Vì sao phải xanh?

 “Xây dựng xanh” là một chủ đề được nói đến rất nhiều ở Singapore trong 10 năm qua và đã trở thành tiêu chí mà nhiều chủ đầu tư bất động sản nước này theo đuổi, là căn cứ để giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Ở Việt Nam, “xây dựng xanh” cũng đã bắt đầu được thực thi dù hãy còn khá ít ỏi.

Càng giàu càng nghĩ cách tiết kiệm

Vườn trên cao ở dự án Mulberry Lane (Hà Đông) được chứng nhận Green Mark của BCA. Ảnh: Mulberry Lane

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại mang câu chuyện xây dựng xanh, xây dựng cuộc sống thông minh để bàn ở đây; phải chăng đó chỉ là câu chuyện của một quốc gia phát triển như Singapore, khi mà mọi yêu cầu và chuẩn mực của cuộc sống đã ở mức cao?

Singapore đặt tiêu chuẩn “xây dựng xanh”, hướng tới những công trình tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường như một đòi hỏi tất yếu của cuộc sống. Quốc gia bé nhỏ với diên tích 697 km2, dân số 5,1 triệu người khác hẳn Việt Nam là không có bất kỳ nguồn năng lượng sơ cấp nào để có thể khai thác như dầu mỏ, than đá hay thủy điện, và vì vậy, việc sản xuất hay sử dụng năng lượng ở Singapore không thể nào rẻ được.

Giá điện ở Singapore bình quân ở mức 21 cent Mỹ/kWh, cao gấp 2,8 lần với mức giá bình quân hiện hành ở Việt Nam là 7,5 cent/kWh. Nhưng Chính phủ và người dân Singapore đã tính đến chuyện tiết kiệm năng lượng từ lâu và phấn đấu không mệt mỏi vì mục tiêu này trong hàng chục năm qua.

Theo một nghiên cứu được Cơ quan xây dựng quốc gia Singapore (BCA) công bố, GDP năm 2015 của Singapore ước tính khoảng 467,2 tỉ đô la Mỹ và GDP bình quân đầu người khoảng 56.112 đô Mỹ/năm. Việt Nam có thu nhập GDP bình quân đầu người thấp hơn Singapore gần 20 lần và giá điện ở Việt Nam hiện đang tiến dần theo giá thị trường. Có nghĩa là trong một vài năm tới, người dân Việt Nam phải chịu giá điện ở mức cao hơn hiện hành. Như vây, vấn đề tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí là một câu chuyện hoàn toàn thực tế.

Nhưng vấn đề là làm cách nào để tiết kiệm năng lượng? Singapore không hô hào chung chung, không phó mặc chuyện tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp hay các hiệp hội doanh nghiệp mà chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư vào việc xây mới các tòa nhà xanh và cải tạo các tòa nhà cũ hướng đến chứng chỉ “Green Mark” với mục đích tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cao sức khỏe và môi trường sống cho người dân. Ở Việt Nam hiện nay người ta bàn rất nhiều đến chuyện giảm tổn thất điện năng từ mức hơn 10% của những năm trước xuống 8,5% trong năm 2014, và đây được xem là chuyển biến tích cực.

Xanh hóa cuộc sống

Để tạo ra các tòa nhà xanh, các tòa nhà thông minh, Chính phủ Singapore thành lập Cơ quan xây dựng quốc gia Singapore (BCA) và bắt tay vào thực hiện chương trình “Green Mark” suốt 10 năm qua. Mục tiêu của họ, như lời phát biểu của tiến sĩ John Keung, Giám đốc điều hành BCA trước hơn 1.000 quan khách từ các quốc gia trên thế giới về Singapore dự hội nghị này hôm 2-9, là: “ Với những chính sách xây dựng và năng lượng xanh, chiến lược giám sát thật hiệu quả, vững chắc, chúng ta sẽ giúp cho Singapore phát triển ổn định và bền vững”.

