Đô thị thông minh và giao tiếp điện tử SMART CITY E-COMMUNICATION

Trước khi mô hình đô thị thông minh được xây dựng, khái niệm ngôi nhà thông minh – hình ảnh thu nhỏ của một đô thị thông minh – đã được phát triển, nâng cấp và phổ biến trên thế giới trong suốt bốn thập kỷ qua. Nhà thông minh cũng đã hiện diện tại Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây và đã thực sự đem lại cho người sử dụng sự tiện nghi tối đa dựa trên những tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực tự động hóa, qua đó nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống trong một xã hội hiện đại.

Là một trong những chủ đề được bàn đến nhiều nhất tại Việt Nam trong năm 2017 này, cuộc cách mạng công nghiệp – khoa học kỹ thuật lần thứ tư (4.0) đã đặt trở lại vấn đề sự cần thiết của đô thị thông minh và những lĩnh vực áp dụng, qua đó tạo ra một diễn đàn mở để trao đổi – bàn luận những khía cạnh khác nhau của một phạm trù rộng lớn, từ đó có thể đề xuất các giải pháp – nhóm giải pháp sáng tạo và triển khai có hiệu quả trong thực tế nhằm  tận dụng những điểm ưu việt mà một đô thị thông minh mang lại, hướng tới thiết lập một xã hội phát triển cao nhưng vẫn đảm bảo sự bền vững hiểu theo nghĩa rộng, trong đó những giá trị nhân văn cốt lõi không chỉ được gìn giữ mà còn được phát huy một cách phù hợp khi gần như mọi hoạt động hàng ngày đã được tin học hóa và tự động hóa cao độ.

Giao tiếp điện tử là một nội dung chủ yếu của đô thị thông minh, góp phần quan trọng hình thành nên một đô thị được vận hành hiệu quả bằng cách tích hợp với sự phát triển của mạng thông tin rộng khắp cùng các hoạt động nghiên cứu đô thị và điều tra xã hội học trực tuyến. Những thông tin được thu thập, phân tích và xử lý sẽ giúp các nhà quy hoạch và kiến trúc sư thiết lập môi trường sống tiện nghi và đảm bảo tính bền vững cho tương lai, đồng thời một cơ sở dữ liệu lớn dễ dàng được tiếp cận được hình thành và phổ biến rộng khắp, tạo điều kiện cho một đô thị thông minh đúng nghĩa phát triển thịnh vượng.

Đô thị thông minh trên thế giới

Hình 6b: Copenhagen Street Lab – một phần của dự án Connecting Copenhagen – ứng dụng công nghệ thông minh để điều tiết giao thông đô thị dựa trên kết quả phân tích lưu lượng được ghi lại bằng các thiết bị cảm biến
(Nguồn: https://www.gate21.dk/greater-copenhagen-smart-solutions/living-lab-tours/?lang=en)

Đã có nhiều định nghĩa khác nhau về đô thị thông minh (smart city) được đưa ra bởi nhiều học giả trên thế giới, với những quan điểm và cách tiếp cận riêng. Tuy khác nhau về từ ngữ và cách diễn đạt, các định nghĩa này đều có điểm chung là nhấn mạnh vai trò của công nghệ tiên tiến trong một xã hội đang trên lộ trình hiện đại hóa để phù hợp với sự phát triển của kinh tế – văn hóa – xã hội của từng địa phương, với những điều kiện đặc thù của mình, có tính đến những vấn đề riêng mà cộng đồng dân cư tại đó phải đối mặt cũng như những thách thức chung mang tính thời đại đòi hỏi sự chung tay hành động của toàn nhân loại như suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa. Một trong số những định nghĩa này là “Đô thị thông minh được xây dựng dựa trên viễn cảnh về sự phát triển đô thị trong tương lai được đánh dấu bởi sự số hóa trên quy mô rộng lớn các loại hình dịch vụ, với mục tiêu chủ yếu là đạt tính bền vững kép trên cả ba phạm vi là kinh tế, xã hội và môi trường, có sử dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông và mạng Internet” (theo Albino, Berardi và Dangelico, 2015), được bổ sung thêm  một ý như sau: “Đô thị thông minh coi trọng sự mở rộng không ngừng của việc cung cấp dữ liệu, góp phần làm đa dạng hóa cách thức lựa chọn của mỗi công dân đô thị nhằm cải thiện các điều kiện sinh sống và học tập hoặc lao động qua đó có thể phát triển bản thân một cách toàn diện và làm xã hội trở nên thịnh vượng” (theo Kurtit và Nijkamp, 2012). Hai định nghĩa khác cũng có thể được trích dẫn và sử dụng để đối chiếu: “Đô thị thông minh là một thuật ngữ đề cập đến (và được áp dụng cho) một cộng đồng dân cư đô thị phát triển đến trình độ cao trong đó có sự tích hợp của công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông nhằm quản lý sự phát triển của đô thị đó, bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau và giám sát các hoạt động giao thông, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội một cách hiệu quả” (theo Musa, 2016) và “Đô thị thông minh là đô thị có lắp đặt công nghệ số hóa trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của mình để đảm bảo chất lượng cuộc sống cũng như tính hiệu quả trong mọi hoạt động” (theo Hội đồng Đô thị Thông minh, 2014).

