Phát triển nhà ở cao tầng xanh trong những đô thị bền vững ở Việt Nam

Đặt vấn đề

Vai trò của nhà ở cao tầng trong thông gió đô thị (Nguồn Internet)

Trong thế kỷ 20, cùng với sự phát triển của các lý thuyết đô thị, nhiều quan điểm về nhà ở cao tầng được đặt ra. Có ý tưởng cho rằng nhà ở cao tầng có thể là công cụ để tái tổ chức lại sử dụng đất đô thị và có thể là thành tố quan trọng để tạo nên những đô thị lý tưởng. Le Corbusier trong trào lưu kiến trúc hiện đại (Modern Moverment) đã đưa ra quan điểm về đô thị theo chiều đứng (vertical city). Đó là nơi mà cảnh quan đô thị với các nhà ở cao tầng sẽ giải phóng con người khỏi tiếng ồn và ô nhiễm của những đô thị truyền thống và sẽ tạo ra những điều kiện sống tốt hơn cho con người cũng như một xã hội tiến bộ hơn. Sang thế kỷ 21, nhà ở cao tầng còn đóng góp quan trọng trong việc định hình bộ mặt đô thị và tính bền vững cho đô thị. Điều này thể hiện trong các văn bản “Tuyên bố về môi trường sống và phát triển” và “Chương trình nghị sự cho thế kỷ 21” được thông qua tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc họp tại Rio De Gianero năm 1992: “Phát triển bền vững như một hướng phát triển chiến lược của xã hội loài người trong tương lai”.

Khu nhà ở cao tầng của Vingroup tại TP HCM đang gây ra nhiều tranh cãi về quan điểm phát triển đô thị bền vững

Phát triển nhà ở cao tầng xanh trong các đô thị bền vững đang là một xu hướng tiên tiến được thúc đẩy phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong đó có Việt Nam.

Nhà ở cao tầng xanh tại Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. Song hiện nay vẫn tồn tại nhiều yếu tố hạn chế và cản trở, trong đó, thách thức lớn nhất chính là nhận thức từ lợi ích từ các bên tham gia. Điều này khiến cho các công trình nhà ở cao tầng xanh hiện nay còn vắng bóng và nhiều công trình nhà ở được xây dựng lên không đạt được những giá trị đáng lẽ ra có được.[2]

Những giá trị mang lại của nhà ở cao tầng xanh

Đối với cư dân: Nhà ở chiếm một tỷ trọng lớn trong quĩ công trình kiến trúc. Nhà ở thể hiện lối sống văn hóa và là tài sản tích lũy qua nhiều thế hệ của các chủ gia đình. Nhà ở là nơi lui về tái tạo sức lao động. Khi được ở trong những ngôi nhà xanh, sức khỏe được đảm bảo thì chắc chắn năng suất lao động của người lao động được cải thiện, giảm số ngày ốm nghỉ việc, do đó thu nhập của người lao động sẽ tăng hơn.

Một lợi ích gián tiếp do các nhà ở xanh mang lại là giảm nhu cầu về các tiện ích sinh hoạt đô thị, như là cấp điện, cấp khí đốt và nước sạch. Điều này dẫn đến chi phí tiện ích đô thị thấp hơn trong dài hạn (không cần phải mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị về cấp điện, cấp nước, thoát nước). Đây là lợi ích công cộng, nhà đầu tư nhà ở xanh không trực tiếp hưởng thụ lợi ích này. Những cư dân sẽ được hưởng lợi trong quá trinh công trình nhà ở vận hành.
Một trong những giá trị lớn nhất của nhà ở xanh là người sống và làm việc trong các công trình này sẽ có sức khỏe tốt hơn. Hội chứng bệnh sống trong nhà đóng kín cửa (indoor generation), sử dụng điều hòa không khí và ánh sáng điện ban ngày, như là đau đầu, chóng mặt, toàn thân mệt mỏi, trầm cảm… là một vấn đề nan giải trong nhiều thập kỷ qua. Sống và làm việc trong các nhà ở xanh tránh được những vấn đề ô nhiễm và “bệnh toà nhà (sick building)” như trên do sử dụng các hệ thống thông gió lành mạnh, tận dụng ánh sáng tự nhiên và sử dụng vật liệu xây dựng nội thất không độc hại.[4]

