Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trong các khu nhà phức hợp của Thành phố Đà Nẵng

Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan (KGKTCQ) trong các khu nhà phức hợp của TP Đà Nẵng không còn là ý tưởng mới mà đó là một nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa mang chiến lược trong quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng. Bài viết đưa ra hai vấn đề, vừa có tính thời sự, vừa là những bài học từ Quản lý quy hoạch của các nước, thảo luận và đề xuất những giải pháp thích hợp góp phần hoàn chỉnh hệ thống quy hoạch và bảo vệ kết quả quy hoạch cảnh quan thành phố: (1) Phát triển hỗn hợp, (2) Tích hợp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường không gian KTCQ trong các khu nhà phức hợp. Khi giải quyết hai vấn đề này, bài báo nhấn mạnh đến các khu nhà phức hợp – một phần quan trọng tham gia hình thành và phát triển các khu vực trung tâm, đồng thời cũng là loại hình ở công nghệ cao, thành phần tạo xương sống cho sự phát triển của TP. Vì thế, tác giả lấy các khu nhà phức hợp như một trường hợp điển hình để đề xuất, thêm phần minh chứng cụ thể.

Đặt vấn đề

Quản lý KGKTCQ trong các khu nhà phức hợp TP Đà Nẵng có ít nhất hai vấn đề: (1) Phát triển hỗn hợp: Trong đó nhà ở và dịch vụ được tích hợp. Thiết kế giao diện giữa tầng trệt và vỉa hè đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoặc ngăn ngừa sự gặp gỡ giữa toà nhà và TP (Gehl 2012[9]). Gehl cũng cho rằng mặt tiền với tầng trệt mở tạo điều kiện cho sự gặp gỡ của các toà nhà với TP cũng như tạo ra cuộc sống vỉa hè sống động. Whyte (1980) nhấn mạnh tầm quan trọng của công viên và quảng trường là các không gian tương tác.

Tại những nơi có giá trị địa điểm cao chỉ nên xây dựng các công trình công cộng có nhiều chức năng có thể cộng sinh. Các công trình kiến trúc cao tầng đơn lẻ, thiếu sự tương quan về tỷ lệ, về phông hình, điểm nhấn và đặc biệt thiếu các không gian công cộng đa chức năng, không đáp ứng sinh hoạt đa dạng của cộng đồng thì phải dần dần thay thế bằng những kiến trúc cao tầng cọng sinh, khu nhà ở phức hợp đa chức năng. Nguyên nhân chủ yếu là chỉ xem xét hiệu quả của dự án phát triển dưới góc độ kinh tế thuần túy, bỏ qua hiệu quả về môi trường và xã hội…

Trước đây chương trình đổi đất lấy hạ tầng trong phát triển đô thị là một chiến lược có chủ ý của TP nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Chương trình này cũng đóng góp một phần tích cực cho TP nhưng về sau đã có lúc thất bại khi các nhà phát triển đã không giao trả được hạ tầng như đã cam kết trong quy hoạch được duyệt. Mặt tiêu cực là việc vay mượn có thể dẫn đến sự xung đột với những người mong muốn giữ gìn bản sắc và văn hóa truyền thống của đất nước.

(2)Tích hợp giữa phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường KGKTCQ trong các khu nhà phức hợp: Starke và Simonds [12] từng cảnh báo “Chúng ta xây dựng, phát triển ồ ạt để rồi tự đặt bẫy, biến mình thành nạn nhân của chính mình”. Phát triển không bền vững đã vô tình phá đi những giá trị sinh thái, thẩm mỹ tự nhiên, cảnh quan văn hoá, truyền thống như Forman đã chỉ ra [8].

Sử dụng đất hỗn hợp đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị bền vững (Jabareen 2006 [10]). Sử dụng đất hỗn hợp liên quan đến hỗn hợp hoạt động và dịch vụ. Từ quan điểm bảo vệ môi trường, các khu vực sử dụng đất hỗn hợp mang lại sự gần gũi giữa các hoạt động khác nhau và làm giảm nhu cầu đi lại và sử dụng ô tô. Trong khía cạnh công bằng xã hội, sử dụng đất hỗn hợp tạo ra những không gian đô thị khác biệt phục vụ cho các nhóm dân khác nhau. Yêu cầu thay thế giao thông cá nhân như ôtô và xe máy bằng hệ thống giao thông công cộng và tầm quan trọng của việc người dân tham gia lập quy hoạch đã được công nhận.

