Viết báo và làm báo kiến trúc

… “Thời gian như con thoi, trôi đi rồi trở về với ký ức… Cho ta những mốc thời gian vĩnh hằng…”

Năm thứ 4, ĐH Kiến trúc La Habana (1970-1971), thày giáo dạy môn Lịch sử Kiến trúc Roberto Segre ra đề tiểu luận cho khóa chúng tôi: Đến xem một triển lãm Mỹ thuật có tiêu đề là “Participacion” (Tham nhập – Ngày nay người ta gọi là Nghệ thuật Sắp đặt –Installation Art) rồi về viết tiểu luận. Tôi đến xem và nhận ra ý niệm quan trọng của triển lãm là: Có người xem – tham nhập tác phẩm, thì có nghệ thuật, người xem rời đi, nghệ thuật cũng biến mất. Tôi đưa ý đó vào tiểu luận của mình rồi đem nộp.

Rồi một hôm, thày gọi tôi lên phòng bộ môn (hồi đó tôi đang là phụ giảng môn lịch sử -instructor) đưa cho tôi tờ Tạp chí Kiến trúc Argentina và nói: “Trong đó có bài tiểu luận của em, thày có sửa một ít cho hợp và đúng văn phạm”. Tôi ngớ người, đần mặt vì hạnh phúc và chỉ biết cảm ơn thày. Đó là bài báo đầu tiên trong đời của tôi.

Một bài viết của KTS Nguyễn Luận trên TCKT năm 2004

Khi về nước, bài báo đầu tiên là viết cho Tập san Kiến trúc (hồi đó còn chưa gọi là Tạp chí), giới thiệu về Giải thưởng Kiến trúc UIA 1972 của tôi. Rồi viết cho báo Nhân dân với tiêu đề “Nhà ở”, báo Lao động, báo Thể thao – Văn hóa, Tia Sáng… nhiều bài với nội dung chủ yếu là Thiết kế đô thị và Thẩm mỹ đô thị. Nhưng thích và vừa ý nhất vẫn là các bài được đăng trên Tạp chí kiến trúc – Bởi đó là báo “của mình”, kiến thức chuyên môn của giới mình. Trước khi về làm việc ở Tạp chí Kiến trúc (TCKT) tôi cũng đã viết nhiều bài cho TCKT, như các bài: “Đi-dai – Đi-dai cơ sở và nghệ thuật thị giác” (1982), “Quan niệm Âm Dương về quy hoạch và kiến trúc nông thôn”, “Cân bằng sinh thái và cấu trúc đô thị”, “Các giá trị thẩm mỹ của đường nét”,… nhưng ấn tượng và nhớ nhất là bài “Le Corbusier – Cái giá của sự nổi tiếng”. Nguyên bài này tôi viết khi anh Tôn Đại mời viết tham luận Hội thảo của Hội KTS Việt Nam (năm 1987) về Le Corbusier nhân 100 năm ngày sinh của ông (1887 – 1987). Nội dung bài báo phê phán hầu hết các quan niệm của Le.Corbusier, từ quan niệm “Nhà là cái máy để ở” (không phải nguyên gốc của ông, mà là của Sant’Elia, thủ lĩnh của Kiến trúc Vị lai trước với câu nói: “Ngôi nhà của Kiến trúc Vị lai tựa như một cái máy khổng lồ” – Lịch sử kiến trúc hiện đại, trang 461); hay câu nói của Le.Corbusier: “Kiến trúc là sự sắp đặt đúng đắn và tuyệt vời của hình khối được tập hợp dưới ánh sáng”, (cũng không phải nguyên gốc của Le.Corbusier, mà là của Adolf Loos, 1870-1933)… Nhiều và rất nhiều phản biện “chống” lại Le.Corbusier, nên lúc bấy giờ nhiều người cho rằng tôi hạ bệ thần tượng của họ, nên không ưa tôi. Điều mà tôi muốn nói ở đây là 10 năm sau, năm 1997, khi TCKT đăng bài này, anh Đoàn Đức Thành biên tập và cũng chịu không ít lời ra tiếng vào (bây giờ người ta gọi là “ném đá”). Điều này làm tôi yêu và quý TCKT hơn.