Khi được áp dụng trong thực tiễn, đô thị thông minh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và hình thành một số xu hướng phát triển có liên quan như:

  • Cyber city: Đô thị mạng, có các hoạt động trên nền tảng mạng Internet được thiết lập rộng khắp;
  • Digital city: Đô thị số, được vận hành dựa vào công nghệ số hóa;
  • E-city: Đô thị điện tử, có các hoạt động giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng và cộng đồng với cộng đồng được thực hiện bằng các thiết bị điện tử như thư điện tử, cổng giao tiếp điện tử, diễn đàn điện tử và nhiều hoạt động trực tuyến khác;
  • Flexity: Đô thị linh hoạt, là cách ghép (chơi chữ) từ hai từ flexibility và city, được thiết lập trên cơ sở sử dụng linh hoạt về mặt công nghệ để quản lý các hoạt động;
  • Info-city: Đô thị thông tin, phần lớn phụ thuộc vào sự thu thập, lưu trữ và trao đổi thông tin;
  • Intelligent city: Đô thị thông minh, có sự tối ưu hóa trong mọi lĩnh vực và sự tối ưu này đạt được một phần lớn do công nghệ hỗ trợ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence);
  • Knowledge-based city: Đô thị dựa trên tri thức, là khái niệm song hành với nền kinh tế tri thức – một động lực phát triển quan trọng hàng đầu cho đô thị, tạo lập một không gian vật chất đầy đủ cho nền kinh tế coi trọng chất xám tăng trưởng;
  • Mesh city: Đô thị mạng lưới, có mạng lưới thông tin và truyền thông kết nối tất cả các cơ quan, tổ chức ban ngành, lĩnh vực và cá nhân với nhau để đảm bảo vận hành được tốt và luôn thông suốt trong mọi tình huống;
  • Tele-city: Đô thị được kết nối và điều khiển từ xa, sử dụng công nghệ viễn thông một cách rộng rãi;
  • Ubiquitous city: Đô thị có sự kết hợp giữa không gian thực (không gian vật lý) và không gian ảo (không gian mạng) khi không gian mạng hiện diện mọi nơi, đem lại những tiện ích theo nhu cầu thực tế của người sử dụng, cho phép kết nối bất cứ người nào đến bất cứ dịch vụ nào qua bất cứ phương tiện gì, là một khái niệm mở rộng của digital city hoặc info-city khi nhấn mạnh tính dễ dàng tiếp cận thông tin.
  • Virtual city: Đô thị ảo, khi các chức năng được thực hiện qua không gian mạng thay vì – hoặc song song với – không gian thực;
  • Wired city: Đô thị có các thiết bị và dịch vụ được kết nối bằng hệ thống liên lạc – dây cáp điện hoặc cáp quang;
  • Wireless city: Đô thị được kết nối bằng hệ thống không dây, tiên tiến hơn wired city;

(theo Anthopoulos và Fitsilis, 2009; Yovanof và Hazapis, 2009 và Sassen, 2003).

Như vậy, có thể thấy rằng các mô hình phát triển đi từ lý thuyết ban đầu đến thực tiễn này ít nhiều đều có mối liên hệ với nhau và có sự giao thoa ở một mức độ nhất định. Hầu hết các mô hình nói trên được áp dụng tại các quốc gia công nghiệp phát triển, là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về kỹ thuật, tài chính, trình độ quản lý và nhận thức xã hội đảm bảo cho sự thành công khi triển khai hoạt động.

Đô thị thông minh – xu thế tất yếu của thời đại công nghệ thông tin

Hình 5: Amsterdam là thành phố xếp thứ hai tại Châu Âu về mức độ đô thị thông minh (theo Holland Trade and Invest, 2014). Chiếu sáng đường phố tự động – vừa đủ sáng – theo điều kiện thời tiết và thời gian để tiết kiệm năng lượng, chống ô nhiễm ánh sáng
(Nguồn: http://kernelmag.dailydot.com/issue-sections/features-issue-sections/11313/amsterdam-smart-city/)

Đô thị thông minh nhấn mạnh trước hết tính hiệu quả trong ba lĩnh vực then chốt là  1. Khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật, 2. Quản lý xã hội và 3. Quá trình học hỏi cũng như sự thích ứng nhanh đối với những thay đổi của điều kiện phát triển (theo Van der Graaf và cộng sự, 2011), mở rộng ra sáu phạm vi trong cuộc sống đô thị và bao hàm trong đó rất nhiều khía cạnh, cụ thể như sau: 1. Con người thông minh (được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, sống trong một xã hội hài hòa tôn trọng tính đa dạng, được tạo điều kiện tốt nhất để phát huy sự sáng tạo của mỗi cá nhân và các giá trị nhân văn cốt lõi được chú trọng), 2. Nền kinh tế thông minh (tập trung đầu tư đổi mới công nghệ và kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, thiết lập sự liên kết vùng bên cạnh liên kết toàn cầu), 3. Phương tiện đi lại thông minh (phát triển hệ thống giao thông tích hợp với nhiều hình thức tiếp cận, sử dụng nhiên liệu sạch và khuyến khích giao thông phi cơ giới trong khu ở), 4. Cuộc sống thông minh (đề cao lối sống lành mạnh, hướng tới sự sống động về mặt văn hóa, đảm bảo sự an toàn và chăm lo cho hạnh phúc của người dân), 5. Môi trường thông minh (bao gồm quy hoạch xanh, xây dựng xanh, sử dụng năng lượng sạch và gìn giữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên) và 6. Quản lý thông minh (đạt tiêu chuẩn trong việc ra quyết sách phục vụ lợi ích cộng đồng, xây dựng hệ thống luật pháp vững mạnh, kiện toàn hệ thống quản lý và áp dụng quy chế công khai, minh bạch cho thông tin và tất cả các hoạt động) (theo Giffinger và cộng sự, 2007).

Đô thị thông minh đã có rất nhiều mô hình phát triển đa dạng, phạm vi áp dụng rộng rãi và mức độ áp dụng cũng rất khác nhau. Đơn cử một số ví dụ:

  • Anh Quốc đã thí điểm tại thành phố Leeds hệ thống điều khiển giao thông tự động có tên gọi SCOOT với các thiết bị đo từ tính gắn vào một vòng lặp và kết nối với một siêu máy tính, tối ưu hóa thời gian bật đèn xanh tại các nút giao thông bằng cốt trong đô thị theo mật độ phương tiện lưu thông thực tế trên đường để giảm ách tắc giao thông, sau đó áp dụng cho London và các thành phố lớn khác, đem lại kết quả khả quan;
  • Thành phố Santander của Tây Ban Nha ứng dụng công nghệ thông minh rộng hơn, ngoài điều tiết giao thông còn giúp cân đối tần suất sử dụng các công trình và tiện ích công cộng của người dân cũng như khách du lịch, tránh quá tải và theo dõi các chỉ số chất lượng không khí để kiểm soát ô nhiễm và tiếng ồn;
  • Thành phố Barcelona cũng thuộc Tây Ban Nha chú trọng đầu tư công nghệ thông minh để điều hành mạng lưới xe bus, nhất là xe bus phục vụ du khách tham quan, hệ thống cung cấp năng lượng tự điều tiết dựa trên sự phân loại công trình theo mức độ sử dụng năng lượng cao – trung bình – thấp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và hệ thống tưới cây căn cứ trên nhu cầu theo thời gian trong ngày và theo mùa trong năm nhằm tiết kiệm tài nguyên nước;
  • Chính quyền Amsterdam (Hà Lan) đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng qua việc chiếu sáng nhân tạo vừa đủ cho tất cả các đèn đường và biển hiệu quảng cáo trong thành phố, gia giảm tự động độ sáng của đèn đường theo điều kiện thời tiết, chống ô nhiễm ánh sáng đô thị, đi đôi với thiết lập hệ thống thông báo tự động cho người điều khiển phương tiện trên đường biết lộ trình hợp lý tới điểm cần đến theo tình hình giao thông thực tế và cho biết khoảng cách đến các bãi đỗ xe gần nhất với số chỗ trống còn lại của từng bãi;
  • Các nhà chức trách thành phố Santa Cruz thuộc tiểu bang California (Hoa Kỳ) ứng dụng công nghệ thông minh trong việc đảm bảo an ninh. Họ tiến hành thu thập dữ liệu về tỷ lệ tội phạm từng khu vực trong thành phố qua nhiều năm, chuyển thông tin vào máy tính xử lý, tìm quy luật và đưa ra thông báo cần thiết theo kết quả đầu ra để điều tiết lực lượng cảnh sát và nhân viên an ninh giữa các khu vực.

Qua một số ví dụ thực tiễn đã được trình bày, có thể thấy rõ các đặc tính vượt trội của một đô thị thông minh, được tóm lược theo công thức BỐN TĂNG (1. Tăng chất lượng cuộc sống cùng các dịch vụ thiết yếu đi kèm, 2. Tăng tính hiệu quả của bộ máy hành chính, 3. Tăng tính liên kết dọc giữa các hệ thống hạ tầng kỹ thuật với nhau và hạ tầng xã hội với nhau, cũng như liên kết ngang giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, 4. Tăng sự tương tác trong nội bộ cộng đồng dân cư cũng như giữa cộng đồng dân cư với chính quyền) và BA GIẢM (1. Giảm chi phí, 2. Giảm thời gian chờ đợi hoặc thời gian đi lại và 3. Giảm tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như lãng phí không cần thiết các nguồn lực xã hội).

Sự khởi động của đô thị thông minh tại Việt Nam

Mô hình phát triển thông minh sẽ đem lại cho một đô thị và cộng đồng dân cư tại đó những lợi ích to lớn và thiết thực như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, cũng giống như kiến trúc xanh hoặc quy hoạch bền vững, đô thị thông minh cần những điều kiện ban đầu nhất định để có thể được triển khai thành công. Từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước có thể thấy những điều kiện ban đầu để một đô thị thông minh hình thành và sau đó phát triển bao gồm:

  • Kinh tế tương đối vững mạnh để đảm bảo nguồn tài chính đủ lớn;
  • Khoa học kỹ thuật và công nghệ khá phát triển, nhất là hạ tầng thông tin;
  • Cán bộ có trình độ và năng lực quản lý cao;
  • Cộng đồng nhận thức rõ vấn đề và tích cực tham gia, phối hợp với chính quyền. 

Trong lĩnh vực đô thị thông minh, Việt Nam xuất phát muộn hơn các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp đã lần lượt triển khai kế hoạch xây dựng cổng thông tin điện tử (e-portal) như một trong những biện pháp chủ đạo thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Hình 1: Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội và một cuộc khảo sát ý kiến cộng đồng qua mạng (Nguồn: www.hanoi.gov.vn)

Trên giao diện của các cổng thông tin điện tử có những mục quan trọng như hướng dẫn thủ tục hành chính, các văn bản pháp luật mới ban hành và sửa đổi, thông báo quan trọng, giải đáp trực tuyến, tra cứu số liệu thống kê, hộp thư góp ý, … cung cấp thông tin nhanh và đầy đủ hơn đến cộng đồng cũng như tranh thủ ý kiến của người sử dụng. Mô hình “chính quyền điện tử” đã được thí điểm ở một số thành phố lớn. Các cuộc trưng cầu ý kiến qua mạng mới được tiến hành về những vấn đề thời sự như bảo hiểm y tế, tăng viện phí, dừng lưu thông xe máy, duy trì hay bỏ hệ thống loa truyền thanh phường/xã, … Đây là những bước tiếp cận ban đầu đến mô hình đô thị thông minh và đã đem lại những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, lộ trình đến đích hãy còn dài và còn nhiều việc phải làm để có được một bộ máy vận hành thật hiệu quả theo mô hình đô thị thông minh.

Giao tiếp điện tử

Có thể thấy công nghệ thông tin – truyền thông là nền tảng cho một đô thị thông minh và giao tiếp điện tử là một nội dung quan trọng của mô hình này. Giao tiếp điện tử có thể diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi điều kiện, bằng mọi hình thức và về bất cứ vấn đề gì được cá nhân cũng như cộng đồng quan tâm. Xã hội càng phát triển, nhu cầu trao đổi và kết nối thông tin càng cao. Công nghệ hiện đại, trong mỗi trường hợp, cần hỗ trợ tích cực để nhu cầu chính đáng đó được đáp ứng nhanh nhất và tốt nhất có thể. Trong phạm vi của một bài viết, tác giả chỉ lựa chọn một trong số rất nhiều khía cạnh của giao tiếp điện tử: Đó là giao tiếp giữa chính quyền và người dân để phục vụ cho công tác nghiên cứu đô thị.

Hình 6a: Dự án đầy tham vọng “Connecting Copenhagen” được trao giải thưởng World Smart Cities 2014 sẽ đưa Copenhagen, vốn đã là đô thị thông minh số 1 thế giới, đạt tới mức độ phát triển cao hơn nữa về ứng dụng công nghệ thông minh
(Nguồn: https://stateofgreen.com/en/profiles/city-of-copenhagen/news/connecting-copenhagen-is-the-world-s-best-smart-city-project)

Nghiên cứu đô thị (urban studies) tại các quốc gia phát triển trên thế giới đã được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và hình thành một chu trình hoàn chỉnh từ khâu đầu tiên là thu thập, khai thác cũng như phân tích dữ liệu đầu vào đến bước cuối cùng là cách thức quản lý, công bố và xuất bản số liệu, trong đó có sự hỗ trợ đắc lực của phương pháp điều tra xã hội học tiên tiến. Nền tảng của phương pháp này là một cơ sở hạ tầng thông tin phát triển rộng khắp đến từng hộ gia đình và từng cá nhân, bên cạnh mô hình chính phủ điện tử (e-government) và bên dưới là chính quyền điện tử (e-authority). Trong kỷ nguyên Internet, nhiều cơ quan chuyên môn và tổ chức xã hội đã xây dựng được trang mạng riêng và cổng giao tiếp riêng (e-portal) để phổ biến ra toàn xã hội những mục tiêu, chương trình và hoạt động của mình. Mỗi công dân khi có ý thức trách nhiệm với chính bản thân và xã hội, sẽ tham gia tích cực và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân của mình, theo mô hình mới dựa trên những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có thể được xem như công dân điện tử (e-citizen). Sự kết hợp của các yếu tố điện tử này sẽ cho phép một mô hình xã hội mới – xã hội điện tử (e-society) – ra đời và ngày càng phát triển mạnh.

Việc giao tiếp giữa chính quyền và người dân theo kiểu “truyền thống” từ trước đến nay vẫn chỉ theo chiều từ trên xuống (top-down), đôi khi mang tính chủ quan, duy ý chí và áp đặt, không sát với thực tế và kết quả thu được do vậy không như mong đợi. Theo quan điểm mới, chiều từ dưới lên (bottom-up) rất được coi trọng và khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng (public participation), thay vì tính thụ động như trước. Xã hội phát triển vì công dân và ngược lại – chính công dân chứ không phải đối tượng nào khác – là người quyết định tương lai của xã hội. Mỗi công dân, thông qua những cá nhân hay những tổ chức đại diện của mình, sẽ lựa chọn lộ trình thích hợp để đi đến tương lai được đảm bảo vững chắc. Đó là điểm cốt lõi của một xã hội dân sự mà nhiều quốc gia đã và đang hướng tới, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Phương pháp điều tra xã hội học đô thị theo kiểu truyền thống vẫn được hình dung là quá trình “gõ từng nhà – rà từng phố”, phát phiếu điều tra, điền phiếu, thu gom phiếu, xử lý thông tin bằng tay để cho ra các số liệu thống kê, … Quá trình này cần sử dụng rất nhiều nhân lực (cử cộng tác viên tỏa xuống địa bàn và tiếp cận từng hộ gia đình cùng đội ngũ cán bộ khoa học xử lý thông tin), đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và cả chi phí, sai sót hoàn toàn có thể xảy ra. Thêm vào đó, điều tra xã hội học theo cách này nếu tiến hành trên quy mô nhỏ, theo dạng khảo sát nhanh, dù có lựa chọn trường hợp điển hình hay phổ biến cũng sẽ cho những thông tin không chính xác hoặc số liệu không đầy đủ, qua đó giá trị nghiên cứu ít nhiều bị hạn chế, còn nếu tiến hành với quy mô lớn sẽ rất tốn kém trên nhiều phương diện. Những nghiên cứu và điều tra như vậy phải 5 năm hay 10 năm mới tiến hành một lần. Khi thông tin được xuất bản, tiếp cận được đội ngũ nghiên cứu khoa học, thì đã bị lạc hậu, rất khó có thể đưa ra một nhận định hay định hướng sự phát triển cho phù hợp và sát thực. Thực tiễn công tác điều tra xã hội học ở Việt Nam, cũng như một số quốc gia đang phát triển khác, cho thấy độ trễ của thông tin là từ 5 đến 10 năm. Những điều tra và nghiên cứu của năm 2016 lại sử dụng những số liệu từ năm 2009 hoặc 2010, thậm chí trước đó. Trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh chóng và có những thay đổi thường xuyên như hiện nay, vấn đề tìm kiếm một mô hình giao tiếp – tương tác đô thị phù hợp được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết và có tầm quan trọng đặc biệt. Ngày nay, ở các thành phố lớn, việc sở hữu một máy tính cá nhân không còn vượt quá khả năng của nhiều hộ gia đình như trước kia. Nhiều người còn có khả năng trang bị cho mình và các thành viên trong gia đình những thiết bị hiện đại hơn như điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Xu thế tiêu dùng này ngày càng phổ biến. Sự kết nối mạng Internet cũng đã trở nên thông dụng, không chỉ học sinh, sinh viên và thanh niên có nhu cầu mà cả người cao tuổi cũng mong muốn sử dụng nhằm tìm kiếm và khai thác thông tin, cũng như giao lưu, liên lạc. Chất lượng các dịch vụ tiện ích đi kèm như tốc độ truy cập, mở hộp thư điện tử, các diễn đàn mạng, … ngày càng nhanh chóng và dễ dàng. Chi phí dịch vụ và giá thành thiết bị cũng được điều chỉnh hợp lý, kể cả người có thu nhập thấp cũng có thể tiếp cận. Đó là những điều kiện ban đầu rất thuận lợi cho việc xây dựng một mô hình xã hội mới thời đại thông tin.

Công tác nghiên cứu đô thị, khi tin học phát triển mạnh, vẫn theo quy trình chung là: Soạn bảng câu hỏi (phiếu điều tra) ® Gửi đi ® Điền phiếu ® Gửi lại ® Xử lý thông tin ® Lưu trữ thông tin ® Xuất bản thông tin. Điểm mới là tất cả quy trình này sẽ được tin học hóa. Ưu điểm nổi bật của giải pháp tin học hóa là vừa đảm bảo tính chính xác của thông tin vừa tiết kiệm thời gian, công sức cùng nhiều chi phí xã hội khác như năng lượng, nhiên liệu, giấy, … rất phù hợp với định hướng chung phát triển đô thị một cách bền vững.

Phiếu điều tra hay bảng câu hỏi điện tử (e-survey) từ tổ chức chuyên môn sẽ được gửi thẳng đến ủy ban nhân dân (tỉnh, thành phố), rồi được cán bộ phụ trách gửi qua mạng thông tin xuống cấp cơ sở (phường, xã) rồi đến từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình được cung cấp một địa chỉ hộp điện tử theo cấu trúc tên_chủ_hộ@tên_phường_(xã).tên_đô_thị.com.vn. Trong trường hợp nhiều chủ hộ trùng tên sẽ có thêm một vài ký tự số nối tiếp theo quy định chung để giúp phân biệt. Ngoài ra mỗi hộ gia đình còn được cung cấp một mã (code) riêng để đăng nhập trả lời trực tuyến (không qua thư điện tử) theo một quy ước nào đó, tránh hiển thị tên và địa chỉ trong một số trường hợp, để đảm bảo bí mật thông tin cá nhân và tạo điều kiện cho việc cung cấp thông tin trung thực nhất. Trong cả hai cách trả lời – qua thư điện tử và trực tuyến – hệ thống được thiết kế để tự động loại trừ những trường hợp do sơ suất gửi nhiều lần nên bị trùng lặp hoặc không hợp lệ vì sót nội dung, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thống kê. Các số liệu thu được từ các đầu mối tiếp nhận sẽ được tập hợp dần và chuyển về Tổng cục Thống kê, được công bố, xuất bản rộng rãi và kết nối với các Viện Nghiên cứu Quốc gia, Thư viện Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, … để lưu trữ tại đó.

