Hiện tại, các hoạt động của trường học thường phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Để đảm bảo an toàn, trong những ngày thời tiết bất lợi, học sinh thường được hạn chế hoạt động ngoài trời và phải ở trong lớp học, dẫn đến sự bị động của giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động dạy-học-chơi của học sinh theo các kế hoạch dự tính. Những không gian bán ngoài trời đóng vai trò là không gian chuyển (in-between spaces), không gian ngưỡng (liminal spaces), tạo ra sự chuyển lớp không gian cũng như chuyển tiếp hoạt động giữa trong nhà và ngoài trời, trên cả mặt bằng lẫn mặt cắt, trở thành những không gian vận động, học tập hấp dẫn và thú vị cho trẻ em, là nơi diễn ra các hoạt động hiệu quả, chủ động hơn với thời tiết, dựa trên sự thích ứng của không gian trong những điều kiện khí hậu khác nhau; đồng thời giảm bớt phần nào những ảnh hưởng bất lợi từ thiên nhiên. Bài viết nêu lên khái niệm, vai trò, đặc điểm và cách thức tổ chức các không gian bán ngoài trời tương ứng với các chức năng, hoạt động của trường học theo những kịch bản thời tiết khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi hoạt động dạy-học-chơi trong trường học.
Nếu như trước đây, giáo dục thường đề cao các hoạt động trong giờ lên lớp thì hiện nay, với sự tiếp biến và ảnh hưởng của toàn cầu hóa, những quan điểm mới về giáo dục từ thế giới đã xuất hiện và làm thay đổi phần nào bản chất của giáo dục trong nước. Các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ được đề cập nhiều hơn nhằm giúp học sinh hoàn thiện đồng thời kiến thức – kỹ năng – thái độ, thay vì chỉ tập trung phát triển kiến thức đơn thuần. Các hoạt động ngoại khóa thường diễn ra tại các không gian ngoài nhà. Tuy nhiên, một trong những bất lợi của không gian ngoài trời là phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đặc biệt là những yếu tố thời tiết bất lợi như mưa, (quá) nắng, (quá) lạnh, (quá) gió… gây cản trở các hoạt động và ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, khiến tâm lý học sinh không thoải mái khi tham gia các hoạt động này hoặc thực hiện kiểu đối phó “cho xong”, làm giảm mục tiêu và hiệu quả của các hoạt động. Giáo viên và quản lý của nhà trường đôi lúc cũng bối rối và bị động khi các hoạt động dạy-học-chơi của học sinh không theo đúng lịch trình, dự kiến ban đầu. Như vậy, diễn biến thời tiết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động giáo dục.
Trong khi đó, thực tế những năm gần đây cho thấy, diễn biến thời tiết tại Việt Nam có nhiều bất thường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến gần như tất cả các hoạt động sống của người dân, trong đó có hoạt động giáo dục. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế, Tổ chức Plan Quốc tế (2012) nhận định Việt Nam là một trong 5 nước có rủi ro liên quan đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cao nhất trên toàn cầu (thời tiết hiện tại và những dự đoán trong tương lai) theo như nghiên cứu gần đây của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD). Một nghiên cứu tương tự cũng xếp hạng những quốc gia liên quan đến tình trạng dễ bị tổn thương do tác động của những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và Việt Nam xếp thứ 7 trên 233 quốc gia được nghiên cứu. Khi sự thay đổi về thời tiết thay đổi tăng lên, những cộng đồng của quốc gia này dường như có bị ảnh hưởng bởi những tác động liên quan bao gồm những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Thời tiết diễn biến cũng sẽ khó dự đoán, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của con người.
