Quyết liệt, cần nhưng chưa đủ!

Việc lập lại trật tự vỉa hè đang là vấn đề nóng được nhiều người quan tâm. Theo UBND TP.HCM thì thành phố có 2.271 tuyến đường có vỉa hè và 2.958 tuyến đường không có vỉa hè. Theo số liệu trên trang soha.vn thì TP.HCM hiện có khoảng 12 triệu mét vuông vỉa hè. Nhưng vỉa hè là vấn đề nóng không chỉ bởi quy mô to lớn của nó mà ở tầm ảnh hưởng và liên quan đến tất cả mọi người trong đô thị này. Trân trọng giới thiệu ý kiến của KTS Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam xung quanh vấn đề nóng này dưới góc nhìn chuyên môn. 

Xung quanh vấn đề vỉa hè ở TP.HCM và một số đô thị trong cả nước, đã có quá nhiều thông tin và cũng có quá nhiều ý kiến. Dưới góc nhìn chuyên môn, tôi xin nêu rõ mấy điều cần khẳng định và nhấn mạnh.

Thứ nhất, vỉa hè, nói nôm na là lề đường dành cho người đi bộ nhưng nói một cách đầy đủ, đây là một không gian đa chức năng của đô thị, thuộc sở hữu công cộng. Ngoài việc đi bộ, vỉa hè còn được dùng làm nơi buôn bán, kinh doanh, chỗ đậu xe, làm mặt bằng tổ chức các hoạt động sinh hoạt đô thị, v.v. Tất cả các đô thị lớn trên thế giới đều có vỉa hè đô thị đa chức năng. Báo chí nêu nhiều hình ảnh được quy hoạch, thiết kế, tổ chức tốt để làm ví dụ. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, thế giới cũng có nhiều nơi tổ chức khai thác vỉa hè không hẳn là tốt ví dụ như chợ ẩm thực hè phố ở Bangkok, các lề đường làm bãi để xe máy ở Đài Bắc, v.v. Vỉa hè của các đô thị trên thế giới không nhất thiết là hình mẫu nhưng vẫn có thể là ví dụ để rút kinh nghiệm học tập.

Thứ hai, về quy hoạch, ta phải trả lời cho được câu hỏi, “ta có những nhu cầu nào cần thiết phải có ở vỉa hè và không gian đa chức năng thuộc sở hữu công cộng đó đáp ứng được nhu cầu ở mức độ nào? Nếu không đủ điều kiện đáp ứng tất cả thì các chức năng đi bộ, kinh doanh, buôn bán, để xe được ưu tiên theo thứ tự nào?”.  Muốn trả lời câu hỏi đó thì việc đầu tiên là đo chiều rộng vỉa hè rồi căn cứ thực tế nhu cầu, chỗ nào rộng trên 3 mét thì có thể vừa để đi bộ vừa bán hàng, v.v. cứ thế mà phân chia ra. Như vậy là ta đã có quy hoạch phù hợp.

Thứ ba, về quản lý, nếu đã có quy hoạch phù hợp thì ta cần triển khai và quản lý, tức là giữ cho được quy hoạch đó. Ở đây cần cả vai trò quản lý của chính quyền và sự hợp tác xây dựng, ý thức gìn giữ của cư dân đô thị. Nếu một trong hai hoặc cả hai yêu tố bị buông lỏng thì sẽ xảy ra nạn lấn chiếm vỉa hè, mất trật tự, đó là thực tế đáng buồn đang diễn ra ở thành phố ta. Muốn xử lý thì phải tìm đúng nguyên nhân. Ví dụ như ta nói vỉa hè bị lấn chiếm thì phải phân loại, thực ra chỉ có hai dạng lấn chiếm, hoặc là do chủ nhà mặt tiền tại chỗ lấn chiếm (đa phần là kiến trúc cố định) và người từ nơi khác đến lấn chiếm (đa phần là vật dụng cơ động). Việc “lập lại trật tự vỉa hè” đang được dư luận quan tâm hiện nay thực chất là làm công việc dẹp đi sự lấn chiềm này.

Thứ tư, về mặt kiến trúc, vỉa hè là một không gian hẹp, trống. Khi triển khai quy hoạch cho công năng sử dụng ở phần hai, cần phải có giải pháp tổ chức mặt bằng, đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo giao thông, vệ sinh, v.v. phù hợp. Đây là giải pháp kỹ thuật thuần túy của kiến trúc.

