Vấn đề cốt lõi trong không gian nội thất căn hộ nhà ở xã hội và các nguyên tắc thiết kế nội thất

Nhà ở xã hội hiện nay đang được Chính phủ tập trung nhiều chính sách hỗ trợ. Ngay cả một số công trình chung cư cao tầng thương mại có diện tích căn hộ lớn cũng được chuyển đổi thành nhà ở xã hội (NƠXH) hoặc nhà ở thu nhập thấp (TNT) với các căn hộ nhỏ dưới 70m2. Tuy nhiên, các căn hộ NƠXH được xây dựng đã và đang bộc lộ những nhược điểm ảnh hưởng tới chất lượng ở và có nguy cơ để lại những hậu quả trong tương lai. Cách thiết kế NƠXH theo kiểu “nhà ở thương mại thu nhỏ” đang tỏ ra không phù hợp với rất nhiều bất cập. Điều này có thể nhận ra qua việc phân tích các căn hộ đã được đưa vào sử dụng.

Mặt bằng căn hộ A, Dự án nhà ở xã hội -143 Trần Phú
Mặt bằng căn hộ A, Dự án nhà ở xã hội -143 Trần Phú

 

Các vị trí trong căn hộ không có ánh sáng tự nhiên
Các vị trí trong căn hộ không có ánh sáng tự nhiên

Các vấn đề còn tồn tại (nhược điểm) trong nội thất căn hộ NƠXH tại Hà Nội

Qua các nghiên cứu thực trạng về căn hộ NƠXH, kết hợp với các phân tích, nhận xét về tình trạng nội thất của các NƠXH đã được xây dựng gần đây, cho thấy những nhược điểm cơ bản trong thiết kế loại căn hộ này tại Hà Nội như sau:

  • Khả năng mở rộng, biến đổi không gian chức năng thấp. Mặc dù các yếu tố ảnh hưởng tới nội thất như khí hậu, văn hoá – xã hội – gia đình hay kinh tế – kỹ thuật đều biến động liên tục, nhưng tổ chức không gian nội thất hiện nay lại thiếu linh hoạt, không đáp ứng được điều này. Một trăm phần trăm số căn hộ được xây dựng đều ngăn chia không gian nội thất thành các phòng riêng biệt bằng tường gạch;
  • Khó khăn trong việc bố trí đồ đạc nội thất hợp lý với căn hộ có diện tích nhỏ, cùng với các không gian chức năng nhỏ hẹp;
  • Thiếu không gian đặt bàn thờ là nhu cầu của đại đa số cư dân Việt;
  • Các không gian chức năng trong căn hộ còn chưa được thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên; đặc biệt đa số các khu phụ trợ đều trong tình trạng này. Tầm nhìn từ các không gian phòng ăn, phòng khách của các căn hộ chưa được quan tâm. Điều này làm giảm chất lượng sống trong căn hộ;
  • Chưa có nhiều giải pháp gộp hay chia sẻ không gian chức năng trong căn hộ và tận dụng không gian theo phương ngang và phương đứng (mặt bằng và mặt cắt).
  • Thiếu sự đồng bộ trong thiết kế kiến trúc và nội thất.
  • Theo quy định thì các căn hộ từ 60 đến 70m2 chỉ thiết kế được 2 phòng ngủ, chưa đáp ứng được nhu cầu của gia đình phổ biến hiện nay là một cặp vợ chồng với 2 con.
  • Cơ cấu căn hộ bố trí tự do, mặc dù diện tích nhỏ nhưng đa số các căn hộ vẫn bố trí khu phụ trợ gồm các chức năng: vệ sinh, bếp, lôgia phơi giặt phân tán, điều này dẫn đến việc phải bố trí nhiều các trục kỹ thuật đứng (cấp thoát nước) gây lãng phí đường ống và phức tạp trong quản lý và vận hành.
  • Không gian bếp trong các căn hộ NƠXH đã xây dựng thường được bố trí chung với phòng ăn và phòng khách, gây ảnh hưởng tới mỹ quan nội thất và ô nhiễm không khí trong nhà – do mùi thức ăn khi bếp không được kết nối với lôgia phụ trợ, gây bất tiện trong sử dụng.
  • Nhiều căn hộ thiếu lôgia hoặc bố trí lôgia phơi giặt theo kiểu lôgia ngang (có chiều ngang lớn hơn nhiều so với chiều dài) dẫn đến tình trạng mất mỹ quan công trình khi các căn hộ phơi quần áo, chăn màn tại lôgia.
Bàn ăn thu gọn theo bề rộng và chiều cao
Bàn ăn thu gọn theo bề rộng và chiều cao