Và cũng theo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế, Tổ chức Plan Quốc tế (2012), trẻ em và những người trẻ tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương bởi tác động của khuynh hướng thay đổi thời tiết và biến đổi khí hậu. Khi biến đổi khí hậu làm tăng tác động của thiên tai liên quan đến thời tiết, trẻ em sẽ bị rơi vào tình trạng rủi ro cao. Chính vì vậy, các hoạt động giáo dục vẫn phải đảm bảo sự an toàn và sức khỏe của học sinh. Bài viết này với mục đích nghiên cứu không gian bán ngoài trời nhằm trả lời các câu hỏi nghiên cứu:
- Các không gian ngoài trời trong trường học là cần thiết bên cạnh các không gian trong nhà, nhưng chúng lại chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết dẫn đến sự bị động trong các hoạt động dạy-học-chơi của học sinh và giáo viên. Vậy nếu “trong nhà hóa” các không gian ngoài trời hay “ngoài trời hóa” các không gian trong nhà để tạo ra các không gian trung gian – không gian chuyển tiếp – không gian bán ngoài trời thì sẽ có thể chủ động tổ chức các hoạt động hơn không?
- Các không gian bán ngoài trời sẽ được tổ chức như thế nào để phù hợp với các hoạt động giảng dạy lẫn thích ứng với (sự thay đổi) các điều kiện thời tiết, khí hậu?
Các khái niệm mở đầu: Không gian chuyển, không gian ngưỡng trong công trình kiến trúc
Không gian chuyển (in-between space) xuất hiện giữa kiến trúc “bên trong” (inside) và “bên ngoài” (outside). Trong đó, “bên ngoài” có thể được định nghĩa là “ở bên ngoài một vật hoặc địa điểm cụ thể; ngoài cửa hoặc tương tự như ngoài biên hoặc ngoài diện tích của một thứ gì đó” (Collins, 2003). Còn bên trong, ngược lại với bên ngoài, có thể được định nghĩa là “ở bên trong – vào bên trong của một thứ gì đó, các bề mặt, diện tích bên trong hoặc một phần của một thứ gì đó” (Collins, 2003). Giữa (between) có thể được định nghĩa là một điểm trung gian đến hai điểm khác trong thời gian và không gian hoặc chỉ ra mối quan hệ hoặc so sánh liên kết, còn chuyển tiếp (in-between) là “ở trong một không gian, nằm giữa một vật này và một vật khác” (Collins, 2003).
Mối quan hệ giữa kiến trúc “bên trong” và kiến trúc “bên ngoài” luôn là mối quan tâm với những nhà thiết kế và được thể hiện qua 3 yếu tố cơ bản: (1) Xử lý các yếu tố vật thể công trình thông qua hình thức kiến trúc và kết cấu, (2) ý nghĩa mà công trình muốn chuyển đến cộng đồng trong việc nhận thức và thể hiện mục đích, và (3) hiệu quả công trình đem lại về mặt môi trường và công năng sử dụng.
Một không gian chuyển sẽ được xác định dựa trên các yếu tố liên kết:
- Liên kết công năng (functional link) – Sự chuyển tiếp giữa các chức năng diễn ra trong nhà và những chức năng ngoài nhà, tạo ra những chức năng mới dung hòa và kết hợp được cả hai chức năng trong nhà và ngoài trời;
- Liên kết kết cấu, cấu trúc (structural link) – Sự thiếu vắng một số thành phần cấu trúc kiến trúc (tường, trần hoặc mái) đã làm kết cấu các không gian chuyển được hiển thị rõ hơn và không chỉ đóng vai trò “mang vác” công trình đơn thuần;
- Liên kết hình thái, kiến trúc (form-conceptual link) – Tạo sự chuyển tiếp giữa tính khép kín và hữu hạn của kiến trúc bên trong với sự rộng mở và vô hạn của hình khối các không gian bên ngoài, giảm bớt những xung đột gay gắt gây nên bởi đặc tính mỗi kiểu loại hình thái kiến trúc;
- Liên kết vật lý (physical link) – Các yếu tố vật chất kiến trúc mang tính nhân tạo và các yếu tố tự nhiên phi kiến trúc được hòa hợp với nhau bởi sự đan xen trong không gian chuyển;
- Liên kết môi trường (environmental link) – Giảm thiểu sự chênh lệch và cảm giác sốc giữa những yếu tố vi khí hậu được kiểm soát theo ý muốn của con người trong các không gian trong nhà và môi trường khí hậu tự nhiên, đôi lúc gây ra nhiều bất lợi cho hoạt động của con người.
