Nhóm KTS Việt Nam đoạt giải Nhì – Cuộc thi UIA 2025 do UIA và UNESCO tổ chức với ý tưởng Trung tâm du khách tại Kinh thành Huế

Vừa qua, Ban tổ chức Cuộc thi UIA 2025: “Tương lai của ngành kiến trúc – Trao quyền cho thế hệ tiếp theo trong thiết kế đô thị có sự tham gia” đã công bố danh sách những người chiến thắng. Được tổ chức bởi UIA và UNESCO, cuộc thi dành cho các kiến ​​trúc sư trẻ. Vượt qua 139 đề xuất từ ​​45 quốc gia, nhóm KTS trẻ của Việt Nam là Bùi Minh Châu (Trưởng nhóm); Phạm Nguyễn Gia Huy; Nguyễn Thị Mỹ Duyên đã đoạt Giải Nhì tại cuộc thi này. 

Cuộc thi quốc tế “The Future of the Architecture Profession” là một sáng kiến quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động của Triển lãm Kiến trúc Venice Biennale 2025, tập trung vào việc tìm kiếm
những ý tưởng sáng tạo cho các Trung tâm Du khách (Visitor Centres) tại các Di sản Thế giới UNESCO trong đô thị. Cuộc thi hướng đến thế hệ kiến trúc sư trẻ, khuyến khích họ đề xuất các giải pháp thiết kế mang tính bền vững, toàn diện và có tác động tích cực đến cộng đồng địa phương. Những đề án tiêu biểu được chọn trưng bày tại Palazzo Zorzi – trụ sở UNESCO tại Venice từ ngày 8 đến 15 tháng 5 năm 2025.

Xem thêm về Cuộc thi.

Nhóm dự thi đến từ Việt Nam gồm ba kiến trúc sư trẻ:

  • KTS Bùi Minh Châu – Nhóm trưởng
  • KTS Phạm Nguyễn Gia Huy
  • KTS Nguyễn Thị Mỹ Duyên

Cả ba đều là cựu sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh (UAH). Với nền tảng học thuật và kinh nghiệm thực tiễn đa dạng, nhóm lựa chọn cách tiếp cận kiến trúc như một hình thức đối thoại giữa hiện tại và quá khứ, giữa con người và không gian.

Ý Tưởng Dự Án “Under the Winding Hill”

Dự án được đặt tại Kinh thành Huế, một Di sản Thế giới UNESCO – nơi chất chứa nhiều lớp lịch sử, văn hóa và ký ức đô thị. “Under the Winding Hill” là một phương án thiết kế Trung tâm Du khách chìm dưới lòng đất, nằm ngay đối diện Ngọ Môn – cổng chính vào Hoàng thành.

Các điểm nổi bật của đồ án:

  • Ngọn đồi nhân tạo uốn lượn – lớp địa hình mới trả lại cảnh quan xanh: Cấu trúc trung tâm du khách được “giấu mình” dưới một ngọn đồi nhân tạo mềm mại, uốn lượn như một phần tự nhiên của cảnh quan. Toàn bộ bề mặt ngọn đồi được phủ xanh, đóng vai trò như mái công viên – vừa phục hồi không gian xanh cho Quảng trường Ngọ Môn, vừa tạo nên một không gian mở cho cộng đồng sử dụng tự do. Điều này giúp trả lại một cảnh quan yên tĩnh, trang trọng cho di tích lịch sử, vốn lâu nay bị lấn át bởi sự can thiệp kiến trúc không đồng bộ.
  • Thiết kế nâng cao – đối phó với nguy cơ lũ lụt: Cấu trúc chính được nâng cao bên trong lòng đồi và có hệ thống thoát nước tự nhiên từ sườn dốc, giúp giảm thiểu nguy cơ ngập úng vốn thường xuyên xảy ra tại khu vực quanh Hoàng thành. Giải pháp này thể hiện sự thích ứng linh hoạt với điều kiện khí hậu miền Trung – nơi ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và mưa lũ bất thường.
  • Giữ nguyên tầm nhìn và sự tôn nghiêm của Ngọ Môn: Ngọn đồi không chỉ là một lớp địa hình kỹ thuật mà còn là lớp lọc thị giác, giúp công trình gần như “tàng hình” khi nhìn từ trục chính của Ngọ Môn – giữ nguyên cảm giác trang trọng và tầm quan trọng biểu tượng của không gian di sản. Điều này thể hiện tinh thần “kiến trúc khiêm tốn”, không cạnh tranh với lịch sử mà lặng lẽ bổ sung vào trải nghiệm.
  • Không gian mở – phục vụ cộng đồng: Phía trên và xung quanh công trình là hệ thống không gian mở: sân cỏ, khu vực triển lãm ngoài trời, chỗ ngồi thư giãn và sinh hoạt cộng đồng. Đây là nơi du khách và người dân có thể dừng chân, suy ngẫm, hoặc tham gia vào các hoạt động văn hóa – một cách để “mở khóa” ký ức và khơi gợi sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

Một Tư Duy Kiến Trúc Vì Cộng Đồng và Di Sản

“Under the Winding Hill” thể hiện rõ tinh thần của cuộc thi: Kiến trúc không chỉ là thiết kế công trình, mà là một công cụ để kết nối con người với lịch sử, văn hóa và chính cộng đồng của họ. Nhóm kiến trúc sư trẻ này không chỉ mang đến một ý tưởng thiết kế, mà còn gửi gắm một thông điệp mạnh mẽ về vai trò xã hội, giáo dục và trị liệu của kiến trúc trong thời đại mới.

Nhận xét của Ban Giám khảo:  “Under the Winding Hill là một đề xuất đơn giản nhưng táo bạo, khéo léo di chuyển giữa ranh giới của kiến trúc và cảnh quan. Đồ án không chỉ tái cấu trúc lại trải nghiệm di sản mà còn hướng đến việc bảo vệ khu vực khỏi nguy cơ ngập lụt. Thông qua một cử chỉ hình khối rõ ràng, gợi nhắc nhẹ nhàng đến hình học của hệ thống thành lũy hiện hữu, thiết kế tạo nên một khối dài, một phần nằm dưới lòng đất để làm trung tâm du khách. Cấu trúc này vẫn duy trì được tầm nhìn trực tiếp với khu di sản liền kề.

Thuỵ AnTCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc