Tổ chức không gian cộng đồng làng nghề gốm truyền thống ở một số nước và bài học kinh nghiệm cho Quảng Nam

Dẫn nhập

Không gian cộng đồng là nơi mọi người có dịp tiếp cận về nếp sống, ý thức, tập tục, ứng xử, quan niệm, nhận thức văn hoá…của cộng đồng làng được thể hiện trong cuộc sống và ngay trong khi thao tác nghề, sáng tạo sản phẩm… Việc tận dụng khai thác không gian cộng đồng nhằm phục vụ hai nội dung, tác động giáo dục mọi thành phần trong làng và nâng cao ý thức trân trọng, cũng như những trải nghiệm cho du khách.

Không gian cộng đồng và tín ngưỡng truyền thống: Các công trình và không gian cộng đồng trong làng gốm trước hết mang bản chất văn hóa làng. Các làng gốm truyền thống trải qua lịch sử lâu đời nên có bề dày lịch sử và tồn tại khá nhiều các di tích lịch sử – văn hóa. Các di sản văn hoá vật thể bao gồm các công trình đình, chùa, miếu, đền, miếu nhà thờ Tổ Nghề được sản sinh từ bàn tay khối óc của cư dân trong làng dùng để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, văn hóa cuộc sống thường nhật của người thợ gốm. Trong thời kỳ mới, xuất hiện một số không gian công cộng mới: Các thiết chế văn hóa, theo nhu cầu đô thị hóa được bổ sung thêm thông tin triển lãm, câu lạc bộ, bảo tàng – nhà trưng bày chuyên ngành gốm, thư viện cho người dân làng,… Nhưng vẫn hàm chứa các yếu tố văn hóa của làng gốm truyền thống

Tại các làng gốm truyền thống, không gian cộng đồng mang lại sức sống cho ngôi làng với sự đa dạng trong cách tổ chức và kết nối không gian, để du khách có thể dễ dàng tiếp cận với lịch sử văn hóa, sản phẩm của làng gốm, có thể tiếp xúc với những người thợ gốm, và giao lưu trải nghiệm nghề. Bài viết đi từ kinh nghiệm tổ chức không gian cộng đồng tại làng gốm ở một số nước và mô hình tổ chức không gian Bảo tàng gốm – Công viên đất nung Thanh Hà, nhằm đề xuất một số giải pháp kết nối không gian, phát triển du lịch bền vững tại Quảng Nam.

Kinh nghiệm tổ chức không gian cộng đồng ở một số nước

Làng gốm Tokoname – Nhật Bản: Việc tạo ra con đường gốm, như hành lang lễ hội, dịch vụ kết nối làng gốm và sắp xếp lại các khu sản xuất gốm cũ. Con đường gốm sứ Tokoname nằm ở thành phố (TP) Tokoname ven biển phía Tây Nhật Bản, thuộc tỉnh Aichi, trung tâm của bán đảo Chita. Tokoname là một trong ”6 lò gốm cổ” bên cạnh những nơi chuyên sản xuất gốm cổ như Bizen, Shigawaki, Tamba, Seto, Echizen. Trong 6 địa điểm đó, Tokoname được cho là có quy mô lớn nhất và lâu đời nhất. Con đường bộ Yakimono là một khu phố sản xuất gốm sứ còn lưu giữ được hơi thở của thời kỳ đầu Showa (1926–1989), đồng thời là một trong nhiều địa điểm du lịch tiêu biểu của Tokoname. Ở khu này có các nhà máy, ống khói làm bằng gốm, lò gốm làm bằng gạch cũ mang đậm nét cổ kính và được xem là di sản lịch sử. Ở đây, bạn có thể cảm nhận hoạt động tất bật của những người thu mua gốm, không gian này còn thu hút những nhiếp ảnh gia muốn lưu lại hình ảnh một Nhật Bản cổ kính. Con đường này được chọn là 1 trong 100 địa danh lịch sử tuyệt đẹp lâu đời ở Nhật Bản vào tháng 3/2007.

Việc tổ chức không gian cộng đồng ở đây không chỉ có giá trị lưu giữ các dấu ấn lịch sử nghề mà còn tác động chung đến ý thức của cộng đồng trong việc giữ gìn phát triển nghề gốm truyền thống.

Không gian cộng đồng l- các con đường gốm làng….

Thị trấn gốm Tajimi: Thị trấn tổ chức những không gian mở, tiếp xúc của du khách và người làm gốm, như chợ nghệ nhân, con đường lễ hội gốm.Vùng đất tổ của làng gốm Mino, thị trấn Tajimi ở quận Gifu, nơi rất nổi tiếng với những đồ gốm dòng Shino tráng men trắng nhạt hay màu đồng xanh của dòng Oribe. Những tàn tích còn lại của những lò nung cổ sản xuất ra những loại gốm này vẫn còn có thể tìm thấy ở thị trấn lân cận Kakamigahara. Đến thế kỷ 16, vùng đất này đã nhanh chóng nổi tiếng với những sản phẩm gốm Oribe, được đặt tên theo một chiến binh cũng là một nghệ nhân trà Furuta Oribe, một cư dân Mino chính hiệu. Nổi tiếng với danh xưng thủ đô của dòng gốm thẩm mỹ, Tajimi và vùng đất xung quanh Touno đã nhanh chóng phát triển và trở thành nơi sản xuất gốm lớn nhất nước Nhật với hơn một nửa lượng sản phẩm gốm và dệt là của vùng đất này.

Ở đây tổ chức khu chợ Nghệ Nhân Tajimi, một khu vực rộng với những quầy bán của những trường gốm địa phương là Ishoken và Tajimi. Khu chợ này đã ra đời từ 5 năm trước, trở thành nơi để đưa những sản phẩm gốm của các nghệ nhân gốm tuổi trẻ tài cao đến với những người tiêu dùng. Ở đây, có thể thấy có đến hơn 50 thợ gốm tài năng đang trình diễn những kỹ năng cũng như các tác phẩm của họ cho khán giả. Khu chợ dường như lúc nào cũng đông đúc và số lượng du khách tới đây mỗi năm không ngừng tăng cao. Sau khi ghé chợ Nghệ Nhân, cũng nên tới phố Oribe, là nơi huyết mạch của lễ hội gốm. Sự khác nhau lớn nhất giữa lễ hội gốm Tajimi và những hội chợ thủ công khác là tại lễ hội này có rất nhiều quầy bán của những cửa hàng địa phương bán Minoyaki với mức giá siêu rẻ.

Việc tổ chức khu chợ Nghệ nhân và lễ hội gốm là biện pháp duy trì truyền thống nghề và cũng là cách tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận nhận thức các giá trị nghề gốm truyền thống của một làng nghề từng đóng vai trò trung tâm sản xuất, phân phối sản phẩm cho cả vùng và cả nước Nhật.

Khu chợ nghệ nhân và con đường lễ hội ở phố Oribe

Làng gốm Gyeryongsan – Hàn Quốc: Tổ chức các không gian workshop, tạo ra những không gian trưng bày mở, những chương trình giao lưu với học sinh, sinh viên và khách du lịch. Ở những không gian này những người thợ gốm sẽ hướng dẫn cho du khách cách thực hiện, cũng như quy trình thực hiện sản phẩm gốm. Làng gốm nghệ thuật truyền thống nằm dưới chân núi Gyeryong (tỉnh Gongju, Chungcheongnamdo) cách Daejeon một tiếng lái xe, để trải nghiệm nghệ thuật làm gốm truyền thống Triều Tiên.

Hồi thế kỉ 15, 16, các nghệ nhân gốm ở tỉnh Gongju từng thực hiện rất nhiều tác phẩm gốm bằng kĩ thuật tráng men xám xanh (grayish blue-powdered celadon) đặc trưng. Những lò nung tập trung ở cổng đền Donghak. Ngày nay chỉ còn lại những mảnh gốm vỡ vụn còn sót lại ở khu vực này. Sau này những thợ gốm trẻ muốn phục hồi và phát huy di sản của ông cha đã tập hợp thành lập làng gốm nghệ thuật Gyeryong.

Sản phẩm đặc trưng của vùng này là gốm tráng men xám xanh Cheolhwa, được tạo hình từ đất của vùng núi Gyeryong. Sự tương phản rõ rệt giữa nền xám và những hoa văn đậm màu xuất hiện sau khi nung là nét đặc trưng của sản phẩm gốm Cheolhw.

Làng gốm Gyeryongsan đề cao việc tổ chức không gian trưng bày và không gian trải nghiệm chính là cách làm độc đáo về việc nhấn mạnh những yếu tố lịch sử và giá trị văn hóa của nghề. Từ những thể hiện sống động này góp phần giải thích về tính độc đáo của sản phẩm trong quá khứ và tiếp tục hướng mở cho những tiếp biến độc đáo của sản phẩm trong tương lai.

