Thực tế xã hội đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đào tạo

Đào tạo chất lượng cao là một đòi hỏi của xã hội, vấn đề này ngày nay trở thành bức xúc. Trong ngành kiến trúc, mỗi năm hàng ngàn KTS ra trường, vào làm việc trong xã hội, chất lượng các KTS và KS mới ra trường không đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, nghiên cứu đã được các cơ sở sử dụng phản ảnh ngày càng nhiều và càng nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, chuyển nghề nhiều, thật là lãng phí. Do đó, các trường phải đào tạo với chất lượng cao hơn trước.

Nhà hàng Thủy Tạ ở Hồ Gươm. Thiết kế của 2 KTS Võ Đức Diêu và Nguyễn Xuân Tùng lúc vẫn đang còn là SV trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

Vậy thế nào là chất lượng cao? – Thước đo của chất lượng đào tạo thể hiện ở chỗ các SV tốt nghiệp ra xã hội làm được việc. Thế nào là làm được việc? – Làm được việc là có khả năng giải quyết được công việc chuyên môn của ngành được đào tạo. Để giải quyết được công việc chuyên môn thì cần có kiến thức. Có hai loại kiến thức là kiến trúc về lý thuyết và kiến trúc về thực hành. Học và hành được thực hiện ngay trong giai đoạn ở trong trường thì lúc ra xã hội sẽ không bỡ ngỡ. Lâu nay, vấn đề thực hành chúng ta cũng đã làm ở các khâu thí nghiệm, thực tập đo đạc, xây một bức tường, cưa đục vài chi tiết gỗ… Những cái đó rất tốt nhưng quá ít, chưa thể nói là “gắn lý thuyết với sản xuất” hay “hành” được! Tại các trường y, từ xưa theo cách đào tạo của Pháp đã thực hiện mô hình Trường – Bệnh viện. Mô hình này đến nay vẫn thực hiện rất hiệu quả.

Việc gắn đào tạo với sản xuất trong ngành kiến trúc – xây dựng cần làm thế nào?- Một số trường đã thực hiện đào tạo theo Xưởng thiết kế, đó là một mô hình tốt, nhưng xưởng ở trong trường vấn gắn với sản xuất ở xã hội tức là công trường xây dựng – nay nên theo mô hình y khoa, xưởng trong trường và xưởng (các đơn vị thiết kế) ngoài trường và cả các công ty xây dựng, các công trường. Như vậy, trong phần hành cần cả thiết kế, thi công, làm sao cho SV được hưởng chế độ này.. Hiện nay trước khi nhận đề tài làm đồ án tốt nghiệp, SV kiến trúc các trường đều được thực tập cán bộ kỹ thuật 2 tháng. Thường 2 tháng thực tập này hiệu quả không cao, mang tính hình thức nhiều hơn.

Trong thời gian học tập, nhà trường nên khuyến khúc SV tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước để SV được sớm hòa vào cuộc sống xã hội sôi động. Nhiều SV ngay cả trong khi học đã có những thành tích sáng tạo đáng ghi nhân như cô Mây Ying Lin (đang học năm thức 2 kiến trúc ở Mỹ) đã thiết kế và giành giải Nhất Cuộc thi Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, được xây dựng ở Washington. Ở nước ta cũng có những trường hợp như vậy, KTS Ngô Huy Quỳnh ngay khi còn là SV trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã thiết kế ngôi biệt thự số 84 Nguyễn Du Hà Nội rất đẹp và mang phong cách hiện đại – dân tộc; KTS Võ Đức Diêu và Nguyễn Xuân Tùng cũng thiết kế nhà Thủy Tạ ở Hồ Gươm Hà Nội khi chưa tốt nghiệp ra trường.

Như vậy, cần có sự chuyển biến trong đào tạo. Riêng về đào tạo KTS nên theo hướng sau:

Về học lý thuyết: Cần học những vấn đề cốt lõi nhất, quan trọng nhất của các môn học chuyên môn, thật ngắn gọn:

  • Các môn học về nghệ thuật Văn hóa Việt Nam (phong tục, tập quán, tín ngưỡng…);
  • Các môn học về nghệ thuật Việt Nam (các ngành nghệ thuật);
  • Các môn về lịch sử: Lịch sử kiến trúc thế giới, Việt Nam;
  • Công nghệ thông tin khá thành thạo;
  • Ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ;

Về thực hành:

  • Tổ chức gắn nhà trường với các Viện thiết kế, các công trường thi công, các nhà máy sản xuất VLXD và cấu kiện kiến trúc. Tăng thời gian làm việc của SV ở khâu thực hành này;
  • Tăng cường tham quan các kiến trúc nổi tiếng, các công trường thi công

Nhà nước, Bộ Đại học và THCN, Trường ĐH tạo điều kiện thực hiện những vấn đề sau:

1. Xây dựng công viên kiến trúc. Đây là kinh nghiệm rất tốt của một số nước đã làm, ví dụ ở Thẩm Quyến – Trung Quốc có công viên: “Cửa sổ nhìn ra thế giới”. Ở đây có mô hình thu nhỏ của hầu hết các kiến trúc nổi tiếng của các nước trên thế giới. Khu công viên kiến trúc này rộng nhiều ha và rất đẹp. Đó là kiến trúc thế giới. Một công viên khác là công viên kiến trúc dân tộc Trung Quốc – Công viên “Trung hoa Cẩm Tú” có mô hình các công trình kiến trúc dân tộc nổi tiếng toàn Trung Quốc.
Một số nước khác cũng có các công viên kiến trúc như thế này. SV kiến trúc không cần phải ra nước ngoài cũng có thể học được những tinh hoa của kiến trúc các nước và tinh hoa của kiến trúc dân tộc;

2. Hỗ trợ dịch tài liệu tiên tiến nước ngoài ra tiếng Việt: Ngoài việc tăng số giờ hoc Anh ngữ thì việc dịch những tài liệu nước ngoài có giá trị cần được hỗ trợ kinh phí để những tài liệu này có thể đến tay sinh viên và KTS, để tham khảo phải phong phú và hợp túi tiền SV;

3. Tăng thời lượng các môn học thực hành lên. Nếu quỹ thời gian cho cả khóa học không thể thay đổi thì mạnh dạn giảm thời lượng một số môn học của SV có thể tự học qua sách giáo khoa. Vấn đề này cần mạnh dạn.

Vai trò của thầy cô là rất quan trọng. Các thầy cô có 2 nhiệm vụ rõ ràng là: Truyền đạt kiến thức và truyền ngọn lửa nhiệt tình yêu nghề cho SV. Muốn làm được hai nhiệm vụ này một cách xuất sắc, thầy cô phải gương mẫu lấy mình là một tấm gương cho SV về kiến thức và đạo đức.

Chỉ có say mê yêu nghề thì mới tiến bộ được, cho nên nhiệm vụ truyền đạt cho SV ngọn lửa nhiệt tình say mê nghề nghiệp lại là nhiệm vụ quan trọng nhất. Các thầy cô phải nhiệt tình say mê và phải sáng tạo trong giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học và đạt những thành quả trong công việc, phải là tấm gương cho SV.

Tôn Đại

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2018)