Khả năng tiếp cận được xem xét như là thước đo công bằng xã hội trong môi trường xây dựng và đề cập đến “Sự công bằng trong phân phối các tài nguyên” (Dempsey và cộng sự, 2011[7]).

Hoạt động trong các không gian công cộng tạo ra cuộc sống trong TP (Jacobs 1961, Gehl 2012 [9]). Sử dụng hỗn hợp và khả năng tiếp cận là những yếu tố cơ bản của không gian công cộng.

Hạ tầng xanh phải được coi là nền tảng của quản lý KGKTCQ trong các khu vực trung tâm, nơi có tiềm năng kinh tế cần được khai thác, phát triển hiệu quả. Xanh hoá (greening) là nguyên tắc thiết kế và quy hoạch quan trọng trong phát triển bền vững (Jabareen 2006 [10])

Xanh hoá thông qua quy hoạch công viên và không gian xanh đô thị không chỉ làm tăng sức hấp dẫn đối với môi trường sống mà còn đóng góp vào giao tiếp xã hội và ý thức cộng đồng.

Kết nối là một yếu tố bền vững của khu dân cư (Talen 2006 [13]). Chính quyền kiểm soát phát triển đô thị thông qua định hướng và quy định.

Trong giai đoạn hiện nay, với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, Quản lý KGKTCQ trong các khu nhà phức hợp, với tư cách là một thành phần của hệ sinh thái tự nhiên, có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Đà Nẵng phát triển không thể không rút ra từ những bài học kinh nghiệm quý giá này.

Bàn luận và hướng giải quyết vấn đề

Nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý điều phối thông qua các quy chế, chính sách và phê duyệt đồ án quy hoạch, việc quản lý, phát triển và vận hành hoàn toàn do các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau thực hiện. Rõ ràng là quá trình huy động các nguồn lực kinh tế này đã giảm hẳn gánh nặng nhà ở của Nhà nước, song cũng làm cho nhà nước mất dần thế độc quyền trong công tác đô thị hoá (L. Pandolfi, 2010). Các nhà đầu tư, chủ yếu thường chỉ quan tâm tới hiệu quả kinh tế của dự án, trong khi đó người dân lại mong muốn hiệu quả về môi trường, văn hóa, xã hội. Vì vậy, nhìn nhận sự phát triển KTCQ dưới góc độ kinh tế, mang lại nhiều hiệu quả đáp ứng được nhiều chủ thể, là một vấn đề quan trọng của KTCQ trong nền kinh tế thị trường.

Xu hướng chủ đạo này cho thấy nhận thức về nội dung “lập quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng” như là một yếu tố của phát triển đô thị bền vững. Và là sự ủng hộ mạnh mẽ cho trào lưu của các phản biện xã hội trên cơ sở đòi hỏi của các tầng lớp dân cư về sự dân chủ, công khai, minh bạch trong các quyết định liên quan đến quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Nó cũng là một yếu tố quan trọng làm nên sự ổn định xã hội tích cực, bảo đảm phát triển đô thị bền vững về mặt xã hội và chính trị. Điều chỉnh Quy hoạch chung [4] đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là mở rộng đô thị và cũng áp dụng mạnh mẽ các xu hướng vừa nêu.

Trên cơ sở các phân vùng cảnh quan việc bảo vệ các không gian mở là một trong những nguyên tắc giúp cân bằng hiệu quả kinh tế với các hiệu quả về văn hóa – xã hội và môi trường. Đây cũng là sự cụ thể hóa nguyên tắc phát triển trên cơ sở bảo tồn cảnh quan thiên thiên. Để đảm bảo KTCQ không gian trong các khu nhà ở phức hợp có tính hiệu quả cao, nó phải là nơi thu hút được các hoạt động cộng đồng, thu hút tới các không gian ẩm thực, mua sắm… Vì vậy, bên cạnh việc hình thành KTCQ từng khu vực, cần xét đến các yếu tố giá trị địa điểm, vị trí… Các phân đoạn KTCQ không gian cũng cần tích hợp để tạo ra không gian KTCQ có các hoạt động cộng sinh, nâng cao hiệu quả thẩm mỹ, sử dụng địa điểm hợp lý.

