Sông Cầu – Huyết mạch quan trọng của TP Thái Nguyên

Sông Cầu là con sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam. Sông Cầu chảy qua trung tâm TP Thái Nguyên, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kết nối không gian cảnh quan giữa hai bờ Đông – Tây của TP, là con đường giao lưu kinh tế huyết mạch quan trọng của Thái Nguyên qua nhiều thế kỷ, là cầu nối giao lưu giữa các vùng văn hóa của các dân tộc anh em trên đất Thái Nguyên.

Khu hành chính hiện hữu

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cảnh quan kiến trúc ven sông Cầu đoạn chảy qua TP chưa được khai thác sử dụng nhiều – TP chưa khai thác được vẻ đẹp của sông Cầu cũng như các giá trị về văn hoá đặc trưng của địa phương. Mặt khác, chất lượng môi trường nước của sông Cầu đang bị ô nhiễm do chất thải từ các nhà máy, khu công nghiệp ở đầu nguồn nước. Để khắc phục tình trạng nêu trên, cần có giải pháp cụ thể, tổ chức bảo vệ và phát triển không gian cảnh quan kiến trúc ven sông Cầu, nhằm góp phần cải thiện chất lượng, môi trường sống, tăng giá trị về bản sắc văn hoá của đô thị, địa phương; xác định vai trò quan trọng của cảnh quan kiến trúc ven sông Cầu, là huyết mạch quan trọng của đô thị Thái Nguyên.

Không gian ven sông là không gian rộng, dài và đa chiều. Là sự phối kết của nhiều dạng không gian khác nhau, cả tự nhiên và nhân tạo. Tổ chức cảnh quan kiến trúc ven sông là sự sắp xếp, bố trí các thành phần yếu tố thiên nhiên (Địa hình, mặt nước, bầu trời, cây xanh, hoa cỏ, con người,…) và các thành phần yếu tố nhân tạo (Kiến trúc công trình, giao thông, các trang thiết bị kỹ thuật, các tác phẩm nghệ thuật..).

Theo GS.TS Nguyễn Thế Bá: “Hầu hết các đô thị được xây dựng và phát triển gần sông, biển và hồ. Từ xa xưa, giao thông đường thuỷ đã trở thành một trong những động lực mạnh thúc đẩy sự phát triển của đô thị”. Các đô thị trên thế giới và cả Việt Nam đều nằm trong những quy luật phát triển tất yếu – Đó là phát triển của giao thông đường thuỷ. Ngoài ra, việc lựa chọn vị trí đô thị còn phụ thuộc vào một số yếu tố như sau: Thuận tiện cho việc thông thương buôn bán; sử dụng nguồn nước (các nền văn minh lúa nước) và chống ngoại xâm.

Những tồn tại về cảnh quan kiến trúc ven sông Cầu, đoạn chảy qua TP. Thái Nguyên

  • Chưa được đầu tư xây dựng hệ thống đê, kè sông đồng bộ, nhiều khúc sông sau mùa mưa lũ thường bị biến dạng do phù sa và chế độ dòng chảy. Hệ thống đê, kè chỉ mang tính phòng chống lũ, chưa khai thác được giá trị thẩm mỹ và mỹ quan của khu vực ven sông.
  • Thiếu nghiêm trọng hệ thống cầu qua sông, một số cây cầu chỉ mang tính tạm bợ chưa đủ quy mô, chất lượng, giá trị thẩm mỹ để đáp ứng nhu cầu thông thương, qua lại giữa hai bên bờ sông (cầu treo Bến Oánh, cầu treo Huống).
  • Cây xanh hầu như chưa được đầu tư, chủ yếu là các loại cây phòng hộ như tre, trúc, sung và các cây ăn quả của khu dân cư. Khu vực sát bờ sông chủ yếu là cây lau, sậy mọc tự do, um tùm không đảm bảo mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường.
  • Các công trình kiến trúc ven sông chưa được đầu tư nhiều về mặt thẩm mỹ, chủ yếu chỉ quan tâm đến giá trị sử dụng; quy mô nhỏ, xây dựng tự phát, nên nhìn tổng thể khu vực ven sông thể hiện một sự lộn xộn, nghèo nàn.
  • Các khu chức năng hiện có chưa có sự gắn kết với cảnh quan xung quanh đặc biệt chưa có sự gắn kết với sông Cầu, không phát huy được các giá trị về thẩm mỹ, tinh thần, không tận dụng được vẻ đẹp tự nhiên của sông Cầu.
  • Một số khu vực ven sông không khai thác được tầm nhìn, chắn các hướng tiếp cận từ các tuyến đường ra sông.
  • Các khu dân cư ven sông thường xả thẳng phân ro, nước thải, rác thải sinh hoạt ra sông gây ra nhiều khí, mùi khó chịu và làm ô nhiễm môi trường chung của khu vực.
  • Các nhà máy, xí nghiệp nằm ở đầu nguồn nước đã có những biện pháp xử lý chất thải, nước thải nhất định nhưng về lâu dài cần có những giải pháp hữu hiệu để đảm bảo vấn đề môi trường sinh thái chung cho toàn TP.