Không gian trưng bày ngoài nhà check-in, và không gian trải nghiệm

Bảo tàng lò nung gốm Trần Cảnh Đức – Trung Quốc: Được xem là cái nôi của gốm sứ Trung Hoa cổ đại, Giang Tây và đặc biệt là Trấn Cảnh Đức đã đi vào lịch sử quốc gia, gắn liền với văn hóa – văn minh Trung Hoa không chỉ nổi tiếng trong nước mà trên toàn thế giới. Tuy nhiên, phải đến tận năm 2017, khi Bảo tàng lò nung gốm Hoàng gia Trấn Cảnh Đức (Jingdezhen Imperial Kiln Museum), một Bảo tàng hiện đại với kiến trúc vòm ấn tượng do các KTS của Studio Zhu – PeiArchitectual Design thiết kế được chính thức khánh thành, thì các giá trị tinh hoa gốm cổ Trung Hoa đã được tôn vinh trang trọng và xứng đáng.

Về quy hoạch, Bảo tàng Lò nung gốm Hoàng gia có hệ thống giao thông đối ngoại được quy hoạch tổ chức theo mạng lưới đường phố Bắc – Nam của Trấn Cảnh Đức. Các lối vào đều đi qua các tiểu cảnh như các hồ nước, cây cầu… tổ chức trong khuôn viên, hướng mặt về phía Tây. Các khối công trình được quy hoạch quây quần như ôm lấy phần không gian mở của khu vực di chỉ khảo cổ Lò nung Hoàng gia. Quy hoạch cũng khéo léo để sau khi di chuyển qua các không gian công cộng với nhiều tiểu cảnh như cây xanh, tượng trưng bày ngoài trời, cầu gỗ, hồ nước nhân tạo…, du khách sẽ tiếp cận với không gian tiền sảnh của bảo tàng. Về kiến trúc, ý tưởng thiết kế công trình hướng đến tạo lập các trải nghiệm tổng thể để khơi gợi sự khám phá lại cội nguồn của Trấn Cảnh Đức, giúp tái tạo lại những trải nghiệm trong quá khứ với các chủ thể gồm người thợ, lò nung và các đồ sứ tạo tác.

Bảo tàng Lò nung gốm Hoàng gia bao gồm các khối mô đun hầm gạch dựa trên hình thức kiến trúc của lò nung truyền thống. Các hầm đều có quy mô kích thước, độ cong và chiều dài khác nhau. Để có được phương án tổ hợp, các KTS đã nghiên cứu kỹ lưỡng các điều kiện tự nhiên, để công trình có thể tích hợp hoàn hảo với địa hình địa mạo tự nhiên cũng như các khu vực di chỉ khảo cổ bao gồm cả một vài tàn tích được phát lộ trong quá trình xây dựng công trình. Các cấu trúc mái vòm của bảo tàng trông giống như những lò nung cũ, nhưng cũng được nghiên cứu có chiều cao nằm dưới mức tầng cao chung của khu vực, không chỉ tạo ra sự linh hoạt để thích ứng với địa điểm lịch sử có tính chất phức hợp, mà còn đạt được quy mô nội thất thân mật. Chiến lược này cũng như công trình có khả năng thích ứng, hòa nhập rất cao với các tòa nhà lịch sử xung quanh. Việc “chèn” thêm các khối công trình bảo tàng mới cũng cho phép tạo ra một loạt không gian công cộng ở cấp đường phố, để cộng đồng và người dân có thể thụ hưởng. Các không gian hầm mở và sân trong cũng tạo nên nhiều không gian nghỉ dưỡng, giải lao café thân mật ở cả trong nhà và ngoài trời cho người dân và khách tham quan bảo tàng. Các không gian công cộng ngoài trời cũng đều được thiết kế bố trí khéo léo che phủ dưới bóng râm, tránh mưa do nắng nóng và mưa nhiều vào mùa hè. Phần không gian mở trung tâm là nơi trưng bày ngoài trời cho khách tham quan di tích khảo cổ học với nhiều hiện vật nguyên trạng vô cùng độc đáo.

Mặt bằng tổng thể và không gian bảo tàng lò nung gốm Trấn Cảnh Đức

Hồi sinh Trung tâm, Phòng trưng bày và Dịch vụ Al-Nazlah:

Sự can thiệp hồi sinh khu vực Al-Nazlah ở Fayoum này nhằm mục đích tạo ra một dự án thí điểm trong các bối cảnh cụ thể. Khu vực giá trị này có các xưởng gốm chuyên sản xuất những chiếc bình đặc biệt dùng cho xây dựng từ nền Văn minh Ai Cập cổ đại. Do đó, kỹ thuật xây dựng được nâng cấp giúp tăng cường vật liệu liên kết bằng cách dán các chậu lại với nhau với sự trợ giúp của các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm đã duy trì kỹ thuật truyền thống. Ngoài ra, các hình thức mới đã được giới thiệu để xây dựng mái nhà, cho phép cộng đồng địa phương khám phá nhiều loại nhịp hơn bằng cách giới thiệu mái vòm & hầm được xây dựng bằng chậu.Dự án được khởi xướng bởi Arch. El-Setouhy nhằm mục đích khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào một quá trình có sự tham gia cho phép người dân địa phương tìm hiểu, đánh giá cao, sáng tạo và quản lý các sản phẩm văn hóa của họ. Do đó, cho phép họ đạt được ba trụ cột bền vững cho dự án, duy trì xã hội, kinh tế và môi trường. Dự án đã được trao giải Nhì Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế Baku 2019, Hạng mục A, với sự hỗ trợ của UIA (Liên minh KTS Quốc tế) vì đã tạo ra hạt nhân phát triển môi trường bền vững, có nhiều tác động tích cực đến toàn khu vực.

Tổ chức mặt bằng- kết cấu và hình thức công trình Phòng trưng bày và Dịch vụ Al-Nazlah

Tổ chức không gian cộng đồng tại làng gốm truyền thống Thanh Hà – Tỉnh Quảng Nam

Nghề gốm Thanh Hà ra đời từ năm 1516, khởi phát từ làng Thanh Chiếm, cách nơi hiện nay khoảng 1,5km về phía Ðông Bắc, sau do sông chuyển dòng nên dời về làng Nam Diêu (nay thuộc khối 5, phường Thanh Hà). gần điểm du lịch nổi tiếng là TP Hội An, nằm giữa hai di sản là TP Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.

Ngày 27/8/2019, “Nghề gốm Thanh Hà” (phường Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam) được đưa vào danh mục “Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia”. Năm 2019, Làng Gốm Thanh Hà đón 1.618.572 lượt khách quốc tế, 633.402 lượt khách nội địa lượt khách

Tại làng gốm Thanh Hà, phát triển không gian cộng đồng có sự kết hợp giữa tham quan các di sản văn hóa, Công viên gốm, với các hoạt động trải nghiệm làm gốm cùng người dân, tham quan quy trình sản xuất ..

Những đặc trưng không gian cộng đồng làng gốm truyền thống Thanh Hà.

Các không gian cộng đồng, các cụm dân cư hàng xóm láng giềng, liên cư liên địa đã tạo nên mối gắn kết lâu đời của cộng đồng dân cư nghề gốm. Tất cả những biến động trong làng mọi người đều biết do là hàng xóm hoặc cùng bà con họ hàng. Vì thế họ luôn quan tâm đến nhau trong phương cách “ra đường đều là bà con”. Đây chính là yếu tố quan trọng trong xây dựng tập tục ứng xử phù hợp của cả cộng đồng làng.

Các công trình tín ngưỡng cộng đồng, những bố trí trong khuôn viên vẫn theo kiểu truyền thống, phản ánh đầy đủ những giá trị đặc trưng về tổ chức không gian sống, nghệ thuật ứng xử thiên nhiên.

Các tuyến đường làng, khu sân phơi phơi gốm tập trung trong làng cũng chính là nơi giao tiếp cộng đồng trong làng

Trong nghề gốm đậm chất hợp tác hỗ trợ giữa người trong nhà, trong xóm, trong nghề, trong việc truyền nghề và nhiều người trong gia đình đều là thợ sản xuất.

Kinh nghiệm cho việc tổ chức không gian cộng đồng là giữ lại đặc trưng không gian cộng đồng trong làng với những nhu cầu mới như dịch vụ, khách du lịch tham quan, khám phá làng gốm nhiều hơn, nhu cầu giao lưu, trải nghiệm với nghề gốm…

Tổ chức khu trung tâm dịch vụ mới- Công viên đất nung Thanh Hà

Công viên đất nung Thanh Hà- một không gian cộng đồng mới

Làng gốm Thanh Hà đang đưa một số công trình cộng đồng tín ngưỡng truyền thống vào trong hoạt động du lịch tham quan, như: Di tích Đình Xuân Mỹ, Miếu Tổ làng nghề Nam Diêu. Các điểm dừng chân trong làng cũng được tổ chức theo các tuyến cụm, là điểm nghỉ chân, kết hợp giới thiệu trưng bày sản phẩm, giải khát, khu vệ sinh công cộng.

Chức năng công viên được phát triển như một không gian cộng đồng mới, bao gồm bảo tàng về gốm, khu giới thiệu nghệ nhân, lịch sử, văn hóa và các sản phẩm trong làng, khu sân lễ hội – giao lưu kết nối cộng đồng trong làng và du khách, nơi tổ chức các sự kiện truyền thống, những lễ hội văn hóa… Công viên là điểm kết nối bên ngoài và ngôi làng, quá khứ và hiện tại là trung tâm sáng tạo, nơi tiếp nhận khoa học kỹ thuật và cũng còn là nơi không chỉ tôn vinh các giá trị văn hóa nghề gốm Thanh Hà mà còn tạo nên sự kết nối điều hướng sự cảm nhận tinh hoa nghề gốm các nơi tụ hội.

Đề xuất tổ chức hành lang lễ hội

Chủ động đề xuất: Kết nối các không gian cộng đồng mới – cũ – các điểm dừng chân, các không gian tiếp cận mềm thành hành lang lễ hội, bắt đầu với công viên đất nung Thanh Hà và điểm cuối là đường ven sông, đình Xuân Mỹ; việc tạo ra hành lang lễ hội, sẽ kết nối và phát huy hiệu quả các không gian chức năng trong làng, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, tham quan du lịch, các hoạt động kinh tế nghề gốm; khách tham quan có môi trường giao tiếp với các nghệ nhân, thợ gốm, khám phá sản phẩm nghề gốm. Hành lang lễ hội được thiết kế gắn với môi trường sinh thái, cảnh quan sông nước, cộng đồng làng thủ công truyền thống, các hoạt động văn hóa, lễ nghi, giao lưu cùng những ấn tượng mạnh về một vùng quê Hội An, như là cách giới thiệu đại diện cho cả một hợp thể “trầm tích văn hóa” Quảng Nam…

Kết luận

Không gian cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt của người dân và trong làng. Những con đường gốm sứ, những khu chợ nghệ nhân, các không gian trải nghiệm, bảo tàng chuyên ngành gốm là những ví dụ cho việc tổ chức không gian cộng đồng mới.

Đề xuất hành lang lễ hội khu vực trung tâm làng gốm Thanh Hà

Trong không gian hoạt động cộng đồng tại Quảng Nam, việc hình thành hành lang lễ hội trong tương lai, như một trong những không gian cộng đồng mới, kết nối các giá trị vật thể và phi vật thể của làng, như một bảo tàng mở, tạo nên sức sống mới trong các hoạt động của làng

Các không gian cộng đồng hiện nay còn đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động trong làng. Việc quy hoạch, tạo không gian cộng đồng một cách phù hợp không những giữ được những nét đặc trưng truyền của làng, mà còn đưa các công trình cộng đồng vào khai thác, các sinh hoạt văn hóa làng gốm được bảo tồn và phát triển- một bảo tàng sống có sức sống, phát triển bền vững

Ths.KTS Nguyễn Văn Nguyên
NCS. Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2023)


Tài liệu tham khảo :

  • Nguyễn Hải Vân, Bảo tàng lò nung gốm Hoàng Gia Trấn Đức Cảnh, Bảo tàng lịch sử Quốc gia- www.baotanglichsu.vn tháng 7-2021
  • HAN Shuangyu, Doumu Dragon Kiln and ICH Lounge in Qianshan, Anhui / Greyspace Architects , www.Archdaily.com 2023
  • Phương Anh, Khám phá nghề thủ công truyền thống ở vùng Tokai, Kilala.vn tháng 8-2021
  • Hana Abdel, Reviving Al-Nazlah Center, Gallery and Service / Oriental Group Architects + Hamdy El-Setouhy, www.Archdaily.com 2019
  • Hoshiho, Làng gốm mèo Tokoname, Hoshiho.com-
  • Bonsai Focus English Edition 2018