạt động thờ cúng cư dân, còn là một hệ thống cảnh quan tự nhiên. Khu vực Bắc Cầu nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Đuống xứng đáng được quy hoạch như một dạng đô thị vườn, với các làng xóm giữ lại phần nào cảnh quan gắn với vườn cây ăn quả, bãi màu và nhà thấp tầng trên một bãi bồi lâu đời. Các khu vực vườn nhãn và bãi cát dọc đê từ phía Nam cầu Chương Dương đến cầu Vĩnh Tuy từ hai thập niên gần đây đã trở thành những khu cắm trại ngoài trời quen thuộc của người dân Hà Nội. Đó chính là những di sản cực kỳ quý giá mà các quận cũ của Hà Nội đã và đang mất dần. Vì thế, Long Biên đang đứng trước cơ hội tìm cho mình một biểu tượng từ di sản thiên nhiên này.
Một gợi mở về ngữ liệu văn hóa
Ngoài những di sản trên nền vật chất, những di sản văn hóa phi vật thể có thể tìm thấy gì ở một vùng phên giậu lâu đời của kinh kỳ này? Một vài mối liên hệ với các danh sĩ trung đại như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, những người có hành trạng liên quan vùng đất này cũng là một số gợi ý, cho đến những ghi chép về một vùng đất nhiều phong tục và thú chơi đầu thế kỷ 20 của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… Trong thiên tùy bút Một đêm họp đưa ma Phụng (1939), Nguyễn Tuân đã kể về việc ông cùng vài bạn văn được Tam Lang rủ đi giải khuây ở một nhà hát cô đầu tại làng Gia Quất (Thượng Thanh hiện nay) để tưởng nhớ Vũ Trọng Phụng vừa qua đời. Không gian hội hè vùng Gia Quất, Ngọc Thụy cũng được Vũ Bằng ghi lại khá ấn tượng trong tập tùy bút nổi tiếng “Thương nhớ mười hai” (1960-1971) của ông. Một cung đường văn chương được tái hiện hoàn toàn không phải là điều bất ngờ, khi còn có thể gọi ra những cái tên trong lịch sử văn học Việt Nam đã qua lại chốn này.
Trong khuôn khổ một nghiên cứu quy mô nhỏ, bài viết tìm cách gợi ra những ý tưởng cho việc nhận diện văn hóa mang tính biểu tượng từ những di sản của một vùng đất. Hơn cả một phạm vi hành chính, mỗi nơi chốn đều chứa đựng những tiềm năng cấu tạo nên một bản sắc có thể trưng thuật. Trong trường hợp Long Biên, nơi đây là một ví dụ thú vị cho việc tự định nghĩa bản sắc, mà thách thức chủ yếu đến từ hệ thống di sản hãy còn ở dạng phức hợp. Để giải quyết điều đó, công việc lớn nhất dường như là cần chắp nối hệ thống này rõ ràng thành một chỉnh hợp.
THS.KTS Nguyễn Trương Qúy
Khoa Các khoa học liên ngành – ĐH Quốc Gia Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2023)
Tài liệu tham khảo
- Anderson, Benedict (1983). Imagined Communities (2006 ed.). London, UK: Verso.
- Hobsbawm, Eric & Ranger, Terence (Eds.) (1983). The Invention of Tradition (2000 ed.). Cambridge, UK: Cambridge University Press.
- Smith, Anthony D. (1988). The Ethnic Origins of Nations. Malden, MA: Blackwell Publishing.
- “Quy chế Cuộc thi Sáng tác biểu trưng quận Long Biên”, website Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, 23/5/2023. https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/quy-che-cuoc-thi-sang-tac-bieu-trung-quan-long-bien.html.
- Nguyễn Tuân, “Một đêm họp đưa ma Phụng”, Tao Đàn tạp chí 12/1939.
- Thụy An, “Cuộc thi sáng tác biểu trưng Quận Long Biên: ‘Long Biên Hội tụ – Khởi sắc và tương lai’”, website Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, 17/6/2023. https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/cuoc-thi-sang-tac-bieu-trung-quan-long-bien-long-bien-hoi-tu-khoi-sac-va-tuong-lai.html
- Vũ Bằng (1993). Thương nhớ mười hai. Hà Nội: NXB Văn học.