Chính sách phát triển bền vững hướng tới ba mục tiêu chính: Thỏa mãn nhu cầu đi lên về kinh tế; hướng tới một xã hội công bằng; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và hệ sinh thái. Tuy nhiên, ba mục tiêu này luôn ẩn chứa những mâu thuẫn nội tại, dù chính sách phát triển bền vững mong muốn đưa ra cách tiếp cận toàn diện để trốn tránh những mâu thuẫn đó. Trong bài báo này, tác giả muốn đề cập tới những xung đột cần giải quyết để đạt được ba mục tiêu trên.
Ba góc nhìn: Phát triển kinh tế, công bằng xã hội và môi trường
Dưới góc nhìn kinh tế, các nhà quy hoạch và hoạch định chính sách nhìn nhận thành phố là nơi sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa. Các không gian trong thành phố khi đó được quy hoạch thành các không gian kinh tế – phục vụ mục tiêu đạt lợi nhuận.
Dưới góc nhìn xã hội, đích đến của các nhà quy hoạch, hoạch định chính sách là đảm bảo quyền bình đẳng về kinh tế – xã hội – chính trị đối với mọi thành phần xã hội. Tức là đảm bảo tính công bằng trong khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính, dịch vụ cộng đồng, các tiện ích xã hội và quyền được tác động lên chính sách. Nhưng để phát triển kinh tế, dường như điều ngược lại đang xảy ra. Các nhà dân chủ nhận ra thành phố là nơi tồn tại những xung đột về sự phân phối nguồn lực, dịch vụ và cơ hội. Và họ thường tìm cách xây dựng nên nhiều không gian công cộng, mở và khuyến khích sự tương tác giữa các nhóm xã hội khác nhau, để biến những không gian này thành nơi cất lên tiếng nói chung của cộng đồng. Điều này có thể thấy rất rõ tại các nước phương Tây, không gian công cộng được hiểu là nơi mọi tầng lớp nhân dân có quyền tụ tập, tổ chức biểu tình và phản ánh mong muốn cũng như bức xúc của dân chúng.
Sự cấp thiết của việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và hệ sinh thái cũng tác động tới những người làm quy hoạch và các chính trị gia. Dưới góc nhìn về môi trường, thành phố là nơi tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và tạo ra rác thải. Thành phố một mặt khai thác, tận dụng thiên nhiên để phát triển, mặt khác cần tìm ra giải pháp để tái tạo và khôi phục lại những gì đã mất. Không gian trong thành phố khi ấy được các nhà môi trường quy hoạch hướng tới các không gian sinh thái với mục tiêu là sự bền vững của hệ sinh thái.
Như vậy, tồn tại ít nhất ba mục tiêu trong chính sách phát triển bền vững: Đạt được một nền kinh tế thịnh vượng; đảm bảo việc phân phối sự thịnh vượng ấy một cách công bằng; và trong quá trình đó không làm kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái. Tuy nhiên đi kèm với ba lợi ích là các xung đột và mâu thuẫn nội tại.
Hai xung đột nội tại
-
Mâu thuẫn giữa sự phát triển kinh tế và công bằng xã hội
Đầu tiên là mâu thuẫn giữa sự tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Điều này nảy sinh khi các nhà tư bản có tiềm lực kinh tế dần có tác động tới chính sách, và lái các chính sách này theo hướng có lợi cho họ. Việc này dẫn tới mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và lợi ích chung của xã hội. Một minh chứng có thể nhìn thấy là việc các không gian công cộng tại các thành phố phát triển trên thế giới đang dần bị biến thành các không gian “marketing” – như một công cụ để quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư thay vì là không gian cho cộng đồng như vai trò vốn dĩ của nó. Không gian công cộng ngày nay là không gian giới hạn và bị kiểm soát. Khi ấy, nhiều nhóm xã hội khác nhau như người vô gia cư, người bán hàng rong hay dân nhập cư sẽ bị loại bỏ, và tiếng nói cất lên từ không gian công cộng không còn bày tỏ nguyện vọng của xã hội, mà là yêu cầu từ một bộ phận nhỏ những người có thể tác động lên chính sách.
-
Mâu thuẫn giữa sự phát triển kinh tế và môi trường tự nhiên
Để đảm bảo sự phát triển kinh tế, chúng ta cần tác động tới môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và khai thác tài nguyên. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng cần bảo vệ nguồn lực này cho nhu cầu phát triển tương lai. Đây là mâu thuẫn giữa việc duy trì sự thịnh vượng của nền kinh tế và sự cân bằng tự nhiên – là căng thẳng tồn tại giữa một bên là các lợi ích kinh tế trong xã hội công nghiệp với một bên là các “tiện ích sinh thái” trong môi trường tự nhiên. Lịch sử cho thấy, việc xây dựng và phát triển các thành phố thường gắn liền với việc phá hoại tự nhiên và ô nhiễm môi trường. Dù các nhà quy hoạch, hoạch định chính sách cũng đề ra nhiều biện pháp để cải thiện và tích lũy tài nguyên thông qua việc trồng thêm cây xanh, làm sạch hồ nước, lọc hệ thống tưới tiêu, xây dựng công viên, mở rộng rừng,… Nhưng ranh giới hợp lý giữa hai mục tiêu này gần như không thể xác định rõ ràng.
