Tổ chức không gian công cộng tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân trong khu phố cổ Hà Nội

Khu phố Cổ (KPC) Hà Nội hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng của không gian đô thị trong khu vực, trong đó, các không gian công cộng (KGCC) có tầm quan trọng nổi bật, trước hết nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đời sống hàng ngày của cộng đồng dân cư, sau đó góp phần phát triển du lịch của một khu vực đặc biệt của Thủ đô về địa lý, và tiêu biểu về lịch sử – văn hóa, phù hợp với chủ trương của chính quyền sở tại. Phố đi bộ với khả năng kết nối nhiều KGCC khác nhau và mang tính đặc trưng cao của khu vực cần được nghiên cứu để khai thác tốt hơn các tiềm năng sẵn có. Hàng Đào – Đồng Xuân là trục xương sống của KPC, được lựa chọn và đánh giá tổng hợp trên 12 khía cạnh để thấy rõ hơn khoảng cách giữa thực trạng và yêu cầu, từ đó phác thảo một số kịch bản phát triển phù hợp cho không gian lòng đường, khoảng không bên trên, vỉa hè, ngã ba và ngã tư, gắn kết với hai không gian mở là hai quảng trường ở hai đầu, đảm bảo tính hấp dẫn của không gian và đem lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng cùng sự phát triển kinh tế – xã hội.

1. Tổng quan tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân trong Khu phố Cổ Hà Nội

Là một trong hai trục phố chính theo chiều Bắc – Nam trong KPC Hà Nội với một số công trình có giá trị về kiến trúc, văn hóa và lịch sử hai bên đường, Hàng Đào – Đồng Xuân gồm bốn phố nối tiếp nhau: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường và Đồng Xuân, hình thành trước năm 1873, tức là sớm hơn hầu hết các phố khác trong khu vực (Hình 1a). Tuyến phố này dài 760 m, lòng đường rộng trung bình 8 m, vỉa hè rộng 1,5 – 2m, nối Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát hồ Hoàn Kiếm (ở phía Nam) với quảng trường phía trước Chợ Đồng Xuân (ở phía Bắc). Đồng Xuân là một chợ đầu mối lớn của Thủ đô đồng thời cũng là một di tích quan trọng, gắn với trận chiến 60 ngày đêm giữ Hà Nội trước ý đồ chiếm đóng trở lại của quân đội Pháp. Trước kia, tuyến phố nổi tiếng gần xa với nghề nhuộm đỏ vải vóc (phố Hàng Đào), kinh doanh tơ lụa màu lam (phố Hàng Lam tức Hàng Ngang), đường và bánh mứt kẹo (phố Hàng Đường) và chợ Tết (phố Đồng Xuân). Dù đã có những thay đổi nhất định về mặt hàng kinh doanh hiện nay so với ngày xưa, Hàng Đào – Đồng Xuân vẫn luôn là một tuyến phố thương mại tiêu biểu và sầm uất bậc nhất trong KPC Hà Nội.

Một trong số các lý do lựa chọn tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân làm trường hợp nghiên cứu: Đây là nơi đầu tiên áp dụng thí điểm mô hình phố đi bộ – chợ đêm của UBND Thành phố nhằm quảng bá du lịch – văn hóa và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng, thậm chí là người dân ngoại tỉnh về Hà Nội chơi và tham quan dịp cuối tuần và nghỉ lễ. Có nhiều lợi thế, nhưng KGCC trên tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân lại chưa được tổ chức thực sự hiệu quả. Điều này đã hạn chế phần nào tính đa dạng cũng như mức độ hấp dẫn của các hoạt động hàng ngày.

2. Hiện trạng sử dụng – tổ chức không gian công cộng tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân

Hàng Đào – Đồng Xuân được phê duyệt trở thành tuyến phố đi bộ vào ba tối cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật) từ năm 2003 và đã chứng tỏ được hiệu quả sử dụng cũng như minh chứng tính đúng đắn trong chủ trương của Quận cũng như của Thành phố. Thời gian còn lại trong tuần các phương tiện xe máy, taxi, xe vận tải cỡ nhỏ vẫn lưu thông bình thường. Như vậy, đây có thể coi là tuyến phố “bán đi bộ”. Để phát huy và khai thác được hết giá trị vốn có, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cộng đồng dân cư và cả du khách trong – ngoài nước như đã được nêu trong định hướng phát triển, cần nghiên cứu chuyển đổi Hàng Đào – Đồng Xuân thành tuyến phố đi bộ 24/7 với đầy đủ chức năng, kết hợp thương mại, du lịch và văn hóa – nghệ thuật như bốn trường hợp thành công được tổng kết từ các nước Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Nhật Bản, cùng một ví dụ sinh động trong nước – đô thị cổ Hội An (xem thêm bài “Tổ chức các tuyến phố đi bộ trên thế giới và kinh nghiệm phát triển không gian công cộng cho Hà Nội” đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 313 – tháng 05/2021).