 

Bàn ăn xếp gọn vào tường khi không sử dụng
Bàn ăn xếp gọn vào tường khi không sử dụng

Ví dụ 1: Mặt bằng căn hộ A, dự án nhà ở xã hội -143 Trần Phú
Diện tích các không gian chỉ vừa đủ sử dụng, không gian bếp dài và hẹp, khó bố trí tủ lạnh. Tiền phòng tương đối lớn (4,1m2), trong khi phòng khách thì chỉ có 10m2. Ưu điểm của căn hộ này là có một phòng ngủ có diện tích lớn (14,2m2), dễ dàng cho việc bố trí nội thất. Khu phụ trợ bố trí rời rạc.
Với nhà ở xã hội CT6-Đặng Xá, vẫn còn rất nhiều không gian không đạt tiêu chuẩn về chiếu sáng và thông gió.

fghng

fnf

Vấn đề cốt lõi trong nội thất căn hộ NƠXH hiện nay:

Từ những nhược điểm trên, có thể nhóm lại thành 3 nhóm vấn đề chính:

  1. Cấu trúc căn hộ cứng nhắc, cố định
  2. Thiếu các giải pháp nội thất đồng bộ để chia sẻ không gian
  3. Thiếu thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên

Những vấn đề này được quy nạp chỉ ra một vấn đề cốt lõi, điểm mấu chốt của mọi tồn tại trong tổ chức không gian căn hộ NƠXH hiện nay đó là: Cấu trúc thiếu khả năng tận dụng không gian trong căn hộ.

Giường gấp lên tường nhằm tiết kiệm không gian
Giường gấp lên tường nhằm tiết kiệm không gian

 

Module giường gấp gắn liền giá sách
Module giường gấp gắn liền giá sách

 

Không gian ngủ linh hoạt phía dưới giường tầng
Không gian ngủ linh hoạt phía dưới giường tầng

 

Không gian phía trên bàn làm việc được tận dụng cho giường ngủ
Không gian phía trên bàn làm việc được tận dụng cho giường ngủ

Việc phát hiện vấn đề cốt lõi được thể hiện qua ‘cây vấn đề’ sau:

Nguyên tắc thiết kế nội thất cho các căn hộ nhà ở xã hội.
Với cách thức thiết kế NƠXH theo kiểu “chung cư thương mại thu nhỏ” như hiện nay, người ở buộc phải “xoay xở” với các giải pháp về đồ đạc nội thất. Vấn đề này cũng chưa được giới chuyên môn, các cơ chức năng nghiên cứu, hướng dẫn nên chất lượng sống trong các căn hộ NƠXH chưa cao, nếu không muốn nói là thấp và phó mặc cho người ở định đoạt. Việc xác định nguyên tắc thiết kế nội thất cho các căn hộ NƠXH đã xây dựng cũng như định hướng cho mô hình NƠXH trong tương lai là hết sức cần thiết
Từ các yếu tố tác động lên không gian nội thất căn hộ NƠXH gồm: Diện tích các phòng chức năng nhỏ hẹp; thu nhập của đối tượng sử dụng còn chưa cao; nhu cầu người ở luôn thay đổi; thời tiết thay đổi; xu hướng công nghiệp hoá đòi hỏi sản xuất theo dây chuyền với số lượng lớn…

  • Tổng hợp các yếu tố trên cho phép rút ra 4 nguyên tắc thiết kế đồ đạc nội thất (xem bảng 2):
  • Đồ đạc có kích thước tối thiểu phù hợp với không gian nhỏ hẹp.
  • Có tính linh hoạt (module) cao, tận dụng được không gian phương ngang và phương đứng, đa chức năng tích hợp các đồ nội thất với nhau, đem lại hiệu quả cao trong việc tiết kiệm không gian.
  • Ưu tiên sử dụng đồ đạc nội thất để ngăn chia không gian (giảm thiểu việc lãng phí diện tích của các tường xây cố định).
  • Sử dụng vật liệu bền vững: Thân thiện với môi trường; là vật liệu địa phương nhằm giảm chi phí vận chuyển; phải tái chế được.