Thêm vào đó, người lao động có thể tìm được cơ hội kinh tế lớn hơn như thế nào khi việc bảo vệ môi trường đã và đang làm giảm sự tăng trưởng kinh tế? Trên phạm vi toàn cầu, những nỗ lực bảo vệ môi trường đã dẫn đến sự dừng lại của tăng trưởng, và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia giàu và nghèo. Cụ thể, các quốc gia phát triển đã và đang yêu cầu các quốc gia nghèo hơn bỏ qua sự phát triển nhanh chóng để cứu thế giới khỏi các tác động xấu từ tự nhiên, như hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên của trái đất,… Xung đột này cũng có thể thấy khi xét trong phạm vi nhỏ hơn – như trong các cộng đồng phụ thuộc vào nguồn tài nguyên. Các cộng đồng đô thị nghèo thường buộc phải hi sinh chất lượng môi trường để đáp ứng nhu cầu phát triển, do các cơ hội kinh tế duy nhất chỉ đến từ việc khai thác và tận dụng những gì thiên nhiên ưu đãi.
Kiến trúc hướng tới phát triển bền vững
Dự án cải tạo, làm sống lại không gian công cộng tại Mỹ. Nguồn: Project for Public Spaces
Chính vì những xung đột đã nêu ở trên, mà nhiều nhà nghiên cứu từng cho rằng phát triển bền vững chỉ tồn tại trong lý thuyết và không thể thành hiện thực. Để tiến gần hơn tới sự bền vững, cần sự phối kết hợp từ nhiều ngành, trong đó có kiến trúc.
Cụ thể, để đạt được tính công bằng xã hội, các KTS, các quy hoạch sư cần chú ý tới việc thiết kế không gian công cộng trong thành phố. Thay vì giới hạn và kiểm soát, chúng ta hãy hướng tới tính mở, sự phong phú và đa dạng, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế. Khi đó không gian công cộng sẽ thực sự là “công cộng” – là của chung, cất lên tiếng nói xã hội và đem lại lợi ích cho cộng đồng. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác hại tới môi trường tự nhiên, xu hướng kiến trúc hiệu quả năng lượng, kiến trúc xanh là cần thiết, góp phần gợi mở việc áp dụng các kinh nghiệm truyền thống, hay tận dụng công nghệ một cách hiệu quả trong việc thiết kế và xây dựng công trình. Ngoài ra, kiến trúc luôn là công cụ hữu hiệu tạo nên bộ mặt cho đô thị, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy tiêu dùng.
Thách thức của phát triển bền vững là cân đối được những mục tiêu trên, nói cách khác, là duy trì một nền kinh tế phát triển, trong khi vẫn dung hòa được các xung đột về lợi ích, đảm bảo sự bình đẳng trong xã hội, mà không gây tác động xấu tới hệ sinh thái và môi trường tự nhiên.
Tạ Anh Dũng – Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2017)
Tài liệu tham khảo
[1] Campbell, S. (1996). Green Cities, Growing Cities, Just Cities?: Urban Planning and the Contradictions of Sustainable Development. Journal of the American Planning Association, 62(3), 296–312.
[2] Carr, S., Francis, M., Rivlin, L.G., & Stone, A. M. (1992). Public space. Cambridge: Cambridge University Press.
[3] Cliff Moughtin. (1999). Urban Design: Street and Square. Oxford: Architectural Press.
[4] Dempsey, N., Bramley, G., Power, S., & Brown, C. (2009). The Social Dimension of Sustainable Development: Defi ning Urban Social Sustainability. Sustainable Development, 19(May), 289–300.
[5] Gatto, M. (1995). Sustainability : Is it a Well Defined Concept ? Ecological Applications, 5(4), 1181–1183.
[6] Kuhlman, T., & Farrington, J. (2010). What is sustainability? Sustainability, 2(11), 3436–3448.
[7] Marcuse, P. (1998). Sustainability is not enough. Environment and Urbanization, 10(2), 103–112.
[8] Owens, S. (2003). Is there a meaningful definition of sustainability? Plant Genetic Resources, 1(1), 5-9.
[9] Tibbalds, F. (1992). Making People-Friendly Town: Improving the Public Environment in Towns and Cities. London: SPON PRESS.
1. “Phát triển bền vững” là khái niệm có rất nhiều cách giải thích. Trong bài báo này, tác giả chỉ đề cập tới một cách lý giải và tiếp cận khái niệm này.