Nhà ở xanh giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của dân cư. Người dân sống trong những ngôi nhà xanh cảm thấy dễ chịu, thoải mái, tiện lợi, bởi sống trong môi trường không khí không bị ô nhiễm, an toàn sức khỏe, cộng đồng dân cư sống được tăng cường chia sẻ tất cả các ích lợi xã hội, kinh tế và môi trường.

Đối với chủ đầu tư: Nhà ở xanh có giá trị thị trường cao hơn nhà thông thường, vì hiệu quả sử dụng năng lượng và nước sạch cao, chất lượng môi trường sống tốt hơn, chi phí vận hành thấp và có tính bền vững… Với những lợi ích trên, sản phẩm nhà ở sẽ được khách hàng ưa chuộng, cho nên nhà đầu tư thu được nhiều hiệu quả kinh tế.

Theo ước tính, ở Việt Nam nếu sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc truyền thống thì chi phí đầu tư cho nhà ở xanh chỉ bằng hoặc thấp hơn chi phí đầu tư cho công trình xây dựng thông thường. Nếu sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc và kết hợp với trang thiết bị nội thất hiện đại thì chi phí đầu tư nhà ở xanh cao hơn công trình thông thường cùng loại, trung bình khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%, nhưng chi phí vận hành sử dụng nhà ở xanh sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20-30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Do đó, chỉ sau 4-5 năm vận hành nhà ở xanh, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư. Từ năm thứ 5 trở đi và lâu dài về sau, tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn.

Ở hầu hết các nước đã phát triển các công trình xanh, đặc biệt là nhà ở xanh đều thực hiện chính sách ưu đãi giảm thuế để khuyến khích việc thiết kế và xây dựng theo hướng hiệu quả năng lượng [1] và bền vững.

Đối với cộng đồng đô thị: Do sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là phát triển sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, năng lượng sinh học…) cho nên nhà ở xanh sẽ có tác dụng giảm thiểu tới khoảng 30% phát thải “khí nhà kính, khí ô nhiễm” của ngành xây dựng, nguyên nhân gây ra BĐKH và mưa axit. [4]
Chống lại hiện tượng “đảo nhiệt” trong đô thị: Nhà ở xanh thường được che phủ bằng cây xanh ở xung quanh nhà, trên mặt tường, trên mái nhà và cả ở không gian trong nhà, đồng thời nhà ở xanh phát thải nhiệt thừa ít, do đó các đô thị được hình thành từ các nhà ở xanh thì sẽ không xảy ra hiện tượng “đảo nhiệt”.

Tái chế sử dụng nước mưa, nước xám trong nhà ở xanh và đô thị xanh, tăng cường bề mặt thấm nước, sẽ tiết kiệm tài nguyên nước, giảm dòng chảy sói lở và úng ngập đô thị, chống ô nhiễm nguồn nước mặt.

Những công trình nhà ở xanh sẽ là từng tế bào đóng góp vào chất lượng của một đô thị xanh. Quĩ nhà ở chiếm một tỷ trọng rất lớn trong một đô thị nên đóng góp một vai trò quan trọng tạo nên một đô thị bền vững. Ngoài ra những công trình nhà ở xanh sẽ góp phần giúp giải nhiều bài toán khó của đô thị về hạ tầng, giao thông, môi trường cũng như chất lượng cuộc sống.

