Thị hiếu nội thất nhà ở đô thị ngày nay và vai trò của nhà thiết kế

Đứng trước bối cảnh đẩy mạnh toàn cầu hoá, khoa học kỹ thuật và hội nhập, nền kiến trúc – nội thất Việt Nam trong những năm gần đây có những bước tiến rõ rệt. Điều này phù hợp với xu hướng chung của toàn thế giới và mang lại nhiều lợi ích song cũng tồn tại bất cập. Một trong những vấn đề dễ thấy nhất là việc gây ra tình trạng “khủng hoảng” thị hiếu thẩm mĩ trong những công trình nhà ở thấp tầng như nhà phố, biệt thự, căn hộ chung cư cao tầng tại các đô thị lớn đang phát triển của nước ta. Trong bài viết này, tác giả tiếp cận mối quan hệ giữa thị hiếu thẩm mỹ và kiến trúc-nội thất, khái quát bức tranh tổng thể nhà ở đô thị hiện nay, lý giải nguyên nhân thông qua đó nhấn mạnh vai trò của các KTS và nhà thiết kế nội thất.

Mối quan hệ thị hiếu và Kiến trúc – Nội thất

Theo quan điểm mỹ học: “Thị hiếu thẩm mĩ là khả năng của con người xã hội (chủ thể thẩm mĩ) trong việc tiếp nhận đánh giá một cách có phân hóa các đối tượng thẩm mĩ khác nhau của hiện thực (chủ thể khách quan), được biểu hiện thông qua các phát biểu, các xét đoán, hoặc thái độ cảm xúc …” (Mĩ học đại cương. tr49). Theo cách hiểu thông thường trong đời sống, thị hiếu hay thị hiếu thẩm mĩ thường được dùng để chỉ năng lực nhận thức của con người trước cái đẹp hoặc cũng được dùng trong những hoàn cảnh có ý bày tỏ niềm ham thích, hứng thú của chúng ta khi đánh giá, tiếp nhận các vấn đề của nghệ thuật và đời sống.

Thị hiếu được hình thành như thế nào hiện vẫn còn nhiều biện giải khác nhau giữa các trường phái triết học. Chủ nghĩa Duy tâm khách quan cho rằng thị hiếu có được do sự vận động của “ý niệm” hay những “quyền lực thần bí”. Mĩ học duy vật nhấn mạnh và đề cao vai trò của các yếu tố thuộc về khách thể trong phạm trù thẩm mĩ. Nếu thực sự con người sinh ra đã có “ý niệm” khiến chúng ta chủ động ý thức rõ thị hiếu của mình thì cũng không thể loại bỏ hoàn toàn vai trò của các yếu tố khách quan khác có thể phản ánh vào nhận thức góp phần hình thành thị hiếu thẩm mĩ cá thể. Thị hiếu hình thành và chịu tác động bởi thế giới khách quan nhưng đó cũng là mối quan hệ hai chiều khi chính thị hiếu có thể tác động ngược lại dẫn đến những thay đổi của xã hội (H1.1).

H 1.1. Mối quan hệ giữa thế giới khách quan và thị hiếu thẩm mĩ của con người

Kiến trúc-nội thất là một chủ thể khách quan trong đời sống xã hội và cũng là một đối tượng nghệ thuật. Bởi vậy, trong mối tương quan mĩ học, giữa kiến trúc – nội thất và thị hiếu cũng tồn tại mối quan hệ hai chiều. Kiến trúc-nội thất không chỉ tác động vào nhận thức của con người, phản ánh năng lực, thị hiếu thẩm mĩ của con người mà còn chịu tác động ngược lại bởi thị hiếu thẩm mĩ. Sự tác động lẫn nhau đó tạo nên một vòng tuần hoàn thúc đẩy phát triển đời sống xã hội nói chung và kiến trúc-nội thất nói riêng.