Như vậy ta đã thấy, sử dụng vỉa hè như thế nào là một quá trình của việc tổ chức quy hoạch, thiết kế và quản lý đô thị. Đó là cả một quá trình đồng bộ và kéo dài, thường xuyên, liên tục. Việc giành lại vỉa hè như quận 1 và các quận – huyện khác đang tiến hành như vừa qua là cần thiết. Sự quyết liệt là cần thiết, nhưng như vậy là chưa đủ. Rất nhiều việc đã được các cấp chính quyền nêu ra và thực thi. Về lâu dài, ta vừa phải hoàn thiện là quy hoạch đô thị trong đó có vỉa hè vừa phải tố chức triển khai quy hoạch, và vận động cư dân đô thị nâng cao ý thức văn hóa thị dân, hợp tác với các cấp chính quyền giữ gìn trật tự vỉa hè, văn minh đô thị.

“Chiến dịch giành lại vỉa hè tại Việt Nam 2017 là cuộc chiến chống lấn vỉa hè, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ bắt đầu vào ngày 16 tháng 1 tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh rồi tới thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố, địa phương khác ở Việt Nam”. (Trích mở đầu nội dung mục từ “Chiến dịch giành lại vỉa hè tại Việt Nam 2017”)

Văn hóa vỉa hè là không thể tách rời trong đời sống của người dân

Bằng quan sát của mình, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng văn hóa vỉa hè là không thể tách rời trong đời sống của người dân ở tất cả các đô thị nổi tiếng trên thế giới, như Tokyo, Paris, London hay New York. Vì thế, cần có thứ tự ưu tiên trong việc sắp xếp các chức năng của vỉa hè tại TP.HCM nói riêng và các đô thị Việt Nam nói chung. Về ưu tiên, thứ nhất, mỗi vỉa hè phải dành không gian đủ rộng cho người đi bộ, tối thiểu từ 1,6m đến 2m. Những vỉa hè nào nhỏ hơn 2m thì không được phép tổ chức các hoạt động đường phố. Bên cạnh đó, vỉa hè tại trụ sở của các đại sứ quán, bảo tàng, hay những nơi trang nghiêm, vỉa hè những con đường nội bộ trong các khu biệt thự ngoại giao hoặc cao cấp, v.v. cũng không được phép tổ chức sinh hoạt vỉa hè. Với những tuyến đường có bề rộng lớn hơn 2m thì nên chủ động lấy ý kiến của các bên liên quan như chính quyền địa phương, người dân sinh sống, buôn bán hai bên đường, người đi bộ, khách du lịch, v.v. để có giải pháp phân khu chức năng hợp lý. “Điều quan trọng là người đi bộ có đủ chỗ để đi và những người kinh doanh cũng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ. Nên tổ chức, hướng dẫn lại việc sử dụng vỉa hè sao cho hợp lý, để giữ gìn và phát triển bản sắc riêng cho đô thị chúng ta”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói. (Theo Tuổi trẻ ngày 3.3.2017)

Xem thêm: Tản mạn chuyện vỉa Hè Hà Nội

Khảo sát toàn diện hoạt động vỉa hè

Cần phải có một khảo sát toàn diện hoạt động vỉa hè trên mỗi đường phố, trước mắt tập trung vào các đường phố của khu vực trung tâm, nơi có nhiều hoạt động thương mại,văn hóa và du lịch. Các cơ quan chức năng cần dựa vào vị trí, chiều rộng của từng vỉa hè cụ thể đề xác định vỉa hè nào đủ tiêu chuẩn làm cả ba chức năng vừa đảm bảo hoạt động đi bộ, bán hàng rong và để xe máy. Vỉa hè nào chỉ cho phép bán hàng rong và cho người đi bộ. Và cuối cùng là vỉa hè chỉ dành cho đi bộ và để xe máy (như vỉa hè 3m). Cũng cần có các thiết kế đô thị từng tuyến phố để có vị trí hợp lý cho trồng cây xanh; đặt trạm ATM, điện thoại công cộng, thùng rác trên vỉa hè. (KTS Phạm Thanh Tùng – Theo trang Bất động sản Việt Nam ngày 7.3.2017)