Một tổ hợp nhà ở nhiều tầng thiếu bền vững tại Hà Nội (Nguồn Tác giả)

Vai trò của nhà ở cao tầng xanh trong phát triển đô thị bền vững

Mô hình đô thị tập trung hay còn có những tên gọi khác như là đô thị nén, đô thị mật độ xây dựng cao, đô thị chức năng sử dụng hỗn hợp là một trong những hình thái hiệu quả năng lượng của phát triển đô thị, giảm khoảng cách đi lại và phát huy hiệu quả tối đa các phương tiện giao thông công cộng, các phương tiện không sử dụng năng lượng. Nhiều lý thuyết đô thị cho rằng đô thị nén là một hình thái đô thị bền vững. Nhìn một cách logic có thể thấy những lợi ích của đô thị nén đối với vấn đề năng lượng, môi trường và xã hội.

Mô hình đô thị tập trung với những nhà ở cao tầng xanh có tính hiệu quả cao thuận tiện sử dụng cho người dân với các tầng đa chức năng cho nhiều đối tượng sử dụng, giảm tắc nghẽn giao thông, dòng người đi bộ bằng sự tập trung phát triển đô thị theo chiều dọc. Nhà ở cao tầng đã có những đóng góp quan trọng cho một đô thị nén với mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất cao, khoảng cách đi lại ngắn, hệ thống giao thông công cộng hiệu quả… Theo tổng kết, phương pháp quy hoạch đô thị theo chiều dọc là một trong những hình thái đô thị hiệu quả năng lượng nhất trên thế giới.

Nhà ở cao tầng ảnh hưởng đến phân bố mật độ đô thị và thông gió đô thị. Việc xây dựng một ngôi nhà ở cao tầng trong một khu vực đô thị sẽ là một biến động lớn về mật độ xây dựng. Do đó số lượng và sự phân bố nhà ở cao tầng trong qui hoạch phát triển đô thị cần hết sức cẩn trọng nếu không nó sẽ dẫn đến sự quá tải hạ tầng đô thị và phá vỡ trạng thái cân bằng gây ra nhiều bất ổn về môi trường, kinh tế và xã hội. Với chiều cao và diện mặt đứng lớn, nhà ở cao tầng sẽ che chắn ánh mặt trời tạo ra nhiều vùng bóng đổ, làm thay đổi chuyển động không khí tác động đến các vùng tiểu khí hậu đô thị.

Việc tập trung số đông các nhà ở cao tầng theo mô hình đô thị nén cũng chính là nguyên nhân của hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Khu vực đô thị tập trung nhiều nhà ở cao tầng thường có nhiệt độ cao hơn đáng kể so với các khu vực đô thị thấp tầng xung quanh. Nguyên nhân chính của đảo nhiệt đô thị là sự thay đổi bề mặt sử dụng đất trong quá trình phát triển đô thị. Quá trình này sử dụng nhiều loại vật liệu có tác dụng giữ nhiệt. Nhân tố thứ hai góp phần tạo ra đảo nhiệt đô thị là lượng nhiệt thải ra do quá trình sử dụng năng lượng, mà những ngôi nhà ở cao tầng chính là thủ phạm. Khi các trung tâm đông dân cư phát triển, người dân có xu hướng thay đổi diện tích đất đai nhiều và ngày càng nhiều hơn nữa, gây ra sự gia tăng nhiệt độ trung bình tương ứng(1).

Khác với những công trình thấp tầng qui mô nhỏ trong đô thị, nhà ở cao tầng với qui mô diện tích sàn sử dụng lớn tích hợp với hệ thống kỹ thuật tòa nhà sẽ là một cỗ máy phức tạp. Thiết kế và thi công nhà ở cao tầng đòi hỏi những kỹ thuật đặc biệt. Chi phí xây dựng các tòa nhà này thường rất cao, thời gian tồn tại là dài… do vậy nếu phạm sai lầm sẽ rất khó sửa chữa. Bản thân nhà ở cao tầng là những cỗ máy khổng lồ nơi con người cư trú làm việc, do đó nó cũng tiêu tốn năng lượng khủng khiếp bởi những hệ thống kỹ thuật, thiết bị phục vụ cho nó và con người sống trong nó. Do vậy nhà ở cao tầng nên là những toà nhà xanh.

Phát triển nhà ở cao tầng tại Việt Nam

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xu thế nhà ở cao tầng đang nở rộ tại các đô thị Việt Nam. Qui mô cũng như số tầng cao ngày càng tăng.