Đề xuất giải pháp quy hoạch, tổ chức cảnh quan

a. Khai thác các yếu tố tự nhiên của khu vực

  • Yếu tố địa hình: Tận dụng tối đa các yếu tố địa hình của khu vực.
  • Yếu tố mặt nước: Khai thác yếu tố chuyển động của dòng chảy bằng việc tạo ra các bán đảo nhỏ trên sông, tạo ra các bến. Duy trì các giá trị tự nhiên của mặt nước bằng việc hạn chế xây dựng những đường kè bê tông kiên cố, tận dụng những thảm cỏ, bãi cát hiện có. Khai thác đặc tính phản chiếu của mặt nước bằng việc tạo những công trình dạng dãy, dải dọc theo bờ sông tạo những không gian ảo bằng hiệu ứng nhân đôi.
  • Yếu tố bầu trời: Khôi phục lại mối liên hệ của mặt đất, mặt nước với bầu trời bằng cách tạo ra các khoảng trống ven sông. Sử dụng các hình thức và vật liệu kiến trúc phù hợp phản ánh sự biến đổi của bầu trời.
  • Khai thác, sử dụng cây xanh, cây bụi, hoa cỏ.
  • Khai thác yếu tố đá trang trí.

b. Vận dụng cơ sở lý thuyết, cơ sở thẩm mỹ

  • Yếu tố thị giác:
    • Điểm nhìn: Tạo ra các điểm nhìn tốt bằng cách tổ chức các không gian thoáng đãng có thể phóng xa được tầm mắt (quảng trường Võ Nguyên Giáp, Bảo tàng Thái Nguyên, khu vực cầu Bến Oánh);
    • Tầm nhìn: Tạo ra nhiều lớp không gian, vật thể để từ một vị trí có thể có nhiều tầm nhìn;
    • Góc nhìn: Tạo những góc nhìn rộng thoáng để nhìn vật thể một cách chân thực nhất, không bị méo mó hay thay đổi hình dạng vật thể;
  • Trục nhìn, tuyến nhìn: Tạo ra các tuyến nhìn dài không bị hạn chế, chia cắt.
  • Các yếu tố giác quan: Tạo lập không gian để con người có thể cảm nhận tối đa nét đặc trưng của khu vực qua các yếu tố giác quan: Cảm giác, thính giác, khứu giác và vị giác.
  • Khai thác khái niệm “nơi chốn”: Tạo dấu ấn bằng các điểm nhấn đặc trưng cho các địa danh, khu vực.

c. Vận dụng các cơ sở về tạo hình không gian:

Đề xuất áp dụng tổ chức không gian các khu vực ven sông theo dạng “không gian mở” để không gian ven sông được cởi mở, kết nối với toàn đô thị đồng thời tạo cảm giác rộng lớn, thoáng đãng cho khu vực ven sông.

d. Vận dụng các quy luật bố cục cơ bản:

