Những sơ phác của KTS Norman Foster

Norman Foster, KTS người Anh, hiện nay là một trong những KTS nổi tiếng nhất thế giới, có nhiều tác phẩm ở nhiều quốc gia. Ông đã được phong tước hiệu Nam tước vùng sông Thames, tước Hiệp sĩ và được tặng thưởng Huân chương danh dự Anh quốc. Năm 1999, Norman Foster được trao tặng Giải thưởng Pritzker danh giá.

Tòa nhà Renault do ông thiết kế được xây dựng năm 1982 ở Swindow có kết cấu rất hiện đại, gồm một loạt khung sắt bọc nhôm với hệ dây cáp căng. Hệ kết cấu này dễ dàng thay đổi, tháo dỡ, thêm thắt rất linh hoạt để tạo nên nhưng không gian trưng bày hay kho tàng theo ý muốn. Từ một phác thảo đơn sơ đến hiện thực thật đơn giản.

Tòa nhà Renault do ông thiết kế được xây dựng năm 1982 ở Swindow

Tòa nhà Quốc hội Đức là một công trình cổ điển được xây dựng theo phong cách chủ nghĩa cổ điển Pháp tức là mặt đứng chính được phân vị thành 5: 3 khối lồi và 2 khối lõm giống cung điện Louvre ở Paris. Norman Foster được giao nhiệm vụ cải tạo công trình này cho hoành tráng hơn. Ông đã dùng thủ pháp tương phản, làm một mái vòm mới là một chỏm cầu bằng thủy tinh khung thép đặt lên trên đỉnh công trình. Thủ pháp tương phản luôn luôn khó vì dễ thất bại nhất là thực hiện trên một công trình cổ điển rất đẹp và nổi tiếng như tòa nhà Quốc hội này. Chỏm cầu thủy tinh này có một tỷ lệ vừa phải, nếu to quá sẽ phá hỏng phong cách cổ điển, trang nghiêm của công trình, nhỏ quá thì thiếu diện tích sử dụng bên trong và mất vẻ hoành tráng của công trình. Chỏm cầu này đã được xây dựng từ 1995 đến tháng 4/1999 thì hoàn thành.

Tòa nhà Quốc hội Đức

Bản sơ phác chỏm cầu của Norman Foster đã được thực hiện hoàn toàn đúng. Hình sơ phác lõi công trình cũng được thực hiện trung thành. Bên trong chỏm cầu thủy tinh là hệ thống hành lang chạy vòng quay hình xoắn ốc, người dân đi trên hành lang này có thể nhìn xuống phòng họp lớn của Quốc hội là phòng Plenarsaal, điều này cũng có nghĩa là bất cứ cử tri nào cũng được “tham gia” trực tiếp vào hoạt động của Quốc hội. Nhìn mặt chính của tòa nhà Quốc hội ta thấy mái vòm kính thể hiện sự hiện đại minh bạch mà một Quốc hội phải có. Về mặt kiến trúc, đây là sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, giữa cổ kính và hiện đại. Khách tham quan nhà Quốc hội đều leo lên nhà mái vòm để ngắm Thủ đô Berlin từ trên cao.

Mái vòm có đường kính 40m cao 23,5m được cấu tạo bằng khung thép và lợp hai lớp kính. Trung tâm mái vòm là một cột hình nón mở, đường kính phía trên là 16m, đường kính phía dưới là 2,5m, vỏ ngoài của cột được lắp 360 cái gương có thể quay theo nhiều hướng tùy theo yêu cầu từng thời gian.

Tòa thị chính London được Foster thiết kế nằm ở phía Nam thành phố, ngay bên bờ sông Thames. Từ sơ phác đầu tiên, ta thấy Foster đã cố tình vẽ công trình cạnh cầu tháp, cây cầu cổ kính đóng mở được để cho tàu thủy đi qua, một cây cầu lớn rất kiếm hoi trên thế giới. Hình vẽ cho thấy sự tương phản giữa cổ kính và hiện đại, giữa quá khứ và hiện tại – Một cách viết lịch sử TP bằng kiến trúc. Công trình được khởi công năm 1998, khánh thành mở cửa tháng 7/2002. Toàn cảnh công trình có hình dáng ngộ nghĩnh, khác thường, gần giống một quả trứng nằm nghiêng. Bên trong công trình, phía trên phòng họp lớn của Hội đồng TP cũng có một hệ thống thang hình xoắn ốc cho các cử tri có thể đến “tham dự” các cuộc họp của Hội đồng TP như trong nhà Quốc hội Đức vậy.

Tòa thị chính London được Foster thiết kế nằm ở phía Nam thành phố, ngay bên bờ sông Thames

Năm 2004, một công trình nữa được xây dựng tại trung tâm London khiến tên tuổi của Norman Foster lại nổi dậy như cồn: The Gherkin – “Quả dưa chuột”. Đó là ngôi nhà số 30st Mary Axe ở London. Ngôi nhà có hình quả dưa chuột, có người gọi là điếu xì gà, được chính thức khánh thành ngày 28/4/2004. Quả dưa chuột này cao 180m, được làm từ 24.000m2 kính. Tòa nhà được thiết kế với ý đồ tiết kiệm năng lượng triệt để. Khoảng trống giữa các tầng tạo thành hệ thống thông gió tự nhiên. Tường ngoài là hai lớp kính, tạo thành đường cong mềm mại nhưng thực ra chỉ duy nhất tấm kính trên đỉnh tòa nhà được uốn cong, còn lại toàn là kính phẳng. Tầng 39 là một nhà hàng, tầng trên cùng – tầng 40 là một quầy bar, ở đây có thể quan sát thành phố đủ 360o.