Giải pháp tổ chức KTCQ hiệu quả trên cơ sở giá trị địa điểm tổng hợp là một giải pháp phát triển có tính đến yếu tố “động” của tính hiệu quả đối với không gian xây dựng, cũng như không gian mở trong khu QH, do đó tại mỗi giá trị địa điểm, cần xác định trước phần không gian mở dành cho hoạt động công cộng và cảnh quan tự nhiên là các không gian phải giữ gìn bảo vệ trước sự phát triển của KTCQ. Chính vì vậy, giải pháp tổ chức KTCQ hiệu quả cho khu vực này là QHCQ theo kiểu tập trung theo mô hình “khu đô thị nén”, sử dụng đất linh hoạt cho nhiều mục đích. Các công trình kiến trúc sẽ là địa điểm ưu tiên phát triển các công trình cao tầng, hợp khối lớn. Đây sẽ được hình dung là khu vực thu hút các hoạt động du lịch, thương mại, giải trí…có tính chất như một khu “đô thị du lịch ”.

Hình 2.1. Sơ đồ định hướng tổ chức KTCQ. khu nhà phức hợp trên cơ sở các giá trị tổng hợp của địa điểm
Hình 2.1. Sơ đồ định hướng tổ chức KTCQ. khu nhà phức hợp trên cơ sở các giá trị tổng hợp của địa điểm
Hình 2.2. Mặt cắt ngang KTCQ đoạn qua trung tâm đô thị đang phát triển mạnh – đặc trưng hình thái CQ là đường lòng chảo lõm mạnh về phía dưới
Hình 2.2. Mặt cắt ngang KTCQ đoạn qua trung tâm đô thị đang phát triển mạnh – đặc trưng hình thái CQ là đường lòng chảo lõm mạnh về phía dưới

Giải pháp tổ chức không gian KTCQ vùng cảnh quan chuyển tiếp, giá trị tổng hợp của địa điểm vẫn rất cao, đặc biệt các tiêu chí về các thành phần nhân tạo và xã hội chiếm ưu thế. Các dự án KTCQ hiệu quả rất cần tính tới giá trị đầu vào cao, do đó cần tiết kiệm diện tích đất. Trên cơ sở đó, bài báo đề xuất giải pháp tổ chức KTCQ hiệu quả trong các khu nhà ở phức hợp có 3 hình thức quy hoạch cảnh quan như sau:

  • Kiểu chu vi, Không gian xây dựng mật độ cao, hệ số sử dụng đất cao, và đa chức năng sẽ được bố trí vây quanh một không gian mở công cộng. Tuy nhiên vẫn lấy góc tới hạn 45 độ để khống chế chiều cao các công trình cao tầng;

    Hình 2.3. Giải pháp tổ chức KTCQ kiểu chu vi, theo dải dọc tuyến cảnh quan
    Hình 2.3. Giải pháp tổ chức KTCQ kiểu chu vi, theo dải dọc tuyến cảnh quan
  • Giải pháp QHCQ kiểu ô cờ: Bao gồm những dải cây xanh tạo cấu trúc cho KGVS. Một mạng ca rô xanh cung cấp một khung cấu trúc không gian, trong đó các thành phần đô thị có thể được lấp đầy bên trong các ô đó. Kết quả là chúng ta có một mạng lưới các tuyến xanh kiểu ô cờ, kết nối các khu vực chức năng và với các không gian mở công cộng (hồ, ao, công viên, vườn hoa.)
Hình 2.4. Giải pháp QHCQ kiểu ô cờ
Hình 2.4. Giải pháp QHCQ kiểu ô cờ
  • Giải pháp QHCQ kiểu đan cài: Định hướng cơ bản của giải pháp là xen kẽ giữa không gian trống và không gian xây dựng. Điều này cho phép áp dụng cấu trúc cảnh quan P-C-M vào cấu trúc KTCQ KGVS trong đô thị. Sự liên hệ này cho phép chúng ta cân bằng mối quan hệ giữa không gian xây dựng và không gian mở tự nhiên.
Hình 2.5. Giải pháp QHCQ kiểu đan cài – sử dụng tại các vùng cảnh quan có hệ sinh thái cần bảo vệ
Hình 2.5. Giải pháp QHCQ kiểu đan cài – sử dụng tại các vùng cảnh quan có hệ sinh thái cần bảo vệ

