Từ sơ phác đến tác phẩm Kiến trúc [Phần II]: Những Sơ phác của Oscar Niemeyer

Phần 1: Từ sơ phác đến tác phẩm kiến trúc (Phần I)

KTS Oscar Niemeyer đã đưa kiến trúc hiện đại Brazil lên hàng những nền kiến trúc nổi tiếng trên thế giới. Là học trò của Le Corbusier, một trong những cây đại thụ của chủ nghĩa công năng, Oscar Niemeyer cũng áp dụng hình học sơ cấp trong rất nhiều công trình, cũng dùng nhiều hình hộp chữ nhật, nhiều mặt phẳng rộng mênh mông với những góc vuông “thể hiện sự thông minh” – như lời của Le Corbusier). Tuy nhiên, kiến trúc của ông không  khô cứng, Ông say mê những đường cong và chính những đường cong tài hoa đã làm kiến trúc của Oscar Niemeyer thật quyến rũ. Ông cũng phê phán những cái hộp của chủ nghĩa công năng là  khô cứng: “Tôi không ấn tượng với những công trình góc cạnh hay những đường thẳng khô cứng và thiếu sinh động. Tôi ấn tượng với dòng chảy tự do, đường cong gợi cảm. Ðường cong mà tôi nhận thấy ở những rặng núi đất nước tôi, ở những dòng song uốn lượn, trong sóng đại dương và trên cơ thể người phụ nữ đáng yêu. Ðường cong tạo nên toàn bộ vũ trụ, vũ trụ cong của Einstein”

Năm 1940, Oscar Niemeyer đã thiết kế một tổ hợp 4 công trình ở vùng Pampulha gồm có một casino, một câu lạc bộ du thuyền, một nhà hàng có sàn nhảy và một nhà thờ. Bốn công trình này nằm trên bờ hồ, nhiều đường cong nhất là nhà hàng có sàn nhảy, ở đây một hành lang có mái uốn lượn rất tự do theo hình hồ nước; nhà thờ thánh Francis có hình 4 vòm cuốn cao thấp khác nhau; casino có hình khối vuông vắn nhưng mái sảnh đón lại có hình cong tự do, chỉ có câu lạc bộ du thuyền là ít đường cong nhất.

Bảo tàng Nghệ thuật Ðương đại Niteroi ở Rio de Janeiro là một kiệt tác của Oscar Niemeyer. Ý tưởng của ông thiết kế bảo tàng như một bông hoa nổi trên mặt nước. Nhiều khách du lịch thì lại bảo rằng đây là một đĩa bay, những sơ phác ban đầu của ông thật là thú vị.

Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Niteroi ở Rio de Janeiro

Tại bức sơ phác số 13, đường đi lên bảo tàng là một nét ngoằn ngoèo, đã được cụ thể hóa thêm ở bản sơ phác 14. Bức sơ phác 15 vẽ hành lang ở tầng trưng bày có tường nghiêng 40o cũng là một chi tiết độc đáo chưa hề có trong bất kỳ công trình kiến trúc nào khác. Trong ảnh số 18, chân của bảo tàng được thể hiện cắm vào một hồ nước tròn như một bông hoa mọc từ hồ nước lên.

Năm 1936, KTS Le Corbusier được mời sang nước Brazin để thiết kế trụ sở Bộ Giáo dục và Y tế. Ở Brazin, Le Corbusier hướng dẫn một số KTS trẻ tuổi giúp ông hoàn thành bản thiết kế công trình, trong số những KTS trẻ tuổi ấy, có những người sau này trở thành những nhân tài của đất nước Braxin, đó là Oscar Niemeyer, Lucio Costa, Eduardo Reidy… Những KTS này luôn luôn tự hào là học trò của Le Corbusier.

Trong cuộc thi thiết kế thủ đô Brasilia, thủ đô mới của Brazin, phương án của Lucio Costa đã được chọn. Lẽ ra Costa phải nhận trách nhiệm chủ trì thiết kế các công trình kiến trúc của thủ đô mới, nhưng ông khiêm tốn giới thiệu Oscar Niemeyer  chủ trì và bảo rằng Oscar giỏi hơn tôi về công trình kiến trúc, còn Oscar cũng chỉ nhận thiết kế những công trình chủ yếu của thủ đô mới và đề nghị tất cả các KTS khác tham gia thiết kế mọi công trình của thủ đô theo quy hoạch chi tiết của Lucio Costa.