The Gherkin – “Quả dưa chuột”

Bản vẽ sơ phác ban đầu cho thấy Foster có ý định xây dựng quả dưa chuột thành một “đô thị” nhỏ. Ông ghi chú dưới hình vẽ “một đô thị trong một đô thị luôn luôn tràn đầy kinh ngạc”. Sau đó trong bản vẽ sơ phác thứ hai bằng màu nước ông nghiên cứu kĩ hơn: những vệt xoắn màu sẫm (3 vệt) là đường hút gió và ở đây trồng một hệ thống cây xanh. Cạnh đấy là sơ phác 6 mặt bằng từ dưới lên trên nhỏ dần. Phía dưới là sơ phác hình ảnh Siluet của tòa nhà trong toàn cảnh những công trình cao tầng lân cận trong thành phố. Ông ghi chú nhiều trong sơ phác để diễn đạt suy nghĩ của mình, thí dụ như ở góc phải sơ phác ghi: cấu trúc đứng ở bên ngoài khi đặt công trình vào bối cảnh đô thị, tuy nhiên đó là một công trình đẹp. Vì sao Foster chọn hình quả dưa chuột ? Hai sơ phác cho ta câu trả lời: với hình công trình hình hộp chữ nhật như thông thường thì cản trở gió và có gió phản hồi lại, còn hình có tiết diện tròn thì không cản gió.

Ngôi nhà Hearst Tower được xây dựng ở New York năm 2003 – 2006 là ngôi nhà được đánh giá là rất đẹp. Ngôi nhà cao 182m, cao 46 tầng và diện tích mặt bằng là 80.000m2. Ngôi nhà thực hiện chủ trương của Norman Foster về nhà chọc trời là: Một công trình chọc trời không nhất thiết phải lập nên những kỉ lục về chiều cao, chính sự thông minh trong cấu trúc mới tạo nên điểm nhấn cho công trình. Tóm lại một câu: “Thông minh thay cho kỷ lục về chiều cao”. Bản vẽ tay tòa nhà nêu bật cái đẹp hiện đại của công trình với hệ thống kết cấu thép đan hình tam giác và những hình quả trám ở bốn cạnh góc, công trình đã tạo nên diện mạo đặc trưng của nó. Với hệ thống cấu trúc này, kết cấu chịu lực được đưa ra tường ngoài. Vấn đề là làm sao cho hệ thống thép đan chéo ấy tạo nên vẻ đẹp của công trình. Ở đây, Foster đã làm được điều đó. Hearst Tower được đánh giá là tòa nhà thân thiện với môi trường nhất trong lịch sử TP New York. Công trình tiêu tốn năng lượng ít hơn 26% so với những tòa nhà tháp tương tự. Toàn bộ các thiết bị sử dụng năng lượng sẽ tự động tắt khi không có người sử dụng, hệ thống hứng nước mưa trên mái giúp tòa nhà mát hơn, đồng thời cung cấp nước cho việc tưới cây và đài phun nước Icefall tại sảnh chính.

Năm 2007, Norman Foster thiết kế sân bay Bắc Kinh. Bản vẽ tay sơ phác của ông đã được thực hiện trung thành. Đường nét vẽ rất phóng khoáng và tạo được một hình ảnh rất hoành tráng. Sân bay được hoàn thành ngày 2/3/2008 và năm 2010 đây là sân bay rộng nhất Châu Á và là sân bay xếp thứ 2 thế giới về lượng khách.

Norman Foster là một KTS tiên phong và chủ chốt trong trường phái kiến trúc công nghệ cao (Hightech). Ông đã khai thác triệt để các thành tựu về khoa học kĩ thuật tiến bộ nhất để đưa vào kiến trúc. Các sơ phác của ông cho ta thấy cách làm việc và suy nghĩ của một bậc thầy tài năng. Ông thường sơ phác nhiều khía cạnh của công trình. Từ nghiên cứu hướng nắng, gió đến silhuaette của công trình trong bối cảnh môi trường. Trên các sơ phác luôn luôn ghi chú ý kiến của mình. Sơ phác bằng chì, màu nước để tìm ý và trong bản sơ phác thường vẽ người vào để thấy tỉ xích. Norman Foster cũng có duyên với Việt Nam, ông có góp một sơ phác cho dự án thiết kế Nhà hát Thăng Long ở Hà Nội, Trụ sở của VietinBank gồm tòa tháp đôi và Trung tâm thương mại tại Quận Tây Hồ – Hà Nội (hiện đang xây dựng gần xong).


PGS.TS Tôn Đại

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2019)