Rồi tôi về TCKT làm báo với vai trò Thư ký tòa soạn, theo lời khuyên của anh Trực Luyện và anh Hoàng Đạo Kính. Tạp chí lúc bấy giờ hai tháng 1 số, lượng phát hành độ 2000, in đen trắng. Với kiến thức và kinh nghiệm cá nhân, viết báo đối với tôi không quá khó – Khó là do mình muốn rộng hẹp, kỹ lưỡng hay tổng quát đối với từng đề tài hay đối tượng. Nhưng làm báo thì thật là mới và khó. Trong một dịp sinh hoạt của Hội KTS Việt Nam, tôi gặp nhà báo Nguyễn Trọng Chức, hồi đó đang là Thư ký Tòa soạn tờ Nhà Đẹp, tờ báo “hot” nhất với số lượng phát hành mấy chục ngàn số. Tôi trao đổi với anh về làm báo. Cũng không có gì nhiều, nhưng qua đó tôi nhận ra TCKT cần phải:

– Đẹp, sang và khác;

– Ảnh đẹp, màu, bài viết phải sâu sắc, có vấn đề;

– Tôn vinh kiến trúc hiện đại, cảnh báo kiến trúc nhại cổ, góp phần định hướng phát triển kiến trúc;

– Phản ánh tình hình và hiện trạng kiến trúc trên toàn quốc;

– TCKT cần tập hợp nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, viết về văn hóa và kiến trúc dẫu rằng TCKT có một khung bạn đọc hạn chế;

– Tôn vinh công trình kiến trúc hiện đại mới trong nước cùng các KTS tác giả. Dần dần hình thành tuyển tập các thể loại công trình và các KTS ở các thế hệ khác nhau trong nước. Trước hết cần tập trung vào các gương mặt trẻ;

– Thay mặt anh em trong giới KTS, đọc và dịch các vấn đề, sự kiện và công trình kiến trúc quốc tế mới và trên các tạp chí kiến trúc quốc tế;

– TCKT không chỉ là truyền thông, mà còn là một “cẩm nang” hành nghề.
Đó không phải là định hướng hay tôn chỉ gì cả, chỉ là những ý nghĩ lởn vởn trong đầu khi làm báo, bởi các vấn đề về nhiệm vụ, chức năng thì đã có sẵn, cứ thế mà làm. Rồi TCKT thành nguyệt san, in màu, lượng phát hành lên đến 4 – 5000. Các cuộc điền dã của phóng viên tạp chí đến các tỉnh từ Bắc chí Nam, trang đen xuất hiện, hệ thống cộng tác viên có tiếng như các anh Thụy Kha, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Lương Xuân Đoàn… đều tích cực tham gia. Nhiều việc làm được, cũng nhiều việc không thành.

Nhưng làm báo không chỉ có thế. Tạp chí là truyền thông, truyền thông là mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm báo tài năng. Điều này tôi học mãi mà không thành. Tôi gặp gỡ thường xuyên với KTS Nguyễn Quốc Thông, hồi đó là Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng, bây giờ là Tổng biên tập TCKT. Trao đổi với anh nhiều về cách làm báo và rất phục cách làm báo của anh. Hồi đó cũng làm được một số chuyện, như sự kiện Kỷ niệm TCKT 20 năm, Cuộc thi Bông mai Vàng…nhưng không cải thiện được nhiều cuộc sống của tạp chí. Cũng đã phải từ chối nhiều trang quảng cáo mà kiến trúc nhại cổ, kém chất lượng. Cái khó khi làm báo kiến trúc chính là khung bạn đọc hạn chế, mà phải chuyên về nghề. Mở rộng khung bạn đọc thì phải giảm nghề…Tôi cũng đã xin lập một trang web riêng, nhưng không hiểu vì sao lãnh đạo không cho phép, dẫu kinh phí là tự lo…

Bây giờ, cứ hỏi một KTS rằng khi có một cuốn TCKT trong tay, thì anh ta có đọc hết, xem hết tạp chí hay chỉ lật trang, lật trang?!! Đó cũng chính là điều trăn trở nhiều nhất của tôi khi còn làm báo.

TCKT bây giờ trưởng thành rất nhiều, mạnh hơn rất nhiều. Hy vọng mỗi số tạp chí luôn là người bạn được mong chờ nhất của mỗi KTS, sau 35 năm TCKT “vẫn chạy tốt”, và các thành viên TCKT sống tốt với nghề làm báo!

*KTS Nguyễn Luận 

Nguyên Phó Tổng Biên tập TCKT những năm 2004 -2006

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2018)