Các không gian chuyển được biểu hiện thông qua các ngưỡng (thresholds) và các chuyển tiếp (transitions). Chúng thường đóng vai trò như là “ranh giới” giữa các không gian. Do đó, còn có một khái niệm nữa là “không gian ngưỡng” (liminal space) được định nghĩa là những không gian được xem như ngưỡng giữa hai không gian, hai địa điểm, hai trạng thái, hai giai đoạn. Có thể thấy khái niệm không gian ngưỡng không chỉ dùng trong không gian mà còn trong những lĩnh vực phi không gian (như trạng thái, thời gian…).
Không gian bán ngoài trời trong kiến trúc trường học
Bởi vì các ngưỡng và chuyển tiếp có mặt ở khắp nơi, trong một trải nghiệm tổng thể về một môi trường kiến trúc nên các không gian chuyển đóng một vai trò lớn, chúng có khả năng kết nối nhiều kiểu loại không gian khác nhau với nhau. Thậm chí, các không gian chuyển phổ biến đến mức chúng thường không nổi bật như một chi tiết cần được xem xét và thiết kế, chẳng hạn như các sân trong, sân mái, hành lang hở, ban công…
Một trong những biểu hiện rõ ràng của không gian chuyển tiếp, không gian ngưỡng trong công trình kiến trúc là không gian bán ngoài trời. Nếu không gian trong nhà thường được xác định bởi 3 yếu tố bao che cơ bản là trần-tường-sàn thì không gian bán ngoài trời sẽ thiếu vắng yếu tố “trần” hoặc “tường”, nghĩa là sẽ có sự “vô hạn” theo chiều cao hoặc chiều ngang. Không gian bán ngoài trời có thể được phát triển từ các không gian trong nhà (“ngoài trời hóa” không gian trong nhà) thông qua việc cải biến các yếu tố bao che từ trạng thái “đặc” sang “rỗng”, chẳng hạn như bổ sung các lỗ thủng, các nan chớp hay các hoa văn… Như vậy, không gian bán ngoài trời được xem là sự chuyển tiếp giữa không gian trong nhà (indoor space – Có tính hữu hạn, được xác định bởi sự đồng thời của trần-tường-sàn) và không gian ngoài trời (outdoor space – Có tính vô hạn khi thiếu một trong các thành phần trần-tường-sàn).
Tổ chức không gian kiến trúc trong trường học mang tính đặc thù cao. Một mặt, các không gian (trong nhà) phải cung cấp một nơi trú ẩn, bảo vệ học sinh chống lại các yếu tố môi trường bất lợi, đồng thời tạo ra một môi trường học tập an toàn và thân thiện. Mặt khác, các không gian này vẫn phải tạo ra một môi trường phù hợp với môi trường bên ngoài một cách có hiệu quả và trực quan với các thông điệp kiến trúc về môi trường giáo dục. Để đảm bảo tiện nghi cho các hoạt động, không gian kiến trúc trong nhà (chủ yếu diễn ra các hoạt động dạy-học) và ngoài nhà (chủ yếu diễn ra các hoạt động chơi) không thể hòa tan hoàn toàn cả về mặt thực tế và lý thuyết. Từ đó, các không gian chuyển xuất hiện để dung hòa những tính chất trái ngược nhau. Và những không gian bán ngoài trời sẽ đảm nhận trọng trách trung gian này vì: (1) Thứ nhất, các không gian này vẫn có một số thành phần bao che nên vẫn có khả năng che chắn, giảm thiểu các tác động bất lợi của thời tiết cũng như cách ly điểm nhìn, tạo sự kín đáo; (2) thứ hai, các không gian này mang tính chất, không khí của môi trường tự nhiên nên thuận tiện, thích hợp cho những hoạt động học tập, vui chơi ngoài trời. Đặc trưng của các không gian bán ngoài trời là sự kết hợp của các yếu tố kiến trúc và tự nhiên trong cùng một không gian.