Một ưu điểm nổi bật nữa của khảo sát điện tử là có thể được tiến hành thường xuyên, bất cứ khi nào công tác nghiên cứu xã hội học đô thị đòi hỏi và vì thế đảm bảo tính cập nhật thông tin (theo năm/quý, thậm chí theo tháng/tuần – tùy theo tính chất công việc). Điều kiện để đạt được điều này, ngoài hệ thống thông tin được xây dựng một cách khoa học, cần có một bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả và ý thức trách nhiệm cao vì cộng đồng của mỗi công dân. Những số liệu điều tra dân số, lao động, việc làm, nhà ở, … rất cần cho thông báo hoặc tổng kết hàng năm hoàn toàn có thể được tiến hành theo phương pháp nói trên.

Trong quy hoạch và xây dựng đô thị, khả năng áp dụng mô hình nghiên cứu xã hội học đô thị và giao tiếp điện tử là rất lớn, được minh chứng phần nào qua ba trường hợp sau.

Trường hợp 1: Quy hoạch đỗ xe trong một khu ở mới

Giao thông đô thị hiện đang là một vấn đề nan giải của Hà Nội và hầu hết các đô thị lớn tại Việt Nam, với sự bùng nổ các phương tiện giao thông cá nhân (ô-tô con và nhất là xe máy) và cả các dịch vụ giao thông công cộng như xe bus và taxi. Việc kiểm soát số lượng các phương tiện giao thông hiện tại chủ yếu dựa vào việc nhập khẩu các phương tiện qua Cục Hải quan hay đăng ký tại Sở Giao thông Công chính, và cũng mới chỉ dừng lại ở số lượng tổng thể. Số lượng phương tiện giao thông cá nhân tại mỗi khu dân cư (phường, xã), nếu có thông tin ở mục “Địa chỉ” hay “Địa phương” trong bản đăng ký, cũng cần rất nhiều thời gian cũng như công sức để tập hợp và thống kê vì cả một quá trình rất dài việc ghi thông tin được thực hiện thủ công.

Hình 4: Santander là thành phố đi đầu về ứng dụng công nghệ thông minh ở Tây Ban Nha. Chỉ dẫn chỗ đỗ xe trong trung tâm thành phố cho người dân và du khách
(Nguồn: http://www.nedapmobility.com/media/afbeeldingen/cases/smart-santander.png)

Khi áp dụng mô hình như đề xuất trong Hình 3 để quy hoạch mạng lưới đỗ xe ô tô, xe máy tập trung trong một phường (hay một đơn vị dân cư tương đương) theo mô hình đơn vị ở sinh thái và an toàn, không có (hoặc hạn chế) sự giao cắt giữa luồng xe cơ giới với các tuyến dành cho người đi xe đạp và người đi bộ, một bảng điều tra điện tử với các mục:

  • Loại hình phương tiện cá nhân;
  • Số lượng phương tiện cá nhân;
  • Nhu cầu sử dụng các phương tiện giao thông công cộng;
  • Tần suất có khách đến thăm;
  • Phương tiện mà khách đến thăm thường sử dụng; …

sẽ được chuyên gia thiết lập và gửi cho mỗi hộ dân có nguyện vọng chuyển đến sinh sống trong khu vực. Căn cứ vào những số liệu điều tra thu được trước khi công tác quy hoạch được triển khai này, các nhà quy hoạch và kiến trúc sư có thể tính toán được tương đối chính xác nhu cầu về diện tích đỗ xe, tránh trường hợp thiếu chỗ đỗ xe (bất tiện cho cư dân vì phải đi một quãng đường xa mới tìm được điểm đỗ xe rồi lại đi bộ về nhà) lẫn thừa chỗ đỗ xe (lãng phí diện tích đất đô thị).

Trường hợp 2: Xây dựng nhà ở trong một khu vực tái phát triển

Đây cũng là một vấn đề khá phức tạp trong sự phát triển của các đô thị hiện nay. Tình trạng thiếu và thừa nhà ở theo từng khu vực, cả về số lượng lẫn chất lượng, đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Các khu nhà ở tái định cư được xây dựng hầu hết không dựa trên nhu cầu thực tế của người dân mà căn cứ vào chỉ tiêu phân bố hay kế hoạch quý/năm được ấn định bởi những người làm công tác hoạch định chính sách. Có thể tổng số lượng nhà ở trong một khu vực đảm bảo mỗi gia đình có một căn nhà hay một căn hộ, song trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng thiếu cũng như thừa nhà ở cục bộ, bởi vì loại hình nhà được nhiều người lựa chọn nhất chỉ có ít, trong khi loại hình nhà vượt quá khả năng của người mua lại được xây dựng nhiều.