Thế là Oscar Niemeyer thiết kế những công trình chủ yếu nằm trong quảng trường Tam quyền như tòa Quốc hội, Ban thư ký Chính phủ, Tòa án tối cao… Ngoài ra còn thiết kế cung Rạng Ðông là nơi ở và làm việc của Tổng thống; nhà thờ Brasilia…

Công trình quan trọng nhất của thủ đô mới là nhà Quốc hội. Từ những nét sơ phác ban đầu ta đã thấy một bố cục gồm 3 thành phần: Một bát úp (Thượng nghị viện), một bát ngửa (Hạ nghị viện), một tháp đôi cao tầng (Ban thư ký Chính phủ). Ba thành phần này được bố trí trong một bố cục rất đơn giản, rất thanh nhã. Các sơ phác về hai phòng họp của Thượng và Hạ nghị viện trong hai bát “úp” và “ngửa” cho thấy những ý nghĩ ban đầu của tác giả cũng đã khá sâu sắc về chỗ ngồi trên thành “bát”, trên ban công, dưới sàn hội trường.

Tòa Quốc hội Brasilia cho thấy những yếu tố của chủ nghĩa công năng còn rất rõ rệt: Toàn bộ phần bệ nhà là sảnh và các văn phòng vẫn nằm trong một ngôi nhà chữ nhật rất nghiêm chỉnh; hai tòa cao ốc đôi cũng là những ngôi nhà chọc trời vuông vắn. Nhưng những yếu tố khác bộc lộ tác phẩm này không phải thuộc chủ nghĩa công năng cũng rất rõ rệt: Nó có những điểm “không hợp lý” như: Hai cái bát cùng có một công năng là hội trường, phòng họp hội đồng tại sao không giống nhau mà trái ngược nhau: một ngửa, một úp? Tòa tháp đôi gồm nhiều văn phòng làm việc của Ban thư ký, có cùng chức năng tại sao không làm thành một tòa nhà mà lại tách làm hai?…

Tòa Quốc hội Brasilia

Một trong những sáng tạo độc đáo của Oscar Niemeyer về chi tiết kiến trúc là hệ thống cột. Những hệ cột mang tính tạo hình mềm mại đã được áp dụng vào cung Rạng Ðông (phủ Tổng thống), vào quốc gia pháp viện (Tòa án tối cao)… khiến những công trình này thêm duyên dáng.

Phủ tổng thống Brazil

Nhà thờ Brasilia tuy không lớn nhưng là một kiệt tác độc đáo từ hình thức kiến trúc đến quan niệm đảo ngược lại truyền thống của nhà thờ. Những sơ phác ban đầu diễn đạt ý nghĩ: “Tôi thiết kế nhà thờ Brasilia như một công trình điêu khắc hoành tráng, diễn đạt một tư tưởng tôn giáo, một khoảnh khắc cầu nguyện, những cây cột cong vươn lên dưới bầu trời Brasilia như một cử chỉ nguyện cầu và giao tiếp”.  Chúng ta thấy ở đây như những cánh tay hướng lên thánh giá, hơn nữa những mũi nhọn của 16 cột cong nhắc ta đến vành đai gai góc mà quân giặc đã chụp lên đầu Chúa, tạo những dòng máu chảy ròng ròng. Hình sơ phác số 29 cho ta thấy quanh nhà thờ có một hào nước, như vậy lối vào nhà thờ ở đâu? Xưa nay ta từ ngoài đường sáng và nắng, đi vào nhà thờ tối, phải một lúc định thần mới lại trông rõ mọi vật. Oscar Niemeyer lập luận rằng, ta đến với chúa là ta từ nơi tối đến nơi sáng cho nên ông đã làm một lối vào nhà thờ độc đáo mà sơ phác số 29 đã vẽ ra. Cách nhà thờ vài chục mét, có một lối dốc đi xuống đất vào một đường hầm tối, từ đó ta thấy xa xa ánh sáng rực rỡ của nội thất nhà thờ hiện lên: Ta từ hầm tối đến với chúa sáng rực.

Nhà thờ Brazillia

Những sơ phác ban đầu của Oscar Niemeyer cho ta hiểu hơn tư tưởng sáng tác của ông. Bài học từ những sơ phác đó chắc chắn bổ ích với chúng ta.

 

PGS.TS.Tôn Đại

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 7/2017)