Do đó, nếu chuyển các không gian ngoài trời sang không gian bán ngoài trời hoặc thiết lập thêm các không gian bán ngoài trời thì các hoạt động dạy-học-chơi của học sinh và giáo viên sẽ ít bị gián đoạn và chủ động hơn, nhưng vẫn đảm bảo tính chất và yêu cầu về không gian của hoạt động đó.
Một số giải pháp tổ chức không gian bán ngoài trời trong tổ chức kiến trúc và hoạt động của trường học
Đối với trường học, các không gian bán ngoài trời phổ biến nhất thường là:
- Sân sảnh: Được tạo ra bằng cách mở rộng sảnh tầng trệt với việc bỏ bớt một số phòng học, phòng chức năng ở tầng này (thường hay bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ môi trường xung quanh, ít ánh sáng do bị che nắng bởi các công trình đô thị khác) để tạo ra một không gian trống tầng ở tầng trệt. Không gian này sẽ giảm bớt số lượng tường bao xung quanh lẫn tường ngăn chia nhưng vẫn có trần dẫn đến tăng cường sự thông thoáng (không cản gió, đủ lượng không khí), ánh sáng tự nhiên (chiếu sáng gián tiếp), cản trở nắng gắt (trong khoảng 10-15h), chống mưa. Sân sảnh này cũng có thể trở thành không gian đưa đón học sinh (đầu và cuối giờ học, trẻ có thể vui chơi trong lúc chờ vào lớp hoặc chờ người thân đến đón về), sân hoạt động tập thể, ngoại khóa cho học sinh hay nơi diễn ra các buổi chào cờ, buổi lễ vào những ngày mưa. Tuy nhiên điều bất lợi của sân sảnh này là sẽ có nhiều cột (do cấu trúc chia phòng các tầng trên). Do đó, cần tính toán vượt nhịp hoặc sử dụng các hệ kết cấu đặc thù để giảm bớt số lượng cột, tăng tính linh hoạt cho sân sảnh. Ngoài ra, về mặt chức năng, các sân sảnh này trở thành những không gian đa chức năng, tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật…
- Hành lang: Do đặc tính tổ chức không gian kiểu nhiều phòng (lớp học) nên hành lang gần như trở thành yếu tố kiến trúc luôn có mặt trong trường học. Về chức năng chính, hành lang phục vụ giao thông theo chiều ngang nên chiều rộng hành lang được tính toán theo lưu lượng học sinh sử dụng (lúc bình thường) và thoát người (khi xảy ra sự cố). Đối với hành lang bên, đây là không gian bán ngoài trời tương đối linh hoạt, thậm chí có thể chuyển đổi dễ dàng thành không gian trong nhà bằng cách bổ sung thêm hệ thống cửa sổ phía tiếp giáp với môi trường tự nhiên. Chính vì vậy, xu hướng mở rộng hành lang không chỉ đơn thuần đáp ứng chức năng giao thông, mà còn kết hợp thêm một số chức năng khác như là nơi chơi, vận động hoặc sinh hoạt nhóm nhỏ của học sinh trong giờ giải lao, nghỉ giữa giờ. Cùng với sân sảnh của tòa nhà ở tầng trệt, các hành lang sẽ trở thành các “sân sảnh” cho các tầng trong tòa nhà.