Để khắc phục tình trạng bất cập này, trước khi bắt đầu quy hoạch cơ cấu loại hình nhà ở cho một khu ở tái định cư, cần tiến hành điều tra các thông tin sau đối với những hộ dân hiện đang sống trong khu vực và một số hộ dân có nguyện vọng chuyển đến:

  • Loại hình nhà ở theo nguyện vọng;
  • Loại hình nhà ở theo khả năng tài chính;
  • Mức độ thu nhập và khả năng vay/trả để có thể sở hữu loại hình nhà ở mong muốn.

Có nhiều loại hình nhà ở trong một khu dân cư, nhưng về cơ bản có thể phân ra 3 nhóm: Biệt thự, nhà liền kề và nhà chung cư. Mỗi loại có một đặc điểm và tính chất riêng, cũng như các ưu và nhược điểm và phù hợp với một hoặc một số nhóm dân cư nhất định. Nhìn chung, người có mức thu nhập cao hướng đến loại hình biệt thự hoặc chung cư cao cấp, trong khi người có mức thu nhập khá thích sống trong nhà liền kề (có hoặc không có sân vườn, đơn thuần để ở hoặc có cửa hàng kinh doanh/cho thuê), còn người có mức thu nhập trung bình và thấp thì thường lựa chọn nhà chung cư bình dân (thấp tầng hoặc cao tầng).

Có thể nhận thấy sự khác biệt đáng kể giữa nhà ở theo nguyện vọng và nhà ở theo khả năng thu nhập. Biệt thự luôn là loại hình được đánh giá cao nhất về mức độ tiện nghi, được nhiều người mong muốn, song cũng có giá thành cao nhất mà ít người có khả năng chi trả. Trong trường hợp chung cư bình dân thì vấn đề lại trái ngược. Khi quyết định mua nhà ở, người dân phải cân nhắc giữa hai sự lựa chọn trên, và họ có xu hướng lựa chọn loại hình tốt hơn trong khả năng tài chính gần cho phép. Các tham số ngoài như khả năng vay người quen, họ hàng, bạn bè, ngân hàng và sự hỗ trợ tài chính với mức ưu đãi của nhà nước cần được xem xét, vì các yếu tố này ảnh hưởng nhiều đến quyết định chọn chỗ ở và loại hình nhà ở của người dân. Đây là bài toán tiền quy hoạch đặt ra cho các nhà quy hoạch đô thị và kiến trúc sư xem xét và tìm lời giải. Cơ cấu nhà ở tối ưu với các giá trị thành phần được điều chỉnh trên sự tổng hợp và phân tích số liệu thực tế, căn chỉnh giữa nguyện vọng và khả năng chi trả của người có nhu cầu mua/sở hữu nhà. Có được sự tính toán như trên, lời giải cho bài toán nhà ở đã đặt ra sẽ sát thực tế hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Mỗi khu ở có một cơ cấu thành phần nhà khác nhau, phụ thuộc vào đặc điểm dân cư, mức thu nhập cùng một số yếu tố khác. Vì vậy không thể áp dụng y nguyên (hay điều chỉnh không có căn cứ) tỷ lệ phần trăm nhà ở của khu vực này cho khu vực kia, mà phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể và không có cách nào khác là thông qua khảo sát tại chỗ. Mô hình khảo sát điện tử (e-survey) do vậy sẽ luôn phát huy được hiệu quả.

Trường hợp 3: Sự tham dự và khả năng đóng góp của cộng đồng trong công tác quản lý phát triển đô thị tại từng khu dân cư

Người dân địa phương luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của một dự án phát triển cộng đồng. Họ có thể đóng góp những ý kiến xác thực và đề đạt những nguyện vọng chính đáng của mình. Họ chính là người hiểu địa bàn nơi mình sinh sống nhất và thấy/hiểu vấn đề ở đó một cách rõ hơn ai hết. Một dự án quy hoạch hay xây dựng, cải tạo hoặc bảo tồn, xét cho cùng, cũng là để phục vụ cuộc sống và lợi ích của cộng đồng. Thông qua việc trả lời phiếu điều tra ở hai trường hợp trên, cộng đồng đã hỗ trợ đắc lực giới chuyên môn để tổ chức không gian và môi trường sống có chất lượng cao. Hệ thống thông tin và giao tiếp được thiết lập như trong Hình 3 cũng phát huy hiệu quả khi chính quyền muốn tham khảo ý kiến phản biện của người dân về những bất cập của các chính sách đô thị, để điều chỉnh chính sách cũ hoặc ban hành chính sách mới được kịp thời, hoặc tranh thủ được những sáng kiến của cộng đồng để nghiên cứu, áp dụng sao cho đô thị phát triển bền vững hơn và xã hội văn minh, hiện đại song cũng hài hòa và giàu bản sắc cũng như nhân văn hơn. Thực tế đã cho thấy cộng đồng là một kho tàng tiềm năng về sự sáng tạo, và nhiều sáng kiến hay thậm chí là phát minh không phải từ những chuyên gia mà là đề xuất của những công dân bình thường chỉ với một mong muốn giản dị là đóng góp được một chút gì đó cho cộng đồng và xã hội tiến bộ.

