QHC Vĩnh Phúc đến 2030, tầm nhìn 2050 và định hướng XD ĐT Vĩnh Phúc phát triển bền vững và bản sắc

KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển Việt Nam
Theo Quyết định 1883/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch chung (QHC) đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 – tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên phạm vi tổng diện tích đất tự nhiên là 31.860 ha. Với kỳ vọng xây dựng một đô thị lớn, bền vững, phát triển theo hướng gắn kết với Vùng Thủ đô Hà Nội, bản quy hoạch này có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở pháp lý để quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, từng bước nâng cao điều kiện sống của nhân dân về nhà ở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường sống và không gian đô thị… KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam,  Chủ nhiệm VP thường trực Ban Chỉ đạo và Đầu tư xây dựng Vùng  Thủ đô Hà Nội – đã chia sẻ những quan điểm của Ông về đồ án QHC đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 – tầm nhìn 2050.

Bản đồ Quy hoạch chung Đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Trong quá trình theo dõi việc triển khai thực hiện QHC của 63 tỉnh thành trên cả nước, điều tôi cảm nhận được chính là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đối với chiến lược phát triển chung của Tỉnh. Chính điều đó đã tạo nên bước đột phá trong quá trình phát triển đô thị của Vĩnh Phúc, đặc biệt là trong việc kết nối, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Với chiến lược đúng đắn về đô thị hóa, tạo sức bật cho địa phương và những lợi thế vị trí, địa hình…, trong một thời gian ngắn, Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển vượt bậc – cả về chất và lượng, cả về kinh tế, xã hội và các lĩnh vực khác.
Nói vậy, không có nghĩa là các địa phương khác kém hơn, mà về cơ bản, những lợi thế của họ không bằng Vĩnh Phúc, nhiều nơi khác cũng làm nhưng hiệu quả còn hạn chế. Chẳng hạn, Thừa Thiên – Huế cũng theo mô hình đô thị tập trung nhưng theo cách tiếp cận khác: lấy Huế là TP Trung tâm, mở rộng đô thị cấp tỉnh, nâng lên đô thị loại I… Các tỉnh khác như Lâm Đồng, Quy Nhơn, An Giang… thường áp dụng mở rộng địa giới hành chính, sau đó xây dựng QHC trên cơ sở địa giới hành chính đó. Vĩnh Phúc là địa phương duy nhất theo hướng xây dựng QHC đến năm 2030 – tầm nhìn 2050, phù hợp với xu hướng đô thị hóa hiện nay, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, với kết cấu hành chính, tổ chức, luật pháp của Việt Nam.
Trên cơ sở điều kiện địa lý tự nhiên, kinh tế, xã hội, lịch sử… Vĩnh Phúc tập trung phát triển đô thị Vĩnh Yên, mở rộng đến nơi nào tốt nhất, tạo động lực cho sự phát triển chung, kết nối TP Vĩnh Yên, Thị xã Phúc Yên với các huyện, xã lân cận, tận dụng lợi thế cửa ngõ Vùng Thủ đô. Phải khẳng định rằng đây là một hướng đi, cách tiếp cận tốt, nhiều nước, nhiều đô thị đã theo hướng này và đã thành công.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất khu vực trung tâm Vĩnh yên

Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ trở thành Thành phố là ý tưởng chủ đạo được nêu trong Nhiệm vụ QHC đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Qua đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng khẳng định quyết tâm: “Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững, tạo nền tảng để đến năm 2015, Vĩnh Phúc cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, và trở thành TP Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI” (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV). Dự báo trong thời gian tới, cùng với quá trình CNH, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa ở Vĩnh Phúc sẽ diễn ra với tốc độ nhanh. Vấn đề đặc biệt quan trọng được đặt ra với Vĩnh Phúc chính là bài toán: quản lý phát triển đô thị Vĩnh Phúc thế nào cho hiệu quả? Về điều này, phải nói rằng QHC đô thị Vĩnh Phúc do Công ty Nikken Seikei của Nhật Bản thực hiện đã cơ bản giải quyết được, dựa trên những ưu điểm sau đây:
–    Không sát nhập ranh giới hành chính của các huyện mà thực hiện khai thác thế mạnh và liên kết toàn tỉnh. Điều này phù hợp với kinh tế thị trường và xu hướng phát triển toàn cầu hóa với nhu cầu giao lưu, trao đổi xã hội. Với cách làm này, về mặt chiến lược đã làm bật lên được tiềm năng của địa phương. Từ góc độ chuyên môn, tôi ghi nhận cách làm táo bạo, cách tiếp cận mạnh mẽ và đúng hướng của bản QHC đô thị Vĩnh Phúc.
–    Đồ án QHC đã tạo được môi trường liên kết mọi hướng của Vĩnh Phúc trên cơ sở khai thác lợi thế cửa ngõ Vùng Thủ đô, khai thác tối đa tiềm năng và quỹ đất hiện có cho các phân khu chức năng: trồng rừng, du lịch, sinh thái, công nghiệp, nông nghiệp…
–    Khai thác thế mạnh và sử dụng tốt nhất hệ thống giao thông nội vùng, liên tỉnh: sân bay quốc tế Nội Bài, đường bộ, đường sắt, đường sông… Đặc biệt, việc chú trọng phát triển trục Bắc – Nam với lợi thế của sông Hồng đã nhấn mạnh vị trí của Vĩnh Phúc đối với Hà Nội và các tỉnh lân cận
–    Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, quan trọng nhất là phát triển công nghiệp, do giao thông tốt nên đã kết nối được các khu CN Bình Xuyên, Đại Quang, tạo nên mạch lưu thông hàng hóa năng động và hiệu quả. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn khai thác thế mạnh về nhân công địa phương, chọn lọc lĩnh vực công nghiệp để kéo theo sự phát triển chung, bền vững của đô thị.
–    Đầu tư xây dựng Khu đô thị Đại học cũng là một hướng đi đúng của địa phương: một mặt thu hút đầu tư, tạo động lực cho địa phương phát triển, mặt khác cũng từng bước nâng cao chất lượng dân cư, chất lượng lao động. Chủ trương này của tỉnh hiện đang thu hút các trường ĐH ở Thủ đô bởi cung cấp đất “sạch”, không phải giải tỏa, đền bù, đồng thời cơ sở hạ tầng đã được đầu tư tốt
–    Mặc dù không nằm trong QHC nhưng Tam Đảo có vị trí quan trọng đối với Vùng Thủ đô, nằm gọn trong địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Sự kết hợp chặt chẽ giữa Tam Đảo – Đầm Vạc – sông Hồng đã tạo thành vùng cảnh quan mang bản sắc trung du đặc trưng, thuận lợi cho phát triển du lịch. Đặc biệt, đô thị Vĩnh yên – đô thị hạt nhân có sắc thái riêng, gắn bó với Đầm Vạc và cảnh quan, vị trí lý tưởng đối với Thủ đô Hà Nội. Đây sẽ là điểm nhấn quan trọng của Vĩnh Phúc trong quá trình xây dựng triển khai QHC tầm nhìn đến 2050.

Phối cảnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc

Khai thác những mặt mạnh của điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, QHC tỉnh Vĩnh Phúc hứa hẹn những thành công trong tương lai. Tuy nhiên, là đô thị đầu tiên thực hiện theo mô hình đô thị tập trung, chưa có tiền lệ nên quá trình thực hiện QHC ở Vĩnh Phúc còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tình trạng quản lý quy hoạch còn chắp vá, không có đơn vị hành chính đô thị tương ứng để quản lý. Vì vậy, Tỉnh cũng bộc lộ những lúng túng trong chuẩn bị dự án đầu tư, huy động nguồn lực. Để khắc phục những khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ những giải pháp quản lý và giao UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện: Thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng thể chế, bộ máy quản lý quy hoạch đô thị cấp Tỉnh; Áp dụng các giải pháp huy động các nguồn lực, đảm bảo nguồn vốn phát triển… Với sự quan tâm, sâu sát chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh, Vĩnh Phúc cần nhanh chóng tạo dựng mối liên kết giữa Vĩnh Phúc với vùng Thủ đô và các tỉnh lân cận, xây dựng chiến lược đầu tư, quản lý hiệu quả, mang lại lợi ích cho cộng đồng, tạo thế và lực để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực khác; triển khai một số khu du lịch quan trọng: Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên… Cơ chế quản lý tốt, phối hợp nhuần nhuyễn các cơ quan chức năng và sự đồng thuận của nhân dân địa phương – Đó là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Vĩnh Phúc trong tương lai.
Cuối cùng, tôi chỉ xin được nhấn mạnh rằng: Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam luôn ủng hộ Vĩnh Phúc trong các hoạt động chuyên môn, sẵn sàng cử chuyên gia hỗ trợ tỉnh trong công tác triển khai QHC… Chúng tôi sẵn sàng đóng góp tích cực cho từng dự án cụ thể cũng như cho chiến lược phát triển chung của tỉnh – góp sức cho việc xây dựng đô thị Vĩnh Phúc phát triển bền vững và bản sắc.
Bích Vượng (ghi)