Công tác thực thi “trả lại” vỉa hè

“Việc thực hiện “trả lại” vỉa hè cho người đi bộ cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi. Việc quy đầu mối và trách nhiệm quản lý vỉa hè cần được xác định rõ. Với các trường hợp cố tình vi phạm thì phải xử phạt thật nghiêm. Cần phải có cơ chế tạo bãi đỗ xe trong các khu phố và có cơ chế quản lý sao cho hiệu quả”. (TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội – Theo Lao Động ngày 8.3.2017)

Kinh nghiệm từ các đô thị khác

“Ở Phú Mỹ Hưng không có chuyện nhà sai quy hoạch, không có chuyện buôn bán tràn lan ra vỉa hè hay muốn đậu xe ở đâu thì đậu, v.v. Có thể nói, chính năng lực quản lý đã làm nên một hình ảnh Phú Mỹ Hưng đẹp trong trật tự. Phú Mỹ Hưng đã quy hoạch, xây dựng tổng thể, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân và tổ chức những khu buôn bán tiện nghi, tập trung, nên bảo đảm được bộ mặt đô thị.” (GS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa – chuyên gia cao cấp, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM – Báo Công an TP.HCM ngày 14.3.2017)

“Phú Mỹ Hưng là đô thị kiểu mẫu, nên việc thực hiện chủ trương của thành phố và quận 7 về trật tự lòng, lề đường được tiến hành từng bước. Đầu tiên là thông báo nhắc nhở việc thực hiện quy định đến các hộ kinh doanh và người dân buôn bán trên vỉa hè. Với hộ kinh doanh có nhà mặt tiền thì kẻ vạch sơn trên vỉa hè, chừa lối cho người đi bộ; với người buôn bán hàng rong thì sắp xếp lại khu vực mua bán, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, v.v. Bước tiếp theo là cử cán bộ xuống tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật. Cuối cùng là phối hợp với công an, trật tự đô thị quận cùng lực lượng của Phú Mỹ Hưng tiến hành cưỡng chế những ai không chấp hành. Với cách tiến hành chặt chẽ, kiên quyết như vậy, đến nay trên địa bàn phường chưa xảy ra vụ việc phức tạp nào về giữ gìn trật tự lòng lề đường. Điều này đã đem lại cảnh quan sạch đẹp, thoáng đãng, văn minh cho Phú Mỹ Hưng.” (Ông Võ Anh Huy, Chủ tịch UBND P. Tân Phong, Q.7 – Báo Công an TP.HCM ngày 14.3.2017)

“Tôi đã thấy nhiều tuyến phố, đặc biệt ở quận 1, quận 3, Phú Nhuận, v.v. thông thoáng, sạch đẹp hơn sau khi thành phố ra quân xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm via hè. Tuy nhiên, giá như thành phố kết hợp công tác “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ với công tác chỉnh trang đô thị, tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường, xử phạt nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi thì TP.HCM sẽ đẹp hơn, văn minh hơn”. (Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM – Theo SGGP ngày 20.3.2017)

“Với tôi Singapore, Hong Kong hay nhiều quốc gia khác đáng ngưỡng mộ không phải vì họ quy hoạch vỉa hè nói riêng và đô thị nói chung rất tốt. Quy hoạch chỉ là một phần, nhất là mỗi thành phố có đặc điểm kinh tế, văn hóa, khí hậu khác nhau nên quy hoạch không thể giống nhau, điều quan trọng là sự kỷ cương của nền hành chính của họ khi thực thi các ý tưởng quy hoạch. Tôi nghĩ các kiến trúc sư Việt Nam thừa biết phải thiết kế vỉa hè thế nào để vừa tiện lợi vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa của mỗi thành phố, vỉa hè Hà Nội chắc chắn phải khác Sài Gòn, Huế phải khác Cần Thơ. Tất nhiên học hỏi kinh nghiệm các thành phố trên thế giới là điều nên làm nhưng hãy tin vào năng lực của các chuyên gia Việt”. (TS Lê Hồng Giang, chuyên gia tài chính – trang cafef.vn ngày 22.3.2017)

Xem thêm: Nhìn ra thế giới: Quản lý vỉa hè thế nào?

Theo KTS Khương Văn Mười/Tạp chí Kiến trúc & Đời sống