Văn hóa doanh nghiệp

Có rất ít công ty kiến trúc ở Việt Nam có văn hóa doanh nghiệp thực sự. Nhưng có lẽ điều này sẽ sớm được thay đổi. Trung Quốc hiện là nước tiên phong trong việc xây dựng văn hóa công ty này.

Trên thực tế, các hoạt động kiến trúc và công nghiệp xây dựng bùng phát ở châu Á ngày hôm nay là kết quả hiển nhiên của quá trình toàn cầu hóa.

“Một trong những khó khăn chủ yếu trong việc xây dựng ở môi trường nhiệt đới chính là việc khám phá một ngôn ngữ về khái niệm thiết kế, về các đường kẻ, các góc độ, các mắt lưới và các bóng râm, hơn là một kiến trúc duy vật bởi các mặt bằng, các hình khối, đặc và rỗng. Điều này đòi hỏi một quá trình tự học hỏi, bởi sự chiếm ưu thế của kiến trúc phương Tây đã áp đặt các nội dung cốt lõi trong quá trình đào tạo các KTS (châu Á) suốt 200 năm qua.” (KTS Tay Kheng Soon, 1997, Singapore).

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc thông tin về các dự án kiến trúc được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội mà không có bất cứ sự chắt lọc nào đã tạo ra một văn hóa “đồng nhất” về hình ảnh kiến trúc mới.

Các công cụ công nghệ thông tin với chức năng tương tự được tạo ra để cung cấp cho những đơn vị làm kiến trúc, hay các phần mềm thiết kế hình ảnh tương tự được lập trình cho các nhà thiết kế đồ họa và tạo mô hình 3D. Điều này đã tạo ra một bộ quy chuẩn các tiêu chuẩn thiết kế đồng nhất quốc tế, với cùng một góc độ ánh sáng, cùng một kiểu hiệu ứng đồ họa và cùng phong cách phối cảnh.

Thiết kế các sản phẩm sáng tạo đã tuân theo quy chuẩn đồ họa toàn cầu này để từ đó triển khai các hình ảnh và các bản vẽ. Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ.

Phòng tổ chức tiệc cưới tại Tòa thị chính Barroux

Thế giới đang chuyển mình thay đổi

Thời kỳ hậu Covid-19 sẽ dẫn tới các thực tiễn khác rất khó lường. Giống như sự xuất hiện của một phong trào thiết kế kiến trúc mà một vài người cho là căn cơ, công việc thiết kế bị bó buộc trong một quỹ ngân sách ngày một hạn hẹp và các cách thức triển khai nghèo nàn vì một chủ nghĩa tư bản “hoang dã” đang ưu tiên sự ngắn hạn và hiệu ứng tức thì của thời gian.

Nhu cầu sử dụng nguyên liệu sinh học, mạng lưới kinh tế tuần hoàn đã che đậy việc thuyên giảm ngân sách đầu tư xây dựng trong vòng ba mươi năm qua. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc cắt giảm ngân sách vật liệu xây dựng vĩ mô cũng là một yếu tố cần thiết để cứu vớt cho hành tinh này. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tài nguyên khoáng sản bị khai thác không chút do dự từ hàng trăm năm nay, dẫn đến ngay cả cát cũng đã cạn kiệt ở nhiều nơi trên thế giới.

Trong khi nguồn cung cấp nguyên vật liệu sẽ ngày càng eo hẹp thì ý nghĩa của một ngành kiến trúc giản tiện – điều mà đang khiến chúng ta trăn trở – là gì ngoài việc để đáp ứng bài toán ngân sách hạn chế và để thúc giục chúng ta tìm đến những giải pháp mới giải quyết các vấn đề liên quan đến thay đổi khí hậu?

Góc nhìn của KTS

Tôi cho rằng chúng ta không nên đánh mất đi các nền tảng cơ bản và làm sao để luôn đưa “văn hóa tầm nhìn” ở khắp nơi để mở ra cho những người sử dụng các tòa nhà do chúng ta thiết kế, không chỉ những ô cửa sổ nhìn ra thế giới bên ngoài mà cả những nét thơ ca của nó, thay vì chạy theo một lĩnh vực kiến trúc ứng dụng kỹ thuật công nghệ mà viện cớ vào sự tiết kiệm, đã chôn vùi bản chất cái nghề kiến trúc của chúng ta.