Nhóm giải pháp thiết kế và sử dụng đồ nội thất
Với các căn hộ đã xây dựng sẵn, các phòng chức năng đã được ngăn chia cố định thì giải pháp nội thất chủ yếu tập trung vào việc thiết kế và sử dụng đồ đạc nội thất phù hợp. Việc tổng hợp các giải pháp về đồ đạc nội thất cho phép phân loại thành 3 nhóm giải pháp cơ bản là: Đồ nội thất thu gọn kích thước khi không sử dụng, đồ nội thất tận dụng không gian trên dưới và đồ nội thất đa năng, ngoài ra có thể tích hợp hai hay nhiều giải pháp nêu trên trong các sản phẩm đồ đạc nội thất:

1. Đồ nội thất thu gọn kích thước khi không sử dụng

Với những căn hộ nhỏ, sử dụng những đồ nội thất có thể thu gọn khi không sử dụng là một giải pháp chia sẻ không gian hữu hiệu. Việc này cũng giúp tạo cảm giác rộng rãi nhờ giảm sự cản trở tầm nhìn bằng cách thu gọn kích thước đồ nội thất theo phương ngang và phương đứng (hình 4).
Trong cùng một không gian, bàn ăn được gấp lên tường, nhường diện tích sử dụng cho những chức năng khác (hình 5).

Giường tích hợp chức năng ghế sofa
Giường tích hợp chức năng ghế sofa

2. Đồ nội thất tận dụng không gian trên dưới

Khi thiết kế đồ nội thất, nên xét đến giải pháp tận dụng không gian theo phương đứng qua việc chồng lớp các đồ nội thất tức là không gian theo phương đứng được tận dụng tối đa các đồ đạc theo chức năng và kích thước chiều cao khác nhau có thể tích hợp vào các khoảng không phía dưới hoặc phía trên của nhau để tận dụng diện tích chiếm chỗ trên mặt bằng (hình 7).

Tổ hợp sofa và giường gấp trong cùng một không gian
Tổ hợp sofa và giường gấp trong cùng một không gian

3. Đồ nội thất đa chức năng

Ngoài những giải pháp thu gọn và chồng lớp đồ nội thất, việc biến đổi, tích hợp các chức năng khác nhau trong cùng một sản phẩm chính là cách thiết kế đồ nội thất linh hoạt được chú trọng. Thay vì chế tạo từng loại đồ đạc riêng biệt như giường, ghế sofa tách rời và phải bố trí không gian cho từng loại đồ khi đưa vào sử dụng, việc hợp gộp chức năng giường, ghế sofa trong một sản phẩm không chỉ giúp tiết kiệm không gian nội thất mà còn giảm thiểu chí phí sản xuất giúp hạ giá thành (hình 8). Điều này rất phù hợp cho các căn hộ nhà ở xã hội.

Bàn làm việc kết hợp giá sách tiết kiệm không gian
Bàn làm việc kết hợp giá sách tiết kiệm không gian

– Tích hợp các giải pháp trong thiết kế đồ nội thất:

Trong một số trường hợp, có thể kết hợp nhiều giải pháp thiết kế khác nhau như thu gọn và đa chức năng hay chồng lớp và thu gọn.
Một phương án kết hợp 2 giải pháp là bàn làm việc gấp lên giá sách (hình 9) .
Loại giường tầng thông thường có thể được gấp gọn lên tường là sự kết hợp của giải pháp thu gọn đồ đạc khi không sử dụng và tận dụng không gian trên dưới của đồ đạc (hình 10).

Giường tầng gấp gọn lên tường khi không sử dụng
Giường tầng gấp gọn lên tường khi không sử dụng

Kết luận

Cấu trúc căn hộ NƠXH thiếu khả năng tận dụng không gian” cho thấy các chung cư NƠXH đã xây dựng không phù hợp với thực tế sử dụng. Một mặt để cải thiện chất lượng ở trong các căn hộ đó cần áp dụng các giải pháp thiết kế và sử dụng đồ đạc nội thất, mặt khác cần có những nghiên cứu đồng bộ đủ sâu rộng trong việc tìm ra mô hình NƠXH mới thích ứng với các điều kiện kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

TS.KTS Vũ Hồng Cương

( Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2016 )