- Ban công (lô gia): Đây là yếu tố ít xuất hiện (hơn) trong kiến trúc trường học. Tuy nhiên, cùng với hành lang, yếu tố này cũng tạo nên một sự cách ly và cản trở nhất định những yếu tố bất lợi cho hoạt động dạy-học-chơi như giảm bớt bức xạ mặt trời, chống mưa hắt… Ngoài ra, về mặt lý thuyết, trục dọc của các lớp học (và của khối nhà học) sẽ là Đông-Tây để tránh nắng chiếu vào phòng học. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường học, nhất là ở khu vực đô thị không đảm bảo được hướng này do điều kiện hạn chế về đất đai. Lúc này, ban công (ở phía bên kia của lớp học so với hành lang) sẽ trở thành một biện pháp chắn nắng hữu hiệu, nhưng không làm giảm hiệu quả thông thoáng. Điểm yếu của không gian này là làm giảm bớt ánh sáng tự nhiên vào phòng học (theo hướng từ trái sang phải), do đó, có thể ngắt các ban công này thành từng đoạn nhỏ tách biệt để có được các khe sáng, đồng thời cũng là các bẫy gió trên bề mặt công trình. Về chức năng, các ban công này tạo nên cảm giác “không gian của lớp mình” khi được sử dụng riêng cho các hoạt động của mỗi lớp học.
- Sân mái: Một trong những yếu tố chưa được khai thác hiệu quả hiện nay tại các trường học. Đây được xem là một không gian tiềm năng khi phong trào đưa “mái xanh” vào các trường học. Tuy nhiên những đề xuất cho không gian này thường ít được chấp nhận bởi lý do kinh tế và chức năng sử dụng chưa hợp lý khi phải tốn công duy tu, bảo dưỡng, nhất là trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt. Việc bổ sung các cấu kiện bao che, đặc biệt là bổ sung thêm một lớp mái nhằm biến không gian này từ ngoài trời thành bán ngoài trời sẽ giúp không gian này phát huy được hiệu quả sử dụng cũng như chống nắng, chống nóng, chống thấm cho các tầng hoạt động bên dưới. Khi kết hợp với quá trình xanh hóa, sân mái sẽ thành không gian xanh với các loại cây học liệu phục vụ cho việc quan sát, học tập trong một số môn học đặc thù, đồng thời là nơi sinh hoạt tập thể của học sinh.
- Sân trong/sân bán trong: Được tạo ra do sự tổ hợp các khối kiến trúc. Sân trong thường có 4 mặt là các yếu tố kiến trúc (với sân bán trong là 2-3 mặt) đóng vai trò như những yếu tố bao che và tạo bóng đổ làm mát sân trong. Có 2 trường hợp: (1) Sân trong không có mái, và (2) sân trong có mái. Đối với sân trong không có mái, khoảng thời gian 11-13h trưa – thời điểm mặt trời chiếu vuông góc và gần như vuông góc với mặt đất – sân trong sẽ bị nắng, giảm bớt hiệu quả sử dụng nhưng mặt khác ánh nắng này sẽ giúp sân khô ráo, cung cấp ánh sáng cho cây xanh quang hợp. Các thời điểm khác, nếu độ cao các yếu tố kiến trúc bao quanh được tính toán hợp lý thì sân trong sẽ luôn có bóng mát bởi hiệu quả đổ bóng. Sân trong có mái sẽ khắc phục được nhược điểm của sân trong không có mái là chủ động hơn trong những ngày mưa, nhưng sẽ dễ bị ồn, nóng, tối vì “kín” hơn. Do đó, cần có các biện pháp tạo mái “thoáng”, mái “trong”.
