Từ sơ phác đến tác phẩm kiến trúc: Những sơ phác của KTS Ken Yeang

Cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, tên tuổi của KTS Ken Yeang nổi bật trong giới kiến trúc quốc tế với trào lưu kiến trúc sinh thái. Trong Đại hội KTS quốc tế họp tại Bắc Kinh năm 1999, Đại hội đã tuyên bố: thế kỷ XXI là thế kỷ của kiến trúc sinh thái. Tại Đại hội này, Ken Yeang được coi như một ngọn cờ đầu của kiến trúc sinh thái nhà cao tầng đô thị. Ông sinh năm 1948 tại Malaysia, tốt nghiệp KTS ở London (năm 1971) và cũng nhận bằng Tiến sĩ kiến trúc (năm 1975) tại Anh quốc.

Hình 1

Kiến trúc sinh thái có hai tính chất chủ yếu là gắn bó công trình kiến trúc với môi trường và tiết kiệm năng lượng. Ken Yeang đã thực hiện nhiều công trình trên thế giới, rất nhiều ở các nước châu Á như: Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Việt Nam (BIDV Tower 2007 tại TP HCM), ở các châu lục khác như: Mexico, Đức, Anh quốc, Kuwait…

Hình 2

Công trình Menara Mesiniaga xây dựng những năm 1989 – 1993 tại 1A Jalan ss 16/1, Subang Jaya Selangor, Malaysia được giải thưởng Aga Khan về kiến trúc năm 1995 được coi là công trình tiêu biểu của kiến trúc sinh thái. Sơ phác ban đầu của Ken Yeang về công trình này thật là phức tạp, rối rắm (Hình 1). Nhìn kỹ ta thấy có hệ thống xoắn ốc và tràn ngập cây xanh ở các tầng. Các ghi chú bên trái là độ cao của nhà theo lên các tầng, các ghi chú bên phải là về các hệ thống cây, các không gian trống để nghỉ ngơi…

Hình 3

Qua sơ phác số 2 (Hình 2) ta thấy một phối cảnh công trình 14 tầng, bên trái có mũi tên chỉ hướng gió và một vòng xoáy ốc mở dần từ tầng dưới lên với ghi chú là những sân mở bắt gió, trên những bậc mở này có trồng cây. Cả những lỗ trống này được ghi là “hệ thống sân trời xoắn ốc”. Trên cùng mưa rơi xuống vườn mái. Sơ phác riêng hệ thống xoắn ốc, đó là trồng cây từ dưới lên, nước mưa chảy từ trên xuống. Đó là nội dung cơ bản của kiến trúc sinh thái liên quan đến gió, mưa và cây xanh, chúng quyết định hình thức ngôi nhà này. Sơ phác hệ thống lỗ trống trên các tầng và giải quyết hệ thống mái trên sân thượng. Bản sơ phác số 3 vẽ mặt cắt công trình nằm trên mảnh đất giữa hai đại lộ Harrison và Montgomery. Ở sơ phác này ta thấy ánh mặt trời chiếu qua hệ thống không gian trống ở các tầng, trên sân thượng có một két nước và ở hè đường có sân đỗ xe. Hình vẽ số 4 cho ta thấy một cách tóm tắt cấu tạo của ngôi nhà với 4 mũi tên chỉ: Mũi tên thứ nhất bên trái cho ta thấy một tầng điển hình trong 14 tầng, mũi tên thứ hai bên trái chỉ hệ kết cấu chủ yếu là 8 trụ; mũi tên thứ nhất bên phải là vườn trời có hệ thống mái gắn pin mặt trời; mũi tên thứ hai bên phải là lõi của công trình. Hình 5 là ảnh của công trình Menara Mesiniago với hệ thống chắn nắng độc đáo tạo nên tính cách khác lạ trở thành đặc điểm của công trình.

Hình 4

Việc phân tích những sơ phác và những hình vẽ của công trình Menara Mesiniaga cho ta hiểu suy nghĩ của tác giả Ken Yeang về giải quyết vấn đề sinh thái cho một nhà cao tầng ở đô thị như thế nào. Ngoài vấn đề trên ông không bỏ qua yếu tố thẩm mỹ cho nên ngôi nhà này có một vẻ đẹp sinh động khá hấp dẫn.

PGS.TS Tôn Đại
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)