Hơn nữa, trong một thời kỳ mới; sự xuất hiện của hiện tượng giãn cách xã hội, chúng ta phải cảnh giác với một trào lưu “khuấy động lo lắng” mới đang diễn ra, khiến người ta tự thấy quen thuộc hơn với những nơi buồn tẻ, cô đơn hay với những hành lang an ninh kích thích lo lắng và những tòa nhà trơn tru như những hộp sữa chua được chùi sạch, bóng nhẵn và không có một chút bụi.
KTS là người đặt dấu ấn về sự neo đậu thông qua việc thiết kế khối đế để tạo ra một nền tảng kiên cố nhất cho một tòa nhà.
KTS cũng là người xác định khung kết cấu và thiết kế đồ họa cho các ô cửa sổ, về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tạo ra các không gian, ánh sáng, đan xen các liên kết giữa bên trong và bên ngoài tòa nhà là tinh hoa trong công việc thiết kế kiến trúc của chúng tôi.

Sáng tạo thiết kế là để cho ra đời một sản phẩm đơn thuần độc nhất với không gian xung quanh. KTS và nghệ sĩ giống nhau là ở chỗ họ là một trong số ít người tiếp tục bảo vệ những nét thi vị của cuộc sống.

Tuy nhiên, ở Châu Á, mọi người ngày càng tập trung sự chú ý hơn vào vẻ bề ngoài. Vì lẽ đó mà trong kiến trúc, vẻ bề ngoài, chất liệu bên ngoài – “Bộ áo khoác” lên mình mỗi tòa nhà trở nên quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác. Đứng trước thực tiễn này, ý nghĩa của việc xây dựng mất đi tầm quan trọng vốn có, ngay cả chức năng sử dụng của mỗi tòa nhà, kết cấu của nó, và việc quản lý lưu lượng giao thông ra sao, thậm chí câu hỏi về sự bền vững lâu dài cũng đều trở nên không còn quan trọng. Điển hình như việc sử dụng vật liệu thủy tinh để chịu nhiệt dưới cái nắng cháy bỏng là điều không thành vấn đề ở đây – Vì người ta mặc định rằng điều hòa sẽ làm nhiệm vụ tạo mát cho không gian bên trong theo đúng chức năng của nó.

Công trình: Cuckoo House (Hòa Xuân – Việt Nam) / Tropical Space
Hạ Long villa – KTS Võ Trọng Nghĩa

Chắp vá và lắp ghép là những “đặc quyền” của KTS tại Việt Nam?

KTS là người chọn vật liệu phù hợp cho từng dự án. Anh ấy là một nghệ thuật gia, chịu trách nhiệm cho phần việc này. Tuy nhiên, văn hóa kiến trúc Ăng-lê du nhập vào Việt Nam đã trở thành nền tảng hoạt động cho phần lớn các hãng thiết kế kiến trúc ở Châu Á và đã tạo ra một sự lầm tưởng, tước đoạt đi vai trò này của người làm kiến trúc.

Các mô tả chi tiết vượt mức cần thiết trong các thuyết minh thiết kế là hậu quả của việc thiếu sáng kiến và không tôn trọng ý kiến của những chuyên gia xây dựng. Hoặc điều này có thể đơn giản là do thiếu sự trao đổi mang tính xây dựng giữa các đối tác chủ chốt của một dự án.

Không giống như ở Nhật Bản, nơi chủ trương thôi thúc phát triển các kỹ năng xây dựng truyền thống, văn hóa kiến trúc gỗ và xây dựng tạm thời, ở Việt Nam chúng ta không có đủ nhân lực chuyên nghiệp đủ trình độ nâng lĩnh vực xây dựng lên một tầm cao mới và quản lý chuyên nghiệp các dự án kiến trúc. Một điều cơ bản nữa là chúng ta nên ngừng việc tách thiết kế nội thất ra khỏi thành phần tổng thể của bộ môn kiến trúc vì điều này có nguy cơ làm mất ý nghĩa và sự gắn kết của toàn bộ môn.

Ở Việt Nam, việc các đơn vị thiết kế sản xuất ra hàng loạt các sản phẩm giống nhau là không hiếm thấy. Vì ở đây, KTS không được đặt trong vai trò một người điều phối chủ chốt. KTS thường chỉ được coi như là một người cung cấp dịch vụ, tham gia vào một giai đoạn nhất định của toàn bộ quá trình xây dựng. Kiến trúc là một sản phẩm có thể được mua và thay đổi theo ý muốn của chủ đầu tư, chính vì vậy một bố cục độc đáo và mạch lạc xuyên suốt từ đầu đến cuối cho đến khi bàn giao nội thất của một tòa nhà đã mất đi ý nghĩa.

Đây là lý do tại sao những thành tựu thiết kế đẹp nhất của các KTS thường chỉ được tìm thấy ở những dự án nhà ở cá nhân, nơi mà quy mô thực thi kiến trúc vẫn nằm trong tầm quản lý và quyền kiểm soát của KTS. Văn hóa chắp vá, bổ sung vật liệu và thêm thắt biểu tượng là những điều chiếm ưu thế ở đây (một số KTS lợi dụng điều này để bao biện cho sự thiếu nghiêm ngặt của họ…).