Kết luận

  • Quản lý QHKTCQ cần đi trước một bước về tầm nhìn, trên cơ sở lý luận và thực tế, đặc biệt là từ góc nhìn phát triển bền vững để có được một thành phố chuẩn mực vừa phát triển vừa giữ được sắc thái Đà Nẵng – TP đáng sống, nhất là trong các khu nhà phức hợp;
  • Khai thác các nguồn tài nguyên, tăng tính đa chức năng của cảnh quan, để tạo ra các hiệu lực tác động đến hiệu quả kinh tế, và đảm bảo môi trường và các giá trị khác như thẩm mỹ, thưởng ngoạn, hay cao hơn là các giá trị xã hội như công bằng, đạo lý giữa người với người, người với tự nhiên…;
  • Cần có sự kết hợp giữa chính quyền, nhà đầu tư, nhà chuyên môn về KTCQ và nhất là trên cơ sở vì lợi ích của nhân dân địa phương, nên cần có sự tham gia của họ để có tiếng nói chung…;
  • Cần có một hành lang pháp lý vừa mở, linh hoạt vừa khép, nhất là nới rộng tính sáng tạo, định hướng chiến lược trong quy hoạch nhưng nhất quyết hạn chế nghiêm khắc khi các giá trị mâu thuẫn, nhất là khi trong kế hoạch tổ chức KTCQ vượt ngưỡng cho phép, có tiềm ẩn nguy cơ làm hỏng một phần hay các giá trị tổng thể trong tương lai.
  • Kinh nghiệm cho thấy Chính quyền bao giờ cũng là yếu tố quyền lực mang tính quyết định thực hiện cao nhất, nhưng lại thường thiếu thông tin về chuyên môn và thông tin về nhà đầu tư. Vì vậy, ý kiến chuyên gia và lấy ý kiến có định hướng sâu và rộng, nhất là trong phản biện công tâm, là những giá trị cần tham khảo đúng mức.

TS. Lê Thị Ly Na
Giảng viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
© Tạp chí Kiến trúc


Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt
1. Bộ Chính Trị (2008), NQ số 33-NQ/TW về Xây dựng và Phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
2. Lê Thị Ly Na, (2017), Tổ chức không gian KTCQ nhằm khai thác hiệu quả khu vực ven sông trong các đô thị duyên hải Trung Bộ (Áp dụng cho thành phố Đà Nẵng). ( Luận án Tiến sỹ, trường Đại học Xây dựng Hà Nội).
3. UBND thành phố Đà Nẵng (2010), Quyết định số 7099/QĐ/17/9/2010 về phê duyệt tổng thể ngành TT,VH và Du lịch đến năm 2020.
4. Viện Quy hoạch Xây dựng TP Đà Nẵng, (2013), Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Tiếng Anh
5. Christensen, A. J.(2005), Dictionary of Landscape Architecture and Construction, McGraw Hill, New York.
6. Corner, J. (1999), Recovering Landscape, Princeton Architectural Press, New York.
7. Dempsey, N., Bramley, G., Power, S. and Brown, C. (2011). The social dimension of sustainable development: Defining urban social sustainability, Sustainable Development 19, pp. 289-300
8. Forman, R. T.(1995), Land Mosaics: The Ecology of Landscapes and Regions,Cambridge University Press, Cambridge.
9. Gehl, J. (2012).Cities for People, Island Press, Washington, DC, USA.
10. Jabareen, YosefRafeq (2006) Sustainable urban forms: Their Typologies, Models,
11. Robert, L., Thayer, Jr.(1977), Grey World, Green Heart: Technology, Nature and Sustainable Landscape, Wiley.
12. Starke, B., & Simonds, J. O. (2013), Landscape Architecture, Fifth Edition: A Manual of Environmental Planning and Design, Mc Graw Hill, New York.
13. Talen, E (2006) Design for Diversity: Evaluating the ContextofSocially
14. WALDHEIM, C. (2006), Landscape Urbanism – Reader, Princeton Architectural Press, New York.