Để tăng hiệu quả, chất lượng sử dụng và thẩm mỹ, các không gian bán lộ thiên, với đặc thù là vẫn đảm bảo được các yếu tố tự nhiên như nắng, gió, mưa, có thể được xanh hóa bằng cách bổ sung các cây xanh dưới nhiều hình thức khác nhau như:
- Trồng cây trên mặt đất: Áp dụng cho các sân sảnh, sân trong – Là những không gian gắn liền với mặt đất. Các loại cây trồng có thể là cây thân gỗ, tạo bóng mát, và các gốc cây trở thành các điểm mốc tập trung, tụ họp của học sinh;
- Trồng cây trên mặt đứng: Áp dụng cho các hành lang, ban công, tạo nên mặt đứng xanh cho công trình. Cây mặt đứng thường là cây leo dàn hoặc các loài cây nhỏ trồng trong bồn/chậu. Đối với các tầng thấp, cây trên mặt đứng có thể được trồng trên mặt đất, vươn cao. Đối với các tầng cao hơn, cây trên mặt đứng có thể trồng trong các bồn, chậu cây;
- Trồng cây trên mặt mái: Áp dụng cho các sân mái. Cây trên mái thường là những loại cây ưa nắng, có khả năng chống chịu với nắng nóng và hạn cao. Về hình thức, các loại cây trồng trên mái thường là cây leo dàn hoặc cây bụi thấp trồng kiểu thảm để tăng hiệu quả che nắng, chống nóng cho mái.
Kết luận
Biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng hơn ở Việt Nam. Trường học, cùng với các công trình kiến trúc khác, trở thành nơi tiên phong trong việc tuyên truyền và đề xuất các giải pháp về kiến trúc xanh, kiến trúc thích ứng, giúp cho học sinh – những thế hệ tương lai – ý thức được tầm quan trọng của các xu hướng kiến trúc này.
Trong quá khứ, khi công nghệ kiến trúc còn thô sơ, người Việt đã có nhiều giải pháp kiến trúc thụ động trong việc thích ứng với các điều kiện đặc thù của khí hậu, mà trong đó các không gian chuyển, không gian ngưỡng, dưới hình thức các không gian bán ngoài trời, được vận dụng một cách tối đa nhằm tăng tính hiệu quả về sử dụng và thẩm mỹ của không gian. Đây là những kinh nghiệm quý báu mà kiến trúc hiện đại, thường dựa vào sức mạnh của máy móc công nghệ, đã lãng quên phần nào.
Như vậy, việc đưa các không gian bán ngoài trời vào trường học cũng là một cách sinh thái hóa kiến trúc hiện đại với những phương cách truyền thống bản địa. Các giải pháp thiết thực về không gian bán ngoài trời sẽ đạt được nhiều mục tiêu đồng thời:
- Hiệu quả sử dụng: Tăng thêm sự đa dạng của các không gian theo những dải thang bậc về mức độ thích ứng với thời tiết khác nhau, giúp học sinh và giáo viên chủ động hơn khi tổ chức các hoạt động dạy-học-chơi tương ứng với tính chất của mỗi hoạt động, đồng thời có một sự cách ly nhất định với các tác động tiêu cực từ bên ngoài;
- Hiệu quả thẩm mỹ: Tăng thêm sự hấp dẫn cho kiến trúc trường học bằng một lớp không gian bao che, đặc biệt sự xuất hiện cây xanh tại các không gian này càng làm tăng hiệu quả thẩm mỹ và cả giáo dục;
- Hiệu quả giáo dục: Thông qua những hoạt động trong các không gian bán ngoài trời, học sinh sẽ thấy được môi trường tự nhiên thân thiện hơn, cũng như tạo cảm giác gắn bó, yêu trường hơn và góp phần duy trì những không gian đó thông qua các hoạt động ngoại khóa.
Đây có thể được xem là những quan điểm “mới” trong hoạt động giáo dục và kiến trúc trường học để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.
TS. Trần Minh Tùng
Bộ môn Kiến trúc dân dụng (Khoa Kiến trúc – Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng)
ThS. Nguyễn Thùy Dương
Bộ môn Kiến trúc dân dụng (Khoa Kiến trúc – Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2020)