Khi cần lấy ý kiến trong thời gian ngắn của cộng đồng (vài vạn người trở lên) về một chủ trương hay chính sách, câu hỏi nhanh với 3 phương án Đồng ý / Không đồng ý / Không có ý kiến và nếu cần thiết sẽ kèm theo ô nêu lý do ngắn gọn vì sao được xem như hoàn toàn thích hợp và cần đưa vào hệ thống. Chỉ sau vài giờ, kết quả ban đầu sẽ được hiển thị theo phản hồi của cộng đồng, số liệu được cập nhật hàng giờ và trong vòng 1 – 2 ngày, kết quả chung cuộc có thể sẽ được công bố. Sự đồng thuận hay hài lòng của người dân chính là thước đo khách quan và trung thực nhất cho sự thành công của chính sách. Giao tiếp điện tử trong những tình huống tương tự có thể coi là một “phép thử nhanh” và một kênh thông tin chính thống rất hữu hiệu phải được tận dụng.

Những bảng câu hỏi dài hơn cũng có thể được gửi định kỳ đến cho người dân qua hình thức phiếu hỏi trực tuyến có thể lồng ghép những vấn đề có tính thời sự, chẳng hạn như:

  • Những bất cập của hệ thống quản lý đô thị cấp quận/phường hiện nay là gì?
  • Nguyên nhân nào khiến Quý vị không tiếp cận được với nhà ở đô thị chất lượng cao và giá thành hợp lý?
  • Những tiêu chí lựa chọn chỗ ở, nhà ở và thứ tự ưu tiên của Quý vị là gì?
  • Những vấn đề nóng nhất trong tuần này/tháng này theo Quý vị là gì?
  • Những nguyện vọng cá nhân của Quý vị đối với vấn đề đã nêu là gì?
  • Quý vị có thể vui lòng đóng góp một vài sáng kiến để khắc phục vấn đề đang tồn tại?

Bên cạnh những câu trả lời có sẵn hay gợi ý theo a, b, c, d, … để công dân lựa chọn cũng nên có những câu hỏi có tính chất mở, không giới hạn số từ trả lời, … để cộng đồng có thể tự do trình bày những quan điểm và gửi các ý kiến đóng góp có tính chất xây dựng 

Kết luận

Giao tiếp điện tử chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao cho một đô thị trên nhiều phương diện, khiến đô thị đó vận hành hiệu quả hơn và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung theo hướng bền vững và từng bước trở nên thông minh. Là một thuộc tính cơ bản của một đô thị thông minh, giao tiếp điện tử cần được thực hiện rộng rãi và thường xuyên để phát huy thế mạnh vốn có, giúp các đô thị của Việt Nam có thể nhanh chóng khắc phục các khó khăn trở ngại được đánh giá là không dễ vượt qua, đặc biệt là về tư duy, do hậu quả tích tụ nhiều năm của các mô hình quản lý cũ để lại. Vốn đầu tư ban đầu không quá nhiều, song hiệu quả đem lại cho toàn xã hội thực sự rất lớn, và rất đáng đầu tư. Tuy nhiên, mặt trái của giao tiếp điện tử cũng cần phải được xem xét và có biện pháp phòng ngừa cũng như nhanh chóng giải quyết một khi vấn đề ấy xảy ra để mỗi cá nhân, cũng như toàn xã hội, phát triển một cách cân bằng.

Tài liệu tham khảo
1. Musa, S. (2016), Smart Cities – A Roadmap for Development, http://www.academia.edu/21181336/Smart_City_Roadmap
2. Albino, V., Berardi, U., & Dangelico, R.M. (2015) Smart cities: Definitions, dimensions, performance and initiatives. Journal of Urban Technology, Vol. 22, issue No. 1, Taylor & Francis, London, trang 3 – 21
3. Smart City Council Official Website (2014): http://smartcitiescouncil.com/resources/smart-cities-readiness-infographic
4. Kourtit, K. & Nijkamp, P. (2012) Smart Cities in the Innovation Age, Innovation: The European Journal of Social Science Research, Vol. 25 Isue No. 2, Taylor & Francis, London, trang 93 – 95.
5. Van der Graaf, S., Ballon, P., Glidden, J., Kranas, P., Menychtas, A. & Ruston, S. (2011), Is There a Need for a Cloud Platform for European Smart Cities?, e-Challenges e-2011 Conference Proceedings, Florence, trang 1 – 7
6. Anthopoulos, L. & Fitsilis, P. (2009), From Online to Ubiquitous Cities: The Technical Transformation of Virtual Communities, Social Informatics and Telecommunications Engineering, Vol. 26, Springer, Berlin & Heidelberg, trang 360 – 372
7. Yovanof, G. S. & Hazapis, G. N. (2009), An Architectural Framework and Enabling Wireless Technologies for Digital Cities & Intelligent Urban Environments, Wireless Personal Communications, Vol. 49, Issue No. 3, Springer, Berlin & Heidelberg, trang 445 – 463
8. Giffinger, R., Fertner, C., Kramar, H., Kalasek, R., Pichler-Milanovic, N. & Meijers, E. (2007), Smart Cities – Ranking of European Medium-sized Cities, TU Vienna & TU Delft, http://www.smart-cities.eu/download/smart_cities_final_report.pdf
9. Sassen, S. (2003): The impact of the new technologies and globalisation on cities, City Reader Collection, Routledge, London, trang 219 – 220

KTS Nguyễn Quang Minh

(Bộ môn Kiến trúc Dân dụng – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6/2017)