Tuyến phố được đánh dấu rõ ràng trên bản đồ bởi hai quảng trường ở hai đầu: Phía Bắc là quảng trường Chợ Đồng Xuân – KGCC chính trong phạm vi KPC cũng như của toàn quận Hoàn Kiếm; phía Nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục liên thông với không gian Hồ Hoàn Kiếm – KGCC với cảnh quan thiên nhiên sinh thái đẹp và có tầm quan trọng cấp thành phố, vào các ngày lễ lớn còn được nâng lên tầm quốc gia. Hai quảng trường này là hai tâm điểm hoạt động, có thể tập trung đông người. Trên tuyến phố có sáu nút giao thông (hai ngã ba và bốn ngã tư, liên kết với các phố đi bộ và phố thương mại khác xung quanh, tăng khả năng tiếp cận và đảm bảo điều tiết lưu lượng người. Chín công trình di sản hoặc có giá trị văn hóa – lịch sử trên tuyến phố gồm: Di tích trường Đông Kinh Nghĩa Thục (số 10 Hàng Đào), Miếu Đồng Lạc (số 31 Hàng Đào), Đình Đồng Lạc (số 38 Hàng Đào), Đình Hoa Lộc (số 90 Hàng Đào), Căn nhà tại đó Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 được soạn thảo (số 48 Hàng Ngang), Chùa Cầu Đông và Đình Đức Môn (số 38 Hàng Đường, Đình Vĩnh Hanh (số 19B Hàng Đường) và Chợ Đồng Xuân (phố Đồng Xuân). Ngoại trừ Chợ Đồng Xuân là trung tâm thương mại với quy mô tương đối lớn và ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang một năm chỉ mở cửa vài lần cho khách tham quan, bảy công trình còn lại (đa số là đình, chùa và miếu) vẫn có thể tiếp cận được, nhưng sân phía trước nhỏ, chỉ vài chục m2, không tiếp nhận được nhiều người. Ngoài ra, trên ba phố Hàng Đào, Hàng Ngang và Hàng Đường, mỗi phố có trên dưới 10 ngôi nhà phố theo phong cách kiến trúc thuộc địa Pháp, được xây dựng trong những năm 1920 – 1930 tương đối có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật trang trí.

Do vậy, KGCC có giá trị nhất của tuyến Hàng Đào – Đồng Xuân, xếp theo thứ tự là hai quảng trường – bốn không gian mở của bốn tuyến phố (lòng đường + vỉa hè) – sáu nút giao thông. Đây là ba loại hình không gian chính mà nhóm tác giả muốn tập trung phân tích, nhận định và đề xuất giải pháp định hướng tái tổ chức không gian cùng các hoạt động trong không gian ấy để phục vụ nhu cầu sử dụng của cộng đồng dân cư và thu hút du khách, qua đó góp phần thúc đẩy du lịch.

Như vậy, nếu coi 5 là mức tốt, 4 là khá và 3 là mức trung bình thì cả bốn tuyến phố đều chỉ được xếp loại trung bình – trung bình khá. Do vậy, KGCC của bốn phố trên tuyến cần được tái tổ chức để có thể nâng cao giá trị và hướng tới việc đạt hai mục tiêu đề ra là phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch.

Bảng 1: Đánh giá hiện trạng không gian công cộng tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân theo thang điểm 5 (0 là thấp nhất và 5 là cao nhất) theo kết quả khảo sát thực địa của nhóm tác giả năm 2019 – 2020
Đánh giá tổ chức và sử dụng không gian công cộng hiện tại trên tuyến phố
Hàng Đào – Đồng Xuân (Nguồn: Các tác giả. Bản đồ nền: Google Map)

3. Định hướng việc tái tổ chức không gian công cộng trên tuyến Hàng Đào – Đồng Xuân

