Phê và Bình kiến trúc Hà Nội

Phê bình kiến trúc là việc làm cần thiết nhằm thúc đẩy sự tiến bộ kiến trúc. Chưa thời kỳ nào mà cả nước lại trong giai đoạn thiết kế nhanh và rộng khắp để kịp tiến độ xây dựng các dự án và công trình lớn nhiều đến vậy. Lý luận, phê bình kiến trúc nếu không lành mạnh, không đủ cơ sở và không có tâm trong sáng thì sẽ không thể ngăn chặn được những vấn nạn trong kiến trúc, hỗn loạn đô thị, tương lai thành di họa như đã xảy ra thời gian vừa qua.

Hình ảnh xa lạ với người Việt

Đặt vấn đề

Một sự liên tưởng giữa nhà ở phố Vũ Ngọc Phan và nhà quốc hội

“Phê” và “Bình”: Cả hai đều mong muốn đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của kiến trúc nói riêng và hình ảnh khu vực, đô thị, đất nước nói riêng. Và phải có Phê, Bình – phản biện xã hội thì kiến trúc, đô thị Việt Nam mới phát triển bền vững.

“Phê” thì nhiều người làm được kể cả những người không có nghề, theo cảm nhận cá nhân mà ưa thích hay không hợp, phản đối, kể cả có công trình cư dân thì ưa nhưng người trong nghề lại không thích.
Nhưng “Bình” lại là chuyện khác. Bắt buộc phải có lý để luận và khen – chê mới dựa trên cơ sở khoa học với các tiêu chí để bình.

Thời gian qua, có giai đoạn, Tạp chí Kiến trúc – tiếng nói của Hội KTS Việt Nam đã từng có trang đen phê phán xu hướng sáng tác công trình nhại cổ, không đánh dấu được thời đại xây dựng, giảm sức sáng tạo kiến trúc mới như trụ sở Bộ Tài chính, UBND Tây Nguyên… Đây là điều cần thiết, góp phần thúc đẩy kiến trúc phát triển lành mạnh, phù hợp xu thế quốc tế. Tuy nhiên, công việc đó mới chỉ dừng ở việc xem xét hình ảnh, biểu hiện của kiến trúc công trình riêng lẻ và việc làm này đã không kéo dài. Thật tiếc.

Trước các sự kiện liên quan đến đô thị, kiến trúc, ngoài những hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp chức năng như các Hội KTS Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và các hội chuyên ngành cấp thành phố với chức năng phản biện xã hội của mình có thể đã hoặc không lên tiếng với những sự kiện như: Mở rộng Thủ đô Hà Nội 2008, phá bỏ Nhà Quốc hội cũ, các dự án xây dựng công trình cao tầng trên phố 19-12, khách sạn kim cương tại đất vườn hoa bên quảng trường cách mạng tháng 8, xây cổng chào kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội… thì chúng ta đã từng được nghe ý kiến của những nhà lý luận, phê bình sắc bén, thẳng thắn và vững vàng như các KTS Ngô Huy Giao, Đặng Thái Hoàng, Hoàng Phúc Thắng, Nguyễn Hồng Thục nêu rõ quan điểm, phân tích cái được – mất, cái hay – dở của mỗi sự việc, nên hay không nên triển khai.

Tuy nhiên, lắng nghe hay không vẫn là “quyền” của nhà quản lý cấp bộ và thành phố!!!

Hà Nội vẫn mở rộng để đạt top 20 thành phố quy mô lớn nhất thế giới. Có dự án dừng không thực hiện như khách sạn kim cương, công trình xây trên phố 19-12, cổng chào mừng 1000 năm…, có cái vẫn phá như Nhà quốc hội hay hàng trăm biệt thự được tách biệt trong từng danh sách không được gắn kết trong hình thái không gian chung để dần dần bị hủy diệt như cả đoạn cuối phố Lý Thường Kiệt hoặc giữa phố Nguyễn Du ven hồ…

Gần đây nhất là dự án xây dựng công trình cao tầng tại số nhà 32-38 phố Lê Thái Tổ thay thế dãy nhà phố cửa hiệu đẹp, tiêu biểu bậc nhất của Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc. Điều đáng buồn là tại hội đồng kiến trúc – quy hoạch Thủ đô, các hội chuyên ngành từ trung ương đến thành phố ban đầu đã từng cương quyết phản đối, sau lại phát biểu ý kiến chung chiêng, lợi nhiều cho chủ đầu tư và phần hại lớn cư dân đô thị lại hứng chịu. Họ không biết hoặc không nghĩ mình đã chung tay phá mất những hình ảnh kí ức của một trong những đô thị hiếm hoi trên thế giới có tuổi trên ngàn năm.

Một khu tập thể Giảng Võ cũ và những nhà đầu tư mới xé lẻ từng dự án liệu có ra một đô thị mới chất lượng hơn không?
Sự liên tưởng giữa Bảo tàng phòng không – không quân và nhà hát thành phố

Hà Nội: đô thị đặc biệt với tính chất Thủ đô

Hà Nội là Thủ đô, là của chung cả nước. Nơi đây đại diện cho văn hóa, nghệ thuật kiến trúc… của cả một quốc gia, “lắng hồn núi sông ngàn năm”. Không phủ nhận những công trình đẹp đã được tạo dựng nên một cách nhanh chóng nhưng các giới ngành liên quan cần nhìn nhận khách quan để có hướng đi đúng trong việc khuyến khích tạo dựng kiến trúc, đô thị. Hà Nội sẽ đẹp với không chỉ từng công trình tách biệt, riêng lẻ mà phải trong sự kết nối tổng hoà của tập hợp những công trình kiến trúc giá trị. Mỗi kiểu dáng kiến trúc Hà Nội cũng sẽ cùng với TP HCM là tấm gương, là định hướng, hình ảnh đó sẽ được các tỉnh thành noi theo.
Thật vui khi gần đây, có nhiều người làm nghề với tư cách cá nhân đã nhiệt huyết, khuấy động tạo sự đồng thuận, hưởng ứng từ cấp thành phố đến các tầng lớp nhân dân và đô thị chúng ta có được những không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, bổ khuyết cho không gian sinh hoạt cộng đồng vốn yếu và thiếu tại Hà Nội cùng với việc cải tạo chỉnh trang bộ mặt các tuyến phố xung quanh hồ, phố sách 19-12 được dựng lên thay thế chỗ đỗ ô tô của quan chức thời nay hay suýt nữa thì đã là tòa nhà cao tầng nếu không có những ý kiến phản biện sâu sắc của hơn 10 năm trước.

Câu hỏi trắc nghiệm: Đâu là công trình được cấp phép xây dựng?

Đó là những người như: KTS Trần Huy Ánh nhiệt huyết cùng các bạn trẻ cháy hết mình đã từng bước phục hồi không gian sân chơi trẻ em tại các điểm dân cư, cùng các nghệ sỹ trong và ngoài nước hoàn thành đoạn phố bích họa Phùng Hưng, tạo điểm sinh hoạt mới cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô; KTS Khuất Tân Hưng kiên định trong việc bảo vệ di sản đô thị là cả quá trình phát triển đô thị và gửi chính kiến tới từng công trình kiến trúc trên phạm vi cả nước…

Thế nhưng vấn nạn vẫn liên tục diễn ra hàng ngày: Các công trình đã và đang xây dựng đột biến cao trên 10 tầng giữa lõi phố cổ mà quy định chỉ được phép 03 tầng lớp ngoài và tối đa không quá 04 tầng lớp trong, những tòa nhiều tầng trong khu phố cũ với lí do lãng xẹt là điểm nhấn, phù hợp quy chế quản lý nhà cao tầng (mà nội dung có thể coi là hợp thức hóa các “thiếu sót” trong quản lý), hay còn đó cả một khu dự án lớn như tập thể Giảng Võ mà chia mỗi chủ đầu tư xây một tòa nhà kiểu, thức khác hẳn nhau, quy mô tầng cao vượt quá cả khách sạn Hà Nội 18 tầng xây dựng năm 1994 hoặc các dự án xây dựng nhiều tầng trên trung tâm triển lãm Giảng Võ, Vạn Phúc đi ngược lại mục tiêu giảm dân số 4 quận nội đô lịch sử xuống còn 1,2 triệu!!!

Các hội xã hội – nghề nghiệp cần phản biện với tiếng nói của những nhà khoa học chân chính, tâm huyết với Thủ đô. Và cũng có thể nói, sự phản biện giờ không chỉ đến từ sự định hướng của các nhà chuyên môn mà đang từ phía trình độ hiểu biết ngày càng nâng lên của quần chúng, cư dân Thủ đô Hà Nội, đòi hỏi chất lượng đô thị, sản phẩm kiến trúc xứng tầm.

Thật khó trách khi quản lý đến 10 năm sau mở rộng mà Hà Nội đến giờ vẫn chưa có Chương trình phát triển đô thị thì làm sao kiểm soát đô thị này phát triển tốt được. Nhưng ai đó liên đới cũng cần hiểu rằng Hà Nội là Thủ đô của cả nước và mỗi cá nhân được xã hội giao chức trách nhưng không có quyền biến đô thị này là nơi thực nghiệm những mục đích cá nhân của mình.

Phê – Bình không ngại “lăn tăn” quan hệ, khen chê đúng mức – mực, có thể đến độ chủ đầu tư nóng mặt, KTS nóng mắt nhưng chắc chắn đó là cách làm nóng thêm bầu nhiệt huyết của KTS trong việc tạo dựng các tác phẩm kiến trúc mới có giá trị, đóng góp cho bộ mặt kiến trúc Thủ đô Hà Nội lịch sử và nhân văn này.

Nguyễn Phú Đức*

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2018)