  • Quy luật về đường trục bố cục: Bố cục theo dải, tuyến (áp dụng với hệ thống đường ven sông, cây xanh ven đường và dải cây xanh tập trung);
  • Quy luật bố cục đối xứng: Áp dụng cho các khu mang tính chất trang nghiêm hoặc những khối công trình lớn có tính trọng điểm của khu vực (khu liên cơ quan tỉnh Thái Nguyên, các công trình hỗn hợp quy mô lớn);
  • Quy luật bố cục không đối xứng: Áp dụng cho những công trình trang trí, vui chơi giải trí ven sông (nhà hàng, khách sạn, công trình trong công viên ven sông);
  • Quy luật tỷ lệ không gian: Nhấn mạnh yếu tố tỷ lệ con người với các công trình kiến trúc;
  • Quy luật về sự đồng nhất và sự tương tự: Đảm bảo sự đồng nhất, nhất quán trong hình thức, tránh sự chắp ghép lộn xộn, thiếu căn cứ;
  • Quy luật về sự tương phản, quy luật sáng tối và quy luật về màu sắc: Tổ chức đan xen để tránh cảm giác nhàm chán cho con người;

Đề xuất giải pháp kiến trúc

a. Kiến trúc công trình công cộng:

  • Bến tàu thuyền: Bố trí theo tuyến với sự sắp xếp hợp lý về khoảng cách mỗi bến (dự kiến khu quảng trường Võ Nguyên Giáp, khu vực hạ lưu cầu Bến Oánh).
  • Chợ ven sông: Trọng tâm là Chợ Thái, kết hợp các khu chợ nhỏ dạng chợ tạm, bán rong tại các khu vực bến tàu thuyền để bán các đồ lưu niệm đặc trưng của vùng làm quà cho khách thập phương.
  • Khách sạn, nhà hàng ăn uống: Bố trí nhà hàng, dịch vụ và để xe ở các tầng dưới, các phòng nghỉ bố trí ở các tầng trên. Hình thức kiểu dáng nhẹ nhàng, thanh thoát, màu sắc trang nhã đặc biệt nên thiết kế theo dạng dải bám dọc theo bờ sông.
  • Cao ốc văn phòng: Thiết kế các công trình có tầng cao lớn, hình thức kiến trúc, vật liệu, màu sắc mới mẻ, hiện đại thể hiện là các điểm nhấn không gian xa cho cảnh quan ven sông.
  • Đường ven sông và các cây cầu: Thiết kế theo kiểu dáng mềm mại, thanh thoát kết hợp các yếu tố hoa văn, màu sắc đặc trưng của khu vực.

Khu công viên ven sông: Phân khu chức năng rõ ràng (khu nghỉ, vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao..), thiết kế chi tiết, tận dụng tối đa các yếu tố địa hình cảnh quan.

b. Các công trình kiến trúc cổ và cũ cần bảo tồn:

Cần tạo các hướng mở từ phía sông Cầu để tạo thành các tuyến du lịch cho khách du lịch bằng thuyền có điểm dừng chân, tiếp cận để tham quan (Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam).

c. Kiến trúc công trình trang trí:

Bố trí các công trình nhỏ như Ki-ốt phục vụ, chòi nghỉ đan xen theo các đường dạo ven sông. Kiến trúc công trình theo hình thức đơn giản.

d. Kiến trúc công trình nhỏ:

Thiết kế kiểu nhà vườn hoặc theo kiểu phân tán thấp tầng, tường gạch, cột BTCT, số tầng cao từ 2-3 tầng, mái dốc.

Đề xuất một số ứng dụng cụ thể

Một số giải pháp tổ chức cảnh quan kiến trúc:

  • Đường ven sông – Khu vực đường Thanh Niên:

Giải pháp tổ chức đường dạo, cây xanh, kè sông, khai thác tầm nhìn

  • Khu vực ven hai bờ sông phía Bắc, các khu vực không nạo vét tới chân kè:

Giải pháp tổ chức kè phòng lũ, cây xanh thảm cỏ khai thác yếu tố phản chiếu của mặt nước
  • Khu vực tuyến đường Bắc Kạn đoạn sát bờ sông và các khu vực có công trình xây dựng sát sông:

Giải pháp tạo không gian mở và hướng tiếp cận từ lớp công trình bên trong ra sông
  • Khu vực nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng:

Khai thác yếu tố bầu trời và tính phản chiếu của mặt nước

KTS Bùi Quang Hưng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 9-2017)