Nhớ những ngày làm TCKT

Năm 1994, cơ duyên đã cho tôi gặp KTS Đoàn Đức Thành, nhân dịp tết Nguyên Đán, ông cùng một số người bạn của bố tôi là những nhà nghiên cứu như: GS Trần Quốc Vượng, GS Trần Lâm Biền… và một số nghệ sỹ: Nhạc sỹ Hồng Đăng, Họa sỹ Trần Khánh Chương, nhiếp ảnh gia Lê Cường… đến thăm gia đình tôi. Từ đó, tôi bắt đầu viết bài cho mục “Kiến trúc di sản” của Tạp chí Kiến trúc (TCKT). Đến năm 1997, tôi chính thức “đầu quân” vào đội ngũ nhân sự của TCKT. Cơ cấu tổ chức của TCKT lúc bấy giờ: Tổng biên tập (TBT) là KTS Nguyễn Trực luyện, Phó TBT là KTS Đoàn Đức Thành, thiết kế và dàn trang: KTS Ngô Doãn Đức, biên dịch: KTS Lê Phục Quốc, trị sự: CN Vũ Thanh Hà (phát hành và đánh máy). Tôi là phóng viên, nhưng tòa soạn có việc gì có thể làm, tôi đều tham gia làm: Tổ chức hội thảo, sự kiện, tổ chức các cuộc thi, viết bài, chụp ảnh, quảng cáo… Với những chuyên mục chính: “Sáng tác Kiến trúc”, “Tác giả – tác phẩm”, “Di sản Kiến trúc”, “Kiến trúc bốn phương”… TCKT lúc này đã thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu của giới KTS.

Đã tròn 10 năm (2008- 2018) tôi gắn bó, trưởng thành cùng Tạp chí Xây dựng. Ấy vậy mà mọi người và bản thân tôi vẫn hay nhầm – Câu đầu tiên giới thiệu về mình, tôi vẫn nói là: “Thu Hà – Tạp chí Kiến trúc”. Hóa ra, một cách vô điều kiện, “Tạp chí Kiến trúc” đã như là một “thương hiệu” gắn với tôi và ghi dấu ấn đậm nét đến tận bây giờ.

Đại từ nhân xưng trong tòa soạn lúc bấy giờ là “Chú” – “cháu”, mạch lạc. Chúng tôi ứng xử với nhau như những người thân trong gia đình. Với cốt cách của một nhân sỹ Hà thành, KTS Nguyễn Trực Luyện luôn là tấm gương để chúng tôi kính trọng. Trong bầu không khí an hòa, chúng tôi sống và làm việc hồn nhiên như vốn dĩ cuộc sống là thế. KTS Đoàn Đức Thành, bằng nhiệt huyết và đam mê nghề, ông đã truyền lửa, tận tâm hướng dẫn kỹ năng làm báo cho chúng tôi. Ông luôn là tấm gương về sự nhiệt thành và mẫn cán với công việc. KTS Lê Phục Quốc, với vốn kiến thức uyên thâm, luôn chính xác, chuẩn mực, và đặc biệt rất khắt khe, ông luôn nhắc nhở tôi về kỹ năng chuyển dịch ngôn ngữ, chính xác khi dùng các từ chuyên môn …

Suốt 15 năm sống và làm việc với đội ngũ các KTS nhiều thế hệ, những người luôn đề cao trách nhiệm xã hội hơn bản thân mình. Tôi đã hiểu giá trị của Nhân cách. Với nhân cách của mình, lãnh đạo Hội KTS Việt Nam, lãnh đạo TCKT lúc bấy giờ đã quy tụ được những học giả có uy tín, tạo ra một làn sóng mạnh mẽ trong xã hội với các bài viết sắc sảo, phản đối các hiện tượng tiêu cực: Xây dựng trái phép, không theo định hướng phát triển quy hoạch chung, có nguy cơ tổn hại đến bộ mặt đô thị, tác động xấu đến tâm lý người dân như: Khách sạn Hà Nội Vàng, Thủy Cung Thăng Long, tòa nhà Hàm Cá Mập… Phát huy vai trò phản biện xã hội, trật tự đô thị trong thời gian này phát triển ổn định nhờ Hội đồng tư vấn Kiến trúc của Chính phủ do KTS Nguyễn Trực Luyện làm Chủ tịch. Vì vậy, trong thời gian này, tầm ảnh hưởng của TCKT đối với xã hội cũng được khẳng định.

Năm 2008, tôi không còn duyên với TCKT, rời xa nó như một định mệnh. Nhờ có 15 năm được trực tiếp làm việc với những nhân vật mà tôi vừa kể tên và có cơ hội gặp gỡ các KTS, viết bài về cuộc đời, sự nghiệp và các tác phẩm của họ, mà tôi đã vững vàng bước tiếp chặng đường đời sau này. Đó là sự tri ân nhiệt thành của tôi gửi đến các thế hệ KTS, cán bộ làm TCKT. Mong rằng TCKT ngày càng phát triển, phát huy được lợi thế và tầm ảnh hưởng của mình với giới nghề và xã hội.

*Trần Thị Thu Hà
Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng – Bộ xây dựng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2018)