Thị hiếu trong Kiến trúc-Nội thất nhà ở Việt xưa và trong đô thị hiện nay

Thị hiếu thẩm mĩ nhà ở của người Việt xưa dù trải qua ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm đô hộ thực dân, bối cảnh xã hội của từng thời kỳ khác nhau nhưng vẫn được định hình rất riêng. Nét riêng đó tạo nên bởi “ý niệm chủ quan” của con người Việt Nam và những yếu tố khách quan tác động, bao gồm điều kiện tự nhiên, xã hội và được biểu hiện thông qua các khía cạnh của kiến trúc – nội thất: Tổ chức không gian, vật liệu, màu sắc, ý đồ tạo hình, trang trí… Nếp nhà của ông bà ta xưa biết “nương theo” thiên nhiên, những vùng đồng bằng chiêm trũng khí hậu nhiệt đới gió mùa “nắng lắm mưa nhiều” tạo nên nét kiến trúc đặc trưng của những ngôi nhà truyền thống với khoảng hiên sâu chắn nắng che mưa (H2.1). Những vật liệu phổ biến và giàu tính bản địa như gỗ, tre, mây… được sử dụng phổ biến. Trước đây, nước ta lấy nông nghiệp làm gốc, hệ sinh thái xã hội giới hạn trong những đơn vị hành chính hẹp như làng, xã, thôn, xóm… nếp sống chậm rãi và đơn thuần tạo nên những giá trị cũ. Ngôi nhà khi đó thân thiện với môi trường xung quanh, vừa là nơi làm việc, sinh hoạt và kết nối phần lớn các hoạt động trong đời sống vật chất và cả tinh thần. Không gian được tổ chức trật tự, nhất quán với thuần phong mĩ tục cũng như phù hợp những thói quen sống thuần Việt.

H 2.1. Khoảng hiên sâu chắn nắng che mưa trong nhà dân gian truyền thống làn cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội (Nguồn: https://kientrucsuvietnam.vn/khoang-hien-nha-xua-va-nay/)

Dưới chế độ thực dân, nước ta bắt đầu có sự du nhập và ảnh hưởng của văn hoá phương Tây. Thị hiếu về nội thất nhà ở cũng bắt đầu có những thay đổi rõ nét trong gần hai thế kỷ qua. Cho đến ngày nay, trong bối cảnh phát triển chung của đô thị hóa, công nghiệp hiện đại hóa, chỉ trong vài thập kỷ, chúng ta tiếp nhận thông tin, tinh hoa văn hóa, lịch sử của mấy nghìn năm hình thành phát triển văn minh nhân loại. Bức tranh đô thị Việt Nam với nhịp sống nhanh, dân cư đông đúc, hoạt động làm việc tại văn phòng chiếm phần lớn thời gian và chủ yếu tương tác bằng thiết bị thông minh chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong lối sống, sinh hoạt, nhận thức, hành vi của con người, qua đó gián tiếp làm thay đổi quan niệm, thị hiếu nhà ở tại các đô thị.

Trong cuốn sách “Hướng tới một nền kiến trúc mới”, KTS. Le Corbusier (1887-1965) nhận định: “Kiến trúc là một trong những nhu cầu cấp bách nhất của con người, trong đó nhà ở là điều không thể thiếu được cần đề cập tới đầu tiên. Nhà ở cũng được coi là một công cụ của con người đánh dấu cho những thời đại văn minh, từ thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng, thời đại đồ sắt”. Ý kiến này cũng khẳng định trong tiến trình phát triển chung, kiến trúc nội thất với vai trò phản ánh thị hiếu thẩm mĩ của con người thông qua quá trình nhận thức thế giới khách quan sẽ có những phát triển, thay đổi tất yếu. Nhưng cần phải xác định rằng, sự phát triển đó nếu có định hướng cũng như đạt được đầy đủ các điều kiện cần và đủ thì sẽ vững mạnh, ngược lại nếu sự phát triển quá nhanh chóng, thiếu chọn lọc thì sẽ để lại những hệ quả xấu trước mắt và lâu dài.

Trên thực tế, nhà ở đô thị đang ngày càng được chú trọng hơn, KTS – nhà thiết kế bước đầu phát huy được vai trò của mình và đạt được những thành tựu nhất định trong việc nâng cao thị hiếu thẩm mĩ kiến trúc – nội thất nhà ở đô thị thông qua những đúc kết về mặt lý luận và cả công trình thực tế. Tuy nhiên, nhiều công trình dù có thiết kế hay tự phát vẫn tồn tại thực trạng hoặc cường điệu xa hoa hoặc đơn điệu và hoàn toàn thiếu đi cá tính cần thiết của không gian nhà ở gia đình.