Trên quan điểm thiết kế đô thị hiện đại, lồng ghép tính đáng sống (hoạt động cộng đồng phong phú, sôi động), tính hấp dẫn (cả hai khía cạnh là hấp dẫn nơi chốn và hấp dẫn các hoạt động), tính bền vững (bao hàm cả bền vững xã hội) thì không gian công cộng cần được phát triển (hoặc tái phát triển) theo xu hướng tích hợp, trong đó hai yếu tố nổi bật là linh hoạt và đa chức năng được ghi nhận là có mức độ áp dụng rất phổ biến trong thực tế trên phạm vi toàn cầu. Với không gian tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân, các giải pháp cải tạo không gian có thể được chia thành nhiều bước, đầu tiên tập trung vào không gian đường phố, những không gian có thể can thiệp được, và khả thi hơn do không gặp rào cản về bảo tồn di tích hay quyền sở hữu kèm theo lợi ích cá nhân vốn dĩ là những vấn đề có độ “cứng” lớn và tính nhạy cảm cao. Cụ thể như sau:

  • Tổ chức các hoạt động văn hóa – nghệ thuật và văn hóa – thể thao quy mô lớn (vài ngàn người) ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và hoạt động văn hóa – thương mại quy mô trung bình (vài trăm người) ở quảng trường Chợ Đồng Xuân với các kịch bản thay đổi theo tuần rồi tiến tới thay đổi theo ngày nhằm tăng sức hấp dẫn. Sẽ có một cơ số kịch bản dựa trên những cách thức kết hợp khác nhau, khi áp dụng hết một lượt sẽ quay vòng trở lại, với độ lặp sau vài ba tuần và khi lặp lại có thêm một chút sáng tạo nên sẽ đủ sức thu hút;
  • Tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật (nghệ thuật truyền thống lẫn nghệ thuật hiện đại) quy mô trung bình tại các nút giao thông, có thể quy tụ vài chục đến vài trăm người ở tầm quan sát thích hợp. Để các hoạt động trở nên phong phú hơn có thể hoán đổi hình thức trình diễn tại các góc thuộc cùng một nút và giữa các nút trên cùng một tuyến;
  • Tổ chức lại hoạt động chợ đêm và nâng cấp từ ba tối cuối tuần sang tất cả các buổi tối trong tuần, mỗi tuyến phố sẽ kinh doanh một hoặc một số mặt hàng riêng là sản phẩm truyền thống hoặc mặt hàng thế mạnh, theo tiêu chuẩn văn minh thương mại được các hộ cam kết. Không gian có thể khai thác được là lòng đường và vỉa hè, trong đó vỉa hè ưu tiên cho các hộ kinh doanh ở mặt phố, còn phần lòng đường có thể dựng hai dãy ki-ốt mô-đun 1,5 m x 1,5 m một ô quay lưng áp sát nhau cho các hộ dân sinh sống trong ngõ hoặc trong lõi ô phố cũng muốn kinh doanh, nếu còn chỗ thì có thể cho người nơi khác thuê ki-ốt. Cách bố trí này để mỗi bên lòng đường một lối đi 2,5 m sát vỉa hè, đủ cho bốn luồng người đi bộ hoặc một luồng người đi bộ và một luồng xe điện cỡ nhỏ chở khách tham quan di chuyển với tốc độ vừa phải, đảm bảo an toàn. Các ki-ốt được thiết kế sao cho có thể gập gọn lại và tập kết ở một địa điểm thích hợp trong vòng bán kính 200 m, trả lại không gian lòng đường vào ban ngày;
Đề xuất tái tổ chức không gian công cộng trên tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân
(Nguồn: Các tác giả. Bản đồ nền: Google Map)
  • Tổ chức chiếu sáng trang trí: Chiếu sáng trang trí thực sự quan trọng đối với một khu vực thương mại – dịch vụ phát đạt và có hoạt động chợ đêm như một nét văn hóa, nên khai thác hình ảnh đặc trưng gắn với tên gọi, lịch sử và truyền thống của khu phố mà nhờ đó khu phố ấy được biết đến rộng rãi, chứ không nên chọn các hoa văn hoặc họa tiết mà ở đâu cũng có thể áp dụng kiểu đại trà. Bên cạnh hình ảnh hoặc sự vật làm chủ đề, tỷ lệ hài hòa và màu sắc trang nhã cũng phải được tính toán và chọn lựa kỹ. Ví dụ dây kết đèn chăng ngang đường phố Hàng Đào có thể là hình cách điệu một dải lụa xoắn mềm màu hồng phấn, hồng phớt hoa đào sẽ rất phù hợp, xuất phát từ chính mặt hàng lụa đào mà phố này từng kinh doanh thành phường hội suốt một thời gian dài rồi mới bị mai một, tương tự về chi tiết là phố Hàng Gai nhưng với màu xanh của lụa lam, trong khi đó phố Hàng Đường nên khai thác hình ảnh cách điệu những chiếc lọ mứt hoặc hộp đựng bánh kẹo là sản phẩm đặc trưng, còn phố Đồng Xuân có thể xếp đèn trang trí chăng ngang đường nhịp năm đều đặn mô phỏng viền mái nhấp nhô của Chợ Đồng Xuân. Có thể phối hợp hai hoặc vài ba chi tiết khác nhau nhưng không mâu thuẫn về ý nghĩa hoặc tranh chấp trong hình thức biểu đạt trên cùng một bảng đèn trang trí. Khi đó có thể bật tắt hình luân phiên với độ giãn cách chừng nửa giờ, hoặc chuyển hình từ từ trong vòng 5 đến 10 phút để đảm bảo sự phong phú và biến đổi linh hoạt;
  • Tổ chức chiếu hình trên không: Do tuyến phố này có rất ít cây xanh (bởi vỉa hè không đủ lớn để trồng cây, phải ưu tiên cho cột đèn, biển báo và các trang thiết bị tiện ích nhỏ như thùng rác, ghế ngồi nghỉ có thể gấp gọn và cất đi), phương án chiếu hình trên không sẽ khả thi và cần được coi là một giải pháp chủ đạo gia tăng sức hấp dẫn, tương tự các màn bắn pháo hoa luôn được người dân háo hức chờ đợi. Ý tưởng sẽ là chiếu hình 3D ứng dụng công nghệ thực tại ảo, trình chiếu sau 18h mùa đông và 19h mùa hè cho người dân cũng như du khách hình dung lịch sử phát triển và hiểu biết thêm về truyền thống văn hóa của từng phố một cách sinh động nhất có thể. Những nội dung đương đại cũng là chất liệu có thể được khai thác và là mảnh đất sáng tạo rộng mở dành cho các nhà làm phim trẻ thử sức cùng chuyên gia công nghệ hỗ trợ. Việc phát này rõ ràng có thể dễ dàng thay đổi chủ đề, đảm bảo đồng thời hai yêu cầu là đa thể loại (đa nội dung) và linh hoạt (có thể lên chương trình và tùy chỉnh ngẫu hứng hoặc theo một kịch bản đã chọn trong số n kịch bản có sẵn rồi phát lần lượt).
Bảng 2: Tính linh hoạt và tính đa chức năng (tính đa dạng) thể hiện qua gợi ý giải pháp