Phương pháp “Ít là nhiều hơn” thực sự rất khó để áp dụng ở đất nước này, nơi mà sự tích lũy của cải và biểu tượng lại là dấu ấn thành công …

Các KTS Việt Nam của Tropical Space, Võ Trọng Nghĩa và 1 + 1> 2 đang phát triển các dự án có mối quan hệ mật thiết với đất (đất và gạch của Tropical Space) và thiên nhiên (thảm thực vật trong các tòa nhà của Võ Trọng Nghĩa) đưa ra một cách tiếp cận nhạy cảm đối với hệ sinh thái.

Phương châm thiết kế của họ là xây dựng đơn giản và hợp tác với các ngành công nghiệp địa phương. Có rất nhiều KTS trẻ tài năng khác theo đuổi phương châm thiết kế của họ. Những công ty kiến trúc này thực sự đã thành công trong việc tạo ra một văn hóa công ty:

  • Văn hóa công ty được xây dựng dựa trên bí quyết, kinh nghiệm, phương pháp và sự nghiêm ngặt mang tính xây dựng, sự đồng hành xuyên suốt, sự trao đổi liên tục với các đơn vị kỹ thuật người xác định bộ xương, cơ thể và chất liệu của một tòa nhà với các KTS;
  • Một văn hóa công ty mà có thể nhận thấy ngay từ những sản phẩm được sản xuất ra và dễ dàng nhận diện qua phong cách đồ họa của các dự án;
  • Văn hóa công ty được xây dựng dựa trên những suy ngẫm, phương pháp làm việc, tính hợp lý trong những trao đổi với các chủ hợp đồng và các đối tác kỹ thuật và thông qua quá trình sáng tác và phát triển các dự án.
Nhà anh Hùng ở Làng Mít (Sơn Tây) – Văn phòng kiến trúc 1+1>2

Việt Nam cần thay đổi….

Xã hội Việt Nam bị cách ly với thế giới bên ngoài bởi những năm chiến tranh dài đằng đẵng nhưng trong vòng 20 năm qua đã không ngừng đổi mới. Trong bối cảnh như vậy, những người khéo léo nhất sẽ là người chiến thắng và người nhanh nhạy nhất, sẽ là những chủ nhân. Có một sự chuyển động liên tục và kéo theo tính cấp bách trong việc đáp ứng nhu cầu xây dựng ở đây mà nhiều chuyên gia nước ngoài khó lòng theo kịp khi mới đến Châu Á. Ví dụ như thông thường ở các nước Châu Âu, người ta sẽ mất 8 tháng để thực hiện nghiên cứu khả thi nếu mọi thứ đều diễn ra thuận lợi, nhưng riêng với Việt Nam, các chủ đầu tư sẽ yêu cầu hoàn thành tất cả các nghiên cứu trong vòng chưa đầy 6 tuần.

Điều này đòi hỏi sự chuyên nghiệp xuất sắc, sự khéo léo tuyệt vời và kỹ năng vượt trội để không bị vấp vào lối mòn tạo ra những sản phẩm sao chép giống hệt nhau mà rất nhiều đơn vị thiết kế đã vấp phải trong hoàn cảnh này (khi bị khống chế về thời gian).

KTS được coi như các đối thủ trong những môn thể thao cao cấp, được ví như là lãnh chúa ở châu Á. Sự phát triển xây dựng trong bối cảnh toàn cầu hóa ở Việt Nam đã đòi hỏi triển khai các dự án với một tốc độ chóng mặt mà văn hóa phương Tây không thể biết đến, do đó, nhiều người trong số họ không được chuẩn bị tốt để có thể theo kịp thực tiễn đó.

Trong nhiều năm, tôi đã quan sát hiện tượng này và ngưỡng mộ tốc độ làm việc của các đồng nghiệp châu Á của tôi, những người có khả năng quản lý để huy động được các đội ngũ triển khai và cộng tác viên trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục. Tôi không chắc liệu cách làm này có đúng cách hay không, khi ta thử nhìn xa hơn và đo lường kết quả trong một khoảng thời gian dài hạn.

Có lẽ chúng ta có thể dần lo lắng về điều đó nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận điều đó. Tôi chỉ suy ngẫm rằng sự cân bằng của các thế mạnh đang dần thay đổi.

Trong một nước Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ này, nhiều đơn vị đã xây dựng một nét văn hóa công ty như vậy để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện tại, những công ty này chắc chắn sẽ còn năng động hơn trong thời kỳ hậu Covid-19 sắp diễn ra.

Olivier souquet – Công ty Deso Asia
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2020)