H 2.2. Nội thất nhà ở đô thị thiết kế đại trà, mờ nhạt, thiếu đi cá tính không gian nhà ở gia đình
H 2.3. Đồ đạc nội thất sao chép hình thức phong cách phương tây

Cần phải thận trọng và thẳng thắn nhìn trực tiếp vào những nguyên nhân của vấn đề. Tại sao kiến trúc – nội thất nhà ở đô thị lại đối mặt với tình trạng trên? Thứ nhất, văn hoá “vay mượn” từ phương Tây và một số đất nước phát triển như Hàn, Nhật tràn vào nước ta một cách ồ ạt qua các kênh truyền thông, giải trí. Một bộ phận giới trẻ, là lực lượng lao động chủ chốt và chiếm phần đông trong số dân cư tại các đô thị hiện đại nảy sinh tư tưởng “sính ngoại”, mơ ước về một đời sống “như Tây” len lỏi vào nội thất các công trình nhà ở đô thị.

Thứ hai, nền kinh tế hội nhập giao thương tạo điều kiện cho những thương hiệu nội thất, vật liệu, linh phụ kiện nước ngoài tràn vào Việt Nam với nhiều chủng loại không rõ nguồn gốc xuất xứ cạnh tranh trực tiếp với thị trường nội địa vốn còn giới hạn về trình độ thiết kế, gia công và sản xuất. Phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và thị hiếu nhận thức thẩm mỹ, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn những sản phẩm “nhái” hình thức mà bỏ qua các vấn đề giá trị sáng tạo, thương hiệu của sản phẩm.

Thứ ba, những phong cách kiến trúc nội thất được du nhập và gây ảnh hưởng lớn đến thực trạng nhà ở đô thị. Tình trạng “thiết kế” sao chép sáo rỗng hình thức bên ngoài của các phong cách nội thất như Neo Classic, Bắc Âu, Industrial, Minimalist… trở nên phổ biến dẫn đến nội thất đô thị chưa thực sự có tư duy đồng bộ, vẫn còn máy móc, hình thức, thiếu tính sáng tạo. Mỗi phong cách kiến trúc – nội thất được hình thành, phát triển trong những bối cảnh, điều kiện cụ thể tạo nên đặc trưng của riêng chúng và sẽ ngay lập tức bộc lộ khuyết điểm nếu đưa vào áp dụng ở những vùng không phù hợp với điều kiện khí hậu, văn hoá. Mỗi một dân tộc có một nền văn hoá, lối sống, phong tục tập quán riêng biệt, chạy theo thị hiếu không phù hợp với văn hoá sống, chỉ sao chép hình thức bên ngoài mà không quan tâm đến đời sống bên trong thì nhà ở đô thị chỉ là lớp vỏ bọc “vay mượn” mà thôi.

Sự phát triển của hình thái xã hội đô thị hiện đại với nguy cơ hình thành những thị hiếu kiến trúc – nội thất nêu trên, dẫn đến sự xuống cấp của diện mạo đô thị và thẩm mỹ kiến trúc nói chung, dù chúng ta đang trong tiến trình phát triển theo chiều rộng nhưng lại thiếu đi chiều sâu.

Vai trò của KTS và nhà thiết kế nội thất

Như đã nói ở đầu bài viết (H1.1), thị hiếu thẩm mĩ nói chung và đối với nhà ở nói riêng được hình thành bởi con người dưới tác động của điều kiện khách quan nhưng theo chiều ngược lại, chính thị hiếu cũng làm thay đổi tư duy, lối sống, hành vi của nhân tố gia đình sinh hoạt bên trong, thông qua đó tác động lên mọi mặt đời sống xã hội. Bởi vậy, nếu có sự yếu kém về tư duy kiến trúc – nội thất nhà ở đô thị, về lâu dài sẽ hạn chế nhận thức thị hiếu thẩm mĩ, cổ suý lối sống lệch lạc xa rời truyền thống và thiếu đi cá tính Việt.