Công tác qui hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam còn nhiều bất cập. Số lượng những khu đô thị mới đạt chuẩn còn rất hạn chế, trong khi đó lại xuất hiện nhiều dự án nhà ở cao tầng có tính chất ăn xổi, xây chen chất tải lên hạ tầng kỹ thuật hiện có…. Dịch vụ tiện ích trong các khu nhà ở cao tầng cũng là một vấn đề cần bàn đến. Trong khi các nhà ở cao tầng có sự tập trung dân số cao thì những tiện ích, dịch vụ, các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần có sự đồng bộ để tránh gây ra tình trạng quá tải. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề về bãi đỗ xe, cấp thoát nước, phòng chát chữa cháy, cứu hộ, thoát người khi có sự cố cũng là một vấn đề nhức nhối đối với nhà ở cao tầng tại các đô thị Việt Nam trong những năm gần đây.

Bên cạnh một số ít các nhà ở cao tầng thành công, rất nhiều công trình được xây lên thuần túy chạy theo lợi nhuận, không chú trọng đến chất lượng sống, môi trường vi khí hậu, trở thành những quái thú đô thị hay cỗ máy tiêu thụ năng lượng khủng khiếp trong tương lai. Nhiều nhà ở cao tầng tại các đô thị Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ như sự đi lại, giao lưu trong cộng đồng, các hoạt động giải trí, thể thao… khiến cho con người sống trong đó bị có cảm giác thiếu thốn, ngột ngạt… Vấn đề vi khí hậu cho các căn hộ chưa được giải quyết tốt, khoảng cách giữa con người với thiên nhiên ngày càng xa bởi những khoảng xanh hiếm hoi dần bị lấp đẩy bởi “rừng” bê tông.

Xu hướng nhà ở cao tầng xanh nên hết sức được quan tâm trong bối cảnh này.

Kết luận

Cần khẳng định nhà ở cao tầng có mối liên hệ tương hỗ và đóng góp mật thiết cho việc phát triển các đô thị bền vững. Mô hình đô thị tập trung cùng với những giải pháp qui hoạch và phương thức quản lý phù hợp sẽ là cơ sở cho cho nhà ở cao tầng đóng góp cho việc phát triển bền vững

Chính quá trình chuyển đổi và phát triển bên trong đô thị nén (urban densification) là điều kiện để nhà ở cao tầng có cơ hội phát triển.

Nhà ở cao tầng là một cỗ máy khổng lồ nơi con người cư trú làm việc, do đó nó cũng tiêu tốn năng lượng khủng khiếp bởi những hệ thống kỹ thuật, thiết bị phục vụ cho nó và con người sống trong nó. Chính vì vậy bản thân những tòa nhà ở cao tầng phải là những công trình xanh, đóng góp cho môi trường sống tốt trong và ngoài nhà, giảm thiểu vật liệu, năng lượng và giá thành.

TS.kts Hoàng Mạnh Nguyên
Viện Nghiên cứu phát triển Đô thị Xanh Việt Nam

(1) Thomas Van Leeuwen , The Skyward Trend of Thought

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2019)

–––––––––––––––––––––––––––––––––

Tài liệu tham khảo:
1. Hình thái đô thị là cơ sở cho sự phát triển bền vững của đô thị – Go Yuntszyun – Tạp chí Xây dựng công nghiệp và dân dụng Nga số 7/2012
2. Cultural Identity and Urban Change in South East Asia – Marc Askew and William S. Logan.
3. The Image of the City – Kenvin Lynch, 1960
4. Towards a Phenomenology of Architecture – Christian Noberg Schulz, tái bản 1984.
5. Urban Regionalism – Ken Yeang, Mimar Publication.
6. Kỷ yếu Hội thảo Kiến trúc xanh – Tương lai xanh , Viện Kiến trúc nhiệt đới – 2011
7. Space, Time and Architecture: The Growth of a New Tradition – Sigfried Giedion -1941
8. Enviroment Design – R. Thomas, 1996.