4. Kết luận

Tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân kết nối các KGCC quan trọng bậc nhất trong KPC Hà Nội, đã được khai thác với mục đích thương mại (phát triển du lịch) và mục đích xã hội (đáp ứng nhu cầu của cư dân và du khách) qua nhiều năm, song chưa thực sự hiệu quả, vì chưa khai thác những lợi thế của các yếu tố tạo lập không gian cùng hệ thống giá trị, đặc biệt là giá trị phi vật thể. Do đó, việc tái tổ chức không gian và tái tổ chức hoạt động nhằm nâng cao tính hiệu quả cả về thiết kế lẫn sử dụng là thực sự cấp thiết.

Những gợi mở bước đầu về mặt giải pháp để đạt được mục tiêu đã đề ra được tổng kết trên cơ sở tham khảo một số kinh nghiệm quốc tế kết hợp với các kết quả quan sát – khảo sát tại hiện trường của nhóm tác giả. Các ý tưởng sẽ được tiếp tục phát triển toàn diện hơn cho từng trường hợp cụ thể và có cơ hội được triển khai trong thực tế. Trọng tâm của các giải pháp là tính linh hoạt và tính đa năng – hai đòn bẩy để tạo sự chuyển biến đáng kể về chất đối với những không gian công cộng trên tuyến phố, và nếu thành công sẽ mở rộng ra cho cả KPC, cũng như có thể được vận dụng – áp dụng trên phạm vi rộng hơn: Cho nội đô Hà Nội và các đô thị khác.

NCS. Nguyễn Hải Vân Hiền
Bộ môn Quy hoạch Vùng và Đô thị, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng
PGS. TS. Nguyễn Quang Minh,
Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2021)


Ghi chú

  1. Google Map (2019), Bản đồ nền Hình 2 và Hình 3;
  2. Nguyễn Quang Minh & Nguyễn Hải Vân Hiền (2019 & 2020); Khảo sát tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân, nghiên cứu cá nhân chưa công bố.