“Thực ra, sự giao tiếp của cá thể với bản thân mình trong quá trình xã hội hóa, quá trình lĩnh hội văn hóa dẫn đến các thị hiếu của người ấy giống với loại thị hiếu “mẫu mực”, “điển hình” và giống với thị hiếu thuộc loại đáng tin cậy với mọi người xung quanh: Cha mẹ, thân nhân, bạn bè, thày cô giáo, nhà phê bình, nghệ sĩ… cho dù thuộc tính biểu lộ thị hiếu cá thể rõ ràng đến đâu, thuộc nhóm xã hội này hay khác, suy cho cùng, các thị hiếu đó càng tỏ rõ thì cá thể với cấu trúc nhu cầu, ham muốn, lý tưởng thẩm mỹ càng đặc sắc hơn và vốn sống của cá thể càng trở nên có một không hai. Điều đó có nghĩa trong thị hiếu tính cá thể của nhóm xã hội không hề đối kháng loại trừ nhau mà các mặt khác nhau của cái toàn vẹn cần thiết phải có đi có lại, đòi hỏi có nhau và chỉ trong một thể thống nhất mới tạo được cấu trúc chỉnh thể của thị hiếu”(Giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật trong lý thuyết kiến trúc và design, Tr52). Có thể thấy được, tuy bị chịu ảnh hưởng của thị hiếu chung, thị hiếu “mẫu mực” nhưng xu hướng bộc lộ rõ cá tính cũng là một đặc điểm của thị hiếu. Đó chính là cơ sở để kỳ vọng kiến trúc – nội thất nhà ở nước ta tuy chịu tác động của khách quan nhưng trong quá trình vận động và phát triển sẽ tìm thấy cá tính riêng.

Ý thức được điều đó, người KTS và nhà thiết kế phải có những quan điểm thiết kế nội thất, kiến trúc nhà ở đúng đắn được áp dụng rộng rãi và trở thành thị hiếu góp phần định hướng, thay đổi nhận thức của cư dân đô thị về các vấn đề đời sống cá nhân, gia đình, xã hội. Thậm chí, sâu sắc hơn là câu chuyện văn hoá sống của cả một thế hệ, một dân tộc. Bản chất văn hoá dù bị lu mờ trong “vỏ bọc ngôi nhà Tây hoá” thực chất vẫn tồn tại trong đời sống Việt hằng ngày, khi có đủ điều kiện sẽ bộc lộ và phát huy giá trị của nó.

H2.4. Không gian nội thất nhà ở sao chép hình thức của những phong cách nội thất cổ điển châu Âu biểu hiện thị hiếu thẩm mĩ đời sống xa hoa như không gian của những lâu đài, cung điện.

Trong một tầm nhìn lâu dài, KTS, nhà thiết kế với vai trò tiên phong trước một bối cảnh nội thất thiếu đi bản sắc riêng như hiện nay cùng chung tay bằng nhiều cách định hướng thị hiếu thẩm mĩ kiến trúc – nội thất đô thị. Việc trước tiên nên làm là tỏ thái độ tôn trọng với thị hiếu của người dân, của khách hàng. Bên cạnh đó, cần cẩn trọng, nghiêm túc định hướng trên nền tảng chuyên môn đã được nghiên cứu, học tập; ngoài việc làm nghề thực tiễn cần đẩy mạnh lý luận, tham gia hoặc tổ chức những hoạt động chuyên môn lan tỏa thị hiếu thẩm mĩ tích cực; phát động các cuộc thi thiết kế, những buổi trò chuyện học thuật, truyền thông trên nhiều phương tiện phù hợp và tiếp cận đúng đối tượng, phát triển các hội nghề nghiệp trong bổ trợ nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển chung có định hướng của nội thất Việt Nam.

ThS Lương Minh Thu
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2022)


Tài liệu tham khảo:
1. “Giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật trong lý thuyết kiến trúc và design” (1999), Đoàn Khắc Tình, Nxb Giáo dục.
2. “Mĩ học đại cương” (2003), Lê Văn Dương, Lê Đình Lục, Lê Hồng Vân, Nxb Giáo dục.
3. “Hướng tới một nền kiến trúc mới”(2020), Le Corbusier, nhóm dịch Kiến Nam, Nxb Xây dựng
4. “Thị hiếu và Kiến trúc”, KTS. Dương Hồng Hiến, kienviet.net.