Con số cụ thể mà BCA hướng tới là năm 2030, sẽ có đến 80% các toà nhà xanh được xây mới và cải tạo ở Singapore có chứng chỉ của BCA. Hiện nay, BCA đã xây dựng được 9 bộ tiêu chuẩn công trình xanh cho chín loại hạ tầng công trình và quy hoạch hạ tầng đô thị. Trong các tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency – EE) có tỉ trọng lớn nhất.

Ví dụ như để đạt chứng nhận của BCA hoặc đạt giải thưởng cao của chính phủ thì các tòa nhà mới xây dựng phải có điểm EE nói trên chiếm 79/140 điểm. Các tiêu chí còn lại chỉ chiếm 40%. Năm 2012, có 1.500 toà nhà ở đây được cấp chứng chỉ Green Mark. Con số này của năm 2014 đã gia tăng thêm 15%.

Muốn đạt được chứng nhận Green Mark, các tòa nhà phải đáp ứng được tiêu chí sau: hiệu quả về sử dụng năng lượng, hiệu quả về sử dụng nước, quản lý và phát triển dự án, chất lượng môi trường bên trong các tòa nhà, bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó là tiêu chí mang tính đổi mới trong thiết kế, xây dựng.

Từ năm 2016, mỗi tòa nhà tại Singapore sẽ được lắp đặt thử nghiệm một thiết bị ngoài trời trang bị hệ thống đo đạc tiên tiến để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng của tòa nhà, phân tích từ các thông số làm mát, chiếu sáng, độ phủ xanh….

Tất nhiên, giá thành xây dựng các tòa nhà theo tiêu chuẩn xanh đắt hơn các công trình xây dựng các tòa nhà cao tầng thông thường khác ít nhất từ 10% đến gần 30%.

Các tòa nhà văn phòng được xây mới, các tòa nhà thương mại, các tòa nhà cũ được cải tạo đều có thể đặt và thực hiện các tiêu chuẩn này. Sắp tới, BCA sẽ xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá xanh cho trường học và bệnh viện.

Chi phí tốn kém, nhưng điều đó không có nghĩa là ở Việt Nam, không thể xây dựng được các công trình kiểu này. Bằng chứng là tại TPHCM có tòa nhà The Estella ở Quận  2 do công ty Keppel Land xây dựng đã đạt chứng nhận Green Mark của BCA hồi tháng1-2015. Tại Hà Nội có dự án Muberry Lane ở Quận Hà Đông cũng đạt chứng chỉ này.

Các công trình xây dựng xanh đạt tiêu chuẩn Green Mark có thể đắt tiền chi phí đầu tư ban đầu nhưng hiệu quả của nó mang lại rất lớn. Chính chủ đầu tư dự án The Estella viết trên website của mình rằng: công nghệ xây dựng hiện đại theo tiêu chuẩn xanh giúp tiết kiệm mỗi năm ít nhất khoảng  23% chi phí sử dụng năng lượng và 48% chi phí sử dụng nước. Như vậy dự tính mỗi năm dự án này tiết kiệm được hơm 572.000 đô la Mỹ.

Singapore là quốc gia chủ trương tự do hóa về kinh tế và môi trường kinh doanh, song lại giám sát chặt chẽ các tiêu chuẩn xây dựng và năng lượng hiệu quả. Điều đó đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển bền vững quốc gia.

Còn ở Việt Nam, nếu chúng ta chỉ hô hào tiết kiệm năng lượng mà không có tiêu chí đánh giá, không có tiêu chuẩn xanh trong thiết kế công trình, đưa ngay vào thiết kế cơ sở 1/500 hoặc có quy hoạch xanh ở một vài vùng miền nhưng không được thực hiện nghiêm túc thì cái giá đắt phải trả cho tiêu thụ năng lượng, cho ô nhiễm môi trường hiện tại và tương lai là tất yếu.

Xem thêm: Trao đổi về đào tạo kiến trúc xanh ở Việt Nam: Người thiết kế kiến trúc cần trang bị những kiến thức gì?

Theo Ngọc Lan/ thesaigontimes